Sign In

“Thường thức chính trị” - Tác phẩm lý luận lớn về cách mạng Việt Nam

21:35 16/11/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Thường thức chính trị” gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X đǎng trên nhiều

số báo Cứu quốc. Ảnh tư liệu

 

Để cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng nhằm xây dựng lý tưởng và niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cuộc đấu tranh vượt qua gian khổ, hy sinh, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 50 bài viết, với bút danh Đ.X., đǎng trong chuyên mục Thường thức chính trị, báo Cứu quốc từ số 2253, ngày 16-1 đến số 2430, ngày 23-9-1953. Nǎm 1954, các bài viết này được Nhà xuất bản Sự thật tập hợp lại và xuất bản thành sách với tiêu đề “Thường thức chính trị” để làm tài liệu học tập và tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.


Bằng hình thức chia các vấn đề chính trị thành những mục nhỏ, đặt câu hỏi dẫn dắt với văn phong giản dị, bình dân, từng vấn đề lý luận rất cơ bản của cách mạng, của công cuộc kháng chiến, kiến quốc đương thời được trình bày hết sức ngắn gọn, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được. Ngày nay nhìn lại, “Thường thức chính trị” là một mẫu mực về loại sách lý luận chính trị phổ thông, đồng thời những nội dung được trình bày dưới dạng “thường thức” nhưng lại là những vấn đề lý luận rất lớn, rất sâu sắc về cách mạng Việt Nam, gợi mở cho chúng ta cả nội dung và cách tiếp cận nhiều vấn đề lý luận của công cuộc Đổi mới hiện nay. Sau đây xin điểm lại một số vấn đề lý luận nổi bật được trình bày trong tác phẩm:


1. Những vấn đề cơ bản về cơ sở lý luận của cách mạng XHCN, cách mạng Việt Nam

 

Tác phẩm đã giải thích: Giai cấp là gì? Chế độ phong kiến là gì? Chủ nghĩa tư bản là gì?  Chủ nghĩa đế quốc là gì? Tư bản mại bản là gì? Vì sao kinh tế lạc hậu? Vì sao nhân dân Việt Nam cực khổ ? Tội ác của đế quốc Pháp xâm lược nước ta ?...

Về nguồn gốc của bất công, nghèo khó, Tác phẩm chỉ ra là do giai cấp bóc lột chiếm hết tư liệu sản xuất, không làm mà hưởng, còn những người lao động mà không được hưởng trở thành giai cấp.


 Chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, đế quốc đều là những chế độ xã hội bất công, trong đó giai cấp thống trị bóc lột giai cấp lao động, do đó, giai cấp bị bóc lột tất sẽ nổi đấu tranh, nổi lên cách mệnh, đánh tan.


Với Việt Nam, đế quốc pháp là kẻ xâm lược, làm cho kinh tế Việt Nam lạc hậu, đa số nhân dân, tức là công nhân và nông dân cực khổ, khó khăn; tư sản dân tộc bị đế quốc và phong kiến chèn ép, vì lẽ đó, muốn giải phóng thì nhân dân, tức là công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, phải đoàn kết để đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến và tư sản mại bản.

Những nội dung này đã trình bày hệ thống những kiến thức cơ bản về cơ sở lý luận của cách mạng XHCN, cách mạng Việt Nam theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin.


2. Lý luận về thời đại

 

Tác phẩm khẳng định: “Thời đại của chúng ta là thời đại mới, thời đại cách mạng thắng lợi”[1]. Tuy một số diễn đạt nội dung cụ thể không còn phù hợp với hiện nay, nhưng cách tiếp cận nội dung thời đại mới với 3 mâu thuẫn cơ bản vẫn giữ nguyên giá trị cho nghiên cứu về thời đại trong điều kiện hiện nay.


3. Lý luận về cách mạng Việt Nam

 

Tác phẩm giải thích ngắn gọn khái niệm cách mạng: "Cách mạng tức là giai cấp tiến bộ đánh đổ giai cấp phản tiến bộ"[2]. Về tính chất cách mạng Việt Nam, Tác phẩm khẳng định: "…cách mạng Việt Nam phải là cách mạng dân chủ mới, chứ không thể là dân chủ cũ "[3].


Về con đường cách mạng: Từ luận về thời đại mới, Tác phẩm chỉ ra con đường cách mạng Việt Nam: “Thời đại mới khiến cách mạng Việt Nam phải là cách mạng dân chủ mới (tức là cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân hiện nay). Tác phẩm giải thích: “Trước đây Việt Nam ta là một nước thuộc địa và phong kiến. Cho nên cách mạng của ta là cách mạng dân tộc và dân chủ mới, tức là chống đế quốc, chống phong kiến. Rồi tiến dần đến chủ nghĩa xã hội”[4].


Về động lực cách mạng, Tác phẩm có cách luận giải đơn giản những vấn đề lý luận về  động lực cách mạng nhưng lô gíc, dễ hiểu: Động lực cách mạng là gì? Tác phẩm viết:  "Những giai cấp ủng hộ và tham gia cách mạng tức là động lực cách mạng"[5]. Động lực cách mạng Việt Nam gồm những lực lượng nào? Tác phẩm dẫn dắt và chỉ ra:

 

Theo tính chất cách mạng của mỗi nước mà quyết định động lực cách mạng bao gồm những giai cấp nào. Tính chất cách mạng của ta là cách mạng dân chủ mới, cho nên động lực cách mạng gồm có những giai cấp: công nhân, nông dân, tiểu tư sản.

 

Trong một thời kỳ và một trình độ nhất định, giai cấp tư sản dân tộc cũng là động lực cách mạng.


Vì bị đế quốc và phong kiến áp bức bóc lột tàn tệ, cho nên giai cấp công, nông, tiểu tư sản nhiệt liệt mong muốn đánh đổ chúng. Tư sản dân tộc cũng bị đế quốc và phong kiến áp bức ngăn trở, cho nên họ cũng có thể đứng về phe cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động, 4 giai cấp ấy đoàn kết thành mặt trận thống nhất, đánh đế quốc và phong kiến đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi"[6].


4. Lý luận về giai cấp và sứ mệnh lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam

 

4.1. Về các giai cấp ở Việt Nam

 

Tác phẩm định nghĩa, phân tích đặc điểm, vai trò và chính sách của Đảng cách mạng với từng giai cấp cụ thể trong xã hội: nông dân, công nhân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc. Từ chỗ nêu lên khái niệm, đặc điểm, vị trí và vai trò riêng của từng giai cấp, Hồ Chí Minh đi đến kết luận: Dù đặc điểm khác nhau, tác dụng khác nhau, song trong kháng chiến, trong cách mạng dân chủ mới, các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc, đều có lợi ích chung, mục đích chung, cần phải đoàn kết lại thành Mặt trận dân tộc thống nhất mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và chính đảng của giai cấp ấy tức là Đảng Lao động Việt Nam[7]. Đây là những phân tích gợi ý cho chúng ta cách tiếp cận vấn đề giai cấp hiện nay ở Việt Nam trong điều kiện mới.


4.2. Về giai cấp công nhân và vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân: Tác phẩm đã trả lời 3 vấn đề về giai cấp công nhân Việt Nam mà đến nay những chỉ dẫn còn nguyên giá trị.


Một là, giai cấp công nhân là ai?

 

Tác phẩm chỉ rõ: Tất cả những người không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động mà sống, là công nhân. Bất kỳ họ lao động trong công nghệ hay là trong nông nghiệp, bất kỳ họ làm nghề gì, cũng đều thuộc về giai cấp công nhân[8]. Tuy nhiên, Người cũng giải thích, trong số đó, không phải tất cả họ đều là giai cấp công nhân và chỉ ra tiêu chí căn bản để xác định đó là giai cấp công nhân đúng nghĩa mang đầy đủ “đặc tính” của giai cấp công nhân quốc tế theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tác phẩm viết: “Chủ chốt của giai cấp ấy, là những công nhân ở các xí nghiệp như: nhà máy, hầm mỏ, xe lửa, vân vân... Những công nhân thủ công nghệ, những người làm thuê ở các cửa hàng, những cố nông, vân vân..., cũng thuộc về giai cấp công nhân. Nhưng chỉ công nhân công nghệ là hoàn toàn đại biểu cho cái đặc tính của giai cấp công nhân”[9].


Hai là, vì sao giai cấp công nhân lại là giai cấp lãnh đạo cách mạng? Tác phẩm giải thích: Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo.


Ba là, vì sao giai cấp công nhân Việt Nam tuy ít vẫn là giai cấp lãnh đạo cách mạng?

 

Tác phẩm nêu vấn đề đặt ra: Có người nói: Giai cấp công nhân Việt Nam số người còn ít, không lãnh đạo được cách mạng. Nói vậy không đúng. Lãnh đạo được hay là không, là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp. Giai cấp công nhân có chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên nền tảng đấu tranh, họ xây dựng nên Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin là Đảng Lao động Việt Nam. Đảng đề ra chủ trương, đường lối, khẩu hiệu cách mạng, lôi cuốn giai cấp nông dân và tiểu tư sản vào đấu tranh, bồi dưỡng họ thành những phần tử tiên tiến. Lại có những phần tử trí thức tham gia cách mạng và vô sản hóa. Thành thử đội ngũ chính trị của giai cấp công nhân ngày càng phát triển. Mai sau, công nghệ của ta ngày càng phát triển, thì số công nhân ngày càng tăng thêm. Tuy hiện nay ở nước ta giai cấp công nhân còn nhỏ, song ở thế giới thì giai cấp công nhân rất to lớn. Cho nên quyền lãnh đạo cách mạng chỉ do giai cấp công nhân nắm[10].


5. Lý luận về CNXH

 

Tác phẩm nêu rõ mục đích của Đảng là lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thực hiện dân chủ mới, tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản.


CNXH là gì ? Tác phẩm giải thích: “Cộng sản có hai giai đoạn. Giai đoạn thấp, tức là chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn cao, tức là chủ nghĩa cộng sản”. Hai giai đoạn ấy khác nhau ở nơi: Chủ nghĩa xã hội vẫn còn chút ít vết tích xã hội cũ. Xã hội cộng sản thì hoàn toàn không còn vết tích xã hội cũ.[11]


6. Lý luận về dân chủ mới

 

Tác phẩm đã nêu quy luật phát triển của nhân loại nói chung và tính đa dạng con đường phát triển của các dân tộc, từ đó giải thích về dân chủ mới, trong đó có con đường của Việt Nam: “Từ cộng sản nguyên thuỷ đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tuỳ hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta, v.v…"[12]


Tác phẩm đã trình bày khái các đặc trưng chính trị, kinh tế, tư tưởng của dân chủ mới, trong đó nhấn mạnh: xây dựng "nhân dân dân chủ chuyên chính"; kinh tế nhiều thành phần; sự thống trị của hệ tư tưởng của giai cấp công nhân; sự lãnh đạo của Đảng.


Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Nguyễn Xuân Thắng dự Lễ giới thiệu bộ sách thường thức chính trị và tham quan trưng bày sách của

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (Ngày 03/2/2023).


7. Lý luận về kinh tế

 

7.1. Về bản chất, vai trò của các thành phần kinh tế

 

Trong 2 mục 23 và 24 về thành phần kinh tế ở nước ta và chính sách kinh tế của Đảng, Chính phủ, tác phẩm để lại cho lý luận kinh tế của chúng ta hiện nay những chỉ dẫn quan trọng về bản chất, vai trò, định hướng phát triển các thành phần kinh tế và chính sách kinh tế.


- Đối với kinh tế quốc doanh (nay gọi là kinh tế Nhà nước):


 Về bản chất, “”có tính chất CNXH”;

 Về vai trò, “là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới”[13].


- Đối với kinh tế hợp tác xã (nay gọi là kinh tế tập thể):


Về bản chất, “có tính chất nửa CNXH”;

Về vai trò, các hợp tác xã là do “nhân dân góp nhau để mua những thứ mình cần dùng, hoặc để bán những thứ mình sản xuất không phải kinh qua các người con buôn, không bị họ bóc lột”[14].


- Đối với kinh tế cá nhân ((nay gọi là kinh tế cá thể) của nông dân và của thủ công nghệ,

 

Về bản chất, đó là kinh tế “tự túc, ít có gì bán, và cũng ít khi mua gì”

Về vai trò, đó “là một thứ kinh tế lạc hậu”.


- Đối với kinh tế tư bản của tư nhân

 

Về bản chất, họ bóc lột công nhân.

Về vai trò, tuy họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế. [15]


- Đối với kinh tế tư bản quốc gia là “nhà nước hùn vốn với tư nhân để kinh doanh, và do nhà nước lãnh đạo. trong loại này, tư bản của tư nhân là chủ nghĩa tư bản. tư bản của nhà nước là chủ nghĩa xã hội”[16].


7.2. Về chính sách kinh tế của Đảng, Chính phủ:


Tác phẩm đã nêu và luận giải những quan điểm chủ trương rất phức tạp trong chính sách kinh tế thời kỳ quá độ lên CNXH một cách dễ hiểu:


- Thứ nhất là về quan điểm xử lý các mối quan hệ lớn trong phát triển kinh tế  thị trường do Đảng lãnh đạo là:: “công tư đều lợi”; “chủ thợ đều lợi”;  “lưu thông trong ngoài”; “công nông giúp nhau”[17].


- Thứ hai là về thái độ đối với các thành phần kinh tế:

 Đối với kinh tế quốc doanh: “...chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó”. [18]

 Đối với kinh tế tư bản của tư nhân, kinh tế cá nhân: đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.[19]


 Đối với nhà tư bản: Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức.[20]


Những quan điểm, chủ trương này rõ ràng còn nguyên giá trị trong chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay


8. Lý luận về nhà nước, nhà nước của nhân dân

 

Tác phẩm đã trình bày rất ngắn gọn nhưng hệ thống, rõ ràng những vấn đề có tính lý luận về nhà nước, nhà nước mới, như: nguồn gốc, khái niệm, tính chất, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, lãnh đạo nhà nước và quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân trong nhà nước.


Nguồn gốc nhà nước? Nhà nước là gì? Tác phẩm trình bày rất giản dị, dễ hiểu:

“Trải mấy muôn năm, hội cộng sản nguyên thuỷ không có chế độ tư hữu, không có sự bóc lột, không có giai cấp, thì không có nhà nước.


Từ khi có chế độ tư hữu, người giàu thành giai cấp bóc lột, người nghèo thành giai cấp bị bóc lột. Giai cấp người giàu xây dựng bộ máy thống trị gồm có chính phủ, quân đội, toà án, cảnh sát, v.v.. Bộ máy ấy gọi là nhà nước để thống trị giai cấp bị bóc lột.”


Bản chất của nhà nước của giai cấp bóc lột: “Nhà nước phong kiến là công cụ của địa chủ để thống trị nông dân. Nhà nước tư bản là công cụ của giai cấp tư sản để thống trị giai cấp công nhân.”


Nhà nước của nhân dân: Ra đời từ Cách mạng Nga thành công, là “công cụ thống trị của nhân dân lao động”.


Nhà nước dân chủ nhân dân nước ta ra đời từ Cách mạng tháng Tám, cũng là nhà nước của đại đa số nhân dân, nên “Nhà nước ta đã thành nhà nước của nhân dân”[21]- là “Nhà nước mới”. Nhân dân là ai ? Tác phẩm giải thích ngắn gọn: ‘”Nhân dân là: bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc”[22].


Tính chất của Nhà nước ta: là Nhà nước mới, Nhà nước của nhân dân, khác hẳn nhà nước cũ (nhà nước phong kiến và tư sản): “Nhà nước ta ngày nay là nằm trong tay nhân dân chống đế quốc và phong kiến. Tính chất nó là nhân dân dân chủ chuyên chính


Nguồn gốc quyền lực của nhà nước ta: “Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, tức là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc”[23].


Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta là “dân chủ tập trung”: Tác phẩm giải thích nội dung của nguyên tắc “dân chủ tập trung” trong Nhà nước rất đơn giản, dễ hiểu:


 “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ.

Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung”.[24]

9. Lý luận về mặt trận dân tộc thống nhất

 

- Bản chất của mặt trận dân tộc thống nhất: “Trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc đều là động lực của cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, bốn giai cấp đoàn kết và tổ chức thành mặt trận thống nhất to lớn mạnh mẽ.”


- Mục đích, sứ mệnh của mặt trận dân tộc thống nhất là: “...bốn giai cấp ấy cần phải đoàn kết, cần phải hợp tác, cùng nhau xây dựng nhân dân dân chủ chuyên chính, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công”.

Nền tảng của mặt trận dân tộc thống nhất là công nông liên minh. Tác phẩm đã luận giải rất ngắn gọn vì sao công nông liên minh là nền tảng tự nhiên của mặt trận dân tộc thống nhất.


10. Lý luận về quan hệ giữa tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế

 

Đây là vấn đề không đơn giản trong lý luận xây dựng Đảng và lý luận về CNXH. Tác phẩm khẳng định: “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau” và giải thích: Tinh thần yêu nước là kiên quyết giữ gìn quyền độc lập, tự do và đất đai toàn vẹn của nước mình. Tinh thần quốc tế là đoàn kết với các nước bạn và nhân dân các nước khác để giữ gìn hoà bình thế giới, chống chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc. Đây chính là cốt lõi của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi của Đảng ta hiện nay.


11. Lý luận về Đảng và xây dựng Đảng

 

Vấn đề về Đảng được trình bày trong 14/50 mục của Thường thức chính trị, trở thành là vấn đề trung tâm của tác phẩm, thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Hồ Chí Minh. Hầu hết những vấn đề lý luận cơ bản về Đảng và xây dựng Đảng đã được trình bày, luận giải hết sức dễ hiểu, dễ nhớ.


Về Đảng:   


- Đảng là gì? “Đảng là bộ đội tiền tiến của nhân dân lao động (công nhân, nông dân và lao động trí óc)”[25];


- Đảng của ai? “Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân”[26].


- Tính chất của Đảng: “là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao, và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc”[27].


- Vai trò của Đảng: “Có Đảng lãnh đạo, cách mạng và kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”[28]. Tác phẩm giải thích: “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận ra vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ ra con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi”[29].


Đồng thời, tác phẩm cũng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đã khẳng định trong tác phẩm: “Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo, vì: Dù nhân dân đó nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn. Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn”[30]. Do đó, “Đảng phải lãnh đạo tất cả những tổ chức khác của nhân dân lao động”[31].


- Mục đích của Đảng: “Mục đích của Đảng là lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thực hiện dân chủ mới, tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi đến chủ nghĩa cộng sản”[32].


- Nền tảng tư tưởng của Đảng: “Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, mỗi đảng viên đều phải nghiên cứu”[33].


- Nguyên tắc tổ chức của Đảng: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”[34]. Tác phẩm giải thích rõ mối quan hệ giữa 2 mặt tập trung và dân chủ trong chế độ dân chủ tập trung của Đảng:


“Tập trung trên nền tảng dân chủ.

 

Cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín và quyền lực chân chính. Những phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật của Đảng, mọi đảng viên phải tuân theo. Thế là tập trung. Nhưng tập trung ấy không phải là cá nhân chuyên chính; nó là xây dựng trên nền tảng dân chủ...

 

Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung.

 

Ở trong Đảng, mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và trái kỷ luật của Đảng. Quyết chống: không xét thời gian, địa điểm, điều kiện mà nói lung tung; tự do hành động; dân chủ quá trớn...


Toàn thể đảng viên phải theo đúng Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất của Đảng. Toàn thể đảng viên phải theo sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương”.[35]


Đây là những chỉ dẫn lý luận, thực tiễn rất sâu sắc, dễ hiều về nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng mà đến nay vẫn cần dựa vào để giải thích cho cán bộ, đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ-nguyên tắc tổ chức cơ bản ủa Đảng nhưng có nội dung rất rộng, trừu tượng.


- Tổ chức của Đảng: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên”.


- Nhiệm vụ của Đảng: “Đảng phải lãnh đạo tất cả những tổ chức khác của nhân dân lao động”[36].


- Quyền lực của cơ quan lãnh đạo trong Đảng: “Quyền lực của cơ quan lãnh đạo là do quần chúng đảng viên giao phó cho, chứ không phải tự ai tranh giành được. Vì vậy, người lãnh đạo phải gần gũi và học hỏi quần chúng đảng viên, nghe ngóng ý kiến của họ. Nếu lên mặt với quần chúng, lạm dụng quyền lực - thế là sai lầm”[37].


Về xây dựng Đảng

 

- Vai trò của xây dựng Đảng: Tác phẩm viết: “Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc. Đối với vận mệnh của nước nhà và dân tộc, Đảng có trách nhiệm vô cùng to lớn. Cho nên xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta”[38].


-  Nội dung xây dựng Đảng: Tác phẩm chỉ rõ: “Xây dựng Đảng, có ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức”[39], và nhấn mạnh: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng”[40].


- Xây dựng Đảng về chính trị: Tác phẩm lưu ý việc xây dựng đường lối chính trị, Đảng phải “chống khuynh hướng "tả" và khuynh hướng "hữu"[41]. Tác phẩm trình bày một số khái niệm cơ bản trong xây dựng Đảng về chính trị, như Đảng cương, Đảng chương, vai trò của các văn kiện quan trọng này. Đây là những khái niệm quan trọng trong lý luận xây dựng Đảng. Tác phẩm viết: “Đảng cương là một văn kiện nó quy định: Tính chất của Đảng, mục đích đấu tranh và đường lối cách mạng của Đảng, phương pháp lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đảng cương là lý luận nền tảng, Đảng dùng để lãnh đạo cách mạng. Nó đảm bảo cho chính trị thống nhất, tư tưởng thống nhất của Đảng... Nếu không vậy, thì tư tưởng sẽ rối loạn, ý kiến sẽ lung tung, Đảng sẽ yếu đuối, rời rạc, không làm được gì. Đảng chương là một văn kiện quy định: Phương pháp hành động, hình thức tổ chức, khuôn phép sinh hoạt nội bộ của Đảng. Nó đảm bảo tổ chức thống nhất, hành động thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên phải tuyệt đối thừa nhận và làm đúng Đảng chương. Nếu không vậy, nếu ai muốn làm sao thì làm, thì kết quả sẽ đưa Đảng đến chỗ tan rã”[42]. Ngày nay, Đảng ta đã hợp nhất hai văn kiện này thành Cương lĩnh chính trị của Đảng, nhưng những giải thích về nhận thức lý luận đối với các văn kiện này của Đảng vẫn còn nguyên giá trị, giúp cho cán bộ, đảng viên hiểu về vai trò và có thái độ đúng đối với Cương lĩnh của Đảng.


- Mối liên hệ Đảng với nhân dân và dựa vào dân để xây dựng Đảng:  Đây là vấn đề được Tác phẩm trình bày ở nhiều mục. Tác phẩm viết: “Đảng phải liên lạc thật chặt chẽ với quần chúng”; “Đảng viên phải toàn tâm toàn lực phụng sự lợi ích của nhân dân”; “Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu””; “Đảng viên và cán bộ nhất định phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng. Nhất định phải theo nhu cầu của quần chúng mà xây dựng những tổ chức cách mạng hợp với trình độ của quần chúng. Nhất định phải làm gương mẫu trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc. Nhất định phải vào sâu trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo”. Đặc biệt, đường lối “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng[43]đã được nêu rõ trong Tác phẩm: “Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối”. Tác phẩm giải thích: “Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách: hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình”.


- Đảng viên: Tác phẩm nêu lên vai trò quan trọng của đảng viên: “Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. Vì vậy, công tác đảng viên có ý nghĩa “là nền tảng của tổ chức Đảng”


- Chi bộ: Tác phẩm chỉ ra vai trò của chi bộ: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ[44]; “Chi bộ là đồn luỹ của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”[45], và nhấn mạnh: “Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi uỷ vững tức là chi bộ mạnh”[46].

***

Hiện nay, bối cảnh lịch sử trong nước và thế giới có nhiều biến đổi so với hoàn cảnh lịch sử khi tác phẩm “Thường thức chính trị” ra đời năm 1953. Tuy nhiên, xét trên bình diện lý luận, cho đến nay, “Thường thức chính trị” là một di sản lớn trong Tư tưởng Hồ Chí Minh; một tác phẩm lý luận lớn, toàn diện về cách mạng Việt Nam. Những luận điểm, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tác phẩm cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để phát triển lý luận về đường lối đổi mới của Việt Nam hiện nay./.


TS. Bùi Trường Giang

PGS.TS. Nguyễn Văn Giang

Hội đồng Lý luận Trung ương



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 8, Nxb.CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.269.

[2] Sđd, tr.255.

[3] Sđd, tr.254.

[4] Sđd, tr.260.

[5] Sđd, tr.255.

[6] Sđd, tr.255-256.

[7] Sđd, tr.250-260.

[8] Sđd, tr.256.

[9] Sđd, tr.256.

[10] Sđd, tr.257.

[11] Sđd, tr.290.

[12] Sđd, tr.293.

[13] Sđd, tr.267.

[14] Sđd, tr.266.

[15] Sđd, tr.266.

[16] Sđd, tr.266.

[17] Sđd, tr.267.

[18] Sđd, tr.267.

[19] Sđd, tr.267.

[20] Sđd, tr.267.

[21] Sđd, tr.261.

[22] Sđd, tr.262.

[23] Sđd, tr.262.

[24] Sđd, tr.263-264.

[25] Sđd, tr.274.

[26] Sđd, tr.276.

[27] Sđd, tr.273.

[28] Sđd, tr.274.

[29] Sđd, tr.273.

[30] Sđd, tr.274.

[31] Sđd, tr.275.

[32] Sđd, tr.289.

[33] Sđd, tr.275.

[34]  Sđd, tr.275

[35] Sđd, tr.286-287.

[36] Sđd, tr.275.

[37] Sđd, tr.286.

[38] Sđd, tr.279.

[39] Sđd, tr.279.

[40] Sđd, tr.280.

[41] Sđd, tr.280.

[42] Sđd, tr.282.

[43] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập2, Nxb.Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 248.

[44] Sđd, tr.286.

[45] Sđd, tr.288.

[46] Sđd, tr.289.


Tag:

File đính kèm