Sign In

Đặt con người là trung tâm trong chiến lược phát triển

10:52 09/12/2024
Quan điểm Nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển, đã làm rõ hơn về chủ thể thụ hưởng quyền con người (QCN), đó chính là Nhân dân. ​​​​

Đây là cách tiếp cận mới không chỉ về lý luận mà còn dựa trên tổng kết từ thực tiễn sau gần 40 năm đổi mới và cả chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Cách tiếp cận này dựa trên QCN trong hoạch định chính sách phát triển; là phương pháp tiếp cận đang được Liên hiệp quốc (LHQ) cùng nhiều nước phát triển sử dụng rộng rãi trong hoạch định chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển.

 

Ảnh minh họa

Thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người

Suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, con người luôn được đặt ở trung tâm của mọi chiến lược, chính sách. Ngay sau khi là thành viên của LHQ (năm 1977), Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các công ước quốc tế về QCN.

Đối với công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay ở Việt Nam, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm QCN, “coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm QCN và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà nước ta ký kết”; con người là trung tâm trong chiến lược phát triển và luôn được lồng ghép vào mọi chiến lược và chương trình phát triển của đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu, khát vọng của các tầng lớp Nhân dân.

Nhà nước Việt Nam đã triển khai các biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư cho con người; các nguyên tắc, chuẩn mực về QCN đã được Việt Nam nỗ lực thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ ở tất cả các lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế và xuất phát từ điều kiện của đất nước, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật bảo đảm tương thích với các chuẩn mực quốc tế và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho thúc đẩy, bảo vệ QCN.

Trong lĩnh vực pháp luật, Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về QCN, thể hiện đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được thừa nhận trong Tuyên ngôn Thế giới về QCN và các công ước quốc tế chủ chốt về QCN của LHQ mà Việt Nam là thành viên. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 7/9 công ước cơ bản của LHQ về QCN; gia nhập 25 công ước của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó, có 7/8 công ước cơ bản.

Nhà nước Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về QCN; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến, khẳng định sự nhất quán QCN và quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật về QCN để bảo đảm sự tương thích với Hiến pháp 2013. Chỉ tính từ năm 2019 đến tháng 11-2023, Việt Nam đã thông qua 44 luật, trong đó có nhiều luật quan trọng liên quan đến QCN, quyền công dân”.

Trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm thực hiện các QCN cơ bản như quyền làm chủ của Nhân dân; quyền tham gia quản lý, giám sát hoạt động của Nhà nước, hệ thống chính trị; quyền bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và cùng nhau phát triển của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam; quyền được sống trong đất nước độc lập, có chủ quyền…

Trong lĩnh vực kinh tế, Nhà nước thực hiện một cách tích cực, đồng bộ trong triển khai các chương trình, mục tiêu, chính sách quốc gia như: giảm nghèo; việc làm, thu nhập; an sinh xã hội. Nhà nước công nhận và bảo đảm các QCN cơ bản như quyền về sở hữu, quyền lao động, quyền có việc làm, quyền được sản xuất - kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế….

 

Phái đoàn Việt Nam tại LHQ khi được thông báo trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với số phiếu 192/193 - Ảnh: VNA

 

Trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tư tưởng, Việt Nam luôn ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm trong thực tế mỗi người dân Việt Nam đều được hưởng các quyền tự do tín ngưỡng, văn hóa; quyền tự do đi lại; quyền được tiếp cận thông tin; quyền được học tập, giáo dục; quyền được chăm sóc về y tế, sức khỏe; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa; các quyền về an sinh xã hội; các quyền công dân cơ bản.

Bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, như: phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, xét theo các tiêu chí như: Chống phân biệt đối xử; Khả năng tiếp cận bình đẳng và chất lượng các dịch vụ, cơ hội.

Trong lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế. Việt Nam luôn tích cực, chủ động thực hiện các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm trong thúc đẩy và bảo vệ QCN trong khu vực và thế giới tại Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa của Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội và các diễn đàn khác của LHQ.

Vai trò của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện sự tín nhiệm bầu chọn vào thành viện Hội đồng Nhân quyền LHQ (2 nhiệm kì 2014-2016, 2023-2025) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2 nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021).

Có thể khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế như: hệ thống thể chế pháp lý bảo đảm QCN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; hoạt động của một số thiết chế ở Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm QCN, một số QCN mới dừng ở mức độ công nhận, việc thực thi còn khó khăn nhất định..., nhưng thành tựu trên lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm QCN của Việt Nam là không thể phủ nhận, khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về QCN là đúng đắn.

Để con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước. Trong thời gian tới, đất nước ta bước sang giai đoạn phát triển mới, thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng được xác định tại Đại hội XI của Đảng là “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển” và Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu bảo đảm, bảo vệ tốt hơn QCN trên cơ sở nhà nước pháp quyền, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu về QCN. Theo đó, cần tổ chức thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ cơ bản sau đây:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về QCN và việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm QCN. Bảo đảm QCN có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển con người toàn diện của mỗi cá nhân và sự ổn định, phát triển thịnh vượng chung của cộng đồng, dân tộc; là nguyên tắc, tiêu chí của nhà nước pháp quyền; là một yêu cầu để bảo đảm thành công cho quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Vì vậy, cần tiếp tục kiên định lập trường tư tưởng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về QCN; nâng cao nhận thức của các chủ thể trong việc quán triệt và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn trọng, bảo vệ QCN.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đối với mọi chủ thể trong xã hội, nhất là các tầng lớp nhân dân về QCN nhằm nâng cao tri thức, ý thức tuân thủ pháp luật, đồng thời mà còn là một cách thức trao quyền để người dân có thể tự bảo vệ quyền của mình và biết tôn trọng quyền và tự do của người khác.

 

Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam.

Hai là, tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền tự do cơ bản của người dân, hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế. Từ quan điểm “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân”, “hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ QCN, quyền công dân. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”.

Nhà nước cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về QCN, tiếp tục củng cố hệ thống các QCN, quyền công dân đã được hiến định. Điều này bao gồm việc bổ sung, cụ thể hóa một số QCN đã được hiến định; sửa đổi quy định về việc hạn chế QCN để phù hợp với tinh thần của luật nhân quyền quốc tế, vì lợi ích công cộng; củng cố các quy định về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm các nhóm phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, lao động di trú…

Ba là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động các thiết chế hệ thống chính trị, thiết chế xã hội bảo đảm thực hiện QCN khả thi và hiệu quả. Thời gian tới cần chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn trong việc ban hành các chủ trương, đường lối của Đảng về QCN; cần thiết nhấn mạnh vai trò lập pháp của Quốc hội trong việc ưu tiên xây dựng các đạo luật về QCN, tạo cơ sở pháp lý để tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước và toàn xã hội…

Bốn là, tiếp tục tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của LHQ có liên quan đến QCN trên tinh thần bình đẳng, tôn trong luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Tăng cường hợp tác, đối thoại với các cơ chế nhân quyền LHQ, nhất là với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ; thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo các công ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời xem xét việc gia nhập các công ước quốc tế khác về QCN. Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ; tăng cường tham gia và có đóng góp thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về nhân quyền, đặc biệt tại Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền AICHR và trong triển khai Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN; tăng cường đối thoại nhằm trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm với các nước, các tổ chức trên lĩnh vực QCN.

Năm là, tích cực, chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch trên lĩnh vực QCN để đề xuất giải pháp phù hợp. Kiên quyết bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia - dân tộc và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

PGS,TS. Lê Hải Bình

Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Theo XDĐ

Tag:

File đính kèm