Sign In

"Cầm nang" phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

15:35 10/04/2023
Ngày 02/02/2023 vừa qua, cuốn sách   của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt bạn đọc. Từ đó đến nay, nhiều người cho rằng, cuốn sách giống như cuốn cẩm nang về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vậy, vì sao cuốn sách của Tổng Bí thư được xem như cẩm nang về phòng chống tham nhũng, tiêu cực? Nội dung cuốn sách có gì đặc sắc? Theo tôi, có mấy điểm sau:

1. Cuốn sách đã làm rõ những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay; đưa đến cho bạn đọc những thông tin chính thức về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng trong thời gian qua, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về công cuộc quan trọng này; củng cố niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách các chỉ đạo của Tổng Bí thư qua 4 Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, 2018, 2020 và 2022; trong từng phiên họp, cuộc họp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; các số liệu về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua; lý giải tại sao cùng với chống tham nhũng, lại phải chống cả tiêu cực; rồi các bài học kinh nghiệm rút ra trong 10 năm qua (8 bài học kinh nghiệm); các nhiệm vụ, giải pháp về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới (5 nhiệm vụ, giải pháp)

Cuốn sách cũng trả lời cho câu hỏi: Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Đó là, gần đây, có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Thực tiễn thì cho thấy hoàn toàn ngược lại, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân (năm 2022, GDP cả năm tăng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022). Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như có người cố tình xuyên tạc với động cơ xấu.

2. Cuốn sách cũng cho thấy, Đảng đã nhận diện đúng và ngày càng rõ ràng hơn về tham nhũng, tiêu cực

Trong bài viết mở đầu Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược!, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn một cách nôm na, dễ hiểu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”[1], “là hành động trộm cắp[2]; là “giặc ở trong lòng, giặc nội xâm[3]. Tổng Bí thư cũng giải thích, so với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và xác định đây là cái gốc của tham nhũng. Vì vậy, Tổng Bí thư kết luận: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.

3. Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu rõ tác hại của tham nhũng, tiêu cực và vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trước đây, Đảng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay Đảng nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực là làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cuối cùng là mất chế độ. Vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được Đảng ta coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn.

Tại Đại hội VI, Đảng chỉ rõ, tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước[4]; đến Đại hội XI, Đảng xác định tham nhũng “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước[5]; Đại hội XII, Đảng xác định tham nhũng “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước[6]. Đặc biệt, từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là “một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam[7]; đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta[8] và đến nay, Đại hội XIII của Đảng xác định tham nhũng “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ[9]. Điều đó cho thấy, Đảng ta luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất.

Trước đây, Đảng ta xác định “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta[10]; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Qua 20 năm đổi mới, Đảng ta nhận thức, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời yêu cầu phải gắn chống tham nhũng với chống lãng phí. Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được nhận thức là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc[11]. Do đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều bàn và ra nghị quyết, chỉ thị, kết luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trước đây, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu tập trung trong khu vực nhà nước với các hành vi: tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước. Hiện nay, tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra trong các hoạt động thuộc khu vực nhà nước, mà còn có sự giúp sức, hỗ trợ đắc lực của các đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước. Sự cấu kết giữa những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất trong khu vực nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước là một dấu hiệu có tính phổ biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, tiêu cực (Vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á đã làm tha hóa nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương, với số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người, trong đó đã xử lý kỷ luật, xử lý hình sự 3 ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy; 3 thứ trưởng; 3 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang và đến nay đã xử lý hình sự 99 trường hợp. Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan đã khởi tố 40 bị can, trong đó có 2 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng, 1 trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, 2 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, 2 vụ trưởng, cục trưởng,...). Do đó, Đảng đã từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực nhà nước để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Đặc biệt, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được gắn với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ: nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng. Đây là lý do từ tháng 9/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực.

4. Cuốn sách cũng khẳng định, để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, với nhận thức: đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Đảng ta đã đề ra mục tiêu tổng quát, định hướng toàn bộ phương châm, tư tưởng hành động và các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đó là: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính[12]. Nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng.

Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt là kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách.

Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không ngừng đổi mới cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo, lập lại Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Năm 2022, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

5. Cuốn sách cũng chỉ rõ, cùng với chủ động phát hiện, cần xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm nghiêm minh nhưng rất nhân văn

Thực tiễn cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng đi vào chiều sâu, quan điểm chỉ đạo của Đảng ngày càng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ với tham nhũng, tiêu cực. Các biện pháp chính trị tư tưởng, tổ chức hành chính, kinh tế, hình sự thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật.

Sự phát triển về nhận thức, tư duy của Đảng còn thể hiện ở việc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Điểm đột phá và cũng là dấu ấn nổi bật, đó là công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, nghiêm minh từ trên xuống dưới. Điều đó cho thấy rõ quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây không chỉ là tuyên ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế.

6. Cuốn sách cũng đặt ra nhiệm vụ, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cùng với việc kiện toàn cơ chế nhằm phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, Đảng cũng đã rất chú trọng công tác xây dựng, từng bước hoàn thiện thể chế để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Từ năm 2012 đến nay, Trung ương Đảng và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể khẳng định: cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tương đối đầy đủ, cần sự thống nhất cao về ý chí, hành động và tổ chức thực hiện để bảo đảm hiệu quả.

Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được Đảng thực hiện công khai; chủ động cung cấp thông tin đối với những vấn đề nhạy cảm, dư luận quan tâm, qua đó góp phần định hướng dư luận xã hội và thể hiện sự minh bạch trong xử lý tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tuyên truyền, vừa tích cực đấu tranh, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng là vấn nạn của nhiều quốc gia, do vậy Đảng đã chỉ đạo từng bước đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ các đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài.

7. Cuốn sách cũng truyền thông điệp của Tổng Bí thư là phải nhất quán phương châm: không dừng, không nghỉ, phải làm lâu dài, quyết liệt, kiên trì, bền bỉ và đồng bộ; phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, gắn kết chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trong đó phòng là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với “chống” là “xây”, cùng với “đẩy lùi” là “ngăn chặn”, cùng với xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc là phòng ngừa, giáo dục, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực, làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cán bộ, đảng viên; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với phòng, chống tiêu cực, với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bởi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng; lợi ích về kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, với chức vụ, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống.

 Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc gian nan, khó khăn và lâu dài, không phải của riêng một người, một cơ quan hay một ngành, mà là công việc của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Với những nội dung cơ bản trên, cuốn sách của Tổng Bí thư xứng đáng là một cuốn cẩm nang về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là một tài liệu thật sự quý để chúng ta đọc, thấm và vận dụng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

ThS. PHẠM THỊ THINH

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 7, tr. 355.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 70.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 362.

4.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 47, tr. 353.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 173.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 196.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 53, tr. 198.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 60, tr. 72.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 93.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 55, tr. 237.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr. 193.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 65, tr. 522.

 

Tag:

File đính kèm