Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, ngày 26-3-1962 - Ảnh tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh - hệ giá trị được kế thừa, chắt lọc, bổ sung và phát triển từ các giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức truyền thống của Việt Nam và phương Đông; kết hợp với các giá trị tinh hoa của nhân loại, của đạo đức học mácxít, vì thế nó hàm chứa những giá trị phổ quát đối với dân tộc, nhân loại và có giá trị bền vững. Có thể luận giải về giá trị bền vững của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trên cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:
Thứ nhất, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thấm đẫm triết lý văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của Việt Nam và các giá trị tinh hoa của văn hóa nhân loại, được soi sáng bởi thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Về vấn đề này, học giả Hélène Tourmaire đã khái quát: “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”(1).
Có thể hiểu, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính đặc thù của đạo đức cộng sản, vừa bao hàm các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và nhân loại. Do đó, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nền tảng đạo đức của xã hội mới, tạo nên sức mạnh, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.
Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại, Hồ Chí Minh đã tiếp cận đạo đức cộng sản từ tính toàn diện của các mối quan hệ đạo đức; từ tính toàn diện về vai trò của đạo đức và từ bản chất của đạo đức cách mạng để nhìn nhận, soi chiếu vào thực tiễn lịch sử - xã hội Việt Nam; đồng thời bổ sung, phát triển và hình thành hệ giá trị đạo đức mới ở Việt Nam. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến trình xây dựng xã hội mới - xã hội XHCN ở Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của lịch sử dân tộc, được các tầng lớp nhân dân đón nhận.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ và kém phát triển. Dưới ách cai trị của thực dân, phong kiến, hệ giá trị đạo đức xã hội bị tha hóa, hủ lậu bởi: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác”(2). Mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ cá nhân trong cộng đồng được đánh giá bằng các giá trị đẳng cấp, tiền tài, địa vị... đó là quan hệ bất bình đẳng, không có dân chủ, tự do; con người bị chà đạp, thang giá trị đạo đức trong xã hội được quy định bởi các sắc lệnh của nhà vua và những quy định của các quan cai trị thực dân. Bởi vậy, tất cả các giá trị đạo đức xã hội đều nhằm phục vụ lợi ích của bọn thống trị, bảo vệ bộ máy của chính quyền thực dân, phong kiến.
Theo Hồ Chí Minh, nền đạo đức xã hội dưới chế độ thuộc địa là vô cùng hủ lậu, thối nát, cần phải xóa bỏ. Muốn làm được điều đó, phải tiến hành một cuộc cách mạng, xóa bỏ tận gốc ách thống trị của thực dân và phong kiến tay sai, đồng thời xây dựng hệ giá trị đạo đức cách mạng, nhằm bảo vệ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và bổ sung các giá trị đạo đức mới, hướng tới phục vụ nhân dân.
Hồ Chí Minh khẳng định, đây là một sự nghiệp vinh quang, nhưng cũng hết sức nặng nề, khó khăn: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(3). Cho nên, việc đầu tiên Người tiến hành là tổ chức huấn luyện, trang bị lý luận cách mạng và xây dựng ý thức, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ . Đào tạo cán bộ trở thành những con người có phẩm chất, trí tuệ, năng lực, có tinh thần cách mạng triệt để, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, trong thời kỳ vận động cách mạng giải phóng dân tộc, cùng với việc truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về đường lối cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh đồng thời truyền bá cơ sở lý luận đạo đức mácxít và những giá trị đạo đức truyền thống cho đội ngũ cán bộ cách mạng. Điều đó thể hiện trong những bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu - Trung Quốc (sau đó được tập hợp thành tác phẩm Đường Kách mệnh). Với chương đầu tiên: “Tư cách người cách mệnh”, gồm có 23 chuẩn mực đạo đức, được khái quát trong 3 mối quan hệ: “Với tự mình, với người, với công việc”. Đó là các mối quan hệ cơ bản, biện chứng, hợp thành phẩm chất đạo đức, “tư cách của người cán bộ cách mạng chân chính”.
Trong 3 mối quan hệ đó, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh các tiêu chí đạo đức trong quan hệ với tự mình (14 tiêu chí). Người coi sự tự tu dưỡng đạo đức (tu thân) là gốc của các quan hệ đạo đức và các hình thức tu dưỡng đạo đức. Bởi vì, người cách mạng thì trước hết phải có đạo đức cách mạng; chỉ có tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, mỗi cá nhân mới có lập trường, bản lĩnh cách mạng, chủ động đấu tranh với mọi hiện tượng tiêu cực, vượt qua mọi hoàn cảnh, khó khăn, thử thách.
Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức là cái gốc và quan hệ với tự mình là quan hệ gốc, cho nên quan hệ đạo đức đối với bản thân mình phải được xem là cái gốc của mọi cái gốc. Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4).
Hồ Chí Minh phân tích, vấn đề cốt lõi trong nhân cách đạo đức của người cách mạng, trước hết phải được thể hiện bằng những phẩm chất đạo đức trong quan hệ đối với bản thân mình: “Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Để có được những phẩm chất đó, vấn đề tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, hình thành ý thức đạo đức của cán bộ có vai trò quyết định đến thành bại của sự nghiệp cách mạng. Bởi vì: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”(5); “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn”(6).
Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và am hiểu một cách sâu sắc về văn hóa, đạo đức phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng. Khi nghiên cứu về đạo đức Nho giáo, Người thấy rõ bản chất của hệ giá trị đạo đức Nho giáo là “công cụ” điều hành xã hội của giai cấp phong kiến. Đạo đức Nho giáo khuyên con người hãy “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”,... mục tiêu hướng tới của các giá trị đạo đức (hay các tiêu chí đạo đức) là nhằm phục vụ giai cấp thống trị, bảo vệ trật tự xã hội đề cao chế độ đẳng cấp (có thể coi đó là học thuyết về “Tôn ty luận” Trung Hoa và phương Đông).
Hồ Chí Minh nhận xét: “Bộ óc Khổng Tử không bao giờ bị khuấy động vì các học thuyết cách mạng. Đạo đức của ông là hoàn hảo, nhưng nó không thể dung hợp được với các trào lưu tư tưởng hiện đại, giống như một cái nắp tròn làm thế nào để có thể đậy kín được cái hộp vuông?”(7).
Do đó, dù vẫn sử dụng “cái vỏ hình thức” của các chuẩn mực đạo đức Nho giáo, như: trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính,... nhưng Hồ Chí Minh tiến hành “cuộc cách mạng về đạo đức”, làm thay đổi về bản chất các chuẩn mực đạo đức Nho giáo. Nếu như đạo đức Nho giáo là “trung với vua, hiếu với cha mẹ”; thì đạo đức Hồ Chí Minh - đạo đức cách mạng là: “Trung với nước, hiếu với dân”; các chuẩn mực “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” không phải để phục vụ giai cấp thống trị, mà để phục vụ nhân dân và bảo vệ quyền bình đẳng của con người.
Rõ ràng, các giá trị đạo đức Hồ Chí Minh đã được nâng tầm và thay đổi về chất. Ở một góc độ nhất định, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là “học thuyết về bình đẳng luận”.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh nhận thức rõ, trong xã hội phương Đông, những tiêu chí đạo đức (nhất là đạo đức cá nhân) chỉ được đề cao, được ca ngợi, khi những tiêu chí, phẩm chất đạo đức đó có giá trị, có ý nghĩa đóng góp, cống hiến cho cộng đồng. Với mỗi cá nhân, để được ngưỡng vọng, được đề cao, phải là tấm gương đạo đức mẫu mực, phải “Quang minh chính đại” để mọi người học tập, noi gương. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”(8); “Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”(9). Theo quan điểm của Người, “nêu gương” hay “làm gương” luôn phải đi kèm với “noi gương”. Hồ Chí Minh hiểu rõ bản chất, giá trị và ý nghĩa của việc nêu gương, chính bản thân Người trở thành tấm gương sáng ngời về thực hành nêu gương.
Ngay từ năm 1924, trong bức thư gửi đồng chí Pêtơrốp, Tổng thư ký Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, Người viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(10). Để trở thành người cán bộ cách mạng chân chính, “khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; “phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Để được dân tin yêu, kính trọng, để trở thành “tấm gương sống” cho quần chúng noi theo, người cán bộ phải biết tránh xa chủ nghĩa cá nhân. Đó là những căn bệnh, những thói xấu thường gặp và dễ mắc phải như: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa, bệnh công thần, địa vị,... Vì vậy, phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để: “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(11).
Để trở thành tấm gương, mỗi cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, trong bất kỳ việc gì cũng phải đi tiên phong, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(12). Phải “nêu gương” phải bằng hành động, “Nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”; kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Mỗi cán bộ đảng viên, người lãnh đạo trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phải thể hiện ở tình thương yêu con người, sống có tình, có nghĩa.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được hình thành từ sự kết hợp, sự chắt lọc những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa của đạo đức học mácxít. Từ hệ giá trị đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đã vận dụng vào công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ một cách hiệu quả. Vì vậy, cách mạng Việt Nam đã có được một đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung, có tinh thần yêu nước, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”(13). Những tấm gương hy sinh trọn đời của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng nhân dân, là yếu tố tạo dựng niềm tin tuyệt đối giữa Đảng với dân; đó là cơ sở quan trọng nhất, tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù, làm nên thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng, làm nên sức sống và sự bền vững của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Giá trị bền vững của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh còn thể hiện bằng tấm gương thực hành đạo đức vĩ đại của Người. Ở Hồ Chí Minh, không chỉ hội tụ phẩm chất đạo đức của một lãnh tụ thiên tài, mà còn là hiện thân của một lãnh tụ kiểu mới - lãnh tụ của nhân dân: Vĩ đại và vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; trọn đời hy sinh phấn đấu vì một nước Việt Nam mạnh giàu, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tấm gương đạo đức của Người vì thế có sức lôi cuốn, cảm hóa mãnh liệt, là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhân dân thế giới. Giá trị tư tưởng đạo đức của Người vì thế trở thành giá trị phổ quát, được nhân loại tiến bộ ngưỡng mộ và kính trọng.
Thứ hai, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị bền vững là bởi có sự thống nhất giữa tính giai cấp, tính dân tộc và tính nhân loại. Sự thống nhất giữa lý tưởng đạo đức và hành động đạo đức, tất cả đều vì lợi ích của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; vì sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp và giải phóng con người triệt để.
Do điều kiện lịch sử - xã hội, lý luận về việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chủ yếu chỉ đề cập đến vấn đề giai cấp, mà chưa chú trọng đúng mức và đầy đủ vấn đề dân tộc, đặc biệt là vấn đề dân tộc thuộc địa. Sự bổ sung của Hồ Chí Minh (từ thực tiễn cách mạng Việt Nam) về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, trong đó lợi ích dân tộc được đặt lên trên hết, trước hết, chính là một sáng tạo lý luận cách mạng của Người. Về phương diện đạo đức, xét cho cùng lợi ích dân tộc và giai cấp là thống nhất với nhau; áp bức dân tộc và sự bất bình đẳng giữa các dân tộc là căn nguyên, là cơ sở của áp bức giai cấp. Do đó, phải tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc mới có thể đồng thời giải phóng được giai cấp. Bên cạnh sự thống nhất giữa tính giai cấp, tính dân tộc, bản chất của đạo đức còn được Hồ Chí Minh phát triển, mở rộng trong sự thống nhất giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và quốc tế. Tình yêu thương con người, tình yêu dân tộc được Người nâng lên ở tầm cao mới, gắn tình yêu thương với khát vọng giải phóng con người, không phân biệt màu da, chủng tộc, giai cấp, tôn giáo. Hồ Chí Minh đã trọn đời hy sinh, tranh đấu để giải phóng con người khỏi áp bức, bất công. Người phát biểu: “Rằng đây bốn bể một nhà; Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em”.
Đối với Hồ Chí Minh, yêu thương con người là giá trị đạo đức cao đẹp nhất. Yêu thương con người thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân trong quan hệ xã hội, thương yêu con người phải tin vào con người. Với mình thì chặt chẽ, nghiêm khắc; với người thì khoan dung, độ lượng, rộng rãi, nâng con người lên, kể cả với những người lầm đường, lạc lối, mắc sai lầm, khuyết điểm. Yêu thương con người là giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn; thực hiện tự phê bình và phê bình, chân thành giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để không ngừng tiến bộ.
Xuyên suốt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tình thương yêu con người và vì con người, đó là sự kế thừa và phát triển đạo lý làm người, bản chất nhân văn của đạo đức truyền thống dân tộc. Đảng ta đã khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta”(14).
Thứ ba, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện trên nguyên tắc thống nhất biện chứng giữa “cái thực tiễn và cái tinh thần”; giữa “thực hành đạo đức và ý thức đạo đức”.
Ý thức đạo đức phải được thể hiện bằng hành động thì mới có giá trị giáo dục, mới đem lại những lợi ích xã hội và ngăn ngừa những hành vi phi đạo đức. Nếu không có thực hành đạo đức, thì ý thức đạo đức sẽ không đạt tới giá trị, sẽ rơi vào trừu tượng theo kiểu các giáo lý của tôn giáo dựa vào “niềm tin hư ảo”. Nếu chỉ dừng lại ở những triết lý đạo đức chung chung, trừu tượng, không có tác dụng trong hoạt động thực tiễn để cải tạo xã hội, cải tạo con người, thì không phải là đạo đức cách mạng.
Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng là đạo đức hành động, nhằm đem lại những kết quả thiết thực cho cách mạng chứ không phải là thứ đạo đức ru ngủ con người. Chỉ có trong hành động, đạo đức cách mạng mới bộc lộ rõ những giá trị của mình; đạo đức cách mạng đòi hỏi mỗi người phải tự giác, kiên trì rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên “như công việc rửa mặt hàng ngày”. Đồng thời, phải kiên trì mục tiêu loại bỏ những thói quen xấu, tập quán lạc hậu và kiên quyết chống “giặc trong lòng” - chủ nghĩa cá nhân, đó là nét đặc sắc trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhìn từ góc độ biện chứng duy vật và duy vật lịch sử, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã dựa trên quan điểm kế thừa và phát triển, nắm vững bản chất và hiện tượng, các mối liên hệ bên trong và bên ngoài của đạo đức, từ đó đưa ra phương pháp xây dựng đạo đức mới. Hồ Chí Minh chỉ dẫn, để xây dựng nền đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống”.
Người coi việc xây dựng nền đạo đức cách mạng với các giá trị đạo đức mới là “một cuộc chiến khổng lồ”, đó là cuộc đấu tranh quyết liệt “giữa cái cũ và cái mới”; giữa tiến bộ và lạc hậu; giữa cách mạng và phản cách mạng. Vì thế, muốn “xây” được nền đạo đức cách mạng với mục tiêu giải phóng triệt để, hướng vào phục vụ con người, phải “chống” những tàn dư của “đạo đức cũ”. Nhưng muốn “chống” có hiệu quả, phải “xây” nền tảng đạo đức mới và lấy “xây” làm chính.
Người quán triệt, trên con đường đi tới tiến bộ và cách mạng, đạo đức mới chỉ có thể được xây dựng thành công khi huy động, tập hợp được tất cả lực lượng xã hội, tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia. Vì “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, vì sức mạnh của nhân dân là vô địch, do đó phải “lấy dân làm gốc”. Trên quan điểm đó, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên đều phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người phân tích: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(15). Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm tốt trách nhiệm: “là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”.
Hệ giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là sự chắt lọc, kế thừa các giá trị tinh hoa của đạo đức truyền thống và sự vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về đạo đức học, mà còn là một học thuyết về đạo đức cách mạng với cơ sở lý luận và thực tiễn tham gia giải quyết những đòi hỏi của lịch sử dân tộc và của xã hội loài người. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nguồn sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, không chỉ là nhân tố làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam, mà còn góp phần vào sự nghiệp đấu tranh của các dân tộc trên thế giới, vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Thế giới đã và sẽ tiếp tục đổi thay, nhưng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc và thời đại.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị điện tử
Link:http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/anh-chinh/item/5139-gia-tri-ben-vung-cua-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh.html
(1) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb Lao động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.109.
(2), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.7, 64.
(3), (5), (6), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.601, 602, 603, 602.
(4), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.292, 292.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.562.
(8), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.130, 16.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr. 177.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.284.
(14) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1980, tr.36.