Đối với người dân vùng đầu nguồn theo nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi mỗi khi mùa nước về là một niềm vui
Thời điểm này, đã là đỉnh lũ, nước trắng xóa các cánh đồng vùng đầu nguồn 02 xã biên giới Vĩnh Xương – Phú Lộc. Hơn 1 tháng nay, từ rạng sáng trên cánh đồng đã tấp nập người ra vào để đánh bắt thủy sản, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp ở vùng đầu nguồn.
Mùa lũ năm nay về sớm hơn mọi năm, nhưng đỉnh lũ thì xuất hiện trễ hơn, đối với người dân vùng đầu nguồn mỗi khi mùa nước về thì tất bật với công việc đánh bắt thủy sản mùa nước nổi.
Những sản vật đa dạng mà thiên nhiên ban tặng trong mùa nước nổi đã giúp nhiều ngư dân nơi đây sống bằng nghề khai thác thủy sản đánh bắt được nhiều tôm, cá.
Người dân nơi đầu nguồn gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản đều cho rằng, trên những cánh đồng lũ là nơi tập trung rất nhiều thủy sản mùa nước nổi, độ sâu con nước cũng giúp dễ dàng di chuyển hơn, đam mê với nghề đánh bắt trên sông nước từ lâu đã trở thành thói quen của người dân vùng đầu nguồn, cứ đến độ mùa nước về là người dân tất bật khai thác, đánh bắt thủy sản. Mỗi gia đình chuẩn bị vài chục bộ ngư cụ, câu, lưới, lờ, lọp để đánh bắt thủy sản kiếm thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Thảo Ấp 5, xã Vĩnh Xương chia sẻ, năm nào cũng vậy, khi kết thúc 2 vụ lúa và con nước tràn đồng, là gia đình chú bắt tay vào chuẩn bị lại các ngư cụ, vá lại lưới dớn chuẩn bị cho mùa đánh bắt thủy sản. Đây là nghề đã theo ông mấy chục năm nay khi mùa nước nổi về.
Trời mờ sáng ông đã có mặt trên cánh đồng lũ tranh thủ đỗ dớn để kịp buổi chợ, buổi chiều ông lại theo con nước sửa lại các dớn để chuẩn bị cho đổ dớn hôm sau, năm nay con nước cũng tương tự như năm rồi, lượng thủy sản cũng ít hơn mọi khi nhưng mỗi ngày gia đình kiếm được từ 400-500 ngàn đồng.
Đối với người dân vùng đầu nguồn theo nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi với họ mỗi khi mùa nước về được lặn hụp theo con nước là một niềm vui, nụ cười mộc mạc chân thành khi đánh bắt được nhiều cá tôm, cuộc sống mùa nước nổi người ngư dân cảm thấy thoải mái hơn, có niềm vui với sông nước.
Lê Kiều