Sign In

Một số định hướng đối với công tác giảm nghèo bền vững

16:55 21/06/2023
(Cổng ĐT HND) - Công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thành tựu về giảm nghèo có ý nghĩa to lớn, khẳng định ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

(Ảnh minh họa)

Đại hội lần thứ VI Đảng đã đánh dấu một bước quan trọng trong đổi mới nhận thức về các vấn đề xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có nội dung quan trọng về xóa đói giảm nghèo. Lần đầu tiên Đảng đã đặt giải quyết các vấn đề xã hội lên tầm chính sách xã hội trong tương quan với chính sách phát triển kinh tế. Các Đại hội VII, VIII, IX, X của Đảng tiếp tục đổi mới nhận thức về vấn đề xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó xác định xóa đói giảm nghèo là một nhiệm vụ rất quan trọng, một cấu thành hữu cơ của hệ thống chính sách phát triển xã hội.


Kể từ khi đổi mới đến nay, nhận thức và quan điểm của Đảng về xóa đói, giảm nghèo ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện hơn, thể hiện trên những phương diện: Chuyển từ quan điểm xóa đói, giảm nghèo mang nặng tính bao cấp, bình quân sang xóa đói giảm nghèo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, nhiều thành phần, hội nhập quốc tế; từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Chuyển từ quan điểm xóa đói, giảm nghèo mang nặng tính hỗ trợ đời sống, tính bình quân, sang gắn với bình đẳng, công bằng xã hội và tạo động lực phát triển; chuyển từ giảm nghèo đơn thuần sang giảm nghèo bền vững, tiến tới tăng hộ khá. Xóa đói giảm nghèo là một nội dung quan trọng trong các các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển; gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tạo sinh kế bền vững.


Gắn kết hữu cơ giữa hai phương diện (hai loại chính sách) xóa đói, giảm nghèo và khuyến khích làm giàu chính đáng theo pháp luật; chuyển từ xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ chỉ của Nhà nước, sang kết hợp có hiệu quả vai trò chủ đạo của Nhà nước với vai trò của xã hội (các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, các hộ gia đình và từng cá nhân…). Đặt nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo trong tổng thể tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhất là phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, đảm bảo phúc lợi xã hội và các dịch vụ công cơ bản; gắn liền với phát triển sản xuất kinh doanh.


Từng bước nâng cao mục tiêu từ xóa đói thành giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều, bền vững và đến nay là giảm nghèo đa chiều, bao trùm , bền vững. Đồng thời xác định đây là một nội dung quan trọng của phát triển nhanh - bền vững tổng hợp cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường; gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.


Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện; ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo; hàng triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.


Tại báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương về công tác giảm nghèo “Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững” là một trong những nội dung quan trọng để quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Đồng thời Nghị quyết Đại hội của Đảng lần thứ XIII cũng đã đặt mục tiêu “Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hằng năm”.


Để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.


Thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung như sau: Một là, xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công tác giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.


Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".


Ba là, tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đồng thời đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.


Bốn là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030.


Năm là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp theo hướng tập trung, thống nhất đầu mối quản lý; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Sáu là, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu. Khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.
 

 
Trần Công Đoàn

Tag:

File đính kèm