Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, sáng 1/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Đề xuất dành hơn 256.000 tỷ đồng để phát triển văn hóa
Trình bày Tờ trình chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối tượng thụ hưởng của Chương trình là người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân hoạt động trực tiếp trong hoặc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ…
|
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. |
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.
Đồng thời, tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số,…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…
Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035.
Đánh giá kỹ khả năng huy động, bố trí các nguồn lực
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra. |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình; cho rằng, việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Về kinh phí thực hiện Chương trình, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.
Về khả năng huy động nguồn lực để thực hiện, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp rà soát để xác định nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi.
Về cơ chế quản lý, điều hành Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành Chương trình theo nguyên tắc thu hẹp đầu mối quản lý; ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hướng dẫn chung việc thực hiện Chương trình.
"Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa cho địa phương". Nêu rõ điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này; đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống chính trị, sức mạnh của Nhân dân trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình./.