Sign In

Bến Tre: Chị Phan Thị Ngọc Rí khởi nghiệp thành công với mô hình làm mứt mãng cầu xiêm

00:00 12/04/2023
Nhận thấy thị hiếu của người tiêu dùng là sử dụng sản phẩm phải sạch, có nguồn gốc từ thiên nhiên cùng với loại trái cây có sẵn ở quê nhà, chị Phan Thị Ngọc Rí - ấp Bến Đò, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm đã mạnh dạn khởi nghiệp với mứt mãng cầu xiêm. Lợi nhuận đem lại hết sức phấn khởi và hứa hẹn mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới.

Chị Rí với sản phẩm mứt được trưng bày tại huyện

Ban đầu vào năm 2016, chị Rí chỉ sản xuất mứt mãng cầu xiêm theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ của người quen nhưng lâu dần người tiêu dùng cảm nhận được vị ngon của sản phẩm nên đặt hàng ngày càng nhiều. Chị Rí cho biết: Nhận thấy việc mang lại lợi ít từ các loại trái cây từ thiên nhiên, giải quyết được việc tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, giải quyết được lao động nhàn rỗi, mang các sản phẩm sạch, xanh đến người tiêu dùng. Nên tôi nảy sinh ý định sản xuất để cung cấp cho thị trường và hàng loạt những sản phẩm từ mãn cầu xiêm. Sản phẩm này dần dần được nhiều người biết đến nên tôi cảm thấy phấn khởi, ham thích, tôi cũng mong muốn là mình sẽ phát triển hơn nữa”.

Qua 5 năm hoạt động, ngoài mứt mãng cầu xiêm chị có ý định sản xuất để cung cấp cho thị trường thêm loại mãn cầu khô và cũng thành công từ loại sản phẩm này, được người tiêu dùng đón nhận và đặt hàng. Với mong muốn phát triển thêm kinh tế gia đình và tạo thêm thu nhập cho chị em phụ nữ tại địa phương, chị Rí lại mài mò học hỏi và sản xuất thêm mứt dừa, mứt chuối và mứt vỏ bưởi. Với giá cả phù hợp, thị trường tiêu thụ mứt hiện nay của chị chủ yếu là kênh online trên Facebook, Zalo, các quán bánh kẹo tại địa phương và Thành phố Bến Tre.

Với mong muốn tăng cường quảng bá sản phẩm trên diện rộng hơn, cho người tiêu dùng tiếp cận được những thực phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe, góp phần nâng tầm cho đặc sản quê nhà Bến Tre, chị Rí thực hiện và đăng ký sản phẩm OCOP. Đến tháng 9 năm 2022, 4 sản phẩm mứt của chị được công nhận OCOP hạng 3 sao gồm: mứt mãng cầu xiêm, mứt chuối, mứt dừa và mứt vỏ bưởi. Chị phấn khởi cho biết, lượng mứt sản xuất tiêu thụ rất nhanh, thị trường rất ưa chuộng, đặc biệt là vào dịp tết, từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, sản phẩm mứt rất hút hàng, mỗi ngày tiêu thụ từ 50 – 100 kg, lợi nhuận đem về từ 20 – 30 triệu mỗi tháng.

Sản phẩm mứt của chị Rí được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao 

Nói về mô hình khởi nghiệp của chị Rí, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thạnh Huỳnh Thị Thuý Hằng cho biết: Trong thời gian qua, Hội phụ nữ xã đã giúp đỡ nhiều chị em, hội viên phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có chị Phan Thị Ngọc Rí, là hội viên phụ nữ ấp Bến Đò, xã Mỹ Thạnh. Khởi nghiệp với các sản phẩm làm mứt, mô hình này đem lại hiệu quả cao. Để hỗ trợ chị khởi nghệp, Hội giúp đỡ chị thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, giới thiệu chị tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, các nguồn vốn do Hội phụ nữ quản lý và giới thiệu chị kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mô hình của chị đã giải quyết việc làm cho rất nhiều hội viên phụ nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Qua đó, Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng. Trong thời gian tới, Hội cũng sẽ tiếp tục giới thiệu chị tham gia các chương trình hội chợ và quảng bá trên các kênh truyền thông đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chị gia nhập nguồn cung cho các siêu thị lớn góp phần giải quyết nhiều lao động cho chị em phụ nữ tại địa phương”.

Hiện tại cơ sở sản xuất mứt của Chị Rí đang hoạt động quy mô gia đình và phụ thuộc lao động chân tay, sức lao động con người là chủ yếu, ảnh hưởng đến năng suất và tiến độ sản xuất. Vì vậy, chị rất muốn được hỗ trợ về khoa học công nghệ và vốn để tăng năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.

 

Hội LHPN tỉnh Bến Tre

 

Hội LHPN tỉnh Bến Tre

Tag:

File đính kèm