Tuần lễ số quốc tế Việt Nam lần thứ 3 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/11/2024 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Đây là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp trao đổi, tiếp cận với cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước về phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số.
Là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển hạ tầng số, Việt Nam đang không ngừng nỗ lực xây dựng nền tảng số hiện đại, đồng bộ, tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc chuyển đổi số toàn diện, từ Chính phủ số, kinh tế số đến xã hội số.
Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển hạ tầng số
Hạ tầng kỹ thuật số (hay hạ tầng số) là tập hợp các cơ sở vật chất, công nghệ và nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho việc thu thập, truyền tải, lưu trữ, quản lý và xử lý dữ liệu trong môi trường số. Đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của các hoạt động chuyển đổi số, từ Chính phủ số, kinh tế số, đến xã hội số.
Các thành phần chính của hạ tầng kỹ thuật số bao gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng Internet vạn vật (IoT), hạ tầng an ninh mạng, hạ tầng nền tảng số (Digital Platforms), hạ tầng phần cứng và mạng lưới kết nối.
Vai trò của hạ tầng kỹ thuật số là hỗ trợ chuyển đổi số (tạo nền tảng cho ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và IoT); Thúc đẩy kinh tế số (cung cấp khả năng giao dịch trực tuyến, phát triển thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh số); Phục vụ xã hội số (đảm bảo người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công, y tế, giáo dục, và các tiện ích khác thông qua các nền tảng trực tuyến); Tăng cường an ninh thông tin (đảm bảo bảo mật dữ liệu và giảm thiểu rủi ro từ các mối đe dọa mạng); Thu hẹp khoảng cách số (mang công nghệ đến mọi khu vực, từ thành thị đến nông thôn, giúp mọi người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ số).
Hạ tầng kỹ thuật số là "xương sống" cho các quốc gia trong kỷ nguyên công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng số quốc gia đồng bộ, hiện đại phục vụ Chính phủ số, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số đang là xu hướng phát triển chung của Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ từ một quốc gia đang phát triển với hạ tầng kỹ thuật hạn chế, trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển hạ tầng số. Những thành tựu nổi bật về kết nối internet, phát triển viễn thông và ứng dụng công nghệ mới đã tạo nền móng vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số.
Hạ tầng viễn thông và băng thông rộng là một trong những lĩnh vực được Việt Nam đầu tư mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2023, mạng băng thông rộng cố định của Việt Nam đạt tốc độ trung bình 104,08 Mbps, tăng 31,9% so với năm 2022, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 87,79 Mbps. Việt Nam hiện xếp thứ 41 thế giới về tốc độ mạng băng thông rộng cố định, vượt nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển.
Đáng chú ý, mạng di động băng thông rộng tại Việt Nam đạt tốc độ 44,92 Mbps, đưa Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, Malaysia và Brunei. Mặc dù là nước đang phát triển, nhưng độ phủ sóng di động băng thông rộng 4G của Việt Nam năm 2023 đạt 99,8%, cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao (99,4%). Mạng 5G cũng đã được phủ sóng tại khu vực trung tâm của 63 tỉnh, thành phố.
Đến nay, 100% cơ quan nhà nước đã được triển khai mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã để trao đổi, chia sẻ dữ liệu. 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Có 82,2% hộ gia đình sử dụng internet cáp quang băng rộng; trên 84% người dùng di động sử dụng điện thoại thông minh, cao hơn mức trung bình 63% của thế giới. Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình đạt gần 80%, cao hơn so với trung bình 60% của thế giới. Tính đến hết tháng 12/2023, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng internet Việt Nam đạt 59%, xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 9 thế giới. Đặc biệt, chi phí dịch vụ internet tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình toàn cầu, giúp mọi người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Hạ tầng trung tâm dữ liệu là một yếu tố quan trọng khác trong chiến lược phát triển hạ tầng số. Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571.000 máy chủ. Các trung tâm này không chỉ phục vụ lưu trữ và xử lý dữ liệu mà còn hỗ trợ vận hành các ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Các Bộ, ngành và địa phương đều có hạ tầng lưu trữ dữ liệu riêng để lưu trữ, phục vụ phát triển các nền tảng, dữ liệu, trong đó một số nơi đã triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để nâng cao năng lực. Theo đó, số Bộ, ngành, địa phương đã triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt 71,43%.
Việc phổ cập các tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc cũng là một bước tiến quan trọng. Tính đến hết năm 2023, tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập được trên 80.000 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phố, với tổng số trên 378.000 thành viên tham gia. Đây là một trong những sáng kiến giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực trong cả nước.
Nhà mạng triển khai thiết lập mạng 5G.
Xây dựng hệ thống hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu bùng nổ dữ liệu
Phát triển hạ tầng số là một trong ba trụ cột chính của chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu bùng nổ dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hiện Việt Nam đang tập trung vào mở rộng và nâng cấp hạ tầng băng thông rộng trên toàn quốc. Các khu vực trọng điểm như thành phố lớn, khu công nghệ cao, khu công nghiệp và cơ quan nhà nước được ưu tiên đầu tư. Đồng thời, Chính phủ đẩy mạnh xây dựng thêm 4-6 tuyến cáp quang biển quốc tế để tăng cường khả năng kết nối toàn cầu, biến Việt Nam trở thành trung tâm dữ liệu khu vực.
Về xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia, dự kiến, Việt Nam sẽ xây dựng tối thiểu 3 trung tâm dữ liệu quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ quản trị nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò nền tảng trong việc lưu trữ và xử lý dữ liệu, đồng thời thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn.
Liên quan đến thúc đẩy IoT và ứng dụng công nghệ mới, hạ tầng IoT sẽ được tích hợp vào các lĩnh vực thiết yếu như giao thông, năng lượng và đô thị thông minh. Đồng thời, các giải pháp ứng dụng AI trong quản lý và vận hành sẽ được khuyến khích, nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các tổ chức và doanh nghiệp.
Để thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo 500.000 nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao vào năm 2025. Các chương trình đào tạo kỹ năng số sẽ được triển khai rộng rãi trên nền tảng trực tuyến mở (MOOCs), giúp hàng triệu người tiếp cận tri thức số. Đồng thời, các khóa học chuyên sâu sẽ nâng cao năng lực cho cán bộ nhà nước và nhân viên doanh nghiệp.
Về chính sách hỗ trợ và hợp tác quốc tế, Chính phủ đã xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư vào hạ tầng số, từ ưu đãi thuế đến hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tuần lễ số quốc tế Việt Nam diễn ra tại Hạ Long tới đây sẽ là cơ hội để để các đơn vị, doanh nghiệp trao đổi, tiếp cận với cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước về phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số. Đồng thời, đây là dịp để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạch định chính sách chiến lược phát triển, công nghệ, nguồn nhân lực, thiết lập quan hệ đối tác hợp tác, đề xuất giải pháp nhằm ứng phó với thách thức hiện nay. Sự kiện cũng là cơ hội giới thiệu sản phẩm dịch vụ, thu hút đầu tư, thiết lập quan hệ hợp tác giữa Quảng Ninh với các đối tác công nghệ trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ Tuần lễ số sẽ diễn ra nhiều hoạt động, như: Hội nghị bàn tròn cấp Bộ trưởng; Hội nghị 5G ASEAN lần thứ 4; Diễn đàn quốc tế về chiến lược kỹ thuật số, chính sách và quản trị AI với Australia; Hội nghị các quan chức thông tin ASEAN; Hội thảo các khuyến nghị về chính sách và quy định để thúc đẩy dịch vụ tin cậy trong ASEAN. Cùng với đó là Diễn đàn đầu tư số quốc tế - Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ICT tại các tỉnh, thành phố và khu công nghiệp; Hội nghị OECD về nguồn nhân lực cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế số; Hội nghị Việt Nam - ITU về quản trị AI và ứng dụng AI trong lĩnh vực công nghiệp; Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - Hàn Quốc; Cuộc thi Hackathon Đông Nam Á... ./.
Theo TTXVN