|
Việt Hải có tiềm năng lớn phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Đinh Mười |
Đây là mô hình thứ hai của thành phố Hải Phòng, được triển khai tại xã Việt Hải, huyện Cát Hải, sau khi thành công với mô hình thí điểm đầu tiên tại huyện Thủy Nguyên vào năm 2022.
Câu lạc bộ "Nông dân làm du lịch" xã Việt Hải có 22 thành viên, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 5 thành viên, là sự kỳ vọng bấy lâu nay của người dân.
Xã đảo Việt Hải nằm biệt lập, có diện tích 6.817 ha với 90 hộ dân và 290 nhân khẩu và được mệnh danh là “đảo trong đảo”, trung tâm xã nằm trong thung lũng rộng 141ha.
Tại xã Việt Hải, ngoài việc người dân canh tác, có thể phân một số khu vực làm vườn hoa, đầm sen, trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm,… để tăng thêm trải nghiệm cho du khách.
Những năm gần đây, xã Việt Hải đã đẩy mạnh phát triển du lịch, tỷ trọng về du lịch dịch vụ đã chiếm 65%, nông nghiệp chỉ còn 25% và ngành nghề khác là 10%.
Dù hàng năm, Việt Hải đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan và nghỉ dưỡng nhưng các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở đây còn khá nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu tự phá, chưa tương xứng với tiềm năng.
Bà Phạm Thị Mai Anh - Chủ tịch UBND xã Việt Hải cho biết, là xã đảo nhưng Việt Hải hội tụ tất cả các tiềm năng về rừng, biển và đất liền. Du khách có thể đến Việt Hải để trải nghiệm du lịch “ba trong một” như: Leo núi, đạp xe, các hoạt động của ngư dân, như chèo thuyền, lặn biển ngắm san hô, đi câu cá,...
Bên cạnh đó, Việt Hải còn là địa phương sản xuất về nông nghiệp, có thể hướng đến phát triển thêm các mô hình về du lịch trải nghiệm làm nông nghiệp, ví dụ như trồng hoa, cấy lúa, trồng cây, củ, quả đặc trưng của địa phương.
Hiện tại, các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Việt Hải hiện tại còn khá nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu là do các hộ dân tự làm, nên sự phát triển của mô hình này thực sự chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Do đó, người dân Việt Hải luôn mong muốn nhận được thêm sự quan tâm và đầu tư về mọi mặt, để mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở đây được nâng tầm, bài bản và hấp dẫn hơn trong mắt du khách, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Trước khi ra mắt CLB nông dân làm du lịch tại xã Việt Hải, năm 2022, mô hình nông dân làm du lịch điểm đã được triển khai tại huyện Thủy Nguyên và đã phát huy được hiệu quả.
Bước đầu góp phần tích cực trong việc huy động lực lượng cán bộ, người dân có tâm huyết, yêu quê hương, tham gia phát triển du lịch nông nghiệp, lan tỏa tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn của địa phương.
Trên thực tế, khu vực nông thôn Hải Phòng hiện vẫn còn lưu giữ được nếp sống, phong tục tập quán truyền thống của người dân vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ở các làng quê ven đô của Hải Phòng vẫn đậm nét văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống với các làn điệu dân ca, các tích chèo, múa rối nước và những món ăn truyền thống, dân dã mang hồn Việt.
Cùng với đó, hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống cũng là những thế mạnh tạo nên sự phong phú, đa dạng cho bức tranh nông thôn Hải Phòng và là yếu tố hấp dẫn khách du lịch.
Theo đánh giá của Sở Du lịch Hải Phòng, du lịch nông thôn tại TP Cảng đang mở rộng không gian tuyến điểm du lịch, bước đầu hình thành điểm đến mới, giảm bớt sự quá tải tại các trung tâm du lịch truyền thống của thành phố là Đồ Sơn và Cát Bà.
Qua đó, góp phần gia tăng các sản phẩm trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến với Hải Phòng. Đây cũng là một trong số những sản phẩm du lịch giúp khắc phục tính mùa vụ của du lịch biển Hải Phòng, tạo lợi thế thu hút khách vào mùa thấp điểm (Đông Xuân và Thu Đông).
Mặt khác, du lịch nông nghiệp nông thôn còn góp phần tạo nguồn sinh kế; tạo ra việc làm, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân, góp phần bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống địa phương.
|