Sign In

Ngày hội kết nối lòng dân ở vùng cao Trạm Tấu

17:09 14/11/2024
(Mặt trận) -Ngay từ đầu tháng 11, khắp các thôn, bản của huyện vùng cao Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái đã nô nức, rộn ràng các hoạt động chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024. Ngày hội năm nay được tổ chức từ ngày 14 – 18/11 tại 57 thôn, tổ dân phố của 12 xã, thị trấn, trong đó có 12 thôn làm điểm.

 Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay được huyện Trạm Tấu tổ chức từ ngày 14 – 18/11 tại 57 thôn, tổ dân phố của 12 xã, thị trấn, trong đó có 12 thôn làm điểm

Là địa phương phải chịu những thiệt hại nặng nề về nhà ở, sản xuất nông nghiệp, đường giao thông nông thôn và thủy lợi do hạn hán xảy ra đầu năm cũng như ảnh hưởng của cơn bão số 3 xảy ra hồi tháng 9/2024, song dưới chỉ đạo quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay đời sống của bà con xã Hát Lừu – nơi có 99,7% đồng bào dân tộc Thái sinh sống đã tương đối ổn định. Đến với xã Hát Lừu những ngày này, tàn dư của hoàn lưu bão số 3 đã nhường chỗ cho không khí rộn ràng, náo nức của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân đang lan tỏa khắp các thôn bản. 

Cùng với công trình làm đường Hai Púng, khu tái định cư của thôn Hát 2 nối với đường lên xã Cu Vai, xã Xà Hồ là công trình chào mừng Ngày hội của xã đã được hoàn thành đầu tháng 11. Thời điểm này, bà con 4 thôn của xã đang tất bật dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng hoa làm đẹp cảnh quan đường làng ngõ xóm, treo cờ Tổ quốc; buổi tối lại say sưa ca hát, tập luyện văn nghệ. Ở khu vực sân vận động của các thôn, bà con đang vác tre về dựng cây nêu, chuẩn bị các trò chơi dân gian trong Ngày hội. 

Thôn Lừu 2 là địa phương được lựa chọn làm điểm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vào 16/11. Bà con đang rất phấn khởi và tích cực tham gia các hoạt động chuẩn bị. Với 180 hộ với 738 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thái, địa phương đã chủ động phối hợp với các đoàn thể tổ chức các hoạt động vui tươi, phù hợp, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

Ông Lò Văn Vượng – Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Lừu 2 thông tin: "Ban Công tác Mặt trận đã tập hợp sự đoàn kết thống nhất các tầng lớp nhân dân, khích lệ bà con hăng hái tham gia phát triển kinh tế, xây dựng khu dân cư ổn định và ngày càng phát triển về mọi mặt. Đồng thời, hướng đến Ngày hội, ngay từ cuối tháng 10, chúng tôi đã sắp xếp chương trình sao cho phần lễ thật ngắn gọn, tăng cường phần hội để bà con có thời gian gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt thêm tình đoàn kết làng xóm”. 

Chị Lò Thị Nga - người dân thôn Hát 2 phấn khởi: "Hai tuần nay, cứ vào các buổi tối, chị em phụ nữ lại đến nhà văn hóa thôn để tập dượt các tiết mục múa, hát của dân tộc Thái. Ai cũng hào hứng tập luyện và mong muốn mang đến Ngày hội những tiết mục đặc sắc nhất. Qua những hoạt động này, người dân trong thôn có dịp gần gũi, sẻ chia nên tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết”.

Bản Mù là địa phương chịu nhiều thiệt hại trong đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 với tổng số 333/1.094 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở cùng nhiều diện tích hoa màu bị ngập. Ngay sau khi bão đi qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự chủ động vượt lên khó khăn sau bão lũ từ mỗi người dân, thiệt hại từ nhà ở, điều kiện sản xuất ở Bản Mù đã được khắc phục kịp thời, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống. Những ngày này đến Bản Mù từ xa đã nghe thấy tiếng khèn lá, khèn Mông, sáo Mông vang lên khắp đại ngàn. Bà con đang tích cực tập luyện các tiết mục văn hóa, văn nghệ để chuẩn bị cho Ngày hội đại đoàn kết toàn dân đang đến gần. 

 Người dân thôn Kháo Chu, xã Bản Công tập luyện môn kéo co chuẩn bị cho Ngày hội

Ông Sùng A Trồng – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Bản Mù cho biết: "Dù phải chịu những thiệt hại nặng nề của mưa bão song với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, người dân trong xã đã cùng cố gắng vượt qua khó khăn. Đến nay, cuộc sống đang dần ổn định trở lại. Bởi vậy, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là dịp để người dân trong xã được cùng nhau quây quần, tham gia đóng góp những giải pháp nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất, thể hiện tinh thần đồng lòng vượt khó vươn lên, xây dựng thôn bản ấm no, hạnh phúc”. 

Năm 2024, trong bối cảnh không ít khó khăn, nhất là ảnh hưởng của cơn bão lịch sử Yagi vừa qua, song với tinh thần đoàn kết, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Trạm Tấu đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định tình hình, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Ngày hội Đại đoàn kết năm nay được huyện tổ chức từ ngày 14 – 18/11 tại 57 thôn, tổ dân phố của 12 xã, thị trấn, trong đó có 12 thôn làm điểm. Để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm nay thực sự là ngày hội kết nối lòng dân, Ủy ban MTTQ huyện đã sớm có hướng dẫn các khu dân cư, các xã chuẩn bị hoạt động trên tinh thần tiết kiệm, an toàn, ý nghĩa.

Ông Giàng A Chang - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Trạm Tấu khẳng định: Các hoạt động hướng tới kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện được mặt trận các cấp tích cực chuẩn bị và trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. 

Với quan điểm Ngày hội phải được tổ chức có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, tôn vinh được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy sự gắn bó, chia sẻ của người dân trong cộng đồng, đặc biệt trong việc khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra, Mặt trận các cấp  đã huy động nhiều nguồn lực, sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng dân cư để Ngày hội diễn ra sôi nổi, tạo động lực để nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XVI Đảng bộ huyện, đưa Trạm Tấu cơ bản thoát khỏi huyện nghèo, hòa nhập cùng sự phát triển của cả nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thanh Chi

Tag:

File đính kèm