Sign In

Công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình người có công với cách mạng

14:42 22/07/2024
Chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng là công cụ quan trọng trong việc quản lý xã hội, pháp luật về ưu đãi người có công nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người và gia đình người có công, tạo sự đồng thuận cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.

 

Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công, đối tượng chính sách người có công với cách mạng được mở rộng, thể hiện rõ tính công bằng, tôn vinh sự cống hiến và tiến bộ xã hội; được người có công, thân nhân người có công và xã hội đồng tình, ủng hộ; việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng; đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hằng năm, Nhà nước đều ưu tiên nguồn lực để thực hiện chính sách, chế độ và  điều chỉnh mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mức chuẩn trợ cấp năm 2020 là 1.624.000 đồng, nay là 2.055.000 đồng, ngân sách nhà nước chi trên 30.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ ưu đãi đối với người và gia đình người có công; đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020 Nhà nước dành hơn 11.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở đối với gần 400.000 hộ người có công có khó khăn về nhà ở; hằng năm, Chủ tịch nước cũng dành hơn 900 tỷ đồng tặng quà cho người có công nhân dịp tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ.

Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thân mật gặp gỡ thương binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công ngày càng đi vào chiều sâu, giải quyết các vấn đề khó, cốt lõi, nhất là những vấn đề còn tồn đọng qua nhiều năm, nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ. Với phương châm “không để người thực sự có công mà không được xem xét công nhận và thụ hưởng chính sách”, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đẩy nhanh tiến độ xem xét xác nhận người có công với cách mạng, đồng thời chú trọng việc giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu  đãi người có công với cách mạng, nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách. Đến nay, việc giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng đã được giải quyết căn bản, quá trình triển khai thực hiện có sự đồng thuận cao của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, nhân dân và đặc biệt là các bậc lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Cùng với việc xem xét công nhận người có công với cách mạng, chế độ trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ hỗ trợ khác đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, như: chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh và người có công với cách mạng...

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, hiện cả nước có hơn 60 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với hơn 1.000 người có công được nuôi dưỡng và hơn 600.000 người có công được điều dưỡng hàng năm. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng người và gia đình người có công với cách mạng

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người và gia đình người có công với cách mạng: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 5.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 70.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 120,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 40.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 25.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.500 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh (100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng), góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng; hàng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, ở tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm đến công tác nuôi dưỡng, điều dưỡng ngườ có công với cách mạng.

Cùng với đó, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cũng được quan tâm dặc biệt: hiện nay cả nước có trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ và trên 4.000 công trình ghi công liệt, hằng năm Nhà nước dành hàng trăm tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp phần mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ; công tác tìm kiếm, quy taapj hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm: Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về công tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ: hàng năm tìm kiếm quy tập được hàng nghìn hài cốt liệt sĩ và xác định được hàng trăm danh tính liệt sĩ đáp ứng nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ; Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ được đông đảo người dân và thân nhân liệt sĩ truy cập với hàng nghìn lượt truy cập/ngày, qua đó hàng trăm thân nhân liệt sĩ tìm được mộ liệt sĩ đồng thời thực hiện việc thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ ngay tại gia đình.

Như vậy, Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, địa phương, sự hưởng ứng của các Bộ, ngành, đoàn thể và Nhân dân cả nước, đặc biệt là ý chí vươn lên của người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Trong giai đoạn từ năm 2017, chỉ tiêu công tác xã phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ liên tục tăng dần từ 96,6% đến nay là 99%; người và gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98% đến nay là 98,6%.

Năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, theo thông lệ hằng năm, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tri ân, tôn vinh và chăm lo đời sồng người và gia đình người có công với cách mạng, với 8 hoạt dộng trọng tâm tại Trung ương và 5 hoạt động tại địa phương. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, với nhiệm vụ trọng tâm là: Rà soát, tham mưu  hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; quan tâm, ưu tiên chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo, việc làm, vay vốn, phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người có công và thân nhân. Tôn vinh toàn diện và đầy đủ đối với người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người gặp khó khăn trong cuộc sống; tiếp tục khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tích cực xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ. Triển khai quyết liệt việc giải quyết tồn đọng trong chính sách người có công, nhất là công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người có công. Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Đào Ngọc Lợi

Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Người có công

 

Nguồn tin: Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Tag:

File đính kèm