Tham dự Lễ ký kết, về phía NHNN có Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cùng Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN, Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng, đại diện Lãnh đạo các NHTM Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng Lãnh đạo các đơn vị liên quan...
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Bám sát các chủ trương lớn của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chỉ đạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển lĩnh vực này. Chính vì vậy, trong những năm qua, ngành Ngân hàng luôn xác định “tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Lễ ký kết
Theo đó, NHNN đã thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các tổ chức, cá nhân trong mọi lĩnh vực ngành, nghề. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ năm 1999, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành riêng chính sách tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực này, sau này là Nghị định của Chính phủ.
NHNN cũng điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, qua đó tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đơn cử như quy định chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ thấp hơn (hiện nay là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn); đồng thời, có chính sách khuyến khích TCTD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua tái cấp vốn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm hệ số rủi ro đối với các khoản vay vốn trong lĩnh vực này. NHNN cũng tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển một số ngành, lĩnh vực đặc thù trong nông nghiệp. Gần đây nhất là gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm, thuỷ sản đã triển khai rất hiệu quả và đang tiếp tục nâng hạn mức lên dành cho đối tượng này.
Đến nay, đã có 90 TCTD và gần 1.100 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với mạng lưới phủ khắp toàn quốc, dư nợ đạt trên 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng dư nợ nền kinh tế. Nguồn lực tín dụng ngân hàng cũng đóng góp gần 80% tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thay mặt Ban Lãnh đạo NHNN, Thống đốc cũng chúc mừng những kết quả mà ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được trong năm 2023 và sang đầu năm 2024, mặc dù trong bối cảnh phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức song ngành Nông nghiệp năm vừa qua vẫn đạt kết quả tích cực, hoàn thành và vượt chỉ tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong năm 2023; 03 tháng đầu năm 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó liên quan đến nội dung tài chính, ngân hàng, Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn”. Tiếp đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, trong đó tiếp tục đặt ra yêu cầu về tín dụng và hoạt động ngân hàng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thống đốc nhấn mạnh, các nhiệm vụ trên đã đặt ra cho chúng ta yêu cầu về việc tiếp tục phát huy vai trò của tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực “tam nông” gắn với xu hướng chuyển đổi chiến lược của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững theo đúng chủ trương, định hướng, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa 02 ngành, 02 cơ quan nông nghiệp và ngân hàng trong tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.
“Việc ký kết Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác giữa NHNN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày hôm nay là sự cam kết tiếp tục đồng hành của ngành Ngân hàng với ngành Nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững”, Thống đốc chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Lễ ký kết
Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua. Bộ trưởng mong muốn, thời gian tới, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai Ngành trong tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Ngành nông nghiệp. Qua đó, có thể hỗ trợ nông dân – đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội có thể tiếp cận đồng vốn ngân hàng một cách thuận lợi, lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, cũng đặt ra yêu cầu người nông dân phải sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, an toàn.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày nội dung Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác giữa hai cơ quan. Theo đó, quy chế phối hợp tập trung vào các nhóm vấn đề chính sau:
Một là, phối hợp rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình tín dụng và hoạt động ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Phối hợp triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Phối hợp chỉ đạo nhằm phát huy vai trò chủ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank trong cho vay phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn; Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hai là, tăng cường phối hợp, trao đổi công tác trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ba là, phối hợp trong công tác truyền thông, thông tin, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt tại khu vực nông thôn.
Bốn là, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, đào tạo, kết nối ngân hàng với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả công tác trong thực thi nhiệm vụ.
Năm là, hình thành cơ chế phối hợp liên ngành từ Trung ương đến các địa phương nhằm triển khai các nội dung của Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác đến các đơn vị trực thuộc trong toàn hệ thống của NHNN Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại buổi Lễ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, đại diện hai cơ quan ký kết Quy chế phối hợp.
Hà My, ảnh: ĐK