Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần có chiến lược trong biên soạn sách giáo khoa, chiến lược cho giáo dục

16:45 02/08/2023
(ĐCSVN) – Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị Chính phủ cần bàn nhiều về định hướng, chiến lược cho giáo dục. "Từ đông tây kim cổ đến nay, không có một quốc gia nào đi lên mà không xuất phát từ giáo dục. Bây giờ chúng ta xây những con đường cao tốc mà không để ý đến con đường tri thức, trong khi đây mới là con đường nhanh nhất để phát triển bền vững".

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 2/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông 2018.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Còn nhiều bất cập

Tại Hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng hợp báo cáo tình hình Nhân dân về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022 từ Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành.

Báo cáo cho biết, nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ GD-ĐT ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK dùng trong cơ sở GD-ĐT, nhưng thực tế vào đầu năm học, một số trường học đưa danh mục bộ SGK có sự không rõ ràng giữa SGK và các tài liệu tham khảo, sách bài tập dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; tình trạng giá SGK nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của Nhân dân. Báo cáo đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp thống nhất nội dung SGK và tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành SGK.

Về việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang tồn tại việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ SGK giáo dục phổ thông khác nhau. Điều này phát sinh những bất cập: gây lãng phí, tốn kém khi một bộ SGK không được sử dụng nhiều lần; gây thiếu đồng bộ trong việc tiếp cận kiến thức chung.

Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT chưa có cơ chế kiểm soát, quản lý đối với các địa phương trong việc in ấn, phát hành một số loại sách và thiết bị học tập dẫn đến tình trạng một địa phương phát hành độc quyền sách và ấn định việc sử dụng SGK và thiết bị học tập nhất định cho địa phương mình.

Việc biên soạn và thực nghiệm Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là việc triển khai còn nhiều bất cập. Việc lựa chọn nhóm môn học khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ và khó lựa chọn môn học phù hợp, đa số sẽ chọn theo cảm tính và định hướng của gia đình gây nhiều khó khăn cho quá trình học tập sau này.

Cùng một nội dung học, có bộ sách bố trí ở học kỳ I, có bộ sách bố trí học ở học kỳ II gây khó khăn cho những học sinh phải chuyển trường. Việc ghép các môn học Lý, Hóa, Sinh vào một cuốn sách, ghép môn Lịch sử, Địa lý thành một môn học khiến giáo viên phải loay hoay học kiến thức mới.

Chưa hết, đối với chương trình lớp 10 chọn theo phân ban, cả giáo viên và học sinh đều gặp khó khăn vì nếu sau một thời gian học, việc thay đổi phân ban cho các em nếu chọn sai các môn học thì sẽ phải bổ sung chương trình cả 1 năm học để bù lại.

Theo chương trình phân ban mới, việc chọn trường để xét tuyển đại học cũng sẽ gặp khó khăn do việc chia phân ban đôi lúc chưa phù hợp với các ngành nghề tại các trường đại học. Việc gộp các môn lại với nhau để gọi là tích hợp, rõ nhất là 2 môn học Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật gây khó khăn nhiều cho giáo viên giảng dạy và việc tiếp nhận môn học của học sinh.

Quá nhiều băn khoăn, bức xúc về in ấn, phát hành SGK

Về xã hội hóa biên soạn SGK, nhiều ý kiến cho rằng, việc có nhiều đơn vị tham gia biên soạn, phát hành nhiều bộ SGK gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh lựa chọn bộ sách theo yêu cầu của nhà trường, ảnh hưởng đến các học sinh chuyển trường khi các trường giảng dạy theo các bộ sách khác nhau. Giáo viên cũng gặp không ít khó khăn khi phải thay đổi cách dạy cho phù hợp.

leftcenterrightdel
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. 

Về giá SGK và in ấn, phát hành SGK, người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành SGK và giá SGK còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2-3 lần so với giá sách những năm trước, nên ảnh hưởng đến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.

Nhân dân bức xúc trước vụ việc một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT, làm bức xúc trong dư luận.

Về các điều kiện đảm bảo triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, báo cáo nêu rõ, đội ngũ nhà giáo còn thiếu. Việc bố trí, sử dụng giáo viên dạy các môn “tích hợp”, các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhất là môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS năm 2018 gặp khó khăn do giáo viên các môn (Hóa học, Sinh học, Vật lý) chưa được bồi dưỡng để giảng dạy “tích hợp”…

Từ thực tế đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất Quốc hội nghiên cứu và đưa ra chiến lược trong biên soạn SGK, đảm bảo tính bền vững tương đối; không nên thay đổi thường xuyên vì gây lãng phí; đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp cơ cấu, sắp xếp đội ngũ giáo viên một cách hợp lý để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên tại một địa phương, một số cơ sở giáo dục; Chính phủ tổ chức giám sát, kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm trong việc lựa chọn bộ sách giảng dạy, thiết bị học tập ở các địa phương; Bộ GD-ĐT đổi mới thành phần của hội đồng biên soạn chương trình và SGK để đưa những người có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp vào hội đồng (thành viên hội đồng không nhất thiết là giáo sư hay nhà quản lý).

Cả người dạy và người học chưa được quyền lựa chọn SGK

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với SGK giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cả vấn đề dạy và học.

leftcenterrightdel
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị. 

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục, Môi trường (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) kiến nghị, cần biên soạn một bộ SGK chung cho tất cả các môn học. Về phía Bộ GD-ĐT cần có công văn gửi đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đề nghị các Hội khoa học biên soạn các sách tham khảo đúng chương trình phổ thông nhưng phong phú về nội dung để hỗ trợ tốt nhất cho các giáo viên trong nâng cao chất lượng giáo dục.

“Việc bồi dưỡng giáo viên trong 1-2 tháng hè không có tác dụng. Sách đúng chương trình phổ thông, phong phú là cách hỗ trợ tốt nhất cho các giáo viên. Các Hội khoa học có nhiều giáo sư giỏi, không có lý do gì không giúp Bộ GD-ĐT xây dựng các bộ SGK đúng chương trình, phong phú để nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên” - GS Lân Dũng nêu ý kiến.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xã hội hóa SGK là việc làm đúng đắn, nhưng xã hội hóa đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cơ chế thị trường. Hiện nay cả người dạy và người học chưa được quyền lựa chọn SGK, không nên chỉ vì khó khăn trong khâu quản lý và tổ chức dạy học mà không chú ý tới những người trực tiếp sử dụng sách. Những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước về triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông cần có sự nghiên cứu cẩn thận, điều tra xã hội học, có số liệu cụ thể, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần có thêm sự hỗ trợ để đảm bảo SGK cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

"Xã hội hóa SGK không có nghĩa là Nhà nước rút bớt trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục mà cần phải quan tâm đầu tư hơn" - PGS.TS Vũ Trọng Rỹ kiến nghị.

Phải có chính sách tiền lương riêng cho nhà giáo

Đáng lưu ý, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đã chia sẻ nhiều trăn trở liên quan đến việc dạy và học, trong đó có câu chuyện SGK, chính sách tiền lương đối với nhà giáo.

Nhận định đổi mới chương trình, đổi mới SGK là đúng đắn, song theo nguyên Phó Chủ tịch nước, việc triển khai chưa theo kịp chủ trương và còn lúng túng do chưa đánh giá đúng tình hình. Bên cạnh đó, thiếu sự chuẩn bị đồng bộ, thiếu sự chuẩn bị trong thực hiện chủ trương đổi mới, mà đầu tiên là thiếu chuẩn bị tâm lý cho việc đổi mới SGK. “Chúng ta không chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho giáo viên và cán bộ quản lý nên tâm lý chưa thông suốt, cộng với việc đào tạo đội ngũ phục vụ chủ trương này chưa có”, nguyên Phó Chủ tịch nước nhận định.

Về chủ trương xã hội hóa, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị xem lại vai trò của Nhà nước. "Ta thường hiểu đơn giản xã hội hóa là không dùng tiền của Nhà nước để đầu tư, nhưng xã hội hóa không phải chỉ gom tiền của nhà đầu tư để đầu tư vào lĩnh vực nào đó, mà Nhà nước phải có định hướng" – bà Doan.

leftcenterrightdel
 Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Đổi mới, theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, chính là chuyển phương pháp từ truyền kiến thức sang phương pháp tư duy và năng lực, cần có bước đi và sự chuẩn bị kỹ càng. “Các đồng chí nói SGK mới không làm cho học sinh, thầy giáo giảng dạy và học tập rập khuôn máy móc. Vậy bài văn mẫu là cái gì khi đi thi học sinh vẫn phải chép bài văn mẫu. Tôi khẳng định bây giờ vẫn có bài văn mẫu, thực chất trong gia đình tôi thấy con cháu học vẫn có bài văn mẫu” – nguyên Phó Chủ tịch nước nói.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, thi cử quá nặng nề. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chống bệnh thành tích trong thi cử nhưng ở dưới có chống đâu, vì việc này ảnh hưởng đến bình bầu, thi đua", nguyên Phó Chủ tịch nước nói.

Nguyên Phó Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ cần bàn nhiều về định hướng, chiến lược cho giáo dục. "Từ đông tây kim cổ đến nay, không có một quốc gia nào đi lên mà không xuất phát từ giáo dục. Bây giờ chúng ta xây những con đường cao tốc mà không để ý đến con đường tri thức, trong khi đây mới là con đường nhanh nhất để phát triển bền vững", bà Doan nói và đề nghị Quốc hội có chuyên đề bàn sâu về giáo dục.

Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cũng nêu hàng loạt các áp lực đến với nhà giáo trong cùng một lúc như vừa tinh giản biên chế, vừa phải nâng cao năng lực, chuẩn hóa trình độ giáo viên. Bên cạnh đó, câu chuyện tiền lương giáo viên cũng là vấn đề trăn trở.

"Nói thật lương thế này thì ai làm nhà giáo. Giáo viên áp lực quá, vừa tinh giản biên chế, vừa đánh giá lại năng lực, nâng cao năng lực, vừa chịu chính sách tiền lương không phù hợp. Mấy triệu bạc làm sao đủ sống, phải dạy thêm, làm đủ thứ…", nguyên Phó Chủ tịch nước nói, đồng thời đề nghị phải có chính sách tiền lương, thông qua bảng lương riêng cho nhà giáo, bởi cứ như thế này thì nhà giáo không đủ điều kiện để theo nghề…/.

Thu Hà

Tag:

File đính kèm