Bối cảnh lịch sử ra đời của tư tưởng về thương binh, liệt sỹ: Trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, hàng triệu người đã hy sinh và hàng triệu người khác trở thành thương binh. Chiến tranh kéo dài, với những trận đánh khốc liệt, đòi hỏi sự hy sinh to lớn từ người dân. Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc quan tâm, chăm sóc những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh những người thương binh, liệt sĩ là những anh hùng, người đã cống hiến và hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Bác đã khẳng định: "Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của họ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Đây là sự khẳng định công lao, sự hy sinh to lớn và sự tôn vinh của cả dân tộc đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Hồ Chí Minh luôn coi việc chăm sóc thương binh, liệt sĩ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Người từng nói: "Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với nước, với dân. Chúng ta phải ghi nhớ, đền đáp công ơn ấy". Ngưởi nêu: “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng” và Người giải thích: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã để lại”. Và chính Người cũng là tấm gương tiêu biểu nhất.
Tư tưởng về chính sách đối với thương binh, liệt sỹ: Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để chăm sóc, hỗ trợ thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ. Một trong những chính sách đầu tiên và quan trọng nhất là việc thành lập Quỹ Thương Binh vào năm 1947. Quỹ này được thành lập nhằm mục đích huy động sự đóng góp của toàn xã hội để hỗ trợ thương binh và gia đình liệt sĩ.
Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, kêu gọi mọi người, từ các cơ quan, đoàn thể đến cá nhân, đều phải có trách nhiệm chăm sóc thương binh, liệt sĩ. Người luôn nhấn mạnh rằng việc chăm sóc này không chỉ dừng lại ở hỗ trợ vật chất mà còn phải chú trọng đến tinh thần, giúp họ hòa nhập với cuộc sống và cảm thấy được tôn vinh, trân trọng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối tặng quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Tư tưởng thể hiện sự nhân văn và sâu sắc: Tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ không chỉ thể hiện ở những chính sách, hành động cụ thể mà còn ở tấm lòng nhân ái, sự thấu hiểu và tôn trọng của Bác đối với những người đã hy sinh vì đất nước. Người luôn coi thương binh, liệt sỹ như những người thân, luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn, nỗi đau mà thương binh, liệt sỹ và gia đình phải chịu đựng. Trong những chuyến thăm thương binh, bệnh binh, Hồ Chí Minh không chỉ hỏi thăm về tình hình sức khỏe mà còn động viên, khích lệ thương binh, liệt sỹ vượt qua khó khăn. Người thường nói: "Các đồng chí đã hy sinh, cống hiến rất nhiều cho đất nước, giờ là lúc đất nước, nhân dân phải chăm sóc, đền đáp các đồng chí."
Sự quan tâm của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn thể hiện qua hành động cụ thể. Người đã chỉ đạo xây dựng các cơ sở y tế, trung tâm điều dưỡng thương binh, hệ thống khám, chữa bệnh dành riêng cho thương binh, bệnh binh; tạo điều kiện cho họ được học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng của mình. Đồng thời, Người cũng khuyến khích các địa phương, tổ chức xã hội tham gia tích cực vào công tác chăm sóc, hỗ trợ thương binh, liệt sĩ và gia đình của thương binh, liệt sỹ.
Tính bền vững trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sỹ: Một điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ là tính bền vững. Người luôn nhấn mạnh rằng việc chăm sóc, đền đáp công ơn của thương binh, liệt sĩ phải được thực hiện một cách lâu dài, liên tục và bền vững. Người khẳng định: "Công tác thương binh, liệt sĩ không phải chỉ làm trong một lúc, một thời gian mà phải là một công việc thường xuyên, liên tục". Điều này đã trở thành kim chỉ nam cho các chính sách, chương trình hành động của Đảng và Nhà nước trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Các chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ luôn được điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo sự phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng thời kỳ. Đồng thời, việc tuyên truyền, giáo dục về lòng biết ơn, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ cũng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của Nhân dân ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ là một tư tưởng sâu sắc, đầy nhân văn và mang tính bền vững. Nó không chỉ thể hiện lòng biết ơn, tôn vinh những người đã hy sinh vì Tổ quốc mà còn là sự cam kết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc chăm sóc, đền đáp công ơn của thương binh, liệt sỹ và gia đình. Những chính sách, hành động cụ thể mà Hồ Chí Minh khởi xướng và thực hiện đã để lại dấu ấn sâu đậm, trở thành nền tảng vững chắc cho công tác chăm sóc, hỗ trợ thương binh, liệt sĩ trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Tư tưởng đó không chỉ là di sản quý báu của dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng, là kim chỉ nam cho các thế hệ tiếp nối trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Những năm qua, tại Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ đã thực sự là kim chỉ nam cho các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho thương binh, liệt sỹ và các gia đình có công với nước thông qua nhiều hoạt động cụ thể:
Một là, chính sách và quy định: Cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Khối đã phối hợp chặt chẽ với đảng đoàn, ban cán sự đảng và lãnh đạo các cơ quan Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thương binh, liệt sỹ thành các chính sách và quy định của Nhà nước để tổ chức thực hiện trong toàn quốc, đó là: các chính sách hỗ trợ tài chính, chăm sóc y tế, giáo dục - đào tạo, chính sách nhà ở cho thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách.
Hai là, giáo dục và tuyên truyền: Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc luôn đẩy mạnh công tác giáo dục và tuyên truyền về tinh thần yêu nước, lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sĩ, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và dân tộc, nhất là dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) hằng năm. Các hoạt động này được đẩy mạnh thông qua phương tiện thông tin và truyền thông (hệ thống các cơ quan báo chí, truyền thông); thông qua các hội nghị báo cáo viên, các hoạt động giáo dục truyền thống, về nguồn, thắp nến tri ân… Qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn về sự hy sinh của các thế hệ đi trước và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đền đáp công ơn của các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh và gia đình chính sách; trách nhiệm trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Ba là, tổ chức các hoạt tri ân: Hằng năm, các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương tổ chức các hoạt động để tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách đã hy sinh và đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong đó, các hoạt động được tổ chức thường xuyên như: thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, thắp nến tri ân, xây nhà tình nghĩa,… nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhận dịp Tết cổ truyền của dân tộc,… trong năm 2017, Đảng ủy Khối phối hợp với các cơ quan Trung ương tặng 123 căn nhà cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng ở các tỉnh, thành phố, trong đó tặng riêng cho tỉnh Quảng Trị 114 căn; từ năm 2021 đến nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ Khối đã quyên góp xây hàng 568 căn nhà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạnh, năm 2022, Đảng ủy Khối đã phối hợp với 4 ngân hàng (Viettinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank) xây tặng 300 căn nhà ở một số tỉnh, thành trong cả nước với tổng trị giá 17,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp đã huy động hàng trăm tỷ động quà tăng cho các gia đình chính sách, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh...
Thông qua các hoạt động cụ thể và thiết thực này, Đảng ủy Khối và các cấp ủy đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Để tiếp tục vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách hỗ trợ: cấp ủy và các tổ chức đảng, nhất là cấp ủy trong các cơ quan tham mưu có liên quan đến thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ tăng cường phối hợp với đảng đoàn, ban cán sự đảng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục:
- Cập nhật và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ dành cho thương binh, bệnh binh và gia đình thương binh, liệt sỹ, đảm bảo các chính sách này phản ánh đúng tình hình thực tế và đáp ứng được nhu cầu của đối tượng thụ hưởng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục: cấp ủy các cấp phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, các ngành, các địa phương và tăng cường ứng dụng các nền tảng xã hội, tập trung tuyên tuyên về công tác thương binh, liệt sỹ, trong đó tập trung vào các nội dung:
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh liên quan đến thương binh, liệt sĩ trong các cơ quan, đơn vị.
- Giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và ý nghĩa của sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và gia đình chính sách, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động tri ân và chăm sóc: Tiếp tục duy trif và đẩy mạnh các hoạt động tri ân, chăm sóc thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách:
- Duy trì và mở rộng các hoạt động tri ân nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), các dịp lễ tết, như: thăm hỏi, tặng quà, tổ chức lễ kỷ niệm, lễ dâng hương.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình thương binh, liệt sĩ tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo và hỗ trợ xã hội.
Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội: cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp… cùng vào cuộc vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ thương binh, bệnh binh, gia đình thương binh, liệt sỹ.
- Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan Trung ương như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh trong việc chăm sóc và hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Đảng bộ Khối để tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng nhau thực hiện tốt các chính sách và hoạt động tri ân.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực tài chính: cấp ủy các cấp phối hợp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đa dạng hóa và tăng cường các nguồn lực tài chính chăm lo cho thương binh, bệnh binh và gia đình thương binh, liệt sỹ.
- Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính thông qua việc kêu gọi sự hỗ trợ, vào cuộc của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước.
- Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính để đảm bảo các hoạt động hỗ trợ và tri ân được thực hiện một cách bền vững.
Phát huy kết quả đạt được, với những giải pháp nêu trên, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả, sẽ góp phần tiếp tục thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ, đảm bảo sự chăm sóc chu đáo và tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh và cống hiến cho Tổ quốc.
TS. NGUYỄN MINH CHUNG
Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Đảng ủy Khối
Nguồn tin: Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương