Sau hơn 4 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP" Nghệ An đã tạo ra dấu ấn đậm nét, mức độ lan tỏa không thể phủ nhận.
Nhiều mô hình tiêu biểu, nhiều cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, thể hiện tính bứt phá đã góp phần nâng tầm toàn diện ngành hàng nông nghiệp của tỉnh, biến diện mạo nông thôn mới nơi đây ngày một khởi sắc, trang hoàng hơn.
Hiện toàn tỉnh Nghệ An có đến 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, bao gồm 1 sản phẩm 5 sao, 43 sản phẩm 4 sao và 359 sản phẩm đạt hạng 3 sao, những con số ấn tượng đưa Nghệ An vươn lên đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm được gắn sao, chỉ sau Hà Nội.
Số lượng phải đi kèm với chất lượng, có như thế mới tạo ra chiều sâu, điểm nhấn và sức hút. Nhìn chung các sản phẩm OCOP của Nghệ An đều đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc (đảm bảo an toàn thực phẩm; có truy xuất nguồn gốc; mẫu mã, bao bì đa dạng, phù hợp với yêu cầu của thị trường). Điểm sáng trong cách làm có thể kể đến Công ty TNHH Đức Phong, Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ tảo Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Sản xuất ATC, HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, Công ty Hasafood Công ty Cổ phần Tập đoàn BOMETA, Công ty TNHH MAMI FARM...
Đáng chú ý, sản phẩm OCOP được công nhận các hạng sao chỉ có thời hiệu 36 tháng, do đó việc quản lý, theo dõi được các cấp, các ngành chức năng đặc biệt chú trọng. Các cơ quan chuyên ngành như Chi cục quản lý thị trường, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Chi cục PTNT… đã chủ động tổ chức, thành lập nhiều đoàn thanh, kiểm tra nhằm kiểm chứng, đánh giá tình hình thực tế. Chính sự sát sao, quyết liệt đã thúc đẩy các bên liên quan chấp hành tốt quy định chung, qua đó tạo ra một guồng quay nhất quán.
|
Sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát là điểm sáng OCOP của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh |
Số đông chuyên gia chung nhận định, “dòng chảy” phân hạng OCOP đã thổi một làn gió mới, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng, đặc thù ở các địa phương, đơn cử như các làng nghề truyền thống ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, TP Vinh.
Trên thực tế, từ khi thực hiện chương trình đến nay đã có 99 sản phẩm mới được trình làng và công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Các chủ thể tham gia chương trình trực tiếp tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động, chưa kể 1.800 - 2.000 lao động thời vụ khác. Chương trình cũng là bệ phóng nhằm phát huy vai trò của người phụ nữ nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, thể hiện rõ qua các làng du lịch cộng đồng (Homestay) ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê) huyện Con Cuông…
“Luôn luôn vận động và không ngừng phát triển”, tư duy, lối nghĩ tích cực được xem là chất xúc tác để các sản phẩm OCOP của Nghệ An lớn mạnh không ngừng. Nhiều dòng sản phẩm đặc trưng, được chăm bẵm, tưới tắm tăng nhanh giá trị, giúp các chủ nâng cao doanh thu, lợi nhuận khoảng 10 - 15%/ năm.
Để kết tinh thành quả đòi hỏi nhiều yếu tố, bên cạnh sự nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể, không thể bỏ qua hiệu ứng đến từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mà Nghệ An đã dày công gầy dựng hơn 4 năm qua. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều chương trình hợp tác, tiêu thụ sản phẩm với các đối tác từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… được ký kết. Trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, quá trình phối, kết hợp ngày càng quy mô, nhuần nhuyễn. |