GS,TS Nguyễn Xuân Thắng chủ trì Hội nghị
Dự Hội nghị có PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 35 Học viện; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện; PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 35 Học viện; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo 35 Học viện, các đồng chí thành viên chính thực hiện Nghị quyết 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Báo cáo “Sơ kết công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch 6 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới” được trình bày tại Hội nghị khẳng định 6 tháng đầu năm 2023, việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Học viện và các đơn vị trực thuộc.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, căn cứ Chương trình trọng tâm số 01-CTr/BCĐTW ngày 5/7/2021 của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW ngày 3/1/2023 của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương về hoạt động năm 2023; Thông báo số 18-TB/BCĐTW ngày 9/1/2023 về kết luận của lãnh đạo Ban Chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch số 1770-KH/HVCTQG ngày 27/2/2023 về Công tác trọng tâm triển khai hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2023 và tổ chức thực hiện hiệu quả trong toàn hệ thống Học viện, gắn với nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, các vấn đề quốc tế nổi bật, góp phần bảo vệ, lan tỏa thành công các Nghị quyết quan trọng của Trung ương khóa XIII, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, xác định rõ hơn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, học viên trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, gắn với hoạt động chuyên môn.
Quang cảnh Hội nghị
Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp tổ chức cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục là điểm nhấn nổi bật, được các đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận, hướng ứng, đánh giá cao. Theo thống kê của các đơn vị, địa phương, đến hết ngày 31/7/2023 đã nhận được hơn 250.000 tác phẩm dự thi, gấp hơn hai lần so với năm 2022. Riêng trong toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Cuộc thi đã được cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, đoàn thể quan tâm tổ chức, phát động rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, giảng viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên với gần 7.300 tác phẩm dự thi.
Học viện cũng đã đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, gắn với đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm và hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 địa phương; chỉ đạo tăng cường kết nối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chỉ đạo tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn với sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/ĐU ngày 28/2/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”;…
GS,TS Lê Văn Lợi điều hành phần thảo luận tại Hội nghị
Trong công tác nghiên cứu khoa học, Học viện đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm tiếp tục bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng, bám sát và quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương khóa XIII, bám sát thực tiễn để tổng kết lý luận và tổng kết thực tiễn để hoàn thiện lý luận, góp phần tổng kết toàn diện, hệ thống hóa lý luận về đường lối đổi mới sau 40 năm thực hiện; chú trọng đề cao hiệu quả, tính ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn khoa học trong góp phần xây dựng các chủ trương, quyết sách chiến lược của Đảng và Nhà nước; bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước để cung cấp luận cứ phục vụ tuyên truyền, định hướng thông tin.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Học viện đã triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia KX02/21-25, trong đó có 40 chương trình, đề tài, đề án, nhiệm vụ khoa học liên quan trực tiếp đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng 24 báo cáo kiến nghị gửi Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ để tham gia vào quá trình xây dựng các Nghị quyết, Đề án trong chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Các sản phẩm phổ biến kiến thức lý luận cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tiếp tục được quan tâm nghiên cứu, biên soạn.
PGS,TS Dương Trung Ý phát biểu tại Hội nghị
Việc tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đi vào chiều sâu và nhuần nhuyễn hơn, xác định rõ các nội dung cần tích hợp trong từng khối kiến thức cụ thể, đi đôi với hướng dẫn, kiểm tra của lãnh đạo các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy. Chuyên đề “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” tiếp tục được đưa vào giảng dạy cho cán bộ chủ chốt của cấp ủy địa phương, các lớp bồi dưỡng kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học viên, sinh viên, góp phần nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm tự thân của học viên trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương và trong quá trình học tập.
Công tác tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tiếp tục đổi mới về chất lượng, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn và chú trọng kỹ năng xây dựng các sản phẩm chính luận. Công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng tiếp tục được đẩy mạnh và chú trọng. Đảng bộ Học viện đã tổ chức tốt việc học tập, quán triệt các Nghị quyết, Kết luận quan trọng của các Hội nghị Trung ương khóa XIII; tổ chức đợt sinh hoạt chính trị học tập nội dung cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng…
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, Hội nghị nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm qua, các Học viện trực thuộc, đơn vị thuộc Trung tâm Học viện đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân. Công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW tiếp tục được mở rộng, lan tỏa tốt và chú trọng hơn tới chất lượng của từng hoạt động cụ thể. Chế độ thông tin, báo cáo được duy trì tốt.
Trên cơ sở Báo cáo được trình bày tại Hội nghị, các đại biểu tham dự cùng nhìn nhận rõ hơn những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức; đồng thời chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của các ưu điểm và hạn chế; từ đó đề xuất, kiến nghị các phương hướng, nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm 2023.
PGS,TS Nguyễn Vĩnh Thanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I phát biểu tại Hội nghị
PGS,TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao các ý kiến trao đổi, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham gia Hội nghị và yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo và gửi lại các thành viên tham dự Hội nghị.
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong 6 tháng đầu năm qua, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Ban Chỉ đạo 35 Học viện phải đối diện với nhiều yêu cầu mới đặt ra từ tình hình quốc tế, khu vực và trong nước nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, các kết quả hoạt động đã được triển khai thường xuyên, nề nếp và toàn diện trên các mặt công tác với chất lượng ngày càng được nâng cao. Vai trò của các cấp ủy, cá nhân người đứng đầu cũng ngày càng được thể hiện rõ nét trong mọi mặt hoạt động, từ ý thức trách nhiệm, sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao đến việc triển khai thực hiện bài bản, kỹ lưỡng.
Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 35-NQ/TW trong thời gian tới, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Hội nghị cần rút ra các bài học kinh nghiệm có được từ thực tiễn những kết quả đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại trong thời gian qua. Đó là sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của cấp ủy; trong mọi mặt hoạt động luôn phải có kế hoạch, chương trình bài bản, cụ thể với sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực, đảm bảo tính đồng bộ trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, tuyên truyền…; tính đồng đều giữa các đơn vị; sự kết hợp hài hòa giữa “xây và chống”; đặc biệt cần thực hiện tốt công tác phân công, trao quyền và xây dựng lực lượng, nhất là đội ngũ xung kích, hạt nhân với chế độ chính sách phù hợp.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh yêu cầu cần tập trung đảm bảo mọi nguồn lực để tổ chức tốt Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 năm 2023 đảm bảo chất lượng và có tính lan tỏa cao; lấy ý kiến các đơn vị liên quan để sớm hoàn thiện và in ấn Sổ tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng; tham gia tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới và xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng sắp tới, từ đó xây dựng các luận cứ, luận chứng khoa học, chặt chẽ để đấu tranh phản bác các quan điểm chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đối với công tác tuyên truyền trên hệ thống các tạp chí, bản tin, cổng thông tin điện tử của Học viện, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì và tổ chức triển khai nề nếp, thường xuyên chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng đồng thời phải tăng thời lượng bài, mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng để chuyên mục này có vị trí xứng đáng hơn nữa.../.