Chậm mà chắc
Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đang tập trung mọi nguồn lực với nhiều cách làm sáng tạo để được công nhận thêm ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM và 1 xã NTM kiểu mẫu.
Vị Thủy thực hiện theo phương châm "chậm mà chắc". Chú trọng việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa để người dân đồng tình, hưởng ứng cùng chính quyền góp phần hoàn thành từng tiêu chí NTM. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch nông nghiệp và sinh thái.
Bên cạnh đó, huyện Vị Thuỷ đã triển khai nhiều mô hình, cách làm hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cùng các ngành đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền vận động người dân tự giác trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án "Hậu Giang Xanh".
Đồng thời từ các sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 - 4 sao, Vị Thủy tiếp tục hỗ trợ và vận động chủ thể đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng vùng trồng nguyên liệu đạt chuẩn và cải tiến mẫu mã. Nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, 4 sao lên 5 sao.
Bên cạnh đó, huyện Vị Thủy đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh tích cực tham gia Chương trình OCOP, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng. Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đến với thị trường.
Triển khai “Đề án Hậu Giang xanh" trong năm 2023, tỉnh Hậu Giang phấn đấu 70% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 70% lượng rác sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định. Tổ chức thu gom, chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng cho đơn vị chức năng xử lý ít nhất 30% khối lượng phát sinh... |
Phát triển kinh tế gắn với du lịch
Mặc dù du lịch không phải là thế mạnh của huyện Vị Thủy nhưng xác định coi trọng du lịch là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nên thời gian qua huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương có di tích lịch sử tăng cường bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo kêu gọi đầu tư và khai thác du lịch. Đồng thời chú trọng quảng bá hình ảnh, điểm đến, các làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm thu hút và kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư. Từng bước nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách du lịch, có định hướng xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, phát huy được giá trị du lịch đặc trưng của Vị Thủy.
Cụ thể, mô hình "Làng trầu Vị Thủy" thuộc xã Vị Thủy đã gắn bó lâu đời với người dân và trở thành nét đặc trưng mỗi khi nhắc đến. Hiện Vị Thủy có gần 40ha trầu, trong đó xã Vị Thủy được xem là “Vương quốc trầu lá” tập trung gần 200 vườn trầu với diện tích khoảng 32ha.
|
Huyện Vị Thủy có gần 40ha trầu, trong đó xã Vị Thủy được xem là “Vương quốc trầu lá” tập trung gần 200 vườn trầu. Ảnh: Hồ Thảo |
Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết, huyện đã phục dựng lại di tích Hội đồng Tô tại Làng trầu Vị Thủy. Bên cạnh phát triển du lịch qua đó để bảo tồn có hiệu quả phong tục, tập quán của người xưa như: tục ăn trầu, cách trồng trầu, têm trầu…
Ngoài ra, huyện cũng khôi phục lại các căn cứ cách mạng gắn với các nhân vật tiêu biểu của đất nước trong các cuộc kháng chiến để phát triển du lịch về nguồn. Tổ chức sưu tầm các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của địa phương (kiến trúc Khmer, di tích khảo cổ Óc Eo tại ấp 8, xã Vĩnh Trung).
Đẩy mạnh công tác xã hội hoá du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch. Ngoài việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, huyện Vị Thuỷ định hướng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch miệt vườn, văn hoá cộng đồng.
Theo đề án phát triển du lịch Vị Thuỷ giai đoạn 2021 – 2025, huyện tập trung mời gọi đầu tư khai thác du lịch sinh thái hồ chứa nước ngọt, các điểm du lịch miệt vườn trên QL 61C và dọc kênh xáng Xà No, kênh xáng Nàng Mau. Trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp tại các cơ sở nuôi trồng, chế biến nông sản địa phương.
Đồng thời kiến nghị tỉnh có biện pháp đôn đốc nhà đầu tư sớm đưa vào khai thác khu du lịch sinh thái Việt Úc, đây là điểm nhấn du lịch quan trọng trên địa bàn huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.
Tiếp tục xây dựng phương án, quy hoạch xây dựng, cải tạo mạng lưới giao thông cả đường thuỷ, lẫn đường bộ, đảm bảo sự thuận tiện của khách du lịch, khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch chất lượng cao.
Ưu tiên các dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn thương mại trung và cao cấp và khu du lịch trọng điểm. Đối với các khu, điểm du lịch mà sản phẩm chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hoặc du lịch dựa vào tự nhiên, huyện chú trọng phát triển hệ thống lưu trú sinh thái hệ thống lưu trú trong dân (homestay).
Cũng theo ông Trương Trần Trọng Hiếu, để thực hiện mục tiêu đó thời gian tới huyện kết nối với các khu dịch vụ, du lịch trọng điểm của tỉnh. Đồng thời tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ thông qua các hội nghị, hội thảo khoa học, các chuyến công tác tại các địa phương ở trong nước, trong tỉnh có ngành du lịch phát triển.
Xây dựng đội ngũ nhân viên phục vụ tại các cơ sở du lịch có tay nghề, có trình độ nghiệp vụ, làm việc chuyên nghiệp. Trang bị và nâng cao kiến thức về du lịch cộng đồng, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp cho dân cư vùng du lịch. Với những yếu tố và điều kiện trên, hứa hẹn thời gian tới, du lịch Vị Thủy sẻ thu hút du khách.
Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết, đến nay huyện có 18 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Mục tiêu phấn đấu của huyện Vị Thủy đến năm 2025 sẽ có 32 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Riêng trong năm 2023 sẽ trình hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với khoảng 8 sản phẩm (nếu được công nhận sẽ nâng tổng số sản phẩm OCOP lên 26 sản phẩm). Trong các năm còn lại mỗi năm phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. |
Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Giám đốc HTX Trầu lá (ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy) chia sẻ: Làng trồng trầu được công nhận là nghề truyền thống vào năm 2019. Đến nay chính quyền địa phương đã đầu tư, nâng cấp tuyến lộ giao thông nông thôn từ huyện vào khu vực làng nghề khang trang, tạo điều kiện để HTX đón khách du lịch.
Khi phát triển du lịch bà con không chỉ lủi thủi ngoài đồng mà phải biết kết hợp làm hướng dẫn viên du lịch, làm kinh tế. Khi khách đến tham quan chủ vườn có thể bán các sản phẩm làm từ trầu như: kẹo, dầu gió, tinh dầu để tạo thêm thu nhập. Đồng thời quảng bá hình ảnh đặc trưng của huyện Vị Thủy đến du khách gần xa.