Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Bối cảnh mới, yêu cầu mới đối với công tác tham mưu chiến lược của các cơ quan Đảng Trung ương

17:19 31/12/2023
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh, cục diện tình hình thế giới khu vực, trong nước có cả thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đan xen, Đảng ta phải giải quyết thành công nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn. Bối cảnh mới đã đặt ra những yêu cầu mới đối với các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng.

leftcenterrightdel
Yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan tham mưu chiến lược là phải thực sự đổi mới phương thức công tác. (Ảnh minh họa) 

Tại Đại hội XIII (1/2021) Đảng ta dự báo: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”. Gần ba năm qua, tình hình bối cảnh, cục diện thế giới, khu vực đã diễn biến theo hướng nhanh hơn, phức tạp hơn, thách thức nhiều hơn, gay gắt hơn, thể hiện tập trung trên những vấn đề chủ yếu sau:

- Hòa bình, hợp tác, phát triển là nguyện vọng là đòi hỏi bức thiết của mọi quốc gia dân tộc và vẫn là xu thế chung. Nhân loại đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc, “chiến tranh lạnh”… Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới lại đối mặt với hàng loạt vấn đề tác động rất tiêu cực đến môi trường kinh tế, chính trị, an ninh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên, xung đột tôn giáo, sắc tộc, hoạt động khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng… đe dọa nền hòa bình của các quốc gia, dân tộc. Do vậy, hòa bình, hợp tác, phát triển là vấn đề trọng tâm của thời đại, là nội dung cốt lõi trong chiến lược của mọi quốc gia trên thế giới, song đang đối mặt với những trở ngại, khó khăn, thách thức to lớn. Thời gian qua, trong xu hướng vừa hợp tác vừa cạnh tranh thì mặt cạnh tranh dẫn tới nguy cơ xung đột và xung đột gia tăng đáng kể. Tiêu biểu nhất của xu hướng này là cuộc xung đột ở Ucraina, các cuộc xung đột ở Trung Đông, mới nhất là ở dải Gaza,…

- Quá trình toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi hai động lực: Các cuộc cách mạng công nghiệp và việc xóa bỏ các rào cản đối với các dòng chảy thương mại, đầu tư, thông tin, công nghệ, lao động. Do kết hợp hai động lực này, toàn cầu hóa diễn ra theo các làn sóng. Quá trình toàn cầu hóa cho đến nay đã diễn ra ba cao trào, xen giữa là các giai đoạn thoái trào. Mỗi cao trào là động lực cho một trật tự thế giới mới, mỗi đợt thoái trào đều là thời kỳ bất ổn và xung đột. Toàn cầu hóa lần thứ ba từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã tác động rất mạnh đến nền kinh tế thế giới. Theo đó, dòng hàng hóa, dịch vụ đầu tư, tiền tệ, lao động, thông tin, công nghệ, phương tiện giao thông… lan tỏa, mở rộng thị trường cũng như lợi thế so sánh của các nền kinh tế. Toàn cầu hóa lần này được tăng tốc và mở rộng đặc biệt mạnh mẽ từ sau chiến tranh lạnh (năm 1991) nhờ sự gia nhập của các nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Sự tăng tốc và mở rộng này đã dẫn tới ba thay đổi nền tảng: Cán cân thanh toán toàn cầu đang mất cân đối nghiêm trọng đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự chuyển dịch ồ ạt của các ngành công nghiệp và công nghệ từ các nước phát triển sang các nước mới nổi; cán cân quyền lực chuyển dịch về các nước mới  nổi, đặc biệt là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ làm thúc đẩy mạnh xu thế đa cực hóa trật tự thế giới. Hơn một thập niên qua, những biểu hiện như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 – 2009), số lượng các thỏa thuận quốc tế về thương mại, đầu tư giảm xuống mức thấp nhất kể từ thập niên 80 của thế kỷ XX; nước Anh rời khỏi EU; Hoa Kỳ rời khỏi TPP; chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng cả cường độ và quy mô. Bùng phát chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa đơn phương, chính sách chống nhập cư, phục hồi chính trị cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ thương mại… đang cản trở và làm suy yếu toàn cầu hóa. Đáng chú ý từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid 19 đã kích hoạt và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng sâu rộng chưa từng có, đến nay vẫn khó dự báo vì cuộc khủng hoảng kinh tế rất sâu và rộng lần này còn chịu sự tác động của nhiều nhân tố như: Sự chuyển dịch sức mạnh của các quốc gia, sự chuyển đổi mô hình phát triển và cơ cấu kinh tế, sự điều chỉnh của các chuỗi sản xuất và cung ứng, các thể chế, luật lệ của các tổ chức đa phương đã và đang hình thành. Dù vậy, chiều hướng chung của toàn cầu hóa hiện nay đang ở chặng giảm tốc, suy yếu. Sự giảm tốc và suy yếu của toàn cầu hóa lần này đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng: Thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các dòng vốn đầu tư bị hút mạnh về thị trường Hoa Kỳ, dư địa phát triển của nhiều nước ngoại vi bị thu hẹp, nhất là các quốc gia thực hiện mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Đã và đang xuất hiện sự bất ổn và xung đột nghiêm trọng ở một số khu vực… Tình trạng lạm phát gia tăng, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, thảm họa nhân đạo, ô nhiễm môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu…

- Sự chuyển dịch quyền lực và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn: Phù hợp với quy luật phát triển không đồng đều nên đến nay thế giới đã chứng kiến ba cuộc chuyển dịch quyền lực lớn làm thay đổi căn bản đời sống quốc tế trên mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuộc chuyển dịch quyền lực lớn thứ nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Châu Âu từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Cuộc chuyển dịch quyền lực lớn thứ hai là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hoa Kỳ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, nhất là từ sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945). Hoa Kỳ trở thành siêu cường chi phối trật tự quốc tế cho tới cuối thế kỷ XX. Từ thập niên cuối thế kỷ XX đến nay diễn ra sự suy yếu tương đối của Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản và sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nước nổi bật là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ dẫn đến sự chuyển dịch quyền lực lần thứ ba trên phạm vi toàn cầu. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia này thúc đẩy cục diện thế giới biến đổi mạnh theo xu hướng đa cực, đa trung tâm nhanh hơn, chuyển trật tự thế giới từ đơn cực sau chiến tranh lạnh thành thế giới “Nhất siêu, đa cường”. Trong bối cảnh này, sự cọ xát, cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn đang gia tăng tính quyết liệt, gay gắt và tác động ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh chính trị toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hiện nay thể hiện nổi bật giữa các cặp cạnh tranh: Hoa Kỳ - Trung Quốc, Hoa Kỳ - Nga, Trung Quốc - Ấn Độ. Trong các cặp này, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc là cuộc cạnh tranh chiến lược tiêu biểu giữa một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và một cường quốc đang “tại vị”. Cuộc cạnh tranh này ngày càng gay gắt, khốc liệt tác động rất tiêu cực đến kinh tế, chính trị, an ninh toàn thế giới nhất là đối với Châu Á – Thái Bình Dương, khu vực Đông Bắc Á – Đông Nam Á, biển Đông. Cho nên tạo ra nhiều thách thức mới khó lường với khu vực này trong đó có Việt Nam.

- Các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng.

Trong bốn thập niên gần đây tất cả các quốc gia trên thế giới, với mức độ khác nhau đều chịu tác động tiêu cực và rất tiêu cực của các vấn đề toàn cầu như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt, thảm họa thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái, đói nghèo, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng… Đây là những vấn đề gay cấn và là những thách thức to lớn, trong đó vấn đề cạn kiệt tài nguyên nhất là năng lượng và nguồn nước đang là thách thức rất nghiêm trọng đến an ninh và phát triển của nhiều quốc gia, nhiều khu vực. Nhu cầu về tài nguyên đang gia tăng đối với tất cả các quốc gia và tăng vọt đối với các nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển. Do đó cạnh tranh các nguồn tài nguyên đang rất gay gắt và sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong những vấn đề an ninh nêu trên thì an ninh biển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng do cạnh tranh chiến lược, tranh chấp biển, đảo ngày càng quyết liệt. An ninh biển đang đe dọa trực tiếp đến an ninh các tuyến đường hàng hải và an ninh môi trường biển, an ninh các nguồn lợi hải sản.

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên sự hội tụ của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, hệ thống cảm biến, dữ liệu lớn, mạng viễn thông 5G, công nghệ Robot, thiết bị tự hành không người lái, công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ mới về năng lượng, điện toán lượng tử… Tiền đề cuộc cách mạng 4.0 đã xuất hiện từ trong giai đoạn cuối cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 (1960 -2000) nhưng chính thức cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 – 2009) đã tạo hiệu ứng kép vừa đẩy nhanh quá trình chọn lọc các công nghệ đột phá có tiềm năng lớn, vừa giải phóng nguồn vốn lớn khỏi các lĩnh vực không còn lợi thế so sánh, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư trên toàn cầu cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư buộc người ta phải xem xét lại hàng loạt các quan niệm, các dự báo như văn hóa mạng, mạng xã hội, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, kinh tế chia sẻ, tiền ảo, nhà máy thông minh, thành phố thông minh hay từ phía tiêu cực như tin giả, tội phạm mạng, chiến tranh mạng…trên thực tế đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội. Sau hơn hai thập niên, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động đưa tới những chuyển biến sâu sắc về mọi mặt như cơ cấu và phương thức sản xuất, kinh doanh sự vận hành của hệ thống tài chính – tiền tệ, cơ cấu và chất lượng lao động, phương cách làm việc và lối sống của con người, phương thức học tập, chữa bệnh, phương tiện và phương thức đảm bảo quốc phòng an ninh… Nền kinh tế thế giới đang bước vào thời đại mới về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, mang đến những thay đổi sâu sắc trong quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội.

- Cục diện Châu Á – Thái Bình Dương, hơn ba thập kỷ sau chiến tranh lạnh, là địa bàn cạnh tranh địa chiến lược của các nước lớn nhưng đã hóa giải được các nguy cơ xung đột, vượt qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế, duy trì xu thế hòa bình và hội nhập, trở thành đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới. Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực phát triển hàng đầu với sự hiện diện của nhiều nước lớn và các nền kinh tế năng động, nằm trên tuyến hàng hải, hàng không sôi động bậc nhất thế giới, nơi hiện diện các liên minh, tổ chức, thể chế đa phương. Nhưng những năm gần đây và sắp tới, cạnh tranh quyền lực, tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực này diễn ra căng thẳng, phức tạp và quyết liệt hơn. Tập hợp lực lượng của các cường quốc ở khu vực này diễn ra rất phức tạp, các điểm nóng diễn biến khó lường. Đặc biệt khu vực này đang trở thành địa bàn trọng điểm của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, đang diễn ra những nỗ lực tập hợp lực lượng của hai cường quốc này. Trong khi đó các cường quốc như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… cũng đang dẫn dắt một số tập hợp lực lượng không có Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ - Trung tranh hùng đặt Châu Á – Thái Bình Dương trước thách thức bị chia rẽ, đe dọa xu thế hợp tác và hội nhập khu vực, kích động bùng phát mâu thuẫn giữa các nước cũng như mâu thuẫn nội bộ từng quốc gia. Thời gian qua, hầu hết các tranh chấp tại khu vực đều lần lượt nóng lên: Bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông, Biển Đông.

- Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột kinh tế, an ninh văn hóa xã hội tiếp tục phát huy vai trò trung tâm thông qua cơ chế, các diễn đàn ARE, ADMM+, Shangri-La, EAS… để duy trì hòa bình ổn định khu vực, vai trò như một thị trường chung, một cộng đồng kinh tế ngày càng nhất thế hóa trong phát triển kinh tế, nhưng ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức:

+ Toàn cầu hóa mất đà, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, chủ nghĩa bảo hộ mới của Mỹ và phương Tây, nguy cơ bong bóng tài chính Mỹ… đều có thể trở thành ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng kinh tế hay an ninh.

+ Tranh giành ảnh hưởng và sự lôi kéo của các loại hình tập hợp lực lượng khác nhau, đặc biệt là sự tranh giành ảnh hưởng và lôi kéo, tập hợp lực lượng của Mỹ - Trung đã đặt ra nhiều thách thức trong ứng xử đối ngoại đồng thời khiến ASEAN đối mặt với nhiều khó khăn thách thức hơn. Trên thực tế, tính thống nhất của ASEAN có dấu hiệu giảm sút, vai trò trung tâm của ASEAN bị thách thức ngày càng lớn.

Tình hình trong nước: Sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

“Trong những năm tới, Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng hơn và phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong tình hình kinh tế phát triển chưa bền vững còn nhiều hạn chế, yếu kém lại đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức mới do tác động của dịch COVID-19, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, do xu hướng già hóa dân số tăng nhanh, do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; đặc biệt do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra đến nay vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt, phức tạp hơn. Nguy cơ tụt hậu rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa đảm bảo phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng miền địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế đặc thù; Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”. Trong những nguy cơ thách thức mới nảy sinh, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”.

Bối cảnh, cục diện tình hình thế giới khu vực, trong nước được trình bày trên có cả thuận lợi, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đan xen. Đáng chú ý một số thách thức cũ phát triển nghiêm trọng hơn; một số nguy cơ thách thức mới nảy sinh nhưng rất phức tạp và quyết liệt. Tất cả đang tác động nhiều chiều, rất phức tạp đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để tận dụng được thời cơ vận hội, hóa giải và vượt qua mọi khó khăn, thách thức cả cũ và mới, Đảng ta phải giải quyết thành công nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn, để hiện thực hóa thắng lợi sự nghiệp “Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” với những mục tiêu cụ thể sau:

· Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

· Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Các cơ quan Đảng Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược với hai chức năng chủ yếu:

· Tham mưu xây dựng cương lĩnh đường lối chính sách của Đảng ta. Tham mưu, tổ chức thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối chính sách.

· Tham mưu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Góp phần trực tiếp xây dựng Đảng ta mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, kiểm tra giám sát.

Để làm tròn hai chức năng trọng đại này trong bối cảnh mới đã đặt ra những yêu cầu mới đối với các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng:

1. Từng cán bộ và tập thể cơ quan tham mưu chiến lược phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy.

Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức đặc biệt – bộ não con người – là quá trình tích cực hiện thực khách quan ở trình độ cao của nhận thức con người dưới dạng các khái niệm phán đoán giả thuyết, lý luận. Kết quả của quá trình tư duy bao giờ cũng là sự phản ánh khái quát các thuộc tính, các mối liên hệ cơ bản, phổ biến, các quy luật không chỉ ở một sự vật riêng lẻ mà còn ở một nhóm sự vật nhất định. Cơ chế sinh lý học của tư duy là cơ chế hoạt động thần kinh cao cấp. Nhưng tư duy gắn liền trước hết không phải với sự tiến hóa sinh lý học mà với sự tiến hóa xã hội. Tư duy là một sản phẩm xã hội. Tư duy xuất hiện do kết quả của hoạt động thực tiễn, song tư duy lại có tính độc lập tương đối, sau khi xuất hiện, sự phát triển của tư duy còn chịu ảnh hưởng của toàn bộ tri thức mà nhân loại đã tích lũy được, cũng như chịu ảnh hưởng tác động của các lý thuyết quan điểm cùng thời. Tư duy logic là sự phản ánh đặc thù logic của khách quan. Tính độc lập tương đối của tư duy một mặt khiến tư duy có tính tích cực sáng tạo trong quá trình tìm kiếm tri thức mới, nhưng mặt khác cũng là nguồn gốc của sự tách rời tư duy khỏi hiện thực khach quan. Vì vậy, tính đúng đắn của tư duy cần được kiểm tra trong thực tiễn.

Lý luận theo nghĩa rộng là tổng hợp tri thức nói chung của con người thành hệ thống. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có lý luận của nó. Lý luận được đề cập ở đây chủ yếu là lý luận xã hội, lý luận chính trị. Về mặt ngôn ngữ, khái niệm lý luận đối lập với khái niệm thực tiễn. Lý luận là lĩnh vực hoạt động của tư duy sản xuất ra tri thức mới. Thực tiễn là toàn bộ hoạt động của con người tạo ra những điều kiện cần thiết cho cuộc sống. Tư duy lý luận là trình độ cao của tư duy. Tư duy lý luận dựa trên các phương tiện là các khái niệm, phạm trù và quy luật. Nếu tư duy kinh nghiệm hướng vào mô tả, thì tư duy lý luận hướng vào phân tích, tổng hợp, khái quát, tìm ra những mối quan hệ bản chất, bên trong, quy định sự tồn tại, vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Tư duy lý luận không tự giới hạn đối tượng là những sự vật, quá trình đã diễn ra mà quan tâm hơn đến hiện tại và tương lai của chúng, bởi vậy tư duy lý luận xem các điều kiện thực tế như là một tiên đề trong suy luận, phán đoán, kết luận và dự báo khoa học. Đỉnh cao của tư duy lý luận là logic biện chứng dựa trên phép biện chứng duy vật – tức là bản thân quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Tư duy lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng tập trung vào phân tích mâu thuẫn, sự vận động, sự chuyển hóa các mặt đối lập của sự vật, hiện tượng và các quá trình tự nhiên, xã hội.

Tư duy lý luận, tư duy khoa học theo chủ nghĩa duy vật biện chứng không những giúp cho con người hiểu biết sâu sắc đời sống xã hội hiện tại mà còn dự đoán một cách khoa học sự phát triển của xã hội tương lai.

Để tiếp tục đổi mới tư duy cấp thiết cần bồi dưỡng, phát triển năng lực tư duy khoa học, tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược của các cơ quan Đảng Trung ương. Mở đầu chương trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ quan tham mưu chiến lược, rất cần có chuyên đề: Nâng cao năng lực tư duy, tư duy lý luận và phương pháp rèn luyện phát triển năng lực tư duy lý luận.

2. Trong bối cảnh mới của tình hình, trước những thách thức mới rất gay gắt, trước những khó khăn, phức tạp mới của tình hình càng yêu cầu đội ngũ các cán bộ tham mưu chiến lược phải rất coi trọng rèn luyện bản lĩnh, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định thế giới quan, phương pháp luận Mác-xít, thực sự thấu triệt cương lĩnh, đường lối Đại hội XIII, các nghị quyết chỉ thị, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đấu tranh khắc phục những biển hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực sự là tấm gương kiên định, vững vàng trong mọi tình huống diễn biến phức tạp của tình hình, tấm gương về phẩm chất trung thực và kiên quyết chống lợi ích nhóm trong công tác tham mưu.

3. Thực sự rèn luyện, học tập nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bám sát thực tiễn, nhất là ở những điểm nóng, điểm nghẽn, điểm nút của sự nghiệp đổi mới toàn diện và đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, thực tiễn của sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Thực sự có năng lực tổng kết thực tiễn, có phương pháp tiếp cận để xem xét đánh giá những vấn đề mới phát sinh. Điều này dứt khoát đòi hỏi cán bộ và cơ quan tham mưu chiến lược phải thực hiện đầy đủ tư tưởng chỉ đạo: Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật. Nhận thức đúng bản chất của các sự vật, hiện tượng là điều kiện tiên quyết để có tham mưu chiến lược đúng, trúng.

4. Yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan tham mưu chiến lược là phải thực sự đổi mới phương thức công tác. Phải đổi mới với tinh thần: Biện pháp, phương thức nào còn đúng thì tiếp tục phát huy, phương pháp, biện pháp nào đúng mà làm sai thì làm lại cho đúng, phương pháp nào lạc hậu, lỗi thời phải kiên quyết loại bỏ. Cần sáng tạo những phương pháp mới, phù hợp với bối cảnh mới, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

5. Để làm tốt công tác tham mưu chiến lược trong bối cảnh mới, các cơ quan tham mưu nhất là ban lãnh đạo cần thực hiện triệt để quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Thực sự biết lắng nghe tiếng nói của thực tiễn, ý kiến của các cán bộ trong ban, ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhất là các ý kiến phản biện sâu sắc.

6. Xây dựng, kiện toàn bộ máy các cơ quan tham mưu tinh, gọn và mạnh. Hiện đại hóa các phương tiện công tác tham mưu, thực sự đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược gắn chặt với cải cách chế độ tiền lương./.

PGS.TS Đào Duy Quát, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ​

Tag:

File đính kèm