Sign In

"Đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

08:00 25/08/2023
Từ nguồn vốn chính sách xã hội, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã có nguồn vốn để xây dựng nhà ở ổn định, tạo sinh kế để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện hiệu quả chương trình cho vay ưu đãi đối với các hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và vùng DTTS, miền núi theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Chính các nguồn vốn ưu đãi đã tạo đòn bẩy giúp đồng bào từng bước vươn lên, phát triển kinh tế, thoát nghèo để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

"Đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.

Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH.

Cụ thể, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Các chính sách đã phát huy hiệu quả và làm thay đổi toàn diện đời sống của đồng bào các DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có chính sách về tín dụng ưu đãi.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được "phủ sóng" đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Hầu hết các hộ đồng bào DTTS đều được thụ hưởng chính sách xã hội. Đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.

Nếu giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm, quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 233.426 tỷ đồng đến thời điểm 31/12/2020 thì đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, dư nợ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 114.622 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng dư nợ của NHCSXH Việt Nam.

Mặc dù đạt được thành quả trên, nhưng chặng đường tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn không ít khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, định mức đầu tư còn thấp…

Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực cho hoạt động chính sách xã hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đã giúp nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giúp gần 3,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

Đồng thời, giúp hơn 43 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; 1,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 11,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 43,5 nghìn căn nhà tránh bão, vượt lũ cho hộ gia đình miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, gần 327 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và hộ các gia đình chính sách, gần 13 nghìn căn nhà ở xã hội…

"Đòn bẩy" phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 2.

Bà Lộc Thị Liên, gần 20 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.

Gần 20 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, bà Lộc Thị Liên, dân tộc Bố Y ở thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chia sẻ: "Có lẽ bản thân tôi đã không nhận ra sự thay đổi của chính mình về nhận thức, tư duy. Những ngày đầu, tổ tiết kiệm và vay vốn của tôi chỉ có 5-7 tổ viên thì tới nay đã là 48 tổ viên với dư nợ tại ngân hàng chính sách xã hội là 1 tỷ 681 triệu đồng. Lúc cao điểm, tổ tiết kiệm của tôi còn lên tới 60 hội viên. Từ chỗ chỉ dám vay tiền ngân hàng chính sách xã hội mua 1 con trâu sinh sản, gia đình tôi cũng như nhiều bà con người Bố Y khác trong thôn đã biết tính toán nuôi thêm lợn lấy phân bón trồng rau trái vụ, đem lại nguồn thu nhập ổn định".

Ông Nông Văn Đài, dân tộc Tày, xóm Đồng Tiến, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng là một tấm gương điển hình tiêu biểu về người nông dân làm kinh tế giỏi. Hộ gia đình ông Đài là một trong những hộ nghèo của xóm, sau khi được tiếp cận với nguồn vốn vay hộ nghèo để đầu tư phát triển chăn nuôi trâu sinh sản, mức vay từ 40 triệu đồng năm 2018, gia đình ông Đài đã mua 5 con trâu. Sau 4 năm, đàn trâu ông mua ngày nào đã đẻ được 6 con nghé nâng tổng đàn trâu lên 11 con, gia đình ông đã thoát nghèo và trở thành một trong những hộ gia đình có mức sống thuộc diện khá giả của xóm.

Ông Đài xúc động nói: "Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm, cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám quanh năm, song nhờ có nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ kịp thời, gia đình tôi mới có điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi để thoát nghèo. Đến nay, gia đình tôi cũng đã có cái ăn, cái mặc và có chi phí để lo cho con cái học hành. Tôi biết ơn Đảng, biết ơn Nhà nước nhiều lắm!".

Đó là hai trong số hàng ngàn hộ đồng bào DTTS được vay vốn từ NHCSXH. Vốn vay đã mang lại cơ hội cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống và từng bước thoát nghèo.  

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Theo đó, những thành tựu mà nguồn vốn vay theo Nghị định 28/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021- 2030, giai đoạn I từ năm 2021- 2025 đang mở ra cơ hội nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Có thể khẳng định, vốn tín dụng chính sách thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phát huy được những hiệu quả tích cực, từ đó giúp các hộ chuyển đổi ngành nghề, đầu tư máy móc phục vụ sản xuất để từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Tag:

File đính kèm