Sign In

Sóc Trăng: Gương phụ nữ vượt khó vươn lên làm giàu

00:00 11/09/2023
- Chị Nguyễn Thị Mỹ Lương vươn lên thoát nghèo từ buôn bán trái cây - Hội viên phụ nữ dân tộc Khmer làm mô hình kết hợp bán tạp hóa với chăn nuôi heo hiệu quả - Chị Trần Thị Ngọc Trang, hội viên xứ Cù Lao Dung làm kinh tế giỏi

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lương vươn lên thoát nghèo từ buôn bán trái cây

- Chị Nguyễn Thị Mỹ Lương vươn lên thoát nghèo từ buôn bán trái cây

Hưởng ứng phong trào “Xây dựng người Phụ nữ Sóc Trăng tình nghĩa, tự tin, sáng tạo”, chị Nguyễn Thị Mỹ Lương, hội viên phụ nữ ấp Chợ, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung đã vượt qua khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Trước đó, chị Lương phải đi làm thuê để kiếm sống, cuộc sống của hai vợ chồng cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Nhận thấy chị Lương cần cù, siêng năng, chịu khó làm ăn, biết vận dụng tính khéo léo, giỏi giang trong buôn bán trái cây, chị em hội viên, phụ nữ sinh hoạt tại chi hội phụ nữ ấp Chợ đã hỗ trợ giúp chị vay vốn với số tiền là 3 triệu đồng từ tổ hùn vốn của tổ để chị Lương làm vốn mua bán nhỏ. Việc làm ăn ngày càng khởi sắc, khách hàng đến ủng hộ ngày càng đông nên chị được Hội LHPN thị trấn giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng CSHX huyện với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng kinh doanh, mua thêm nhiều loại trái cây ở các vườn đem về bán. Hiện nay thu nhập của chị từ việc mua bán trái cây trừ hết chi phí, lợi nhuận còn lại từ 90 - 130 triệu đồng/năm. Với số tiền thu nhập hàng năm, chị trang trải cuộc sống gia đình, đầu tư xây nhà cửa khang trang tiện nghi đầy đủ. Không chỉ đảm đang, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Mỹ Lương còn là hội viên nhiệt tình, năng nổ trong các phong trào hoạt động ở chi hội, nhất là đi đầu trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế xây dựng gia đình hạnh phúc và là người phụ nữ mẫu mực, luôn là tấm gương sáng trong ứng xử để 4 người con noi theo.

Có thể thấy, thành công từ mô hình mua bán trái cây của chị Lương được chị em trong chi hội ấp, xã và chính quyền địa phương ghi nhận kết quả nỗ lực, phấn đấu vượt khó vươn lên thoát nghèo, đã góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đây là gương hội viên điển hình để chị em phụ nữ chia sẻ học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ có cuộc sống ổn định.

- Hội viên phụ nữ dân tộc Khmer làm mô hình kết hợp bán tạp hóa với chăn nuôi heo hiệu quả

Chị Quách Thị Phương Loan, sinh năm 1970, hội viên phụ nữ tiêu biểu ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng được biết đến với mô hình bán tạp hóa kết hợp nuôi heo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chị Phương Loan với cửa hàng tạp hóa

Điều kiện đời sống kinh tế gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, chật vật, tuy nhiên, với ý chí vươn lên không quản ngại khó khăn, chị Loan luôn chủ động tìm kiếm, học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật trong xây dựng mô hình hay, những việc làm hiệu quả như thực hiện việc hùn vốn xoay vòng trong tổ hàng tháng; tập trung làm kinh tế với mô hình mua bán tạp hóa kết hợp chăn nuôi heo tại nhà. Hiện tại, chị Loan đang nuôi 1 con heo nái và 14 con heo thịt. Qua mỗi đợt heo tới lứa gia đình Chị Loan thu được gần 2 tấn heo thịt với mức giá bình quân 80.000đ/kg thu về hàng năm được hơn 100 triệu đồng.

Trong gia đình, Chị Loan là người vợ chung thủy, đảm đang, người mẹ mẫu mực luôn làm gương cho chồng, các con của mình, dạy các con phải cố gắng trong học tập. Giờ đây cuộc sống ổn định, vững vàng chị Loan mong muốn được cống hiến hơn nữa giúp ích cho đời, được gần gũi gắn bó với chị em hội viên phụ nữ, góp phần đưa hoạt động phong trào thi đua ngày càng phát triển để phụ nữ dân tộc Khmer biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong học tập, lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.

- Chị Trần Thị Ngọc Trang, hội viên xứ Cù Lao Dung làm kinh tế giỏi

Biết phát huy thế mạnh của bản thân, kết hợp hiệu quả nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh để mang lại thu nhập kinh tế ổn định cho gia đình, đó là chị Trần Thị Ngọc Trang, sinh năm 1988 ở ấp An Trung, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

 Chị Ngọc Trang không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả trong dịch vụ nấu ăn và giải quyết việc làm cho nhiều anh chị em trên địa bàn

Xuất thân từ gia đình thuần nông, quanh năm bám vào ruộng vườn, cuộc sống gia đình chị khá chật vật trong những năm đầu ra ở riêng. Không nản chí, hai vợ chồng đã mạnh dạn chuyển sang trồng ổi Nữ hoàng, Ruby. Chị Trang chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác. Ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc trồng trọt của gia đình chị đạt hiệu quả chưa cao, sau đó, chị đã tiếp tục mày mò, chịu khó nghiên cứu tài liệu, học hỏi, tham khảo thêm các kiến thức. Được Hội LHPN xã giới thiệu vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện với số tiền 50 triệu đồng, chị đã đầu tư vào cây giống, nhờ tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt nên cây ổi phát triển xanh tốt, đầu ra ổn định, nhờ đó kinh tế gia đình chị phát triển tốt hơn. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị nhận đặt các loại cá, tôm bán cho người dân trên địa bàn xã; mở thêm dịch vụ nấu ăn đám tiệc trọn gói, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 120 – 150 triệu đồng từ kết hợp nhiều mô hình hoạt động này.

Hiện gia đình chị đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu nhờ vào sự đầu tư đúng hướng. Từ kinh nghiệm thành công của gia đình, chị Ngọc Trang không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả trong dịch vụ nấu ăn và giải quyết việc làm cho nhiều anh chị em trong xã. Dù tất bật với công việc gia đình, thế nhưng chị vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ ấp và Hội LHPN xã. Gia đình chị nhiều năm được nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Đặng Thị Na, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn CLD; Võ Ngọc Năng, Chủ tịch Hội LHPN xã An Thạnh 2; Nguyễn Thị Hồng Diễm

Tag:

File đính kèm