Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

11:16 10/07/2023
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của V.I.Lê-nin về công tác xây dựng Đảng nói chung và về công tác kiểm tra, kiểm soát, kỷ luật đảng nói riêng. Lý luận về kiểm tra, kỷ luật đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang soi đường cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, được Đảng ta vận dụng có hiệu quả trong suốt quá trình cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo vấn đề kiểm tra, kỷ luật trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Người chỉ rõ: “Khi có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[1]. Trong quá trình cách mạng, Đảng động viên toàn bộ lực lượng, thông qua tổ chức, thực hiện đường lối, chủ trương mà Đảng đã đề ra.

Trong công tác kiểm tra thì chủ yếu là kiểm tra cán bộ thực hiện Điều lệ Đảng và nghị quyết của Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Mục đích lựa chọn cán bộ là dùng nhân tài cần phải hợp lý, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn”, và cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Mà muốn biết sự động viên và thực hành ấy đã đến mức nào, thì phải có kiểm tra”[2].

Hồ Chí Minh cho rằng, nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như chúng ta đã có ngọn đèn pha, bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm, khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm.

Kiểm tra bao giờ cũng đi liền với kỷ luật trong Đảng. Hồ Chí Minh coi: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”[3]. Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”[4]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên càng có công thì càng phải khiêm tốn, không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”[5]. Người yêu cầu đảng viên chẳng những phải giữ gìn kỷ luật của Đảng mà còn “phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”; họ “tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất thì làm”[6]. Các đảng viên, cán bộ đó “không biết kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể, nhân dân và Đảng cũng là một”[7].

Theo Hồ Chí Minh, đối với mọi đảng viên cộng sản, khi nào và ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức đảng, phải hành động theo phạm vi kỷ luật của tổ chức, phải báo cáo, phải chấp hành nghị quyết, chỉ thị một cách nghiêm túc, đúng đắn, sáng tạo.

Hồ Chí Minh yêu cầu những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc, không được châm chước, bao che cho nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Củng cố và tăng cường kỷ luật đảng là nhiệm vụ thường xuyên của mọi đảng viên và mọi tổ chức đảng. Tăng cường kỷ luật đảng không phải là để kỷ luật cho nhiều đảng viên, mà chủ yếu là để nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị, nghị quyết cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc lịch sử và dành những lời đầu tiên cho Đảng: “Trước hết nói về Đảng... Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Theo Người, tự phê bình và phê bình là phản ánh trung thực tinh thần dân chủ và sức chiến đấu của Đảng. Bởi vì: “...một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân chính”[8].

Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp lãnh đạo phải biết nghe, dám nghe và khuyến khích được nghe các ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến khác với suy nghĩ lâu nay của mình. Người nhắc lãnh đạo các cấp phải: “Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến... Nếu cán bộ không nói năng, không đề ra ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì để nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản”[9].

Hồ Chí Minh khẳng định mọi đảng viên có quyền trình bày ý kiến riêng của mình, đề đạt kiến nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Song khi đã có nghị quyết của tập thể thì phải làm theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Đó là quyền tự do phục tùng chân lý.

Hồ Chí Minh cho rằng, thực tiễn cách mạng luôn vận động và phát triển. Đảng ở trong xã hội và cùng xã hội phát triển. Tuy nhiên, mỗi khi gặp tình hình mới, công tác mới... tư tưởng của một số cán bộ, đảng viên không khỏi bỡ ngỡ, lệch lạc, hoặc “tả”, hoặc “hữu’, đó là điều bình thường, cho nên thống nhất ý chí, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và cực kỳ quan trọng. Người thường chỉ dạy: “Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Để làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, phải tuyệt đối chấp hành nghiêm túc mọi chính sách và nghị quyết của Đảng”[10].

Suốt chặng đường cách mạng của Đảng, việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng thể hiện chủ yếu trên ba mặt sau:

Một là, trong Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định của Đảng;

Hai là, trong hoạt động thực tiễn của Đảng nói chung và của ủy ban kiểm tra, đội ngũ cán bộ kiểm tra nói riêng;

Ba là, trong việc tổng kết, đánh giá công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng hằng năm và các nhiệm kỳ.

Những năm qua, việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế, yếu kém, bất cập. Khảo sát, nghiên cứu cho thấy, một số cấp uỷ, tố chức đảng, UBKT các cấp chưa nhận thức đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác này nên chưa tổ chức thực hiện có hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp mình. Có nơi, có lúc nhận thức được thì việc vận dụng còn máy móc, giáo điều, chủ quan, duy ý chí, dẫn đến có hành động nóng vội, giản đơn, chạy theo thành tích.

Một số cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ học tập và làm theo quan điểm: “Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín”[11] của Hồ Chí Minh còn yếu, dẫn đến nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng chưa đầy đủ nên chưa quan tâm đúng mức, đúng tầm đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, thậm chí còn cản trở việc kiểm tra hoặc không chịu trách nhiệm khi kiểm tra. Bên cạnh đó, việc xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, việc nhận thức, quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, kiểm soát, kỷ luật đảng có thể rút ra ba kinh nghiệm quý báu là:

Thứ nhất, phải có trình độ nhận thức lý luận và năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn;

Thứ hai, phải có phương pháp đúng đắn, sáng tạo khi làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh;

Thứ ba, phải đề cao trách nhiệm cá nhân và tổ chức, nhất là trách nhiệm của cấp uỷ và người đứng đầu. Có bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Có ý thức chính trị và đạo đức trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng là ý thức xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân.

Có thể khái quát về việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng hiện nay là:

Xuất phát từ thực tế của Đảng, của đất nước và quốc tế ngày nay để chủ động học tập, nhận thức lại, bổ sung, phát triển và thực hành một cách sáng tạo “tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình” và những chân lý phổ biến của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, kỷ luật đảng nhằm tổng kết thực tiễn và tiếp tục xây dựng lý luận công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong bối cảnh mới.

Theo đó, có thể tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, các cấp uỷ, tổ chức đảng và UBKT các cấp cần nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng nhằm nắm vững và hiểu được những nội dung cốt lõi và phương pháp luận cơ bản. Trong đó, cần chú ý:

- Nắm tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng là nắm lập trường, quan điểm, phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng.

- Hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng không phải là giáo điều, “kinh viện”, nhớ thật nhiều sách, thuộc nhiều câu của Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng để trích dẫn “loè thiên hạ”, mà dùng lập trường, quan điểm, phương pháp Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đang đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng trong bối cảnh mới hiện nay. Lập trường của Hồ Chí Minh là lập trường cách mạng triệt để, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Hồ Chí Minh là quan điểm khoa học, xuất phát từ thực tiễn, phát hiện quy luật và làm theo quy luật. Phương pháp của Hồ Chí Minh là phương pháp biện chứng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ thống những tư tưởng khoa học, cách mạng làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đó không phải là những công thức, khuôn mẫu bất di, bất dịch, giáo điều, trong quá trình nghiên cứu, học tập, vận dụng, phát triển cần đặc biệt quan tâm, chú ý làm rõ một số vấn đề sau:

a) Những luận điểm nào của Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng trước kia đã đúng, bây giờ vẫn đúng và về lâu dài sau này vẫn đúng.

b) Những luận điểm nào của Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng trước kia đúng, nhưng điều kiện thực tiễn hiện nay đã thay đổi, không còn phù hợp, cần bổ sung, phát triển hoặc thay đổi.

c) Những luận điểm nào của Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng mà ngay lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đã nhận thấy không thuyết phục, không có tính khả thi, hoặc đã thừa nhận là sai và đã sửa đổi nhưng những người nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền, học tập, cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn vẫn chưa biết đến, biết hết.

d) Những luận điểm nào của Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng mà những người nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền, học tập, cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn đã hiểu không đầy đủ, hoặc hiểu sai, hoặc hiểu theo cách hiểu không đúng.

Đó thực sự là những vấn đề lớn, không thể nóng vội làm ngay, cần dày công, kiên trì, quyết tâm nghiên cứu mới dần dần sáng tỏ được; đồng thời phải từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước mới có thể đi đến những kết luận đúng đắn được.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp học tập và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng tăng tính cập nhật, tính thiết thực, tính hấp dẫn, tính chiến đấu, tính giáo dục, tính dẫn đường của lý luận, không bằng lòng với những kết luận có sẵn, không lặp lại đi, lặp lại những câu chữ, những mệnh đề của tư tưởng Hồ Chí Minh khi chưa hiểu thấu đáo quan điểm của Người, chống quy kết, chụp mũ, giáo điều, xét lại.

Ba là, các ban của cấp uỷ, UBKT các cấp phải nêu cao vai trò tham mưu, giúp cấp uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức vận dụng đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng vào hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của cấp mình.

Bốn là, chủ thể và đối tượng kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng cần quán triệt sâu sắc, vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm tra, kỷ luật đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Sáu là, xây dựng tổ chức bộ máy kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong bối cảnh mới hiện nay.

Bảy là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận và tống kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Mở rộng và tăng cường đối thoại với các đảng cầm quyền ở các nước về công tác kiểm tra, giám sát. Phải bồi dưỡng cho được một đội ngũ cán bộ lý luận chính trị chuyên sâu, có trình độ cao, ngang tầm nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới để giúp Đảng trong việc xây dựng lý thuyết về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong bối cảnh mới.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử

Link:https://www.xaydungdang.org.vn/tu-tuong-ho-chi-minh/van-dung-sang-tao-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-va-ky-luat-cua-dang-19309

Tài liệu tham khảo

[1], [2]: Hồ Chí Minh: Về Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 2, tr.53.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2005, tập 10, tr.311.

[4] Sđd, tập 5, tr.553.

[5] Sđd, tập 10, tr.311.

[6] Sđd, tập 7, tr.31.

[7] Sđd, tập 7, tr.31.

[8] Sđd, tập 5, tr.261.

[9] Sđd, tập 5, tr.280.

[10] Sđd, tập 7, tr.335.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 5, tr.521.

Tag:

File đính kèm