Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Đánh giá toàn diện di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi

19:08 12/12/2024
(ĐCSVN) – Trong cuộc đời của mình, nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi đã có những đóng góp to lớn, đặc sắc cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà trên các lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, lý luận phê bình...

Chiều 12/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, phối hợp với Thành ủy Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn hóa, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024).

Tới dự hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng dự Hội thảo còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.

left center right del
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam – Nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nghệ sĩ tài hoa, với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

"Với tài năng sáng tạo xuất sắc, với lòng yêu nước thiết tha và tư tưởng cách mạng vững vàng, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa, văn nghệ to lớn, phong phú, có sức sống lâu bền. Cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi là tấm gương cao đẹp cho các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau. Đó là tấm gương của một nghệ sĩ xông xáo, lăn lộn trong hiện thực đấu tranh cách mạng, nguyện tận hiến tài năng, tâm huyết của mình, phụng sự Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp vẻ vang của Đảng", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn thông qua hội thảo hôm nay, đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo. Từ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi, có thể rút ra bài học lớn đối với hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đó là: Chỉ khi nào nghệ sĩ gắn bó máu thịt với quê hương, đất nước; sáng tạo dưới ánh sáng của lý tưởng cao đẹp; hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc thì tác phẩm của họ mới thực sự có giá trị cao, có sức lan tỏa sâu rộng và bền vững trong lòng công chúng.

Mục đích cuối cùng của nghệ sĩ chân chính là có được những tác phẩm hay, những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ mong muốn các văn nghệ sĩ sẽ nhận thức và thể hiện rõ điều này để xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

left center right del
Các đại biểu tham dự hội thảo. 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nhấn mạnh: Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian. “Thành công trong các sáng tác của ông nổi rõ ở tính tư tưởng, tính nhân văn, nghệ thuật đặc sắc, bút pháp phóng khoáng mà nhuần nhị. Ở đó hòa quyện lòng yêu nước với lý tưởng tưởng cách mạng, tính dân tộc và tính hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, nhất là văn hóa Pháp, Nga, châu Âu, khát vọng tự do và bản chất nhân hậu, đằm thắm rất Việt Nam. Ở trong nước, các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, văn nghệ, giáo dục, đào tạo. Một số tác phẩm thơ, văn, kịch, nhạc của ông được giảng dạy trong các trường học, từ phổ thông đến đại học, trong các sinh hoạt văn hóa ở làng quê đến phố thị, được nhiều giới, nhiều người yêu thích”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Nguyễn Đình Thi để lại dấu ấn của mình trên nhiều lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Ông có nhiều tìm tòi, đột phá ở thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, góp phần mở ra khuynh hướng sử thi trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông cũng là nhà thơ, nhà biên kịch, người sáng tác âm nhạc có nhiều đổi mới trong tư duy và cách tân nghệ thuật. Các tác phẩm văn xuôi, như “Xung kích”, “Thu Đông năm nay”, “Bên bờ sông Lô”, “Vào lửa”, “Mặt trận trên cao”… thực sự là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác và ý thức công dân của người nghệ sĩ. Đặc biệt, bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ bờ” đã đưa Nguyễn Đình Thi lên vị thế tiên phong của dòng tiểu thuyết sử thi hào hùng và lãng mạn của nền văn học nước ta giai đoạn 1946-1985.

Ở thể loại thơ, những tác phẩm bất hủ của ông như “Đất nước”, “Nhớ”, “Bài thơ Hắc Hải”, “Lá đỏ”... là minh chứng sinh động cho tình yêu thương, gắn bó tha thiết với đất nước, con người Việt Nam “vất vả, đau thương tươi thắm vô ngần”, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”... Về sân khấu, sự xuất hiện bất ngờ của các kịch bản “Con nai đen” (1961), “Hoa và Ngần” (1974), “Giấc mơ” (1977), “Rừng trúc” (1978), “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” (1979), “Người đàn bà hóa đá” (1980), “Tiếng sóng” (1980), “Cái bóng trên tường” (1982), “Trương Chi” (1983), “Hòn cuội” (1986)... trong đó, số phận khá long đong của “Con nai đen”, “Rừng trúc”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Cái bóng trên tường”, “Hòn cuội”... đều toát lên bản lĩnh nghệ thuật, tài năng và sự sáng tạo nghệ thuật, luôn tìm lối mới, cách đi riêng của Nguyễn Đình Thi.

left center right del
Quang cảnh Hội thảo. 

Trong lĩnh vực âm nhạc, dù “dừng chân” không lâu và chỉ có 6 ca khúc trong sự nghiệp sáng tác: “Căm hờn”, “Diệt phát xít”, “Du kích quân” (1945), “Người Hà Nội” (1947), “Con voi” (1948), “Đất nước yêu thương” (1977)) nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn để lại dấu ấn sáng tạo đậm nét, tâm hồn đẹp đẽ, nhân văn của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Ông là một nhạc sỹ lớn, cùng Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Xuân Oanh, Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thương… mở đường, dẫn lối cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Thi trong lĩnh vực âm nhạc là việc khai phá và phát triển hai thể loại quan trọng - hành khúc và trường ca. Các ca khúc của Nguyễn Đình Thi đã trở thành một phần ký ức lịch sử dân tộc, khơi dậy niềm tự hào đối với Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) về văn học nghệ thuật,...

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam; phân tích, làm rõ những yếu tố tạo nên giá trị to lớn, sức sống trường tồn của các tác phẩm âm nhạc của ông. Nhiều ý kiến tâm huyết phân tích, đánh giá về thành công, vai trò, vị trí của các tác phẩm văn xuôi, thơ, giá trị kịch bản sân khấu, làm sâu sắc những đóng góp của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh vực lý luận, phê bình và công tác quản lý văn hóa, văn nghệ. Nhiều ý kiến tâm huyết thảo luận, đánh giá về hành trình tiếp nhận, lan tỏa di sản văn hóa, văn nghệ của ông ở trong và nước ngoài; phân tích, lý giải về sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ lớn lao mà Nguyễn Đình Thi để lại.

Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ khoa học tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp trong việc ghi nhận, tôn vinh những cống hiến lớn lao của Nguyễn Đình Thi nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung; giữ gìn và phát huy giá trị của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước./.

Tag:

File đính kèm