Sign In

Nhận thức rõ “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền của các dân tộc thiểu số” và ngăn chặn âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá Việt Nam hiện nay

10:00 20/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Việc tráo đổi nội dung giữa hai khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số” trong một quốc gia thống nhất, đa dân tộc là một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước ta hiện nay. Bài viết tập trung làm rõ những nội dung này cả trong lý luận và thực tiễn hiện nay.

 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển _ Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

 

1. Mở đầu

“Chủ quyền” hay “nhân quyền”; “quyền dân tộc tự quyết” hay “quyền của các dân tộc thiểu số”… là những nội dung mà các thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách lợi dụng để chống phá Việt Nam.

Luận điệu mà chúng thường rêu rao và kích động là, một số dân tộc như người Chăm ở Tây Nam Bộ, hay các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên có lịch sử lâu đời và văn hóa truyền thống đặc sắc, và theo thế giới ghi nhận trong các công ước quốc tế (như: Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa…) thì, có đủ điều kiện và quyền thành lập các quốc gia dân tộc độc lập và có chủ quyền; được tự chủ trong quyết định thể chế chính trị, đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Chúng tuyên truyền rằng, những quyền này đã được thế giới ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc; Công ước về các quyền dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây là một trong những thủ đoạn hết sức thâm độc nhằm gây chia rẽ, kích động hằn thù dân tộc, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ở Việt Nam.

2. Cơ sở nhận thức và phê phán, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền của các dân tộc thiểu số” ở Việt Nam

Thứ nhất, thực tiễn lịch sử cho thấy, cùng với sự phát triển của CNTB, thì việc xâm chiếm, áp bức dân tộc, áp đặt chế độ cai trị hà khắc ở hầu hết các lục địa trên thế giới với những hình thức thuộc địa, lệ thuộc; sự xâm lăng và áp đặt chính sách nô dịch về văn hóa lên hầu hết các thuộc địa, lệ thuộc đã làm mất đi tính đa dạng về văn hóa và hạn chế trong khuynh hướng phát triển theo đặc thù của từng quốc gia dân tộc. Điều này đã dẫn tới nhu cầu về “quyền dân tộc tự quyết” của mỗi quốc gia dân tộc.

Trước thực tế trên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng và từ thực tiễn nước Nga đầu thế kỷ XX, V.I. Lênin đã chỉ rõ: một trong những nguyên tắc cơ bản trong vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc mà những người dân chủ ‐ xã hội phải chú ý là quyền tự quyết của mỗi dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế vô sản; đồng thời, trong giải quyết quyền trên phải tăng cường thực hiện liên minh chặt chẽ giữa công nhân và nông dân thuộc tất cả các dân tộc trong cuộc đấu tranh tự giải phóng khỏi mọi ách áp bức xã hội, áp bức dân tộc, cũng như phải đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa dân tộc tư sản và chủ nghĩa sô vanh nước lớn cũng như chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.

Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế, “quyền dân tộc tự quyết” là quyền của các quốc gia dân tộc được tự lựa chọn và thiết lập thể chế, chế độ chính trị; tự lựa chọn con đường phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên cơ sở chủ quyền quốc gia dân tộc. Tính thống nhất về lãnh thổ, sự độc lập, toàn vẹn về chủ quyền quốc gia dân tộc là một trong những cơ sở quan trọng để thực hiện quyền dân tộc tự quyết của mỗi quốc gia dân tộc.

Như vậy, quyền dân tộc tự quyết luôn gắn với một quốc gia dân tộc mang đầy đủ yếu tố của một quốc gia độc lập có chủ quyền(1), trong mối quan hệ với một quốc gia dân tộc có chủ quyền khác. Tại Điều 1, Hiến chương Liên hợp quốc (năm 1945), khẳng định: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và áp dụng những biện pháp phù hợp khác để củng cố hòa bình thế giới”(4). Theo đó, hai nguyên tắc chủ chốt và nhất quán: bình đẳng và tự quyết giữa các quốc gia dân tộc và mục tiêu giữ gìn hòa bình thế giới là những yêu cầu quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới.

Năm 1966, lần đầu tiên “quyền dân tộc tự quyết” được thống nhất trong cộng đồng quốc tế và được ghi nhận trong các công ước quốc tế (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa...); theo thời gian, nội hàm của quyền trên ngày càng được hoàn thiện hơn. Ngày 24-10-1970, tại Nghị quyết số 2625 (XXV) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, thông qua Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó chỉ rõ nội hàm của “quyền dân tộc tự quyết” (nguyên tắc tự quyết của các dân tộc quốc gia) với các điểm chính như sau:

(i) “Tất cả các dân tộc có quyền tự do quyết định chế độ chính trị và theo đuổi sự phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa của mình mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài”(3).

(ii) “Việc thành lập một quốc gia độc lập có chủ quyền, sự tự do liên kết hoặc hợp nhất với một quốc gia độc lập hoặc dưới bất kỳ quy chế chính trị nào do một dân tộc tự do quyết định sẽ chính là các cách thức thực hiện quyền tự quyết của dân tộc ấy”(4).

(iii) “Không một điều nào được nói đến ở trên sẽ được hiểu là trao quyền hoặc khuyến khích bất kỳ hành động nào dẫn đến việc chia cắt, làm suy yếu toàn bộ hoặc một phần sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự thống nhất về chính trị của một quốc gia độc lập có chủ quyền thực hiện phù hợp với nguyên tắc về quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc được đề cập đến ở trên, và do đó có một chính quyền đại diện cho toàn thể nhân dân sống trên lãnh thổ đó mà không có sự phân biệt về màu da, tín ngưỡng hoặc chủng tộc”(5).

Thứ hai, cần phân biệt rõ “quyền tự quyết” của mỗi quốc gia dân tộc với “quyền của các dân tộc thiểu số” trong một quốc gia đa dân tộc.

Quyền tự do và bình đẳng của con người là yêu cầu quan trọng trong thực hiện “quyền của các dân tộc thiểu số” trong một quốc gia đa dân tộc. Điều này cũng được quy định rõ trong các công ước quốc tế. Điều 1, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Đại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (năm 1948) ghi rõ: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”(6). Điều 2 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã khẳng định: “Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”(7).

Năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ghi rõ, mọi công dân ở bất kỳ một quốc gia dân tộc nào là thành viên của Công ước cũng đều có đầy đủ các quyền được ghi nhận trong Công ước và không được có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào(8).

Thứ ba, thể chế và cơ chế thực hiện “quyền tự quyết” của mỗi quốc gia dân tộc với “quyền của các dân tộc thiểu số” trong một quốc gia đa dân tộc là hoàn toàn khác nhau.

Rõ ràng là, hai quyền trên liên quan đến hai chủ thể hoàn toàn khác nhau, do vậy, thể chế và cơ chế trong việc thực hiện và bảo đảm thực hiện mỗi quyền đều có sự khác biệt nhất định. Nếu như “quyền tự quyết” của mỗi quốc gia dân tộc được thực hiện dựa trên hệ thống thể chế pháp lý được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế, điều ước quốc tế, cùng cơ chế trong quan hệ giữa các nước là tôn trọng độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc, thể chế chính trị, thực hiện bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi; thì, “quyền của các dân tộc thiểu số” được thực hiện theo thể chế là hệ thống pháp chế riêng biệt (bao gồm: hiến pháp, các bộ luật và luật pháp… cùng các điều ước quốc tế mà quốc gia đó ký kết hoặc tham gia) của mỗi quốc gia và được thay đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình cụ thể của quốc gia đó trong từng giai đoạn nhất định. Cơ chế trong thực hiện “quyền của các dân tộc thiểu số” là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Từ những luận giải trên cho thấy, hai quyền trên (“quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số”) là hai quyền hoàn toàn khác nhau, liên quan các chủ thể khác nhau và có nội hàm hoàn toàn khác nhau, như mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Nếu “quyền dân tộc tự quyết” là quyền của một quốc gia dân tộc độc lập có chủ quyền so với các quốc gia dân tộc độc lập có chủ quyền khác trên thế giới; thì “quyền của các dân tộc thiểu số” là quyền được bình đẳng như nhau giữa các cá nhân trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, cũng như giữa các dân tộc (tộc người) trong một quốc gia đa dân tộc thống nhất.

Vậy mà, các thế lực thù địch cố tình lợi dụng, “lập lờ đánh lận con đen” giữa hai quyền trên, cả về nội hàm và ngoại diên, để rêu rao, kêu gào cần bảo đảm quyền dân tộc tự quyết của các tộc người trong một quốc gia độc lập thống nhất. Mục tiêu của chúng là nhằm phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, gây xung đột, mất đoàn kết trong một quốc gia dân tộc độc lập có chủ quyền, tạo cớ để can thiệp, lật đổ, buộc phụ thuộc.

Thực tiễn cho thấy, khi một quốc gia có nguy cơ bị quốc gia khác xâm lược, bị áp đặt hay cản trở thực hiện “quyền dân tộc tự quyết” thì mọi người thuộc mọi dân tộc (cả đa số và thiểu số) trong quốc gia đó phải tập trung lại, cùng nhau đoàn kết, đấu tranh không khoan nhượng, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng để bảo vệ đất nước, cũng như bảo vệ “quyền dân tộc tự quyết” của quốc gia dân tộc mình.

Nói đến “quyền của các dân tộc thiểu số” là nói đến quyền của các dân tộc ít người trong một quốc gia đa dân tộc - một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền, được hưởng đầy đủ các quyền một cách thực sự như các dân tộc khác theo hiến pháp, pháp luật, theo điều kiện, hoàn cảnh thực tế ở từng giai đoạn phát triển của quốc gia đó. Các quốc gia đa dân tộc không chỉ có trách nhiệm bảo đảm cho mọi dân tộc thiểu số trong quốc gia được thực hiện quyền chung, như nhau; mà còn tùy theo đặc thù phát triển của từng dân tộc (tộc người) trong quốc gia, nhà nước có những chính sách ưu tiên nhất định để thúc đẩy sự tiến bộ của nhóm các dân tộc (tộc người) kém phát triển hoặc đang sinh sống ở những khu vực khó khăn, ít có cơ hội phát triển, để dần hòa nhập các dân tộc (tộc người) phát triển khác cũng như sự phát triển chung của quốc gia. Nguyên tắc mọi dân tộc (tộc người) điều bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia dân tộc cần được thực hiện nghiêm và triệt để.

3. Việc thực hiện “quyền của các dân tộc thiểu số” ở Việt Nam hiện nay

Từ khi giành được độc lập (năm 1945) đến nay, nhất là trong giai đoạn đổi mới, Đảng, Nhà nước đã có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, ngày càng sát thực đời sống thực tiễn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Hiến pháp và hệ thống pháp luật, các quy định mang tính pháp lý ở nước ta ngày càng thể hiện rõ hơn về dân chủ, quyền dân chủ, làm chủ của người dân. Cùng với các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn quốc do có nhiều chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đã và đang làm thay đổi tích cực mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta. Qua đó, dần làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng khó khăn trở nên ít khó khăn hơn, dân tộc thiểu số dần tiến kịp dân tộc đa số. Nhân dân các dân tộc (tộc người) ngày càng đoàn kết, đồng thuận, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng; ủng hộ và tích cực thực hiện các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước; chủ động trong các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, bảo vệ trật tự và an toàn xã hội,…

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ phương châm phát triển các dân tộc (tộc người) nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (…) Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững (…) Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(9). Đây là những phương châm, định hướng trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thể hiện quyền dân tộc tự quyết trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc trong nội bộ quốc gia; đồng thời, là cơ sở để phê phán các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng Việt Nam không hoặc hạn chế quyền của các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đạt được nêu trên, ở một số địa phương, tại một vài thời điểm cụ thể, việc giải quyết vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất định như:

i) Quá trình tổ chức triển khai, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và quan hệ dân tộc ở một số địa phương còn yếu kém, thiếu sáng tạo, chưa sát thực với tình hình thực tế;

ii) Một số cán bộ làm công tác dân tộc vẫn còn những nhận thức sai lệch về dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc;

iii) Công tác quản lý xã hội ở vùng dân tộc, nhất là tại những địa bàn nhiều yếu tố bất ổn, vẫn có những điểm yếu nhất định như: chưa gần dân, sát dân; chưa kịp thời nắm bắt và giải quyết thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo;

iv) Tại một số địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vẫn còn việc chậm phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ việc phức tạp liên quan tới dân tộc, tôn giáo;

v) Một số chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc chưa đáp ứng đầy đủ tính đặc thù từng địa phương, từng vùng, từng dân tộc; chưa theo sát tình hình thực tế;…

Lợi dụng những hạn chế trên và từ thực tế Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (tộc người)(10) với sự nhận thức chưa đầy đủ về khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số” của nhân dân, nhất là một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển, với trình độ dân trí chưa cao, các thế lực phản động, thù địch đã phủ nhận những thành tựu to lớn của Việt Nam trong thực hiện chính sách dân tộc. Chúng vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, phân biệt đối xử, đàn áp đồng bào dân tộc thiểu số…; đồng thời, tìm cách “lập lờ đánh lận con đen”, đánh tráo, xuyên tạc, nhằm đồng nhất hai khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số”. Chúng kích động, xúi giục một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đòi thực hiện “quyền dân tộc tự quyết” qua ly khai, bạo loạn, đòi quyền tự quản, tự trị dân tộc với nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc cùng hình thức đa dạng để gây xung đột dân tộc (tộc người), chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá chế độ, từng bước làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là những thủ đoạn cần được nhận diện và phê phán triệt để, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu rõ để tránh bị lợi dụng.

4. Một số giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu lợi dụng âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá của các thế lực thù địch, phản động hiện nay

Phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả những thủ đoạn lợi dụng “quyền dân tộc tự quyết” hay “quyền của các dân tộc thiểu số” phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia là yêu cầu cấp thiết, quan trọng trong tình hình hiện nay. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong việc hiểu đúng, hiểu rõ “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền của các dân tộc thiểu số” theo tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc, công ước quốc tế, pháp luật Việt Nam. Khi người dân nhận thức rõ, hiểu đúng về hai quyền này và nâng cao cảnh giác thì các thế lực thù địch, phản động không còn cơ hội lợi dụng và chống phá.

Hai là, tăng cường công tác dân vận để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đồng bào các dân tộc, giải quyết kịp thời những bức xúc của đồng bào. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận và đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng nước ta.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và quan hệ dân tộc, bảo đảm lợi ích của nhân dân, các dân tộc, trong đó luôn tính đến các yếu tố đặc thù của từng vùng, từng dân tộc và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. Cần nâng cao chất lượng tuyên truyền, quán triệt và nhất là quá trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách trong thực tiễn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, góp phần bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào các dân tộc ngày càng đầy đủ theo nguyên tắc “bình đẳng, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau”. Tăng cường đề cao tinh thần đoàn kết thống nhất, tạo sự đồng thuận và tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở tôn trọng những điểm khác biệt nhất định giữa các dân tộc (tộc người) về phong tục, tập quán, văn hóa, lối sống, tín ngưỡng, tôn giáo…

Bốn là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng các chương trình giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, qua đó, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và miền núi, thúc đẩy sự phát triển bền vững, tiến bộ xã hội, từ đó củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, đồng thời, góp phần đấu tranh, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực phản động, thù địch.

Năm là, thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng cường mở rộng dân chủ, nâng cao quyền làm chủ, tự chủ và phát huy tính sáng tạo của đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Phát huy tinh thần cảnh giác của đồng bào, kịp thời phát hiện, thông tin cho chính quyền để xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền tự do dân chủ, các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước để thực hiện các hoạt động “từ thiện”, “nhân đạo” trá hình, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp hòng xuyên tạc về “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số”, mua chuộc, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số có những hành vi gây rối, bạo loạn, đòi ly khai, tự trị.

5. Kết luận

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểmsai trái, thù địch hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hiện nay; trong đó cần nhận diện và phê phán các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số”. Đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số hiện nay.

_________________

(1) Đặc trưng của một quốc gia dân tộc gồm những nét chính: i) Có chung phương thức sinh hoạt kinh tế cho phép liên kết các bộ phận, các thành viên của dân tộc (tộc người), tạo nên nền tảng vững chắc của dân tộc; ii) Có lãnh thổ chung ổn định không bị chia cắt, được thể chế hóa thành luật pháp quốc gia và được luật pháp quốc tế công nhận; iii) Có sự quản lý của một nhà nước độc lập, có chủ quyền; iv) Có ngôn ngữ chung của quốc gia (bao gồm cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết) trong mọi sinh hoạt của cộng đồng; v) Có nét tâm lý biểu hiện qua nền văn hóa dân tộc (đối với các quốc gia có nhiều tộc người thì tính thống nhất trong đa dạng văn hóa là đặc trưng) và tạo nên bản sắc riêng của văn hóa dân tộc.

(2) Xem: Hiến chương Liên hợp quốc, ký ngày 26-6-1945 tại San Francisco, có hiệu lực ngày 24-10-1945, https://thuvienphapluat.vn

(3), (4), (5) Xem: Tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Nghị quyết số 2625 (XXV) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 24-10-1970, https://thuvienphapluat.vn

(6), (7) Xem: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948), https://thuvienphapluat.vn

(8) Xem: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, https://thuvienphapluat.vn

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.170-171.

(10) Trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 87% dân số, còn lại là dân tộc thiểu số gồm 53 dân tộc khác chiếm khoảng 13% dân số.

 

 

TS NGUYỄN DƯƠNG HÙNG

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS TRƯƠNG VĂN HUYỀN

Học viện Chính trị khu vực I

Theo LLCT

Tag:

File đính kèm