Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Những vấn đề mới đặt ra hiện nay trong công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo

14:33 03/11/2023
 Sứ mệnh vận động, đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vấn đề tôn giáo là một truyền thống, mang giá trị cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khó có thể kể hết những thành tựu, bài học kinh nghiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo. Bài viết trình bày một số suy nghĩ về những vấn đề mới đặt ra của công tác này trong điều kiện chính trị, xã hội và văn hóa có nhiều biến động giá trị hiện nay, từ đó gợi mở những kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo trong tình hình mới.

 Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng Linh mục Trần Xuân Mạnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. ẢNH: MINH ĐỨC 

Dân tộc và tôn giáo: Nhìn từ góc độ truyền thống của Mặt trận Tổ quốc

Đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo có vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và có tính đặc thù của Mặt trận Tổ quốc phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Từ cách mạng dân tộc dân chủ đến cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc đã có nhiều kinh nghiệm trong việc vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là tư tưởng, phương pháp công tác tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc giải quyết vấn đề chức sắc các tôn giáo, những kinh nghiệm này tập trung chủ yếu ở ba điểm sau đây:

Thứ nhất, thấy rõ vai trò đặc thù của chức sắc tôn giáo trong các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt là các chức sắc tiêu biểu, những người có vị trí trong hệ thống giáo quyền để coi đó là đối tượng vận động trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của chính sách tôn giáo đối với những tôn giáo cụ thể ấy.

Với các tôn giáo lớn như Phật giáo, nhất là Công giáo, qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn giữ được mối quan hệ cần thiết. Đặc biệt, đã tìm ra những hình thức “cầu nối” giữa các tổ chức tôn giáo ấy với Nhà nước và đặt các tôn giáo vào trong “hệ thống chính trị” như với Ủy ban đoàn kết Công giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Nhiều nhân vật tôn giáo nổi tiếng, hoặc có thái độ chính trị phức tạp, nhưng với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta vẫn tranh thủ được họ, giảm thiểu đến mức tối đa mưu đồ lợi dụng của các thế lực thù địch với các chức sắc tôn giáo trong việc chống lại cách mạng.

Cho đến hôm nay, những giá trị này vẫn không thay đổi. Có chăng chỉ là việc liên hệ, nắm các chức sắc tiêu biểu hiện nay đòi hỏi có năng lực và những phương thức mới cao hơn so với những gì đã diễn ra trong quá khứ.

Thứ hai, động lực tư tưởng cơ bản trong sự chuyển biến, “tập hợp” các chức sắc tôn giáo tiêu biểu dưới ngọn cờ đại nghĩa của dân tộc luôn là việc khai thác triệt để chủ nghĩa yêu nước, tình cảm yêu nước và chủ nghĩa dân tộc.

Qua các cuộc chiến tranh và cách mạng cho thấy, đây vẫn là phương thức, phương tiện thích hợp nhất trong công tác vận động chức sắc các tôn giáo. Dù nhận thức tôn giáo hết sức khác nhau, có những tôn giáo “không có chút gì thuận lợi” cho sự thể hiện lòng yêu nước, nhưng phải khẳng định rằng, trong đáy sâu tư tưởng tình cảm, mỗi chức sắc tôn giáo đều giữ được ít nhiều thứ “tình tự dân tộc” ấy.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dạy rằng, phải coi công tác vận động chức sắc là công tác trí thức.

Trong quá khứ cũng như hiện tại, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Thực tế trong con người mỗi chức sắc tôn giáo hiện nay có hai phần: một phần, họ có những giá trị của thần quyền, giáo lý giáo luật mà nhiều khi nó “xung đột” với các giá trị đời sống hiện thực, xung đột với tư tưởng và phương pháp khoa học. Và một phần trong họ có “phẩm cách và phương pháp” của một người trí thức, vì họ cũng còn được đào tạo bởi nhiều ngành khoa học, đặc biệt là khoa học xã hội và nhân văn trong trường học.

Vận động, đoàn kết dân tộc - tôn giáo, chức năng truyền thống và phương pháp tiếp cận mới của Mặt trận

Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Từ việc xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như khâu then chốt, hoàn thiện luật pháp về tôn giáo… đều có vai trò to lớn của Mặt trận. Với những công tác to lớn, mới mẻ như thế, Mặt trận hoàn toàn có những điều kiện và khả năng để tham gia một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả trên cả 3 khâu: lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Một công tác có thể coi là trọng tâm khác, một trong những điểm mấu chốt của “vấn đề tôn giáo hiện nay” đó là: cần tiếp tục thúc đẩy đường hướng đúng đắn, các tôn giáo tham gia xã hội hóa một số lĩnh vực hoạt động phù hợp với chức năng, kinh nghiệm lịch sử, năng lực của các tổ chức tôn giáo (giáo dục, y tế, từ thiện, truyền thông). Đã đến lúc công tác này phải được bắt đầu từ việc cởi gỡ sự vướng mắc về địa vị pháp lý của các tổ chức tôn giáo. Bên cạnh đó là hàng loạt các định chế, hình thành các không gian xã hội cần thiết cho những hoạt động này.

Công tác tôn giáo của Mặt trận cần duy trì và phát triển những lĩnh vực truyền thống, như: Đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; vận động chức sắc và tín đồ trong các phong trào thi đua yêu nước, khai thác và thúc đẩy những giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo trong xã hội.

Vận động chức sắc các tôn giáo

Trong công tác vận động quần chúng, việc vận động “đồng bào có Đạo” bao gồm các chức sắc và tín đồ, trải qua các cuộc chiến tranh và cách mạng đã thu được những thắng lợi to lớn, góp phần vào việc hoàn thành những nhiệm vụ chiến lược của từng giai đoạn cách mạng của Đảng. Riêng vấn đề vận động các chức sắc tôn giáo được coi là quan trọng và quyết định nhất với các chính sách tôn giáo vận, bởi lẽ chức sắc các tôn giáo luôn là bộ phận đầu não, lực lượng có tiếng nói quyết định đến chiều hướng, thái độ của các tổ chức tôn giáo, đến cộng đồng tín đồ của các tôn giáo ấy.

Lẽ dĩ nhiên, các chức sắc tôn giáo cũng không phải là một thực thể bất di bất dịch. Thực tiễn đời sống tôn giáo thế giới và trong nước những năm gần đây cho thấy đã có những chuyển biến trong các cộng đồng tôn giáo. Vì thế, trước khi bàn đến việc tăng cường quan hệ hoặc phương thức vận động các chức sắc tôn giáo hiện nay, cần có những nhìn nhận, đánh giá mới.

Mấy đặc điểm của vấn đề chức sắc tôn giáo hiện nay

Các chức sắc tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh đời sống tôn giáo ở nước ta nói chung đang phát triển, nhiều Giáo hội các tôn giáo được phát triển về tổ chức, lực lượng nhân sự và những phương thức hoạt động tôn giáo mới. Điều này cũng được cắt nghĩa khi chúng ta đặt trong bối cảnh chung của đời sống tôn giáo thế giới đang sôi động trong khung cảnh toàn cầu hóa. Các tôn giáo thế giới nói chung hiện đang chịu những tác động mạnh mẽ của những xu hướng như đa dạng hóa, hiện đại hóa trong điều kiện của những nhà nước thế tục.

Chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam, dường như trái ngược với tình hình đời sống tôn giáo ở thế giới Âu Mỹ, là không những không bị “khủng hoảng giáo sĩ”, mà ngược lại có chiều hướng được tăng cường. Thậm chí còn đang được hiện đại hóa mạnh mẽ. Từ việc nâng cao trình độ thần học, giáo lý, trình độ văn hóa nói chung, đến sự thay đổi của cơ cấu về tuổi tác, giới tính, khả năng sử dụng khoa học công nghệ trong việc thực hành tôn giáo…

Đặc điểm đầu tiên này thể hiện rất rõ ở các tôn giáo chủ yếu ở nước ta hiện nay. Với Công giáo, nói chung việc đào tạo linh mục (trong các đại chủng viện trong và ngoài nước) được tăng lên rõ rệt. Trình độ thực tế của các linh mục, phó tế cũng vậy. Việc trẻ hóa hàng giáo phẩm là rất rõ. Chức sắc thuộc các dòng tu đã hồi phục và phát triển. Công giáo Việt Nam cũng đang đi đầu trong các tôn giáo về khoa học công nghệ thông tin.

Với Phật giáo cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Đặc điểm cố hữu của Phật giáo Việt Nam là đội ngũ chức sắc ít được đào tạo bài bản, già hóa và có sự mất cân đối về giới. Hiện nay đang được cải thiện nhiều mặt.

Ở nước ta, yếu tố của chủ nghĩa dân tộc có giá trị phổ biến trong tư tưởng xã hội cũng như trong thực tiễn. Dù hiện nay người ta nói nhiều đến toàn cầu hóa, nhà nước toàn cầu, công dân toàn cầu… dường như vai trò của chủ nghĩa dân tộc ở nhiều vùng trên thế giới có những biểu hiện thu hẹp như một tất yếu khách quan. Nhưng đối với một nước như Việt Nam, rõ ràng yếu tố này vẫn còn chỗ đứng, vẫn còn là một động lực chính trị và tinh thần rất mạnh.

Chính sách của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây luôn hướng tới đồng thuận xã hội, trong đó trước hết là đồng thuận về chính trị “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó vẫn ẩn chứa đằng sau mục tiêu lớn này là “đồng thuận về dân tộc”, và mục tiêu đó đến nay vẫn đang thu hút mọi thành phần dân tộc, xã hội, tôn giáo.

Khi nói đến đặc điểm này, dường như chúng ta đã đề cập đến một vấn đề hệ trọng khác, đó là, tôn giáo ở nước ta đồng hành với chủ nghĩa xã hội như thế nào? Các tôn giáo ở nước ta có thể thích ứng và thích ứng như thế nào trong chủ nghĩa xã hội? Ngược lại, chủ nghĩa xã hội ở nước ta cần tạo ra những hành lang pháp lý như thế nào để các tôn giáo không chỉ thích ứng với chủ nghĩa xã hội mà còn có thể “tồn tại” và từ đó có thể có những đóng góp ngày càng tích cực hơn với dân tộc, với chủ nghĩa xã hội…

Nhưng đây vẫn là một lợi thế mà Nhà nước, Dân tộc luôn có ý thức khai thác, kích thích các năng lực tích cực ở mỗi tôn giáo, trước hết là ở các chức sắc tôn giáo khi hôm nay “thực thể tôn giáo” đang trở nên một thực tại xã hội “bình thường” trong cộng đồng dân tộc.

Khi nói đến chức sắc tôn giáo hiện nay, chúng ta không chỉ hiểu đó là chức sắc các tôn giáo trong nước, mà còn phải hiểu trong nhiều tôn giáo có đội ngũ chức sắc tôn giáo ở nước ngoài.

Giới chức sắc Công giáo Việt Nam ở nước ngoài còn có nhiều điểm khác biệt. Chưa bao giờ như hiện nay, trong xu thế “toàn cầu hóa về tôn giáo”, các chức sắc Công giáo Việt Nam lại có điều kiện tham gia Giáo triều Roma nhiều, với những cương vị cao như ngày hôm nay (Bộ trưởng, Đại diện Tông tòa của Tòa Thánh ở nhiều khu vực, nhiều giáo phận và Tổng giáo phận trên thế giới).

Ở Mỹ, một số chức sắc Công giáo người Việt đã có thể đảm trách vị trí Giám mục một số giáo phận quan trọng, cá biệt có trường hợp đã là Chủ tịch Hội Thần học Bắc Mỹ…

Đặc điểm này cho thấy, có thể, bên cạnh những chủ trương, kinh nghiệm vận động chức sắc thông thường chúng ta hiện đang rất cần những chủ trương, chính sách riêng cho đối tượng này, và phải coi đó như một điều bắt buộc và cần thiết, nếu muốn tính hiệu quả của công tác vận động chức sắc.

Một phương diện quan trọng của “vấn đề chức sắc” các tôn giáo là mối quan hệ của họ đối với Nhà nước. Lẽ dĩ nhiên, mối quan hệ này thường thông qua các tổ chức tôn giáo (Giáo hội, Hiệp hội, Tổng liên hội, Hội Thánh, thậm chí có thể là các dòng tu, Hội đoàn, Liên tu sĩ, Giám tỉnh hội dòng...). Điều quan trọng là mối quan hệ này hiện nay đã khác trước: xu thế “giải thế tục” đã xuất hiện trên thế giới nửa cuối thế kỷ XX. Ở Việt Nam, dường như cũng vậy. Cùng với sự phục hồi và lớn mạnh của nhiều tôn giáo hiện nay, xu thế “giành lại các quyền đã mất” của các tổ chức tôn giáo ở nước ta cũng đã khá phổ biến.

Đây là vấn đề quan trọng rộng lớn, vượt lên trên vấn đề “chức sắc tôn giáo”. Trong khuôn khổ của vấn đề chức sắc tôn giáo, trong cái nhìn tổng thể ấy, cần chú ý bất cứ một tổ chức tôn giáo nào cũng có thể trở thành đoàn thể áp lực với Nhà nước. Với các tổ chức tôn giáo, không hề có sự phân biệt nó là tôn giáo lành hay dữ. Mọi tổ chức tôn giáo tự bản thân nó luôn chứa đựng khả năng, chiều hướng, tính cách của những đoàn thể áp lực như thế. Phổ biến là đòi Nhà nước phải thực hiện việc coi các tổ chức tôn giáo như những thực thể quyền lực đại diện cho những nhóm xã hội đặc biệt, trong khuôn khổ Nhà nước pháp quyền.

Đoàn thể áp lực cũng còn được hiểu sự đòi hỏi của các tổ chức tôn giáo trong nhiều vấn đề liên quan đến “tính quốc tế của các tôn giáo”, các công ước quốc tế và những định chế quốc tế khác. Những đòi hỏi này có những điều hợp lý, nhưng không ít điều lại liên quan đến những mưu đồ của các thế lực thù địch, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo.

Trong bối cảnh như thế, các chức sắc tôn giáo, vốn là lực lượng chủ lực, người dẫn dắt của đoàn thể áp lực ấy, trong điều kiện hôm nay, đôi khi tiếng nói của họ đã khác trước với những đòi hỏi ngày càng đa dạng và phức tạp. Chức sắc tôn giáo gắn liền với tổ chức giáo quyền của các tôn giáo. Trong bối cảnh hiện nay, đôi khi không thể đồng nhất chức sắc tôn giáo với tổ chức giáo quyền.

Bên cạnh mặt “thống nhất”, cũng đã xuất hiện xu thế “tính độc lập” của các chức sắc tôn giáo cần được nắm vững và vận dụng linh hoạt. Nắm vững những đặc điểm trên, không chỉ cần thiết về phương pháp công tác với vấn đề chức sắc các tôn giáo, mà có thể còn có ý nghĩa chiến lược trong việc hoạch định, hoàn thiện chính sách đổi mới về tôn giáo hiện nay.

Phương thức vận động chức sắc các tôn giáo hiện nay

Thứ nhất, những năm gần đây, trong việc vận động chức sắc, chúng ta nhấn mạnh rất đúng về đồng thuận xã hội (khái niệm đồng thuận đã xuất hiện từ Văn kiện Đại hội VII của Đảng). Nhưng trên thực tế, khái niệm đồng thuận xã hội hiện nay chủ yếu được hiểu là sự đồng thuận chung về chính trị, về một giá trị chung nhất của dân tộc, đôi khi nặng về tình cảm, tâm thức dân tộc.

Vấn đề đặt ra hiện nay cần phải có thêm những cơ sở lý thuyết, pháp lý để các tôn giáo, trước hết là các chức sắc tôn giáo hiểu được, tin tưởng được rằng họ hoàn toàn có thể thích ứng với chủ nghĩa xã hội. Khía cạnh thần học giáo lý trong vấn đề này có thể còn nhiều điều phải tranh cãi, nhưng xét về phương diện lý trí, pháp lý, không gian xã hội thì phải khẳng định được điều này. Trong các vấn đề như thế, cần đặc biệt tạo điều kiện để các chức sắc tôn giáo thật sự yên tâm rằng: trong chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể thực hiện được quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân tôn giáo.

Thứ hai, chúng ta đã từng nhấn mạnh việc giáo dục, cổ vũ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân của các chức sắc tôn giáo. Điều này hiện nay cũng vẫn đúng và cần thiết. Với không ít các tôn giáo, nhất là các tôn giáo độc thần, kể cả Phật giáo, thì điều này đôi khi không dễ dàng gì khi trong đáy sâu họ luôn hướng tới những giá trị phổ quát của nhân loại nói chung. Trong điều kiện hiện nay, điều cần thiết là còn phải giáo dục ý thức quốc gia, chủ quyền quốc gia với chức sắc và tín đồ các tôn giáo.

Thứ ba, chúng ta đã từng tuyên truyền, phổ biến giáo dục rất nhiều về sự đổi mới của Đảng và Nhà nước trong vấn đề đường lối và chính sách tôn giáo. Đặc biệt, cùng với hàng loạt chính sách tôn giáo cởi mở, thông thoáng hơn, chúng ta cũng đã lưu tâm đến việc giáo dục nhận thức về quyền hạn và nghĩa vụ với vấn đề tự do tôn giáo tín ngưỡng, trước hết với các chức sắc.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần nhấn mạnh hơn một phạm trù có tính cặp đôi là: quyền và nghĩa vụ về “tự do tôn giáo” của mỗi công dân phải đi liền với ý thức pháp luật. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, một số chức sắc các tôn giáo trong các vụ việc đụng độ với Nhà nước, với chính quyền địa phương… hoặc là cố tình đề cao “giáo quyền và giáo luật”, thậm chí đưa ra một tương quan xung đột giữa hai hệ thống luật pháp này (của Đạo và Đời), hoặc là lảng tránh trước những nguyên tắc luật pháp. Nói cách khác, dù muốn hay không, trong một bộ phận chức sắc có vấn đề “ý thức luật pháp”. Đây cũng là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không thể không đặt ra trên những bình diện mới và nhiều chiều kích.

Thứ tư, chúng ta cũng đã từng nói, từng vận động rất nhiều về việc thúc đẩy các hoạt động yêu nước của các chức sắc, việc xây dựng các phong trào văn hóa xã hội trong các cộng đồng tôn giáo cũng như phát triển các tổ chức yêu nước, thậm chí công tác phát triển Đảng trong các tôn giáo, phát triển cơ sở chính trị, thực hành tốt công tác vận động dân chủ ở cơ sở trong điều kiện các cộng đồng tôn giáo… Những điều này là rất tốt, nhưng chưa đầy đủ.

Việc khai thác các giá trị xã hội, văn hóa, đạo đức các tôn giáo mà ta gọi tắt là dòng trong, khắc phục những tàn dư tiêu cực của dòng đục trong các tôn giáo ngày hôm nay còn phải đi liền với một nhiệm vụ khác rất mới mẻ là: Đảng, Nhà nước, Mặt trận… còn phải chú ý đến việc khuyến khích các dòng tư tưởng, thần học, giáo lý tiến bộ của các tôn giáo, xem đó cũng là một động lực tư tưởng, xã hội quan trọng trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ năm, trong việc vận động, tăng cường mối quan hệ với các chức sắc tôn giáo, dù họ có một tổ chức Giáo hội thống nhất, nhưng vẫn không thể bỏ qua những đặc điểm, những yếu tố địa - tôn giáo, vùng miền khác nhau để có thể có những chính sách, phương thức vận động thích hợp.

Chẳng hạn chúng ta không thể áp dụng chính sách vận động các chức sắc tôn giáo của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” - thường được hiểu chủ yếu là Phật giáo Bắc Tông - với các chức sắc Phật giáo Nam Tông Khmer Nam Bộ. Giữa hai chức sắc này có những điểm chung, nhưng họ lại có những đặc điểm riêng biệt về hình thức, định chế tu tập, hoằng pháp… rất khác nhau.

Ngay với Giáo hội Công giáo Việt Nam, một tổ chức tôn giáo có sự thống nhất cao độ về giáo lý, nghi lễ sinh hoạt phụng vụ đến giáo quyền, từ “trung ương” xuống các giáo hội cơ sở, xứ họ Đạo, nhưng về “chức sắc” tôn giáo lại không ít khác biệt về trình độ thần học, đời sống thực hành tôn giáo…

Trong những cộng đồng tôn giáo đang có những biến động phức tạp khác như với đạo Tin Lành vấn đề địa - tôn giáo còn có dấu vết rõ rệt hơn: với các mục sư Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên chắc hẳn khác rất nhiều với các mục sư, truyền đạo ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hoặc nội dung phương cách vận động các mục sư Tin Lành thuộc hai Hội thánh cùng một “Mẫu hội” là Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Nam và Bắc) chắc hẳn khác rất nhiều so với các mục sư Tin Lành một số hệ phái mới được công nhận như Tin Lành Baptist, Cơ Đốc Phục Lâm, Menonite…

Việc vận động các chức sắc tôn giáo, từ việc tạo ra hoặc phát triển mối quan hệ với họ, lôi cuốn họ trong việc thực hiện chính sách tôn giáo cũng như chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay rõ ràng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới.

Bên cạnh việc nắm vững đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo, phát huy những bài học kinh nghiệm đã có, cần có cái nhìn đổi mới, linh hoạt thích hợp với những điều kiện mới của đối tượng vận động là các chức sắc tôn giáo.

Sự nghiệp đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo, xây dựng Nhà nước pháp quyền về tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta từ năm 1990 trở lại đây là một trong những thành tựu tư duy đổi mới chính trị, xã hội thực tiễn đáng kể. Riêng đối với công tác tôn giáo của Mặt trận, chúng ta có những văn bản quan trọng như Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX); Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015,… Đây là những cơ sở để Mặt trận xác định đường hướng chiến lược, kế hoạch cụ thể trong công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo và đồng thời khẳng định những thành công to lớn trong công tác này.

Vấn đề vận động, đoàn kết các tôn giáo như đã phân tích ở trên, là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, một nét thuộc bản sắc chính trị, xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, với những kinh nghiệm lịch sử, luôn có sự đúc kết và đổi mới, dần đã tạo được những nguyên tắc có tính phương pháp của một loại hình công tác dân vận. Tuy vậy, cần lưu ý rằng, khái niệm “các tôn giáo”, “đời sống tôn giáo”, “xã hội thế tục”, “cái thiêng”, và “tính tôn giáo”,… luôn có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự nhạy bén của chính sách, phương pháp công tác của Mặt trận.

Những năm gần đây, nét mới của tôn giáo, con người tôn giáo ở nước ta có những chuyển biến hết sức mới mẻ, phong phú, phức tạp (hệ thống tôn giáo, tâm thức tôn giáo, giáo hội, chức sắc, và nhất là tín đồ các tôn giáo hiện nay…) cũng là những yếu tố có tính quyết định về một sự điều chỉnh chính sách, luật pháp, và công tác vận động chức sắc, tín đồ.

Đỗ Quang Hưng - Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tag:

File đính kèm