Sign In

Cơ hội, thách thực và định hướng giải pháp phát triển-hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới (phần 1)

12:12 03/10/2024

 


 

I. Nhận diện cơ hội và thách thức

 

Bối cảnh phát triển quốc tế và điều kiện trong nước đang và sẽ đặt ra những cơ hội lớn lao cùng những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới. Việc nhận diện rõ là yêu cầu hàng đầu trong đổi mới tư duy và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển.

 

1. Về những cơ hội lớn

 

i) - Việt Nam có cơ hội lớn gắn sự phát triển của mình với dòng chảy phát triển tiên tiến chung của nhân loại; có cơ hội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, nhất là với các nước phát triển, các nền kinh tế mới nổi. Điều này cũng có nghĩa là cơ hội lớn để Việt Nam thực hiện được đường lối phát triển “kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”. Sự hội nhập quốc tế không chỉ về kinh tế, mà tổng hợp cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ môi trường sinh thái… Sự hội nhập quốc tế sâu rộng hơn[1] sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ hòa bình, xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế giới có nhiều biến động khó lường.

 

ii) - Việc thiết lập quan hệ quốc tế “đa diện”, “đa cấp độ”, “đa chiều” với các nước phát triển, các nước mới nổi, các nước đang phát triển và các nước khác tạo cơ hội và điều kiện cho Việt Nam hình thành được “thế cân bằng chiến lược” trong quan hệ quốc tế (theo nghĩa tạo được môi trường chiến lược về quan hệ quốc tế có lợi nhất cho đất nước), góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường hòa bình, hợp tác phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

 

iii) - Về mặt kinh tế: Việt Nam tiếp tục có cơ hội lớn phát triển quan hệ kinh tế sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới, nhất là với các nước phát triển (cả về đầu tư, thương mại hàng hóa và dịch vụ, chuyển giao công nghệ, tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu…, nhất là thông qua việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do)[2]; có cơ hội học hỏi, tiếp thu kinh nghiệp xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hiệu quả; phát triển các mô hình kinh tế mới, tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tần hoàn…); có cơ hội phát triển nội lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế.

 

iv) - Về mặt chính trị: Việt Nam có cơ hội tiếp tục tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động của các thể chế quốc tế, có điều kiện và cơ hội tham gia tiếng nói của mình vào xây dựng các thể chế, “luật chơi” chung của quốc tế; đồng thời, có cơ hội đẩy mạnh phát triển quan hệ song phương với các nước có thể chế chính trị - xã hội khác nhau (nhất là với các nước phát triển), trên cơ sở đó có điều kiện nhận thức rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn về xây dựng các mô hình phát triển của các nước, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học quý báu cho Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam làm cho bạn bè quốc hiểu rõ hơn các giá trị phát triển, giá trị của thể chế dân chủ pháp quyền mà Việt Nam xây dựng, trong đó chứa đựng những đặc trưng bản chất của chế độ chính trị - xã hội phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời chứa đựng những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại. 

 

 

v) - Về mặt văn hóa - xã hội: Việt Nam có cơ hội nhận thức rõ hơn và tiếp cận với các vấn đề phát triển văn hóa - xã hội trên thế giới, nhất là sự phát triển về phương diện xã hội, quản lý phát triển xã hội, phát triển các giá trị con người, quyền con người, phát triển hệ thống an sinh xã hội trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, với những khuynh hướng và đặc trưng khác nhau (tích cực, hạn chế và tiêu cực); nhìn nhận những giá trị chung của nhân loại trong quá trình phát triển. Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm, xây dựng các giá trị đặc trưng và chính sách xã hội của mình về phát triển con người, về gia đình, về xã hội, về quốc gia - dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận với những nền văn hóa lớn trên thế giới; học hỏi những tinh hoa của nhân loại; mặt khác, Việt Nam cũng có cơ hội “đưa” những giá trị văn hóa đặc sắc của mình hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao “sức mạnh mềm” của đất nước trong hội nhập quốc tế. 

 

vi) - Về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái: Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này, nhất là với các nước phát triển, Việt Nam có cơ hội tranh thủ được kinh nghiệm và công nghệ quốc tế; sự hỗ trợ, hợp tác và đầu tư quốc tế để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời tham gia với cộng đồng quốc tế trong việc chung tay giải quyết những vấn đề chung của nhân loại về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Vii) - Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0) đang tăng tốc mạnh mẽ, nhất là ở các nước phát triển, đang tạo ra cơ hội rất lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tiếp thu được những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo, nhất là từ các nước phát triển, để hiện đại hóa lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, thực hiện quá trình “phát triển rút ngắn”, nhanh - bền vững (nếu có đường lối và chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp).

 

viii) - Hợp tác và hội nhập quốc tế, nhất là với các nước phát triển, thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với những khung pháp lý, chuẩn mực cao, yêu cầu cao về mọi mặt, tạo cơ hội “thúc đẩy” (và đòi hỏi) Việt Nam phải đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển nhanh - bền vững, tổng hợp, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường sinh thái (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

 

ix) - Hợp tác có hiệu quả với các nước phát triển về giáo dục, đào tạo sẽ tạo cơ hội lớn cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục trong giai đoạn mới; đồng thời, là một “kênh” rất quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; tạo cơ hội để nền giáo dục - đào tạo Việt Nam hội nhập với xu thế phát triển chung của thế giới.

 

x) - Việt Nam có cơ hội hợp tác có hiệu quả với các nước, nhất là các nước phát triển, về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực; đặc biệt là các lĩnh vực khoa học - công nghệ nòng cốt của cách mạng công nghiệp 4.0 (như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, Robots, vật liệu mới, năng lượng sạch, bảo vệ môi trường…); góp phầm nâng cao năng lực KHCN nội tại của đất nước, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

 

2. Về những thách thức lớn

 

Do “thế và lực”, trình độ phát triển của đất nước dù được nâng lên đáng kể qua 40 năm đổi mới, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với trình độ của nhiều nước trên thế giới, nhất là so với các nước phát triển, cho nên phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới sẽ còn phải “đối mặt” với những thách thức không nhỏ, đó là:

 

i). Thách thức về khoảng cách chênh lệch tiềm lực kinh tế và trình độ phát triển: Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, nhất là với những nước có trình độ phát triển cao hơn, bên cạnh những cơ hội, cũng đặt ra những thách thức lớn về sự chênh lệch tiềm lực kinh tế, về trình độ công nghệ, trình độ của nền sản xuất, trình độ của thể chế kinh tế, về chất lượng nguồn nhân lực, về kinh nghiệm quản lý - quản trị phát triển, về mức độ tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu…, điều này thường có thể dẫn đến những “thua thiệt” về lợi ích. Sự chênh lệch về tiềm lực và trình độ phát triển đưa đến thách thức lớn hơn về cạnh tranh (cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ) trong hội nhập quốc tế; dó đó, nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn còn hiện hữu.

 

Đồng thời, kinh tế thế giới đang và sẽ có thể còn tiếp tục gặp khó khăn; phát triển chậm, không bền vững, có thể đan xen những suy giảm, suy thoái. Trong khi đó, các thị trường lớn mà Việt Nam dựa vào nhiều để phát triển như EU, Mỹ, Nhật, Trung quốc... cũng đang gặp nhiều khó khăn, mức độ phục hồi chậm. Thách thức về huy động nguồn lực phát triển của Việt Nam sẽ càng lớn hơn. Nếu không xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp để vượt lên, sẽ đẫn đến sự “lệ thuộc” về nhiều mặt; đồng thời khó thoát khỏi nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. 

 

ii). Thách thức do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tạo ra sức ép về “chọn bên”. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn (trước hết là Mỹ và Trung Quốc) về vai trò ảnh hưởng về địa chính trị tại khu vực Biển Đông, Đông Nam Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương…; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trên bình diện thế giới nói chung, làm cho  cấu trúc quan hệ quốc tế và nền kinh tế thế giới bị “phân mảnh”, quá trình toàn cầu hóa bị “biến dạng” dưới tác động của các “cực” đã và đang hình thành…, gây sức ép (thậm chí dùng các đối sách) buộc các nước đang phát triền, kém phát triển, với tiềm lực hạn chế, phải “chọn bên”, làm tổn hại đến lợi ích của các nước này.

 

iii). Thách thức về khoảng cách công nghệ, khoảng cách số: Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, mà các nước phát triển đóng vai trò chủ đạo, đã, đang và sẽ tạo nên “khoảng cách công nghệ”, “khoảng cách số”, “khoảng cách trí tuệ nhân tạo” rất lớn giữa các nước này với các nước còn lại, “hố ngăn cách” này sẽ khó được khắc phục nếu các nước đang phát triển và kém phát triển không có được một chiến lược và giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả. Đây là nguyên nhân cơ bản của sự “tụt hậu”, dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” của nhiều nước đang phát triển, trong đó có thể có Việt Nam.

 

iv) - Thách thức đối với việc thực hiện quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại: Cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc mạnh mẽ trên toàn cầu, gắn với quá trình toàn cầu hóa, làm thay đổi cấu trúc kinh tế, thay đổi nội dung, phương thức công nghiệp hóa, nhất là đối với các nước đang phát triển, công nghiệp hóa muộn. Trong bối cảnh đó, các chính sách và mô hình công nghiệp hóa trên thế giới đã có nhiều thay đổi. Với việc hình thành ngày càng nhiều các chuỗi cung ứng toàn cầu (GVCs) gắn vai trò chi phối ngày càng tăng của các tập đoàn xuyên quốc gia (MNEs) đã đem lại không chỉ cơ hội, mà cả những thách thức không nhỏ đối với quá trình công nghiệp hóa ở các nước công nghiệp hóa muộn (bị đe dọa mất không gian cho các chính sách phát triển công nghiệp dân tộc; khi thu hút được nhiều đầu tư FDI vào phát triển công nghiệp, có nước “ỷ lại” hay phụ thuộc quá mạnh vào công nghiệp FDI, nền kinh tế nội địa thiên về phát triển dịch vụ, công nghiệp nội địa không được chú trọng đầu tư phát triển đúng mức, đã dẫn đến trạng thái mà thế giới gọi là sớm “giải công nghiệp hóa”). Khoảng cách công nghệ, khoảng cách số cũng là những yếu tố quan trọng sẽ tạo nên thách thức lớn đối với quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Nếu không tạo và làm chủ được một tiềm lực công nghệ dân tộc tiên tiến, đủ mạnh, mà chủ yếu dựa vào lực lượng công nghệ của doanh nghiệp FDI, thì quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại khó có thể thành công. Vì vậy, đồng thời cùng với việc phải nâng cấp năng lực thích ứng chính sách đối với các đổi mới nhanh, đột biến trên thế giới, thì việc tối quan trọng là phải tích lũy và nâng cao được năng lực công nghệ dân tộc.

 

iv). Thách thức về xây dựng thể chế phát triển. Ngày nay, trên thế giới, có sự thống nhất cao rằng thể chế đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của một đất nước; thể chế phù hợp sẽ tạo được động lực phát triển nhanh - bền vững, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, thậm chí làm biến dạng quá trình phát triển. Nhưng để xây dựng được một thế chế phát triển đồng bộ, tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường sinh thái, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng là không dễ dàng (thực tiễn trên thế giới cho thấy, trong vài ba thập kỷ gần đây, trong gần 100 nước đang phát triển, chỉ có gần 20 nước thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”). Đây cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam trong xây dựng và thực thi thể chế phát triển nhanh - bền vững (đây là một nhiệm vụ trọng yếu đã được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

 

v). Thách thức về nhận thức và thực tiễn phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa: Quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ một nước có trình độ phát triển còn thấp như Việt Nam trong dòng chảy phát triển và hội nhập quốc tế với những nước tiến tiến, có trình độ phát triển cao hơn, còn nhiều vấn đề chưa nhận thức rõ, chưa đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn. Đòi hỏi phải có cách tiếp cận, tư duy sáng tạo rất lớn, rất hiện thực; để có thể kết nối có hiệu quả những giá trị đặc trưng của Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những giá trị chung của nhân loại trong quá trình phát triển.

 

vi). Thách thức trong việc tham gia ký kết và thực hiện các hiệp định song phương và đa phương với trình độ cao. Trong lĩnh vực kinh tế, việc tham gia ký kết các hiệp định đa phương và song phương với các nền kinh tế phát triển cao hơn, cùng với những cơ hội là những thách thức lớn đặt ra, đó là: các thể chế, tiêu chuẩn và quy định thường cao hơn (dù có những “ưu tiên” nhất định cho các nước có trình độ thấp hơn) cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, về đầu tư, về sở hữu trí tuệ, về chất lượng sản phẩm, về truy xuất xuất xứ hàng hóa, về bảo vệ môi trường, về sử dụng lao động, về đầu tư công, về sử dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nền kinh tế, sử dụng các quy định về “thuế tối thiểu toàn cầu” đối với các tập đoàn xuyên quốc gia (đa quốc gia), thậm chí sử dụng các “lệnh trừng phạt”, để bảo vệ lợi ích của mình. Đây là những thách thức rất lớn đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nếu không hoàn thiện và nâng cao được chất lượng thể chế phát triển nội tại của đất nước, không nâng cao được “nội lực” lên, sẽ không tận dụng được có hiệu quả cao các cơ hội, hóa giải được các thách thức đặt ra.

 

vii). Thách thức về thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư FDI. Đầu tư FDI và các doanh nghiệp FDI có vai trò rất quan trọng đổi với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhưng nếu không tạo được sự kết nối hữu cơ, có hiệu quả với các doanh nghiệp trong nước (về chuyển giao công nghệ, tham gia vào các chuỗi cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…), sẽ tạo thành “hai nền kinh tế” bị phân mảnh trong một nước và trong hội nhập quốc tế; những lợi ích sẽ bị nghiêng nhiều về phía các doanh nghiệp FDI (kể cả trên thị trường quốc tế và trong thị trường nội địa). Nếu không có một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn để phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc hiện đại, có năng lực hội nhập cao, sẽ dẫn đến tình trạng “giải công nghiệp hóa” sớm, sẽ càng làm cho nền kinh tế dân tộc phụ thuộc nặng hơn vào đầu tư FDI. Điều này ánh hưởng trực tiếp đến năng lực đảm bảo độc lập tự chủ của nền kinh tế đất nước trong phát triển và hội nhập quốc tế.

 

viii). Thách thức về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Để xây dựng và thực hiện có hiệu quả thể chế phát triển nhanh - bền vững đất nước, thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện được các mục tiêu phát triển đặt ra đối với đất nước đến năm 2030, đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, trong bối cảnh quốc tế mới, cần phải có nguồn lực con người với tư cách là chủ thể của quá trình phát triểnđáp ứng với những đòi hỏi đó; đòi hỏi phải đào tạo đồng bộ nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các cấp độ (từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý - công chức các cấp, đến đội đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, đội ngũ doanh nhân, đội ngũ chuyên viên, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, đến đội ngũ chủ hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi). Sự đồng bộ giữa ba thành tố “con người - thể chế - công nghệ” ở trình độ cao mới tạo thành “cỗ xe tam mã” đưa đất nước phát triển nhanh - bền vững. Nhưng hiện nay, nhìn tổng thể, nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều bất cập cả về chất lượng và cơ cấu trình độ trong tất cả các lĩnh vực và ở tất cả các cấp độ, chưa đáp ứng yêu cầu cao của đất nước trong giai đoạn mới.

 

ix). Thách thức về nâng cao năng lực độc lập - tự chủ của nền kinh tế. Năng lực độc lập - tự chủ của nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập quốc tế, mặc dù không ngừng được nâng lên, nhưng còn nhiều hạn chế và bất cập; chưa tận dụng có hiệu quả cao các cơ hội, đồng thời cũng chưa “hóa giải” thực sự có hiệu quả các thách thức đặt ra, làm hạn chế chất lượng và hiệu quả hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực độc lập - tự chủ của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế vừa là một đòi hỏi bức thiết, đồng thời cũng là một thách thức lớn đặt ra trong giai đoạn phát triển mới[3].

 

x). Thách thức về tác động của những biến đổi, xu hướng phát triển mới về đời sống, lối sống, giá trị sống (giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị xã hội) khi không có khả năng thích ứng có hiệu quả, nhất là đối với những tác động không thuận, tác động tiêu cực trong phát triển các lĩnh vực xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, nhất là dưới tác động của các mạng xã hội, các nền tảng công nghệ xuyên biên giới, của thông tin - truyền thông, cùng với những giá trị tốt đẹp, tích cực của nhân loại và của các nước mà ta có thể học hỏi, tiếp thu sáng tạo; còn có không ít những giá trị văn hóa, xã hội, con người không phủ hợp với truyền thống và yêu cầu phát triển của đất nước, thậm chí có tác động tiêu cực và phản động, có thể “thâm nhập” và lan tỏa trong xã hội Việt Nam. Đây là một thách thức có tính thường trực, lâu dài, không thể xem thường, vì nó tác động đến quá trình hình thành động lực tinh thần, giá trị xã hội của mỗi con người, của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và của cả quốc gia - dân tộc trong quá trình phát triển.

 

xi). Thách thức về trình độ, năng lực quản lý - quản trị kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế không theo kịp với sự phát triển, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể dự báo rằng trong những thập kỷ sắp tới, tốc độ phát triển của thế giới dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra rất nhanh, đột biến và đa dạng. Điều đó làm thay đổi và đòi hỏi phải nâng cao hơn rất nhiều chất lượng và trình độ các thể chế, các quy định, các tiêu chuẩn hội nhập quốc tế (cả song phương và đa phương). Sự bất cập về năng lực hội nhập quốc tế (về hiểu biết luật pháp quốc tế, luật pháp của các đối tác, hiểu biết về các quy định bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, về các giải pháp phòng vệ và chống lại gian lận, giả mạo trong thương mại và đầu tư, về năng lực phản ứng chính sách…) của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, của đội ngũ chuyên gia, của đội ngũ doanh nhân, của bản thân những người lao động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, sẽ đều có thể đưa đến những “thua thiệt”, kém hiệu quá trong hội nhập quốc tế; hạn chế hiệu quả sử dụng các ngồn lực của đất nước trong quá trình phát triển. Đồng thời, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các mạng xã hội, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử… đang đặt ra những thách thức lớn về đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của phương thức quản lý - quản trị phát triển không chỉ của Nhà nước mà còn của toàn bộ xã hội. Điều này đang đặt ra phải đẩy mạnh đổi mới phương thức quản lý - quản trị phát triển trên toàn cầu và trong mỗi nước.

Nhận rõ bối cảnh quốc tế và trong nước, nhất là những cơ hội và thách thức đã và sẽ đặt ra trong giai đoạn mới, sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để xác định mục tiêu, định hướng chiến lược và những giải pháp phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

(Còn tiếp) 

 

 PGS.TS Trần Quốc Toản

                                                                                   Chuyên gia cao cấp

 

(Ghi chú: Sản phẩm của Đề tài cấp nhà nước: Chủ nghĩa tư bản hiện đại - vai trò, tác động đến tiến trình phát triển của thế giới và định hướng chình sách của Việt Nam; mã số KX.04.08/21-25).

 [1] Việt Nam nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 59 đối tác, trong đó 05 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 15/20 nước thuộc Nhóm G20 và nhiều nền kinh tế mới nổi khác.

 

[2] Theo tính toán của Ngân  hàng thế giới (WB), nếu các điều kiện đều thuận lợi, riêng Hiệp định CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,1% vào năm 2035; hiệp định  FTA Việt Nam-EU giúp kinh tế Việt Nam tăng thêm 0,5% GDP, xuất khẩu tăng từ 4 - 6%/ năm và tăng thêm 16 tỷ USD vào năm 2025… Nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nước có cơ hội hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ các FTA mới; nhiều hàng hóa của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng hóa của các nước khác tại thị trường của các đối tác ký kết FTA với Việt Nam (như Mỹ, EU, Nhật Bản, Ca-na-đa…) nhờ thuế suất nhập khẩu giảm xuống 0%.

[3] Sự hạn chế về năng lực độc lập - tự chủ của nền kinh tế thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:

        - Tiềm lực của nền kinh tế được nâng lên, nhưng quy mô còn nhỏ bé so với dân số gần 100 triệu người, nguy cơ tụt hậu, rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” của nền kinh tế nước ta vẫn còn hiện hữu (Quy mô GDP năm 2022 mới đạt 409 tỷ USD, bình quân đầu người - 4.110 USD; chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế còn thấp và thiếu bền vững, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; năng suất lao động còn thấp hơn nhiều so với các nước; trình độ công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp).

         - Lực lượng doanh nghiệp nội còn nhỏ bé, hạn chế cả về nguồn lực, vốn, năng lực quản lý, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế (chỉ có khoảng 2000 trên hơn 700.000 doanh nghiệp của cả nước - tức khoảng hơn 0,2% tham gia sản xuất công nghiệp hỗ trợ, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia).

         - Tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài về vốn, công nghệ, thị trường; do đó tiềm ẩn rủi ro vì chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, chính trị bên ngoài (các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% hàng hóa xuất khẩu của nước ta, trong đó phần lớn là sản phẩm chế biến chế tạo, kể cả công nghệ cao).

        - Năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp Việt còn thấp (nhiều sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ hạn chế về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu, xuất xứ…, chủ yếu là sơ chế và gia công với hàm lượng giá trị gia tăng không cao, mức độ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế).

 

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm