Ách tắc từ chính sách đến thực thi
Thời gian qua, hệ thống pháp lý cho thị trường BĐS đã có nhiều cải thiện, với các quy định được thiết kế nhằm hướng đến sự minh bạch, lành mạnh và bền vững. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là những thay đổi này cũng khiến doanh nghiệp (DN) phải đối mặt với gánh nặng lớn hơn trong việc điều chỉnh quản trị, cơ cấu dòng tiền và thủ tục đầu tư. Điều này đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn dĩ đã gặp nhiều trở ngại về vốn và khả năng vận hành.
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, các “dự án treo” chính là thách thức lớn nhất đối với cả thị trường và doanh nghiệp. Những dự án này không chỉ làm tê liệt dòng tiền của DN mà còn khiến người mua mất niềm tin vào thị trường.
Một nguyên nhân khác gây sức ép cho thị trường là tình trạng đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh các giao dịch thiếu minh bạch. Điều này không chỉ làm méo mó cung cầu mà còn tạo ra sự bất ổn trong dài hạn. Ông Khôi nhấn mạnh, chính quyền địa phương cần có cơ chế điều tiết thị trường chặt chẽ hơn, từ việc quản lý đấu giá quyền sử dụng đất đến giám sát và xử lý vi phạm của lực lượng môi giới. Khi đó, nhà đầu tư mới yên tâm tham gia, còn người mua nhà có thể đưa ra những quyết định hợp lý và an toàn.
Bên cạnh đó, quy hoạch và giải phóng mặt bằng tiếp tục là những nút thắt quan trọng. Nhiều nhà đầu tư cho rằng thủ tục hành chính rườm rà và kéo dài không chỉ làm tăng chi phí mà còn khiến dự án bị đình trệ, thậm chí “treo” vô thời hạn. Đề xuất của ông Khôi về việc cắt giảm thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ là hợp lý, nhưng để thực hiện được, cần sự quyết tâm và phối hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Điểm nghẽn chính sách và bài toán quỹ đất
Trong bối cảnh giá nhà thương mại tăng vọt, NOXH trở thành một trong những giải pháp khả thi nhất để đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, phát triển NOXH không hề dễ dàng. Những vướng mắc về cơ chế, thủ tục và nguồn vốn đã khiến phân khúc này trở thành bài toán nan giải.
Một minh chứng rõ nét là trường hợp của Công ty Hòa Bình. Dù đã nộp hồ sơ đầy đủ từ cuối năm 2021 để xin chấp thuận đầu tư hai dự án NOXH tại Hà Nội, nhưng đến nay, chỉ một dự án được cấp phép, còn dự án tại 393 Lĩnh Nam vẫn “treo” vô thời hạn. Lý do đưa ra là khu đất này được coi là “đất vàng”, và nếu làm NOXH, thành phố sẽ không thu được tiền sử dụng đất.
Câu chuyện của Công ty Hòa Bình không chỉ phản ánh sự bất cập trong cách quản lý mà còn cho thấy một thực tế đau lòng: lợi ích kinh tế đôi khi được đặt cao hơn mục tiêu xã hội. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Đường, đã thẳng thắn đề nghị Quốc hội quy định chế tài nghiêm ngặt đối với các cán bộ chậm trễ giải quyết hồ sơ. Đề xuất áp dụng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc miễn nhiệm nếu chậm trễ quá hạn có thể là một biện pháp răn đe hiệu quả, thúc đẩy trách nhiệm công vụ.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề NOXH không thể chỉ dừng lại ở khâu thủ tục. Nguồn vốn dành cho NOXH hiện nay chủ yếu dựa trên các gói hỗ trợ ngắn hạn, không ổn định và thiếu tính bền vững. Trong khi đó, việc quy hoạch quỹ đất cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương chưa chủ động dành đất cho NOXH trong quy hoạch đô thị và khu công nghiệp, dẫn đến tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất.
Đẩy mạnh vai trò của “bốn nhà”
Để thúc đẩy phát triển NOXH và tháo gỡ các nút thắt của thị trường BĐS, cần sự chung tay của “bốn nhà”: nhà nước, địa phương, ngân hàng và doanh nghiệp.
Thứ nhất, từ phía Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, đặc biệt là các quy định liên quan đến quy hoạch, quỹ đất và đầu tư. Cùng vớiđó, tăng cường giám sát và minh bạch trong các thủ tục hành chính, đảm bảo không để xảy ra tình trạng kéo dài thời gian xử lý hồ sơ. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ vốn dài hạn cho NOXH, thay vì chỉ tập trung vào các gói hỗ trợ ngắn hạn.
Thứ 2, ở phí các địa phương cần xác định rõ nhu cầu NOXH tại từng khu vực, từ đó chủ động kêu gọi đầu tư. Sau đó, quy hoạch quỹ đất hợp lý, đảm bảo ưu tiên phát triển NOXH tại các khu đô thị và khu công nghiệp.
Thứ 3, từ phía ngân hàng phải tăng cường hỗ trợ vốn cho các dự án NOXH với lãi suất ưu đãi. Tạo điều kiện để người mua nhà tiếp cận vốn dễ dàng hơn, giảm bớt áp lực tài chính.
Thứ tư, về phía doanh nghiệp cần chủ động khảo sát nhu cầu và phối hợp chặt chẽ với địa phương để triển khai dự án.Đặc biệt, đảm bảo chất lượng công trình và dịch vụ sau bán hàng, tạo niềm tin cho người mua.
Thị trường BĐS Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Để tháo gỡ các nút thắt như “dự án treo” hay phát triển NOXH, không chỉ cần những thay đổi về chính sách mà còn phải có sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Giấc mơ sở hữu nhà ở của hàng triệu người dân chỉ có thể trở thành hiện thực khi thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả, và các bên đều cam kết vì lợi ích chung. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng chính quyền hay doanh nghiệp, mà là nhiệm vụ của cả xã hội. Nếu không hành động kịp thời, những thách thức hiện tại sẽ trở thành rào cản lâu dài, làm suy giảm sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam.