Tọa đàm có sự tham dự của Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ Trưởng Vụ Truyền thông NHNN, bà Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Phụ trách Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng và Anna Szawacki, Đại diện Quỹ Hợp tác Quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK) là ba khách mời của chương trình. Các diễn giả đều là những người hiện có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động nâng cao hiểu biết về tài chính cho cộng đồng tại Việt Nam, đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông giáo dục tài chính và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho rằng, giáo dục tài chính không phải chủ đề mới nhưng gần đây liên tục nhận được nhiều sự quan tâm mạnh mẽ. NHNN là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung chiến lược toàn diện quốc gia, định hướng đến năm 2030. Trong đó, truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia nói chung và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Ngoài ra, nhiệm vụ truyền thông giáo dục tài chính còn được đề cập tới tại các Đề án của Chính phủ như: Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho nền kinh tế; Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội,... “Do vậy, chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ của truyền thông giáo dục tài chính và luôn nỗ lực để “không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính”, nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen…”, bà Sen cho biết thêm.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN chia sẻ tại Tọa đàm
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, sinh viên là một lực lượng nòng cốt trong kỷ nguyên công nghệ mới, sinh viên có kiến thức chuẩn mực và hành vi tài chính đúng đắn sẽ đóng góp và hỗ trợ lớn trong công tác truyền thông, giáo dục tài chính. Đây là một lĩnh vực có nội dung bao hàm rộng, kiến thức chuyên sâu, vậy nên các hoạt động truyền thông cần phải chú ý để làm thế nào thể hiện được kiến thức khó theo cách đơn giản, thể hiện được phần thay đổi tích cực trong phát triển và cập nhật của ngành ngân hàng.
Thời gian vừa qua, Vụ Truyền thông đã triển khai nhiều chương trình với đa dạng các hình thức truyền thông giáo dục tài chính, chẳng hạn như chương trình gameshow “Tiền khéo Tiền khôn”, chương trình hoạt hình “Tay hòm chìa khóa”, chuỗi sự kiện cuộc thi tìm hiểu về kiến thức tài – ngân hàng “Hiểu đúng về tiền”, “Nhà ngân hàng tương lai”...
Bà Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Phụ trách Ban Giám đốc HVNH khẳng định giáo dục tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia, đặc biệt đối với đối tượng là thế hệ trẻ, các bạn học sinh, sinh viên. Đây là thế hệ tương lai của đất nước, một thế hệ trẻ có kiến thức tài chính vững vàng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung. Bà Hoàng Anh cho biết, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của NHNN, HVNH hy vọng sẽ cùng Vụ Truyền thông tiếp tục triển khai các hoạt động giáo dục tài chính toàn diện, giúp thế hệ trẻ tiếp cận những kiến thức tài chính từ cơ bản đến chuyên sâu,nâng cao khả năng quản lý tài chính cá nhân theo đúng chủ đề “Đồng tiền thông thái” của chuỗi sự kiện lần này.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc phụ trách Ban giám đốc HVNH
Bà Anna Szawacki, Đại diện Quỹ Hợp tác Quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK) đánh giá cao những hoạt động trong chuỗi sự kiện nói riêng và công tác truyền thông, giáo dục tài chính của Việt Nam nói chung. Đặc biệt, với những chương trình và hoạt động của chuỗi sự kiện giáo dục tài chính 2024 này, các kiến thức tài chính được truyền tải rất tự nhiên, tình cờ mà không hề khô khan hay mang ý nghĩa hàn lâm. Bà Anna đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo của NHNN và sự phối hợp của các đơn vị chức năng liên quan, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tốt các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính.
Bà Anna Szawacki, Đại diện Quỹ Hợp tác Quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK)
Mục tiêu chung là giáo dục tài chính và tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận giáo dục tài chính, song rất khó để tìm được một hình thức truyền thông và giáo dục có hiệu quả, phù hợp với tất cả mọi người ở nhiều lứa tuổi, nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Thời gian qua, NHNN đã thực hiện đa dạng hóa hình thức các chương trình, nhờ đó, tối đa hóa số lượng người được tiếp cận các kiến thức ngân hàng tài chính - ngân hàng, và chuỗi sự kiện Giáo dục tài chính - “Đồng tiền thông thái” 2024 là một trong số các chương trình đó. Với đối tượng hướng đến chủ yếu là lứa tuổi sinh viên còn trên ghế nhà trường, việc nắm chắc các kiến thức tài chính từ sớm giúp cá nhân hiểu rõ về cách quản lý tiền bạc cá nhân một cách hiệu quả, từ việc lập ngân sách, tiết kiệm, đầu tư cho đến quản lý rủi ro và bảo vệ tài sản. Hỗ trợ việc xây dựng nên thói quen tài chính lành mạnh, đảm bảo sự ổn định và tiến bộ trong cuộc sống.
Sinh viên lắng nghe và tương tác sôi nổi tại chương trình tọa đàm
Tại Tọa đàm, sinh viên cũng có cơ hội được lắng nghe nhiều chia sẻ thú vị, những kiến thức hữu ích đến từ đại diện một số tổ chức tín dụng.
Theo đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở Việt Nam hiện đang tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với đó, các chiêu trò lừa đảo qua mạng cũng không ngừng gia tăng. Nhằm hạn chế các rủi ro, người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cần cẩn trọng trước các thủ đoạn lừa đảo, mạo danh cơ quan chức năng, sàn TMĐT, nhân viên ngân hàng,... với mục đích xấu. Khi sử dụng các dịch vụ TTKDTM, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật cho bất kỳ ai và không cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link lạ.
Đại diện SHB chia sẻ tại Tọa đàm
Thẻ tín dụng cũng là một hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được ưa chuộng bởi giới trẻ hiện nay, bởi nó mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng trong quá trình thanh toán. Tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lạm dụng tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể phải đối mặt với áp lực tài chính do không quản lý đúng cách các khoản vay hoặc không kiểm soát được chi tiêu. Theo đó, đại diện Ngân hàng VPBank cũng đưa ra các giải pháp để quản lý tín dụng tiêu dùng hiệu quả; trở thành người tiêu dùng thông minh, sử dụng tín dụng có trách nhiệm để xây dựng tương lai tài chính vững mạnh.
Đại diện VPBank chia sẻ tại Tọa đàm
HP