Đức Bình Tây là một xã của huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) với tổng diện tích tự nhiên là 2.955,13ha, được chia thành 5 thôn, buôn và có tổng dân số 1.036 hộ với 3.956 nhân khẩu. Về cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp - thương mại dịch vụ - công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó ngành Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) chiếm tỷ trọng lớn (60%) với nhóm cây trồng chủ lực gồm sắn, mía và vật nuôi chủ lực là heo, bò... Phát huy truyền thống của địa phương trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao.
Trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đức Bình Tây đã không ngừng nỗ lực, tích cực chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới. Nhờ đó, chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao của xã Đức Bình Tây đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội, cảnh quan môi trường.
Bên cạnh đó, xã Đức Bình Tây đã đầu tư hoàn thiện nâng cấp bê tông hoá các tuyến đường xã, đường liên thôn, huy động các nguồn lực để đầu tư lắp đặt hệ thống đèn thắp sáng các tuyến đường. UBND xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tham gia góp vốn, ngày công lao động để thực hiện đầu tư, xây dựng các công trình thắp sáng các tuyến đường thôn, xóm theo chương trình “Thắp sáng đường quê”, thực hiện trồng cây xanh, tuyến đường hoa dọc các tuyến đường thôn.
Bà Huỳnh Thị Điệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây cho biết: “Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, địa phương chú trọng vào việc sản xuất, tạo sinh kế, nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội và các nguồn vốn khác, giúp người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu thập”.
Từ một xã đặc biệt khó khăn, đất đai hoang hóa, thiếu vốn, người dân phải đối mặt với nhiều thách thức, sau khi được công nhận xã NTM vào năm 2015, Đức Bình Tây tiếp tục phấn đấu, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng xã NTM nâng cao. Theo đó, xã triển khai nhiều giải pháp vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa có chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các mô hình, dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nhân dân tích cực chuyển đổi một số cây trồng có giá trị kinh tế như bưởi, mít, ổi; vật nuôi như chồn hương, dúi, lươn, dê... bước đầu phát triển tốt, cho thu nhập khá.
Trong đó, ưu tiên mô hình phát triển kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân duy trì nhân rộng như mô hình trồng cây ăn trái, chăn nuôi dê, chồn hương, dúi, lươn, gà... Hiện nay, xã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực là bưởi da xanh và được cấp mã số vùng trồng. Năm 2023, thu nhập bình quân của người dân địa phương đạt trên 57,29 triệu đồng/người/năm, cao gần gấp đôi so với năm 2015; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,18%.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, bà Huỳnh Thị Điệp chia sẻ thêm: “Với quan điểm, xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, trong thời gian tới, xã Đức Bình Tây tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu; Tập trung đầu xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân cư nông thôn”.