Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian qua, Ban lãnh đạo NHNN luôn quan tâm, sát sao chỉ đạo cùng các đơn vị Vụ, Cục, chi nhánh tiến hành đề án tái cơ cấu trong suốt giai đoạn gần chục năm. Đến thời điểm này, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh.
Qua Công tác thanh tra, kiểm tra QTDND đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tồn tại của các QTDND trên địa bàn. Công tác xử lý các QTDND yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các quỹ đã và đang triển khai một cách tích cực Đề án tái cơ cấu. Cùng với tăng cường công tác thanh tra giám sát của các NHNN chi nhánh và Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng và sự vào cuộc của các Vụ, Cục chức năng nên Đề án tái cơ cấu đã từng bước được triển khai hiệu quả, nhiều QTDND đã ổn định và phát triển… Sự phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố với các Sở, ban, ngành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTG) và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX) được tăng cường. Số lượng QTDND được BHTG và NHHTX thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của NHNN tăng lên qua từng năm và đạt hiệu quả.
Quang cảnh Hội nghị
Có được kết quả trên theo đánh giá của Phó Thống đốc là nhờ nhận diện một cách kịp thời cũng như đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ được đặt ra trong một giai đoạn, từng năm, từng quý một cách tích cực và quyết liệt; cũng như tinh thần tập trung xử lý tháo gỡ nhanh những khó khăn, yếu kém đã được quán triệt và các đơn vị trong toàn ngành - nhất là các chi nhánh NHNN tỉnh và thành phố đã vào cuộc tích cực. Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp trên đã phát huy hiệu quả, hoạt động hệ thống QTDND từng bước ổn định…
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng, nhưng hoạt động QTDND đạt kết quả tích cực, không có quỹ nào rơi vào tình trạng kiểm soát như những năm trước; nhiều quỹ được chấn chỉnh, từng bước phát triển, về cơ bản thực hiện tốt các quy định Luật các TCTD, Luật Hợp tác xã, các quy định của ngành Ngân hàng. Hệ thống QTDND đạt được nhiều kết quả rất tích cực, từng bước củng cố, phát triển ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thống đốc nhận định, công tác quản lý hệ thống QTDND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, công tác xử lý pháp nhân của các QTDND là công việc phức tạp, chưa có tiền lệ nên quá trình xử lý cần nhiều thời gian hơn dự kiến; nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của QTDND tại một số địa phương chậm được xử lý, thực hiện nhiệm vụ của NHNN chi nhánh đối với QTDND vẫn còn một số nội dung cần lưu ý.
Từ thực tế trên, Phó Thống đốc đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị chia sẻ thẳng thắn những tồn tại, đồng thời đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc để giúp hoạt động của hệ thống QTDND ngày càng ổn định, lành mạnh và phát triển.
Đ/c Nguyễn Việt Dũng - Cục trưởng Cục III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng báo cáo tại Hội nghị
Theo báo cáo thống kê của NHNN đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của hệ thống QTDND đạt 183.826,8 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cuối năm 2022; Tiền gửi khách hàng là 163.067,1 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cuối năm 2022; Tổng dư nợ cho vay là 133.449,1 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối năm 2022; Vốn chủ sở hữu 12.755,6 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2022; Tỷ lệ nợ xấu: 0,69%... Một số địa bàn như Nghệ An, hầu hết các QTDND đều đảm bảo chênh lệch thu chi, hoạt động cơ bản an toàn, lành mạnh...
Tại Hội nghị, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ ra những tồn tại của hệ thống QTDND cũng như đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của QTDND.
Đại diện NHHTX đề xuất giải pháp phát triển hoạt động của hệ thống QTDND
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, trong thời gian qua bám sát các chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đối với kinh tế tập thể nói chung và QTDND nói riêng, hoạt động của hệ thống QTDND tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra QTDND đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tồn tại của các QTDND trên địa bàn. Công tác giám sát QTDND được tăng cường. Công tác xử lý các QTDND yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực. Sự phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố với các Sở, ban, ngành, BHTG và NHHTX được tăng cường. Số lượng QTDND được BHTG và NHHTX thực hiện kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của NHNN tăng lên qua từng năm và đạt hiệu quả.
Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến
Để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống QTDND là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương, tập trung trong chỉ đạo điều hành. Trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiêp tục củng cố hoạt động hệ thống QTDND, khẩn trương hoàn thành việc xử lý QTD ND yếu kém.
Hai là, để tăng cường quản lý QTDND, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng tập trung nghiên cứu, xây dựng để ban hành các Thông tư hướng dẫn Luật Các TCTD năm 2024 đối với hệ thống TCTD là hợp tác xã. Sau đó, thực hiện công tác tập huấn, đào tạo triển khai thực hiện văn bản được ban hành.
BHTG phối hợp Vụ Pháp chế NHNN nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó BHTG tham gia mạnh mẽ hơn vào việc tái cơ cấu QTDND bằng nguốn lực của BHTG.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Hội nghị chuyên đề về QTDND trên địa bàn để phối hợp nắm bắt, cung cấp thông tin trong việc thông báo chủ trương, chính sách, kết quả hoạt động và cảnh báo, chấn chỉnh cac QTDND tiềm ẩn rủi ro, vi phạm.
Cùng với đó, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND; Tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã xác định từ đầu năm, xử lý nghiêm sai phạm, bảo đảm khách quan, có lý, có tình.
NHHTX, BHTG cần xác định rõ nhiệm vụ, phát huy vai trò và thực hiện kiểm tra các QTDND ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn.
NHHTX tăng cường hơn nữa vai trò liên kết hệ thống, điều hòa vốn, trung tâm thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, kiểm tra, giám sát an toàn của hệ thống QTDND, tham gia hỗ trợ xử lý QTDND yếu kém. Phối hợp với Hiệp hội QTDND và nhóm Đề án xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho hệ thống QTDND đến năm 2030, đẩy mạnh triển khai thực hiện các công việc liên quan đến chuyển đổi số NHHTX và QTDND…
CKH