Hội thảo do ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ông Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì.
Quá trình lấy ý kiến vào Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đã nhận được hàng trăm lượt ý kiến góp ý của cán bộ, đoàn viên Công đoàn các cấp. Nhiều ý kiến rất tâm huyết, có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn đã được Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện nội dung dự thảo.
Để hoàn thiện dự thảo, tại hội thảo lần này, Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị các đại biểu tiếp tục có những ý kiến góp ý vào Dự thảo 3, Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung, cụ thể là một số vấn đề về các nội dung như:
Phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam, đặc biệt điều kiện, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam đối với thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi họ có nguyện vọng (tại Điều 1 và Điều 3 của Dự thảo 3).
Quyền của đoàn viên Công đoàn, đặc biệt là quyền được tạm dừng sinh hoạt, tạm dừng đóng Công đoàn phí khi bị mất việc làm tạm thời; quyền được miễn giảm Công đoàn phí đối với đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; quyền được tiếp tục tư cách đoàn viên mà không phải kết nạp lại đối với đoàn viên Công đoàn được hưởng chế độ hưu trí nhưng vẫn tiếp tục làm việc theo hợp đồng... (tại Điều 2).
Về điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở, đặc biệt là quy định về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (tại Điều 17, Điều 18)…
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - mong muốn các đại biểu phát biểu đi thẳng vào vấn đề, nêu rõ ý kiến nội dung nào được hay không được, bổ sung gì, bỏ bớt gì để chính các đại biểu nhận diện một cách đầy đủ hơn các nội dung của dự thảo.