Sign In

Tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật

16:43 18/12/2024
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người, đã được Việt Nam cam kết và nghiêm túc thực hiện theo nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.

Thế nhưng, thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn luôn xuyên tạc thực tế đó nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ý đồ này không ngoài mục đích hạ thấp sứ mệnh của báo chí cách mạng, phủ nhận khuynh hướng tính chính trị của báo chí cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước và sâu xa hơn, hòng làm thay đổi thể chế chính trị - xã hội ở Việt Nam.

Vẫn là chiêu trò bịa đặt, vu khống

Với tần suất chống phá ngày càng dày đặc, các thế lực thù địch đã và đang ra sức lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các thế lực thù địch rêu rao tại Việt Nam không có nền báo chí tự do. Điển hình như lấy lý do ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 362/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, ngay lập tức, lại xuất hiện trên mạng xã hội, đặc biệt là các phiên bản tiếng Việt của một số cơ quan báo chí nước ngoài những thông tin hết sức quy chụp, thiếu căn cứ...

Tương tự, các trang mạng xã hội của các cá nhân, tổ chức chống đối, gây rối, phản động cũng hùa theo rằng, “Việt Nam không có nền báo chí độc lập”, “Quy hoạch báo chí gây tranh cãi”...

Thực tế là, Quyết định số 362/QĐ-TTg đã được xây dựng kỹ lưỡng, phù hợp với sự phát triển trong tình hình hiện nay. Quy hoạch báo chí là hết sức cần thiết, khi không ít cơ quan báo chí có những biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, thương mại hóa, thông tin phiến diện, thiếu tính giáo dục... Việc tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí tại Việt Nam là để báo chí hoạt động chuyên nghiệp, lớn mạnh hơn, bắt kịp sự phát triển của báo chí thế giới...

Không dừng lại ở đó, trong thời gian gần đây, khi diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, một số tổ chức, hãng thông tấn, báo chí nước ngoài như Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ), Việt Tân, Đài Á Châu Tự do (RFA), VOA Tiếng Việt… vẫn chiêu bài cũ, giọng điệu cũ, cố tình rêu rao rằng: Ở Việt Nam “không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “không tôn trọng và không bảo đảm quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận”; “Việt Nam là một trong những nước kiểm duyệt internet gắt gao nhất thế giới…”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; hay “Đảng tiến hành kiểm soát chặt chẽ tư tưởng và quyền tự do ngôn luận, quy hoạch báo chí, đẩy các nhà báo phải tự kiểm duyệt cao độ, lùng bắt và hạn chế tối đa tiếng nói bất đồng trên mọi không gian”…

Có thể khẳng định, những thông tin sai trái, thù địch về tự do ngôn luận, tự do báo chí là hết sức nguy hiểm, như những mũi kim tiêm tẩm độc xuyên vào nhận thức, thái độ, làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của một số người thiếu bản lĩnh chính trị, dễ hoài nghi, dao động, làm phân tâm trong các giai tầng xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Thực tiễn Việt Nam và so sánh với một số quốc gia khác

Trong lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam, ngay từ rất sớm, trong Lời phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, năm 1921, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo thực dân Pháp bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận đối với nhân dân An Nam: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có. Chúng tôi không có quyền cư trú và du lịch ra nước ngoài; chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập...”[1].

Vì vậy, trong Yêu sách của nhân dân An Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi các Chính phủ trong khối Đồng minh nói chung và Chính phủ Pháp nói riêng thừa nhận các quyền cơ bản của nhân dân An Nam, trong đó có quyền tự do ngôn luận: “Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông - Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây: ... 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận”[2]. Nhất quán yêu sách đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Chương trình Việt Minh, chủ trương: “Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội cử lên sẽ thi hành những chính sách sau này: ...2. Ban bố các quyền tự do dân chủ cho nhân dân: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước, tự do xuất dương. Bỏ chế độ bắt phu và các chế độ áp bức do đế quốc đặt ra”[3].

Tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được cụ thể hóa tại Điều 10 của bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946, nêu rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này được hiến định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Việt Nam sau đó và việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí năm 2016 tiếp tục khẳng định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”. Cũng theo luật này, công dân được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí; các cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do báo chí theo quy định. Cơ quan báo chí và nhà báo được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ, không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng; được tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoạt động nghề nghiệp, không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, nền báo chí Việt Nam có sự phát triển lớn mạnh không ngừng, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ riêng tại Việt Nam, ở các quốc gia khác trên thế giới đều có quy định tương tự về tự do báo chí và ngôn luận. Điều 11, Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (năm 1789) ghi nhận: “Bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Ở Hoa Kỳ, Quốc hội nước này đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực, khiêu dâm trẻ em hay vi phạm sở hữu trí tuệ. Ở Pháp, Đức…, các bộ luật liên quan đến tự do ngôn luận đều đặt ra những giới hạn, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng tự do ngôn luận làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; đồng thời, chống lại việc vu khống, bôi nhọ, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, kích động bạo lực, gây hận thù, xâm phạm đời tư cá nhân…

Năm 2017, Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Facebook, Google, Twitter phải điều chỉnh ngay các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin xuyên tạc, tin sai sự thật, nếu không sẽ phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. Tháng 5-2023, EU lại yêu cầu các nền tảng mạng xã hội này phải có trách nhiệm pháp lý trước những thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Ở Thái Lan, chính phủ nước này đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có “nội dung không phù hợp” trên các mạng xã hội, như:

You Tube, Facebook, Line và Twitter. Ở Singapore cũng có quy định về việc nói xấu, phỉ báng, vu khống trên mạng xã hội sẽ phải đối diện án phạt đến 100.000 đô la Singapore hoặc phạt tù tới 3 năm (hoặc cả hai); tội vu khống, nói xấu được áp dụng mức phạt đến 20.000 đô la Singapore hoặc phạt tù 12 tháng (hoặc cả hai). Điều đó cho thấy, không ở quốc gia nào có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận một cách tuyệt đối; quyền tự do đó phải trong khuôn khổ pháp luật.

Từ thực tiễn trong nước cùng sự soi chiếu đối với các quốc gia trên thế giới có thể khẳng định, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của người dân Việt Nam luôn được bảo đảm. Đó là sự thật không thể xuyên tạc.

*

* *

Trong tình hình mới, việc tìm hiểu và thực hiện nghiêm túc pháp luật về tự do ngôn luận, tự do báo chí là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân. Các cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm quyền, lợi ích của Nhà nước và của tổ chức, cá nhân; không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, bôi xấu chế độ, xuyên tạc thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam, hòng gây mất niềm tin, gieo rắc sự hoài nghi, chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, hạ thấp vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Làm tốt điều đó chính là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, là tiền đề cần thiết để chúng ta bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam!

................................

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.34-35.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.468.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.629.

 

Tiến sĩ Ngô Hoàng Nam

Theo Hanoimoi

Tag:

File đính kèm