Mường Do người dân tái định cư hăng say lao động sản xuất
Cuộc sống của người dân thuộc diện di dân tái định cư thủy điện Hòa Bình tại xã Mường Do huyện Phù Yên (Sơn La) đang thay đổi từng ngày. Sau bao năm sống với cái nghèo, cái khổ, giờ đây người dân đã biết đến điện lưới, con đường nhựa, rồi thì cả cách nuôi con gà, con dê hay chăm đàn bò... không chỉ để ăn mà còn để bán, tăng thu nhập cho gia đình. Những ngôi nhà sàn rách nát ngày nào giờ cũng được thay bằng những ngôi nhà sàn kiên cố, mái lợp ngói đỏ au.
Xã Mường Do vốn là nơi xa với huyện, nằm trong danh sách xã vùng 3 của huyện Phù Yên, đường lên Mường Do có xa, dẫu gập ghềnh, nhưng bù lại cũng dễ đi vì tuyến đường liên xã này đã được kiên cố hóa. Đường tốt, phương tiện đi lại nhiều, nên cảm giác trống vắng vốn có mà người ta hay gặp ở các miền rừng đã vơi đi rất nhiều. Đồi núi êm đềm, xanh ngắt cây, với những ngôi nhà sàn đặc trưng của người Mường dường như làm cho con đường gần như ngắn lại. Cuộc sống của người dân di dân tái định cư thuỷ điện Hoà bình trên đất Mường Do có khoảng 500 hộ, nếu như trước đây khi mới chuyển lên vùng quê mới bà con gặp rất nhiều khó khăn, thi nay cuộc sống của họ đã có nhiều đổi thay, có của ăn của để, vươn lên làm giàu, còn cái được đi học hành đầy đủ.
|
Sau bao năm sống với cái nghèo, cái khổ, giờ đây người dân tái định cư tại xã Mường Do đã biết đến điện lưới, con đường nhựa, rồi thì cả cách nuôi con gà, con dê hay chăm đàn bò. Ảnh: Văn Ngọc |
Gia đình ông Đinh Công Thánh là hộ di dân tái định cư thuỷ điện Hoà Bình lên Bản Suối Han, xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La từ năm 2003. Cũng giống như nhiều hộ gia đình khác trong bản, vài năm trở lại đây gia đình ông đã chuyển đổi cách nuôi gia súc truyền thông thả rông sang trồng cỏ nuôi nhốt chuồng. Từ khi chuyển đổi sang nuôi nhốt chuồng gia đình ông Thánh đã đầu tư xây dựng chuồng trại, vay vốn ngân hàng chính sách xã hội 50 triệu đồng cộng với vốn tự có của gia đình đã đầu tư mua 4 trâu giống về nuôi.
Ông Thánh chia sẻ: Chỉ sau 3 năm nuôi theo hình thức nhốt chuồng đàn bò của gia đình ông đã lên đến 11 con. Để thuận lợi cho việc nuôi nhốt, gia đình ông đã chuyển đổi gần 6000m vuông đất trồng ngô bạc màu sang trồng cỏ VA06 để làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Khi nuôi nhốt, đàn trâu lớn khá nhanh, lại chủ động được việc chăm sóc nên ít xảy ra dịch bệnh. Khi nuôi trâu bò nhốt nó mang lại lợi ích rất cao cho người chăn nuôi như: trâu bò không bị rét, bệnh tật, dễ theo dõi, quản lý, chăm sóc; đồng thời có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ, đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi và mua thêm trâu bò giống về nuôi.
Còn đối với gia đình ông Đinh Văn Thuỷ Bản Tân Kiểng là mô hình kiểu mẫu trong nuôi nhốt gia súc của xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Từ nhiều năm nay gia đình ông đã được xã hướng dẫn về trồng cỏ cho trâu bò như: cỏ voi, cỏ VA06, cỏ sả .. để làm thức ăn cho trâu bò để phục vụ cho việc nuôi nhốt 11 con bò và 2 con trâu của gia đình.
Theo ông Thuỷ việc nuôi trâu bò nhốt chuồng không tốn nhiều công chăm sóc, tranh thủ được thời gian để làm công việc khác, tích trữ được nguồn phân phục vụ sản xuất, góp phần bảo vệ được môi trường. Đàn trâu, bò lớn nhanh hơn, hạn chế được nhiều bệnh và rút ngắn thời gian sinh sản.
"Trước đây gia đình tôi chăn nuôi chủ yếu là thả trâu bò lên nương, lên đồi, tuy nhiên vào mùa khô thường hay thiếu cỏ cho trâu bò nên chăn nuôi của gia đình không phát triển. Được xã hướng dẫn về chăn nuôi, đặc biệt là trồng cỏ để nuôi trâu bò nhốt chuồng tôi thấy đây là cách làm rất hiệu quả. Cuộc sống sau hơn 20 di dân lên đây dần ổn định", ông Thủy nói.
Mường Do giúp nông dân nâng cao thu nhập
Xắc đinh, nâng cao thu nhập cho người dân là một nhiệm vụ quan trọng cần được làm ngay và có tính ổn định lâu dài, địa phương này đã vận động, tuyên truyền đến người dân lựa trọng nhưng con giống, cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế. Cây gai xanh được bà con tại xã Mường Do, bắt đầu triển khai từ năm 2021, đến nay toàn xã có gần 40 ha cây gai xanh. Đây là loại cây rất có giá trị kinh tế, thực hiện trồng ở mật độ từ 24.000 - 25.000 cây/ha, sau khi trồng từ 90 đến 120 ngày là cho thu hoạch vụ đầu, sau khi ổn định từ vụ thứ hai trở đi, cây gai xanh cho thu nhập từ 35 đến 40 triệu đồng/ha/vụ.
Từ hiệu quả ban đầu mà cây trồng này mang lại, chính quyền địa phương cũng xác định cây gai xanh sẽ dần thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Việc phát triển cây gai xanh đang cho thấy những tín hiệu tích cực, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, mở ra nhiều cơ hội để bà con nhân dân trên địa bàn xã Mường Do nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Bà Hà Thị Én, Phó chủ tịch UBND xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Xã Mường Do là xã có thổ nhưỡng rất thuận lợi cho các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân, trên địa bàn xã trong thời gian vừa qua cũng đã triển khai trồng 1 số loại cây như: cây hồng giòn, sa nhân, gai xanh. Trong quá trình triển khai trồng những cây mang lại hiệu quả kinh tế nhìn thấy rõ nhất hiện nay đó là cây gai xanh, so với cây ngô hiệu quả cây gai xanh hiệu quả nhất. Trong thời gian tới thường trực uỷ ban sẽ triển khai đánh giá lại các mô hình và đư ẩ báo cáo xin chủ trương của Đảng uỷ xã đánh giá mô hình nào hiệu quả để triển khai nhân rộng các mô hình đó.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Đức Dương, Bí thư Đảng uỷ xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Với chính sách dân tộc và miền núi, các chương trình 134, 135 đồng loạt ra đời để hỗ trợ người dân. Sau điện, đường, trường, trạm, chợ thì các nguồn vốn khác như vốn cho Chương trình 167, vốn Chương trình 30a tiếp tục được triển khai để hỗ trợ cho người dân.
Từ nguồn kinh phí của các chương trình, dự án, chương trình nông thôn mới, hỗ trợ cây, con giống để người dân phát triển sản xuất nên hiện, xã đã có 125ha cây ăn quả các loại, như: Chanh leo, xoài, nhãn, cam, bơ, trong đó 74ha chanh leo đã cho thu hoạch, năng suất đạt gần 6 tấn/ha. Cùng vốn, các chương trình làm ăn, các kinh nghiệm kỹ thuật, chăn nuôi và gieo trồng cũng đã được định hình, theo chân cán bộ lên đến với dân.
Để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây bà con trên địa bàn xã Mường Do đã tập trung chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi đã mang lại lợi ích kép cho nông dân. Đây là hướng phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, vừa giảm được công lao động chăn thả vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, Mường Do đang ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, diện mạo nông thôn của xã ngày càng phát triển.
"Địa bàn xã Mường Do có khoảng 900 hộ trong đó có khoảng 50% số hộ dân di chuyển lòng hồ sông đà, trong thời gian 30 năm ổn định tại nơi ở mới đời sống của bà con tái định cư từng bước được cải thiện về mọi mặt như tinh thần, kinh tế từng bước được nâng lên. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tranh thủ thu hút các nguồn đầu tư để đầu tư vào khu vực các hộ tái định cư để mà nâng cao mọi mặt hơn", ông Dương nói.