Sign In

Quảng Ngãi: Gương phụ nữ vươn lên làm giàu

00:00 21/09/2023
- Cô gái xứ Quảng khởi nghiệp với xà phòng tự nhiên tốt cho sức khỏe - Làm giàu từ nuôi chim công - Chị Nguyễn Thị Nguyên vươn lên thoát nghèo để nuôi các con ăn học

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh khởi nghiệp với xà phòng hữu cơ “Mộc Nhiên”

- Cô gái xứ Quảng khởi nghiệp với xà phòng tự nhiên tốt cho sức khỏe

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (35 tuổi) ở phường Trần Hưng Đạo, TP. Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã lựa chọn khởi nghiệp với sản phẩm xà phòng hữu cơ được chiết xuất từ thảo mộc, rau củ quả sạch.

Tốt nghiệp Trường Đại học Phạm Văn Đồng chuyên ngành Văn thư lưu trữ, có công việc ổn định ở một trường Mầm non. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây chị cùng chồng đã vạch ra hướng đi riêng bằng việc nghiên cứu, chiết xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp có nguồn gốc thiên nhiên.

Chị Linh chia sẻ, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, vợ chồng chị sản xuất thành công xà phòng handmade và phát triển sản phẩm xà phòng được nhiều người tiêu dùng đón nhận với cái tên thân thiện “Mộc Nhiên”. Thị trường dành cho sản phẩm hữu cơ này hiện nay đang ổn định và rộng mở.

Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ vùng quê ở Quảng Ngãi, “Mộc Nhiên” cho ra dòng sản phẩm với tên gọi dân dã như xà phòng nghệ, khổ qua, cà phê, tơ tằm và than hoạt tính… Sản phẩm được sản xuất dựa theo phản ứng hóa học xà phòng hóa, không sử dụng phôi xà phòng như các sản phẩm trên thị trường. Sản phẩm được kiểm tra chỉ tiêu pH, bọt xà phòng trước khi xuất bán. Điểm mới của sản phẩm “Mộc Nhiên” chính là công thức tạo ra các sản phẩm, dược liệu tự nhiên kết hợp với công thức hóa học tạo ra muối xà phòng, an toàn, thân thiện.

“Mộc Nhiên” quan tâm đến nhiều đối tượng khác nhau, nhất là sản phẩm cho mẹ bầu và trẻ em. Mùa nắng nóng, tuyến mồ hôi hoạt động nhiều nên trẻ em dễ nổi rôm sảy, mẫn ngứa, sử dụng xà phòng hữu cơ tự nhiên sẽ giảm ngứa…”, chị Linh bày tỏ.

Quá trình khởi nghiệp của vợ chồng chị Linh cũng không hề dễ dàng. Sau mỗi lần thất bại, vợ chồng chị rút ra được kinh nghiệm nên sản phẩm của chị từng bước hoàn thiện và đã được người tiêu dùng đón nhận. “Sản phẩm của tôi đúng chuẩn “xanh” và “sạch”, vừa thân thiện với môi trường thích hợp với mọi loại da vì không có hóa chất bảo quản, hoàn toàn được tạo ra từ các loại thảo dược. Tôi muốn tạo ra sự kết nối với những giá trị truyền thống. Nếu như ngày xưa, ông bà sử dụng các loại thảo mộc như bồ kết, hương nhu để gội đầu thì ngày nay, giới trẻ có thể dùng những bánh xà phòng tự nhiên như thế này. Tôi nghĩ điều gì xuất phát từ tâm sẽ gặt hái được kết quả tốt. Mục đích chính của tôi khi làm ra những sản phẩm này là lan tỏa những sản phẩm sạch đến cho mọi người”, chị Linh cho hay.

Hiện nay, sản phẩm xà phòng hữu cơ “Mộc Nhiên” đã hợp tác với một cửa hàng mỹ phẩm, cũng như kết nối với nhiều cộng tác viên kinh doanh trực tuyến. Số lượng đơn đặt hàng ngày một nhiều, vợ chồng chị Linh phải huy động người thân vào làm và tăng ca sản xuất để kịp hoàn thành đơn hàng cho khách. Dự kiến trong thời gian tới, chị Linh sẽ đẩy mạnh quảng bá, đăng tải sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử, để phát triển thương hiệu xà phòng hữu cơ đến với nhiều khách hàng trên cả nước. Trong thời gian gần đây, sản phẩm xà phòng hữu cơ “Mộc Nhiên” đã tham gia gian hàng ở Phiên chợ Thanh niên Quảng Ngãi, qua đó đến gần hơn với người tiêu dùng và tiếp cận thị trường.

- Làm giàu từ nuôi chim công

Với lòng đam mê và sự nhạy bén kinh doanh, chị Mai Thị Mười ở thôn Trung Chánh, xã Cát Minh, huyện Phù Cát đã biến thú chơi chim cảnh thành nghề hái ra tiền và trở thành nguồn thu nhập ổn định nhờ nuôi chim công.

Chị Mười chăm sóc đàn chim công

 

Chị chia sẻ: “Vì đam mê, tôi đã đi khắp nơi sưu tầm và tìm hiểu về các giống chim cảnh quý được ưa chuộng. Có dịp giao lưu nhiều nơi, tôi nhận thấy ngoài các loại chim cảnh phổ biến thì nhu cầu của người chơi chim, chơi gà quý, đặc biệt là chim công ngày càng nhiều mà nguồn cung quá ít. Chim công còn được xem là con vật nuôi phong thủy, mang đến sự may mắn và hòa khí cho gia đình gia chủ, nên được các chủ trang trại, người có thu nhập cao ưa chuộng và mua về làm cảnh, nó cũng là loài vật nuôi ưa thích của các khu du lịch sinh thái. Năm 2020, tôi bắt đầu thử nghiệm nuôi công”. Chỉ sau 2 năm vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, chị đã gây dựng được đàn chim công 40 con, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.

Dịp Tết 2022, chị đã xuất bán được 15 cặp chim công với giá 15-16 triệu đồng/cặp chim công xanh và 30-40 triệu đồng/cặp chim công trắng, thu về hơn 200 triệu đồng. Hiện tại, chị có 10 cặp chim công giống. Theo chị Mười, tìm giống khó nhưng nuôi công lại “dễ như nuôi gà”, tốn ít công chăm sóc. Chim Công ưa thích ăn loại hạt ngũ cốc như thóc, ngô, lạc và rau màu các loại kết hợp với cám tổng hợp cho gia cầm. Riêng nước uống phải đảm bảo thật sạch và được thay mới hàng ngày. Chim công cũng hay mắc các bệnh giống như gà nên cách phòng, chữa bệnh cũng không quá khó. Diện tích ô chuồng cho mỗi cặp chim thông thường từ 10-15m2, nền chuồng và khoảng sân phải cao, rải cát để hút ẩm và đảm bảo cho lông đuôi công không bị dính bẩn mỗi khi di chuyển, đồng thời là chỗ để cho công tắm cát làm sạch bộ lông. Đặc biệt, chuồng nuôi phải thông thoáng, mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Ngoài khoảng sân nhỏ để công tự do nhảy múa, vận động, tắm nắng; người nuôi phải bố trí thêm một số cành cây trong chuồng tạo khung cảnh thiên nhiên để chim bay đậu cho thoải mái nhanh lớn và có lông đẹp. Để đảm bảo công sinh sản tốt nên bố trí theo tỷ lệ 1 trống và 2 mái. Sau 2 năm, công đạt đến độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản.

Thông thường, mùa công đẻ trứng từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Chim công không thể tự ấp trứng nên người nuôi phải sử dụng lồng ấp. Trứng công trên thị trường có giá 600-800 nghìn đồng/quả, một cặp chim non 1 tháng tuổi chưa phân biệt được chim trống hay chim mái đã có giá 2 triệu đồng, một cặp công giống bố mẹ trưởng thành giá 16 triệu đồng. Như vậy, sau 2 năm, người chăn nuôi cũng thu được gần 30 triệu đồng từ bán chim non. Bên cạnh đó, người nuôi chim công còn có thu nhập từ bán lông đuôi công. Hiện chị Mười vẫn đang tiếp tục nhân giống và phát triển quy mô đàn chim Công cung cấp ra thị trường con giống và Công trưởng thành, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho những người có chung niềm đam mê loài chim quý hiếm này. Chị dự định mở rộng thêm 100m2 chuồng trại để nuôi thêm 10 cặp chim công giống.

Nuôi chim công giúp gia đình chị Mười cho thu nhập bình quân từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Với sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn tìm lối đi mới có hiệu quả, chị Mười đã thành công trong bước đầu lập nghiệp. Mô hình kinh tế của chị Mười cho thấy hiệu quả của việc nắm bắt xu thế thị trường để đầu tư, không chạy theo phong trào nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

- Chị Nguyễn Thị Nguyên vươn lên thoát nghèo để nuôi các con ăn học

Sinh ra trong gia đình thuần nông, bản thân là nạn nhân chất độc da cam, chị Nguyễn Thị Nguyên, thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển kinh tế, có điều kiện nuôi dạy con cái. Sau nhiều năm vật lộn với cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị đã vươn lên phát triển kinh tế từ chăn nuôi và trồng trọt góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình.

Vợ chồng chị Nguyên bên vườn cây ăn quả bắt đầu thu hoạch

Chị Nguyên cho biết, những năm đầu khi mới lập gia đình, vợ chồng chị làm lụng vất vả nhưng cuộc sống vẫn không thoát khỏi khó khăn, luôn nằm trong diện hộ nghèo của thôn. Khó khăn càng chồng chất khi bản thân chị là nạn nhân chất độc da cam hay đau ốm, các con đều đang trong tuổi ăn tuổi học.

Không ngừng trăn trở làm sao để thoát nghèo, vợ chồng chị được chính quyền địa phương hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng nhà; hỗ trợ con giống, máy ghiền thức ăn gia súc. Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi, vợ chồng chị tận dụng 1,5 ha đất của gia đình ở đồi Gò Làng để trồng cây, chăn nuôi. Hiện chị Nguyên sở hữu 100 gốc tiêu đã cho thu hoạch, hàng năm xuất bán 3 lứa gà, mỗi lứa 150 con tùy vào thời điểm thị trường. Dịp Tết nguyên đán năm nay, chị xuất bán 500 con; đồng thời, vườn cây ăn quả mít, sầu riêng… của gia đình chị cũng bắt đầu cho thu hoạch.

“Với suy nghĩ bản thân phải cần cù, chịu khó thì mới thoát nghèo được, trên mảnh đất này vợ chồng tôi đã đổ biết bao mồ hôi, công sức để biến vùng đất đồi khô cằn ngày nào thành vườn tiêu, cây ăn quả xanh mướt. Bên cạnh đó, lúc đầu chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nên tôi tham gia các lớp tập huấn do địa phương chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt. Từ đó, tôi áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình nên đàn bò, gà luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, đem lại thu nhập cao”, chị Nguyên tâm sự.

Thu nhập dần ổn định, kinh tế gia đình cũng bắt đầu phát triển thoát khỏi hộ nghèo. Đến nay, chị đã mua sắm được nhiều vật dụng giá trị cho gia đình. Không chỉ năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ trong phát triển kinh tế, chị Nguyên còn đảm đang, chăm lo cho gia đình luôn sống hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, nuôi dạy và đầu tư cho các con ăn học.

Điều đáng quý ở chị Nguyên chính là tinh thần phấn đấu, vươn lên làm kinh tế giỏi. Chị và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động tuyên truyền các thành viên trong gia đình và mọi người thân tham gia những phong trào của địa phương. Với những nỗ lực ấy, chị Nguyên xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều chị em phụ nữ học tập và làm theo về tinh thần cần cù, sáng tạo, năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Như Đồng; Nguyễn Thị Quyên (Phù Cát); Như Đồng

Tag:

File đính kèm