Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, tại cuộc làm việc về công tác phát triển đoàn viên, tổ chức Công đoàn ở Đắk Lắk vừa diễn ra.
|
Đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo Đắk Lắk cần bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình để phát triển tổ chức Công đoàn. Ảnh: ĐVCC |
Tại tỉnh Đắk Lắk, đoàn công tác của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam do đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và LĐLĐ tỉnh này về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và công tác cán bộ trong tình hình mới.
Tham gia buổi làm việc có các đồng chí H’Lim Niê - Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đắk Lắk; lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Cần bám chắc địa bàn để phát triển tổ chức Công đoàn
Tại đây, các đại biểu đã thông tin tình hình, kết quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đồng thời trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc và để xuất giải pháp, cách làm mới để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Chủ trì buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ với những khó khăn trong việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở Đắk Lắk. Đây cũng là những khó khăn chung của Công đoàn ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở của các cấp Công đoàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua được quan tâm, chú trọng và đạt kết quả tích cực.
|
Trong 7 tháng đầu năm 2024 công đoàn các cấp đã tuyên truyền, vận động 5.220 người lao động gia nhập Công đoàn, thành lập 22 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở. Ảnh: ĐVCC |
Để triển khai hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam – Phan Văn Anh định hướng một số cách làm để các cấp Công đoàn tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, phù hợp tại địa phương.
Cụ thể, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghị quyết của Trung ương về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công Đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để kịp thời nắm bắt thông tin về doanh nghiệp, người lao động. Nhất là thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế tỉnh để nắm chắc từng doanh nghiệp tăng thêm, số công nhân lao động.
“Công đoàn cần bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, rà soát kỹ lưỡng, đến tận doanh nghiệp để khảo sát thực tế. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở. Đặc biệt, quan tâm phát triển đoàn viên Công đoàn ở vùng sâu vùng xa”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Theo đồng chí Phan Văn Anh, các cấp công đoàn cần sâu sát, nắm rõ hoàn cảnh của cũng như tâm tư nguyện vọng của người lao động. Tiếp tục tập trung làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động để lan tỏa hình ảnh, vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn.
Nguồn lực cho hoạt động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở phải được ưu tiên bố trí phù hợp. Sau khi thành lập cũng phải có bố trí nguồn kinh phí để công đoàn cơ sở đi vào hoạt động ngay…
|
Đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (bên phải) và đồng chí H’Lim Niê – Ủy viên Thường trực Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đắk Lắk chủ trì buổi làm việc. Ảnh: ĐVCC |
Nhiều nỗ lực của Công đoàn Đắk Lắk
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk – đồng chí Lê Văn Thành thông tin, đơn vị hiện quản lý 21 công đoàn cấp trên cơ sở, có tổng số 1.823 công đoàn cơ sở với 81.400 đoàn viên. Tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động được quan tâm và có bước cải thiện đáng kể. Hiện mức lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần có góp vốn của Nhà nước khoảng 8,03 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước khoảng 7,59 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài khoảng 6,6 triệu đồng/tháng.
Các cấp Công đoàn trong tỉnh này đã đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thời gian qua. Từ đó thu hút, tập hợp được đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2024, công đoàn các cấp đã tuyên truyền, vận động 5.220 người lao động gia nhập Công đoàn. Nhờ vậy, số đoàn viên toàn tỉnh đã tăng thêm 2.534 người. Đơn vị này cũng thành lập mới được 20 công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Trong đó, có 11 công đoàn cơ sở có từ 25 đoàn viên trở lên. Đồng thời, thành lập mới được 2 nghiệp đoàn cơ sở với 82 đoàn viên.
|
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk – đồng chí Lê Văn Thành dự "Bữa cơm Công đoàn" tại doanh nghiệp. Ảnh: ĐVCC |
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk cho biết, để có kết quả trên, các cấp công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn.
Công đoàn cũng vận động và phối hợp với người sử dụng lao động trong doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ chính sách cho người lao động theo quy định. Hỗ trợ, tạo thuận lợi để người lao động thực hiện quyền gia nhập Công đoàn, thành lập tổ chức và hoạt động Công đoàn tại doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ công đoàn từ tỉnh đến cơ sở hầu hết đã nêu cao trách nhiệm, phát huy được vai trò trong công tác này.
Dịp này, LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần thống nhất chủ trương cho LĐLD tỉnh này thành lập Công đoàn các khu công nghiệp để thuận lợi cho công tác tuyên truyền, vận động kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm giao 12 biên chế cho các công đoàn ngành địa phương thuộc LĐLĐ tỉnh; hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc đối với cơ quan công đoàn các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn theo quy định của pháp luật; bổ sung khen thưởng chuyên đề công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở vào quy chế khen thưởng thường xuyên của tổ chức Công đoàn...