Sign In

Thích ứng của thế giới việc làm trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: Vấn đề và gợi ý

21:06 25/03/2024



Mở đầu

Xã hội loài người đến nay đã trải qua 4 cuộc Cách mạng công nghiệp (từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 1 đến nay là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4). Lịch sử cho thấy, mỗi bước đi của các cuộc cách mạng công nghiệp này cùng với hàng loạt sản phẩm, ứng dụng vạch thời đại của nó đã tạo ra những làn sóng công nghệ tương thích, phát triển mạnh mẽ; góp phần cung cấp những điều kiện vật chất, kỹ thuật làm biến đổi về “chất” xã hội[1] trên phạm vi rộng và hẹp theo chiều hướng tiến bộ, văn minh, hiện đại chưa từng có, vì xã hội phát triển bền vững hơn. Quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, quản lý, xã hội, văn hoá,… cũng nằm trong xu thế như vậy.

 

Tuy vậy, các cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) với hàng loạt công nghệ số hiện đại kéo theo những biến đổi chưa từng có, ảnh hưởng toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lao động - việc làm. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner (Mỹ), thị trường phần mềm AI mang về doanh thu đạt 135 tỉ USD năm 2025, tốc độ tăng trưởng kép từ 14,4% năm 2021 lên 31,1% năm 2025. AI làm tăng năng suất kinh doanh dự kiến từ 2,6 nghìn tỉ USD đến 4,4 nghìn tỉ USD mỗi năm, theo nghiên cứu của McKinsey & Company. Theo báo cáo của McKinsey, tỷ lệ phần trăm thời gian của nhân viên có thể được tự động hóa bằng AI và các công nghệ khác được dự báo tăng lên 60-70%, so với tỉ lệ 50% trước đây. Năm 2021, theo thống kê, sự xuất hiện của AI đã tạo ra gần 3 nghìn tỷ USD cho doanh nghiệp và 6.2 tỷ giờ năng suất lao động, tạo ra nhiều việc làm, ngành nghề mới chưa từng có[2]. Tuy vậy, chưa bao giờ lực lượng lao động toàn cầu bị “ám ảnh” sâu sắc bởi sự cạnh tranh, thay thế ngày càng toàn diện của lao động AI trong thế giới việc làm. Theo một thống kê của Vương quốc Anh năm 2016, hầu hết những người tham gia khảo sát đều có suy nghĩ tiêu cực về AI, 32% trong số họ tỏ ra ngờ vực, 26% cảm thấy không tin tưởng thậm chí còn thể hiện sự sợ hãi[3].

Các nước Bắc Âu hiện nay gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển là hình mẫu về phát triển kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Tuy vậy, hiện nay các quốc gia này đã và đang đối mặt với 4 thách thức đan xen: 1- tác động của số hoá; 2- già hoá ngày càng nhanh chóng, khó đảo ngược ở nhiều nước (Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, v.v.)[4]; 3- thiếu việc làm trầm trọng[5]4- thất nghiệp gia tăng (hiện có hơn 300.000 người thất nghiệp ở các nước Bắc Âu). Bối cảnh này càng khiến sự hiện diện của AI trong thế giới việc làm thế giới nói chung và của các quốc gia này ở vào tình thế “khó xử” hơn khi vừa phải tranh thủ tận dụng AI như một xu thế tất yếu để giải quyết 3 thách thức đầu tiên nhưng đồng thời cũng phải “dè dặt” để cân bằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề thứ 4. Từ đó cho thấy, AI và thế giới việc làm là chủ đề cần được nghiên cứu, xem xét thấu đáo; qua đó có dự báo chính sách giúp thích ứng phù hợp ở tầm toàn cầu nói chung và các quốc gia Bắc Âu nói riêng.

 

Tác động của AI và thế giới việc làm hiện nay

 

Chuyển đổi số cùng với sự xuất hiện của AI làm biến đổi toàn diện (cả tích cực và tiêu cực) các mặt của đời sống xã hội từ các tương tác xã hội, quan hệ xã hội, giao tiếp xã hội, cách ta làm việc, lao động, học tập, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi giải trí cho đến tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá,… buộc chúng ta phải thích ứng để hoà nhập và phát triển. Ngày 21/3/2024, Liên hợp quốc lần đầu tiên đã thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về trí tuệ nhân tạo nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này[6]. Thực tiễn trên cho thấy mối quan tâm cấp độ toàn cầu, quốc gia về tác động của AI là hiện thực. Phần này đề cập đến tác động của chuyển đổi số, AI đối với lĩnh vực lao động, việc làm và những gợi ý về mặt chính sách đối với các quốc gia.

 

1. AI làm biến đổi công cụ và phương thức lao động. CMCN4 cung cấp hàng loạt các công nghệ số hiện đại. Trong đó AI được xem là công cụ lao động mới, hiện đại, với tính năng của mình làm thay đổi cách thức lao động, tác động đến đối tượng lao động so với lao động truyền thống. Người lao động nhiều hay ít đều sẽ làm việc với con số trên máy tính, mạng Internet, dùng các dữ liệu lớn (Bigdata) để đưa ra dự báo, quyết định và lựa chọn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia. Điều này dễ nhận thấy trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. AI được ứng dụng ngày càng nhiều trong các dây chuyền sản xuất hay nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ (Grab (Singapore), XanhSM (Vingroup, Việt Nam) là ví dụ), mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Amazon, Shopee, Lazada, v.v.).

 

2. AI làm biến đổi chủ thể lao động. Sự xuất hiện của AI khiến người lao động tham gia vào các quan hệ lao động không đơn thuần chỉ là con người mà còn có các AI. AI sẽ tham gia vào các ngành, nghề, lĩnh vực, phụ trách các công việc nhất định. Thậm chí AI có thể cạnh tranh cơ hội tuyển dụng, các vị trí việc làm trong hiện tại và tương lai. Hiện chưa có thông tin AI làm chủ sử dụng lao động mà chủ yếu đóng vai trò là người lao động, được tuyển dụng vào làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tương lai, vị trí chủ sử dụng lao động là các AI này có thể sẽ có xảy ra khi mà học máy và AI ngày càng được hoàn thiện với năng lực và trí tuệ của con người. Đây là vấn đề lớn nhưng hầu như trong khuôn khổ pháp lý quốc tế và ở các quốc gia vẫn còn bỏ ngỏ do tính mới mẻ, phức tạp của nó. Lấy Liên minh châu Âu (EU) làm ví dụ, ngày 13/3/2024 vừa qua, Luật Trí tuệ nhân tạo (AI) vừa được các nhà lập pháp châu Âu thông qua. Đây được xem là đạo luật tiên phong toàn cầu góp phần bảo vệ công dân khỏi những rủi ro có thể xảy ra khi công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới. Hàm ý này có ý nghĩa không chỉ với Việt Nam mà còn với công tác lập pháp, đổi mới chính sách trong kỷ nguyên số hoá hiện nay ở các nước Bắc Âu.

 

3. AI làm biến đổi quan hệ lao động. Trong lao động có một số mối quan hệ căn bản như giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, giữa chủ lao động với nhau, giữa người lao động với nhau và thậm chí giữa chủ lao động, người lao động với khách hàng của mình. Sự xuất hiện của AI cùng với các công nghệ số khiến tính chất và cách thức tương tác trong các quan hệ xã hội này có đổi khác. Đó không đơn thuần là quan hệ lao động, quan hệ công tác trực tiếp, mặt đối mặt với nhau giữa người với người mà còn có thể với AI hoặc giữa các AI với nhau. Người ta vẫn đang tranh luận về việc trả lương và đánh thuế đối với các robot và AI hay lo lắng về xung đột trong quan hệ lao động và cách giải quyết, quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý các bên (người và AI) thế nào, v.v. Mặt khác, sự xuất hiện của AI khiến cho cách thức, không gian tương tác giữa nó với các chủ thể khác trong quan hệ lao động, quan hệ cung cấp hàng hoá, dịch vụ không còn giới hạn về không gian, thời gian, hạn định về mặt địa lý, ngoài không gian thực còn diễn ra cả trong không gian số.

 

4. AI làm biến đổi loại hình, tính chất, số lượng việc làm. Sự xuất hiện của AI khiến nhân loại lo sợ, băn khoăn về cuộc canh tranh việc làm khốc liệt giữa người và AI do xu hướng robot hoá, hay áp dụng rộng rãi công nghệ số trong thị trường lao động. Tuy nhiên, mọi vấn đề cũng cần nhìn nhận đa chiều và lạc quan. Sự phát triển của các cuộc Cách mạng công nghiệp (từ CMCN 1 đến CMCN 3) đều làm thay đổi tích cực các phương diện đời sống xã hội, thậm chí giảm thất nghiệp và tạo nhiều việc làm[7]. Hiện tại, cuộc CMCN4 và sự xuất hiện AI khiến việc trả lời câu hỏi nghề gì sẽ biến mất, nghề gì xuất hiện thật không dễ dàng vì mọi thứ đều đang thay đổi nhanh chóng và nhiều ngành nghề đến nay con người chưa biết gì về chúng. Tuy vậy, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã nghiên cứu, dự báo được một số ngành, nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất hoặc ít bị ảnh hưởng hơn do tác động của chuyển đổi số và AI. Đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ ở cấp độ vĩ mô từ việc thiết kế lại tổng thể chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như phân bổ đầu tư nguồn lực đào tào đối với các nhóm ngành mũi nhọn, nhóm ngành nghệ phục vụ kịp thời, trực tiếp cho yêu cầu chuyển xây dựng nền kinh tế số hoá ngày càng cao. Lấy Việt Nam làm ví dụ, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2024, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện triển khai các chương trình đào tạo về chuyên ngành bán dẫn, sinh học và AI đáp ứng nhu cầu thị trường, bảo đảm chất lượng, góp phần thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực này[8], đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chính thức đưa nội dung trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy tại các nhà trường từ năm học 2022 - 2023[9], v.v.

 

Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, các ngành đòi hỏi lao động có trình độ và kỹ năng trung bình, được trả lương ở mức trung bình, đặc biệt là các công việc có tính lặp đi lặp lại sẽ dễ dàng bị tự động hoá và thay thế bởi robot, AI như nhân viên văn phòng, trung tâm trợ giúp qua điện thoại, người vận hành máy móc, thiết bị; lĩnh vực chế biến thực phẩm, xây dựng, dọn vệ sinh, lái xe, việc làm trong ngành nông nghiệp, may mặc, dịch vụ cá nhân, dịch vụ khách hàng, bán hàng,…. Trong nghiên cứu của Đại học Oxford về tác động của công nghệ số trong tương lai, các chuyên gia đã xếp hạng, phân tích 702 ngành nghề về được khả năng tự động và thay thế bằng máy tính, công nghệ số. Cụ thể là:

 

Bảng 1: Một số ngành nghề có khả năng được tự động hoá nhiều nhất

 

Xác suất

Nghề nghiệp

0,99

Nhân viên tiếp thị từ xa (telemarketers)

0,99

Nhân viên kỹ thuật thư viện

0,98

Người định giá bảo hiểm

0,98

Trọng tài thể thao, các viên chức thể thao khác

0,98

Thư ký pháp luật

0,97

Chủ khách sạn, quán ăn, quán cà phê

0,97

Người môi giới bất động sản

0,97

Nhà thầu lao động nông nghiệp

0,96

Thư ký và trợ lý hành chính ngành luật, ngành y

0,94

Nghề chuyển phát nhanh

 

Cũng theo WB, những ngành nghề có việc làm đòi hỏi trình độ và kỹ năng cao, được trả lương cao như nhà quản lý cấp cao và chính trị, dạy học, chuyên gia, kỹ thuật viên, lĩnh vực y tế, khoa học và máy móc hoặc công việc đòi hỏi trình độ, kỹ năng thấp, được trả lương thấp, đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc đòi hỏi sự hiểu biết và năng lực thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể (những việc ở đầu hoặc cuối thang bảng lương sẽ ít bị tự động hoá hoặc thay thế bởi AI và công nghệ số. Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, trong số 720 ngành nghề, một số ngành nghề sau có khả năng ít bị tác động, thay thế bởi AI và quá trình chuyển đổi số (xem bảng 2).

 

Bảng 2: Một số ngành nghề ít bị tự động hoá nhiều nhất

 

Xác suất

Nghề nghiệp

0,0028

Chuyên gia trị liệu

0,0040

Biên đạo múa

0,0042

Bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật

0,0043

Nhà tâm lý

0,0055

Nhà quản lý nguồn nhân lực

0,0065

Nhà phân tích hệ thống máy tính

0,0077

Nhà nhân chủng học và khảo cổ học

0,0100

Kỹ sư hàng hải và kiến trúc sư hải quân

0,0130

Người quản lý kinh doanh

0,0150

Giám đốc điều hành

 

5. AI làm biến đổi môi trường và ngoại vi làm việc. Công việc của hầu hết người lao động sẽ chuyển sang, diễn ra ở môi trường số, không gian ảo bên cạnh thế giới thực, không gian vật lý, không gian. Họ không nhất thiết phải đến văn phòng (thực) để làm việc và thay bằng làm việc từ xa, trực tuyến, tham gia các cuộc họp, hội nghị, hội thảo từ xa, thậm chí làm việc trong các văn phòng ảo trên môi trường số. Người lao động cũng có thể có sự trao đổi thông tin trực tuyến nội bộ hoặc ngoài tổ chức, ngoài phạm vi địa lý, biên giới các quốc gia, đa ngôn ngữ, đa văn hoá thậm chí các khiếm khuyết bẩm sinh (khiếm thị, khiếm thính,…) có thể được khoả lấp và hỗ trợ bởi công nghệ số để các chủ thể trong quan hệ lao động có thể thực hiện tốt công việc của mình.

 

6. AI làm làm biến đổi hình thức trả công lao động. Quan hệ tiền công là quan hệ căn bản trong lao động. Chuyển đổi số và sự xuất hiện của công nghệ số khiến việc trả công cho người lao động là con người hay AI cũng có nhiều đổi khác và xuất hiện nhiều vấn đề. Thay vì trả công bằng tiền hoặc tài sản có giá trị như tiền (thực) thì việc xuất hiện tiền ảo, bất động sản trên thế giới ảo, ngân hàng ảo,… khiến các hình thức trả công truyền thống có thể thay đổi. Điều này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ như trả công cho AI thế nào, quản lý thuế AI ra sao, định ra và đánh giá năng suất và trả công cho AI thế nào,… cũng cần được tính toán ở góc độ doanh nghiệp, tổ chức và pháp lý. Đặc biệt trong bối cảnh tiền số biến động liên tục và tiềm ẩn nhiều rủi ro; đồng thời không phải quốc gia nào cũng hợp pháp hoá loại đồng tiền mới mẻ này trong phương thức thanh toán chính thức. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 3 toàn cầu về danh sách Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI), thậm chí vượt trên vượt trên cả Mỹ[10]. Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới có 2 quốc gia trên thế giới chấp nhận tiền Bitcoin làm tiền tệ chính thức (Cộng hoà Trung Phi và quốc gia Mỹ Latin El Salvador)[11]. Đây là thách thức cho các nhà lập pháp và người lao động tham gia thị trường lao động số đầy hấp dẫn, mới mẻ nhưng nhiều rủi ro này.

 

7. AI làm biến đổi vị thế, vai trò của người lao động. Vị thế và vai trò của người lao động trong xã hội truyền thống và xã hội số có sự xuất hiện của AI có nhiều đổi khác. Trước kia, người lao động là nguồn nhân lực duy nhất, là chủ thể duy nhất tham gia vào quá trình lao động và quan hệ lao động trong tổ chức và xã hội. Việc thiếu vắng nguồn cung ứng lao động, hiện tượng bỏ việc, đình công, bãi công,… của người lao động, công nhân khiến các chủ sử dụng lao động và tổ chức gặp nhiều khó khăn. Nói chung, vị thế và vai trò của họ trong mối quan hệ lao động khi ấy rất quan trọng và khó thay thế được. Tuy vậy, sự xuất hiện của AI với tư cách là người lao động, hoặc thậm chí có thể trở thành chủ sử dụng lao động khiến vị thế, vai trò của người lao động trong xã hội cũ có thể bị “lung lay”, ảnh hưởng và mất đi vì đã tìm ra được phương án thay thế. Hiện tượng cạnh tranh trong tuyển dụng, hay người lao động có thể bị thay thế bởi AI ngày nay đang cho thấy sự dịch chuyển, biến đổi vị thế, vai trò trong lao động sản xuất của AI cũng như người lao động. Xung đột xã hội ở lĩnh vực này hoàn toàn có thể xảy ra và cần có dự báo sớm. Chính vì vậy, ngày 21/3/2024 vừa qua, Liên hợp quốc đã ban hành nghị quyết toàn cầu đầu tiên về AI để lưu ý các quốc gia về đảm bảo quyền con người và rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này.

 

8. AI làm biến đổi năng suất cũng như hiệu quả lao động. Sự xuất hiện của AI đã bổ sung lực lượng lao động hay phương thức lao động mới, hiện đại ở nhiều ngành nghề từ đó khiến năng suất, hiệu quả lao động được cải thiện đáng kể. Theo tính toán của nhiều nhà nghiên cứu, năm 2021, việc tăng cường AI đã tạo ra 2,9 nghìn tỉ USD; 6,2 tỉ giờ năng suất lao động cho các doanh nghiệp. “Công nghệ AI có thể giúp một người nhân viên bình thường trở thành một người nhân viên giỏi, thậm chí là xuất sắc và giúp một cơ quan, tổ chức trung bình thành một tổ chức lớn, thậm chí là vĩ đại”[12]. Ngoài ra, nhờ AI đã xuất hiện các phát minh tiến bộ làm thay đổi lao động, sản xuất và cuộc sống của thế giới như trong lĩnh vực dược phẩm, giao thông an toàn, giáo dục, giải trí, năng lượng, thực phẩm và môi trường, cải thiện khả năng tiếp cận xã hội cho người tàn tật, yếu thế, thực thi công vụ, quản lý nhà nước,… “tôi tin rằng AI và lợi ích của nó là không có giới hạn. Cho dù một sự đột phá xảy ra ở Thung lũng Silicon, Bắc Kinh hay bất cứ nơi nào khác, AI có khả năng làm cho mọi người sống cuộc sống tốt hơn cho toàn thế giới” (Tiến sĩ Fei-Fei Li, giám đốc Phòng thí nghiệm AI, Đại học Standford, Vương quốc Anh).

 

9. AI làm biến đổi tư duy và hành vi của người lao động về công việc. Sự xuất hiện của AI và chuyển đổi số yêu cầu người lao động phải tự đổi mới, nhận thức bản thân và thay đổi để thích ứng với quá trình này; có ý thức và kỹ năng thu thập dữ liệu, học để dùng được nền tảng số, công cụ phân tích xử lý dữ liệu, cách giữ gìn an toàn, an ninh mạng, xử lý khủng hoảng truyền thông trên môi trường số; gìn giữ, quảng bá và tiếp thị căn cước tính của bản thân trong không gian số. Việc thay đổi này xuất phát từ yêu cầu khách quan mang lại từ công cuộc chuyển đổi số và tác động của AI trong thị trường lao động buộc chúng ta phải chuẩn bị hành trang cần thiết để sống chung với nó và thích ứng với biến đổi to lớn này thay vì chối bỏ hoặc phản ứng, cự tuyệt một cách cực đoan. Vấn đề từ Việt Nam: theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Tuy nhiên, nhóm chỉ số về Giáo dục đại học xếp hạng 90; nhóm chỉ số Lao động có kiến thức xếp hạng 68, giảm 2 bậc so với năm 2021[13]. Đây là các chỉ số phản ánh năng lực của nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất, kỹ năng cần có để thích ứng với thế giới việc làm số có AI. Bài toán đặt ra vẫn quay lại câu chuyện giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực số.

 

Thích ứng trong một thế giới việc làm có AI

 

Sự sẵn sàng để thích ứng của Việt Nam: Việt Nam đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số và thích ứng với cuộc CMCN4 cũng như cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo của toàn cầu trong tương lai gần trên hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội cho đến chính trị, quản lý. Từ năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về chủ động thích ứng với cuộc CMCN4. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành Đề án chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên 3 trụ cột gồm kinh tế số, chính phủ (chính quyền) số và xã hội số, v.v.

 

Những mối quan tâm và chia sẻ chung đối với cả Việt Nam và các nước Bắc Âu:Dù muốn hay không “nếu có thứ gì đó quan trọng, thì dù khó cũng phải làm để sống sót và bứt phá…” như câu danh ngôn khuyết danh đã nêu. Nhà hiền triết Mahatma Gandhi từng nói: “You must be the change you wish to see in the world” (tạm dịch: Chính bạn phải là sự thay đổi như bạn muốn nhìn thấy mình trong thế giới này). Chuẩn bị hành trang cho cuộc chuyển đổi số nói chung có nhiều thứ và không hề dễ dàng hoặc có ngay lập tức; tuy nhiên, phần này chỉ đề cập những thứ cần thiết nhất cho công dân số (digital citizen) đã, đang hoặc sẽ tham gia vào thế giới lao động, việc làm số khi có sự xuất hiện của AI:

 

- Cấp độ chính sách quốc gia: 2 trụ cột hướng đến thích ứng tốt với thế giới việc làm có AI: (1). Đầu tư bài bản, có lộ trình và thực chất cho giáo dục và đào tạo số và. (2) Chiến lược việc làm bền vững trong kỷ nguyên số. Để làm được cần tầm nhìn của các nhà chính trị, năng lực của các nhà lập pháp và tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi chính sách cụ thể của đội ngũ CBCC và bộ máy công quyền các cấp.

 

- Cấp độ xã hội và công dân số, nguồn nhân lực số: Mỗi người dân cần trang bị những nhận thức nhất định về chuyển đổi số và AI đối với cuộc sống chính họ như: (1). Chuyển đổi số là gì? (2). Chuyển đổi số liên quan, ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống và công việc? (3). Tham gia hay không tham gia vào chuyển đổi số sẽ được gì/ mất gì? (4). Những hành trang cần trang bị trong môi trường số vốn có nhiều sự thay đổi này (5). Những năng lực, kỹ năng còn thiếu, chưa biết và cần được học hỏi để thích ứng,…[14]

 

Theo Báo cáo “Tương lai nghề nghiệp” năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), phỏng vấn những người phụ trách nguồn nhân lực của 10 ngành công nghiệp và 15 ngành kinh tế hiện có số người lao động lớn nhất về các loại kỹ năng đòi hỏi, kết quả cho cho thấy những năng lực và kỹ năng (cơ bản, đa nhiệm) sau là cực kỳ cần thiết cho người lao động thời chuyển đổi số. Cụ thể là[15]:

 

Năng lực

Kỹ năng

Kỹ năng cơ bản

Kỹ năng đa nhiệm

1. Năng lực nhận thức:

- Linh hoạt trong nhận thức

- Sáng tạo

- Lập luận logic

- Nhạy cảm trong nhận thức

- Lập luận toán học

- Năng lực hiển thị

1. Kỹ năng làm việc:

- Học tập chủ động (suốt đời)

- Kỹ năng nói

- Kỹ năng đọc

- Kỹ năng viết

- Tin học và truyền thông cơ bản

1. Kỹ năng xã hội:

- Phối hợp với người khác

- Trí tuệ cảm xúc (EQ)

- Thương lượng

- Thuyết phục

- Định hướng dịch vụ

- Huấn luyện và dạy người khác

2. Năng lực thể chất:

- Sự khéo léo và chính xác

- Sức mạnh thể chất

2. Kỹ năng quá trình:

- Lắng nghe

- Tư duy và phê phán

- Biết giám sát mình và mọi người xung quanh

2. Kỹ năng hệ thống:

- Phán đoán và quyết định

- Phân tích hệ thống

3. Kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp:

- Giải quyết được những vấn đề phức tạp, mới, không xác định rõ

4. Kỹ năng quản lý nguồn lực:

- Quản lý tài chính

- Quản lý nguồn lực vật chất

- Quản lý nhân sự

- Quản lý thời gian

5. Kỹ năng kỹ thuật:

- Sửa chữa và bảo hành thiết bị

- Điều khiển và sử dụng thiết bị

- Lập trình

- Kiểm tra chất lượng

- Thiết kế kỹ thuật cho người dùng

- Khắc phục sự cố

 

Cụ thể hơn, theo Báo cáo “Kỹ năng cho một thế giới số” của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) đã chỉ ra việc gia tăng các công nghệ số trong công việc hiện nay làm tăng nhu cầu về kỹ năng mới trong 3 lĩnh vực công nghệ thông tin sau: (1). Kỹ năng công nghệ thông tin chuyên nghiệp như để lập trình, phát triển ứng dụng và quản lý mạng; (2). Kỹ năng công nghệ thông tin chung để sử dụng cho các mục đích chuyên nghiệp và (3). Kỹ năng côn nghệ thông tin bổ trợ để thực hiện các nhiệm vụ mới liên quan đến việc sử dụng công nghệ thông tin tại nơi làm việc như xử lý thông tin, tự định hướng, giải quyết vấn đề liên lạc,[16]… Tuy vậy, các kỹ năng này cần sử dụng kết hớp với kỹ năng khác như kỹ năng xã hội, kỹ năng cảm xúc để gia tăng sự hiểu quả sử dụng kỹ năng số trong cuộc sống và làm việc.

 

- Cấp độ đối với người lao động trong kỷ nguyên AI: Nhà giáo dục Giản Tư Trung trong quyển sách “Đúng việc” có nhấn mạnh rằng công việc của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm việc. Do vậy, dù ở độ tuổi nào chúng ta cũng cần phải học, học lại cách làm người, làm công dân và học cách làm việc một cách khai minh[17]. Người lao động và người sắp tham gia vào thị trường lao động, thế giới việc làm số cũng vậy, nên chuẩn bị hành trang cho mình bằng những năng lực và kỹ năng quan trọng trên một cách bền bỉ từ trên ghế nhà trường và liên tục trong quá trình làm việc của mỗi công dân, bắt đầu từ việc học, thay đổi cách học, mục đích học, tư duy học, phương pháp học và hướng đến triết lý học tập suốt đời để chung sống với xã hội số, xã hội mới.

 

Kết luận

 

Sự phát triển của công nghệ đã đem đến cho chúng ta nhiều kỳ vọng lớn lao, những tiến bộ thênh thang và sự giàu có, thịnh vượng, nhân văn và tốt đẹp hơn. Tuy vậy, những hệ lụy của nó cũng đi kèm với tác động tích cực ấy[18]. Chuyển đổi số và phát triển AI trong thế giới việc làm khiến mỗi chúng ta sợ hãi, lo lắng đôi khi cực đoan hoá. Nhưng thay vào đó, chúng ta nên lắp đầy nó bằng suy nghĩ lạc quan, hi vọng và hành động thay đổi tức thời hơn, mạnh mẽ hơn, chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết để sống, tồn tại và thích ứng với những biến đổi lớn lao đó. Quá trình chuyển đổi số và sự xuất hiện của AI trong thế giới việc làm không đáng sợ mà đáng sợ hơn cả là chúng ta không biết nhận diện, đối mặt và tìm phương cách phù hợp để vượt qua thách thức từ chúng. Bài viết này đã góp phần đưa ra bức tranh toàn diện về sự biến đổi đa chiều của thế giới việc làm số trong kỷ nguyên có AI và gợi ý về về sự chuẩn bị cần thiết (thái độ, năng lực, kỹ năng,…) để sẵn sàng, tự tin thích ứng với điều đó. Các phác thảo ban đầu từ bài viết này không chỉ có ý nghĩa khoa học mà gợi mở những ý tưởng, sáng kiến chính sách cho Việt Nam và cả các nước Bắc Âu dựa trên những mối quan tâm về các vấn đề tương đồng xoay quanh việc làm và kỷ nguyên AI. Thế giới số không còn là viễn cảnh mà là hiện thực và chúng ta sẽ sống và thích ứng với nó bằng sự hiểu biết và kỹ năng sinh tồn tốt nhất được trang bị.

 

PGS. TS. Đặng Thị Ánh Tuyết& ThS. Nguyễn Hữu Hoàng**

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

** Học viện Chính trị khu vực II, nghiên cứu sinh Đại học Xã hội quốc gia Nga

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Cẩm nang chuyển đổi số (tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.

3. Hồ Tú Bảo, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Nhật Quang (2020), Hỏi đáp về chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

4. Peter Townsend (2018), Mặt trái của công nghệ (Quế Chi dịch), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

5. Think Tank Vinasa (2019), Việt Nam thời chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.

6. Thomas M. Siebel (2019), Chuyển đổi số: Sóng sót và bứt phá trong kỷ nguyên sụp đổ hàng loạt (Phạm Anh Tuấn dịch), Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

7. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội.

8. Nguyen Huu Hoang & Tran Van Huan (2022), “Digital society and society 5.0: Urgent issues for digital social transformation in Vietnam”. Masyarakat, Kebudayaan dan Politik, 35(1), 78-92. DOI: http://dx.doi.org/10.20473/mkp.V35I12022.78-92.

9. Nguyen Huu Hoang (2024), “Sociology 5.0”: new trend of sociology in the XXI century, in Material of International University Scientific Forum: Practice Oriented Science: UAE - RUSSIA - INDIA (held at: Dubai (UAE)), pp. 54-58.

10. Viện Goethe tại Việt Nam, Chuỗi 10 bài giảng trong Dự án xã hội số năm 2021, truy cập đường dẫn: http://www.goethe.de/vietnam/xa-hoi-so

11. Khánh Lâm (2024). Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về trí tuệ nhân tạo. Báo Nhân dân điện tử, truy cập đường dẫn: https://nhandan.vn/lien-hop-quoc-thong-qua-nghi-quyet-dau-tien-ve-tri-tue-nhan-tao-post801096.html



[1] Nếu xét theo sự phát triển của 4 cuộc Cách mạng công nghiệp trong lịch sử sẽ có 3 hình thái xã hội phát triển tương ứng: Xã hội 3.0 - xã hội công nghiệp (tương ứng CMCN 1 về cơ khí, CMCN 2 về điện & CMCN 3 về tự động hoá); Xã hội 4.0 và Xã hội 5.0 - xã hội số (tương ứng CMCN4 về thông tin và số hoá hiện đại). 2 hình thái xã hội trước đó trong lịch sử không thể xếp vào thời kỳ các cuộc CMCN: Xã hội 1.0 - xã hội săn bắn, hái lượm (nguyên thuỷ) và Xã hội 2.0 - xã hội nông nghiệp cổ truyền. Tất nhiên, phân chia sự phát triển lịch sử xã hội loài người có nhiều tiêu chí, quan điểm ở nhiều ngành khoa học phân định.

[2] Nguyễn Đăng (2024). “Trí tuệ nhân tạo Việt Nam và thách thức với thị trường nghìn tỉ USD”. Báo điện tử Lao động. Đường dẫn truy cập: https://laodong.vn/cong-nghe/tri-tue-nhan-tao-viet-nam-va-thach-thuc-o-thi-truong-nghin-ti-usd-1300948.ldo

[3] BKAII. “Trí thông minh nhân tạo có thể lấn át con người?” Website: BKAII trực tuyến. Đường dẫn truy cập: https://bkaii.com.vn/tin-tuc/271-tri-thong-minh-nhan-tao-co-the-lan-at-con-nguoi

[4] PV (2021). “Những quốc gia sẽ trở thành “vương quốc người già”. Báo Hà Tĩnh trực tuyến. Đường dẫn truy cập: https://baohatinh.vn/nhung-quoc-gia-se-tro-thanh-vuong-quoc-nguoi-gia-post240893.html

[5] PV (2018). “Thuỵ Điển thiếu trầm trọng lao động có tay nghề”. Cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đường dẫn truy cập: https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/an-sinh-xa-hoi.aspx?CateID=0&ItemID=9796

[6] Khánh Lâm (2024). Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về trí tuệ nhân tạo. Báo Nhân dân điện tử, truy cập đường dẫn: https://nhandan.vn/lien-hop-quoc-thong-qua-nghi-quyet-dau-tien-ve-tri-tue-nhan-tao-post801096.html

[7] Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Cẩm nang chuyển đổi số (tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, tr. 90-91.

[8] Chính phủ (2024). Chính phủ yêu cầu hướng dẫn các trường đại học triển khai đào tạo ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Cổng thông tin điện tử Chính phủ/ Xây dựng chính sách, pháp luật. Đường dẫn truy cập: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chinh-phu-yeu-cau-huong-dan-cac-truong-dai-hoc-trien-khai-dao-tao-nganh-ban-dan-tri-tue-nhan-tao-119240305170200569.htm

[9] M. Hiệp (2022). “TPHCM sẽ đưa nội dung trí tuệ nhân tạo AI vào nhà trường từ năm học 2022 - 2023”. Trang thông tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Đường dẫn: https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-se-dua-noi-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-vao-nha-truong-tu-nam-hoc-2022-2023-1491894791

[10] PV (2023). “Top 5 quốc gia dẫn đầu về chấp nhận tiền điện tử: Việt Nam vượt cả Mỹ”. Sputnik Việt Nam. Đường dẫn truy cập: https://sputniknews.vn/20231103/top-5-quoc-gia-dan-dau-ve-chap-nhan-tien-dien-tu-viet-nam-vuot-ca-my-26273184.html

[11] Đức Anh (2022). “Quốc gia thứ hai trên thế giới chấp nhận Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp”. VnEconomy điện tử. Đường dẫn truy cập: https://vneconomy.vn/quoc-gia-thu-hai-tren-the-gioi-chap-nhan-bitcoin-lam-tien-te-hop-phap.htm

[12] Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Cẩm nang chuyển đổi số (tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, tr. 29.

[13] Thảo Linh (2022). “Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và kết quả của Việt Nam”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường dẫn truy cập: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/chi-so-doi-moi-sang-tao-toan-cau-va-ket-qua-cua-viet-nam-622959.html

[14] Hồ Tú Bảo, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Nhật Quang (2020), Hỏi đáp về chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr.323.

[15] Hồ Tú Bảo, Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Nhật Quang (2020), Hỏi đáp về chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr.319-320.

[16] Think Tank Vinasa (2019), Việt Nam thời chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, tr. 344.

[17] Giản Tư Trung (2015), Đúng việc: một góc nhìn về câu chuyện khai minh, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.

[18] Peter Townsend (2018), Mặt trái của công nghệ (Quế Chi dịch), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 489.

Tag:

File đính kèm