|
|
Để Nghị định 73 đi vào cuộc sống, điều quan trọng là phải chuyển hóa Nghị định thành các điều, khoản cụ thể trong quy chế làm việc và quy trình công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu. (Ảnh : Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII) |
Cách đây 2 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chủ trương này được ví như “luồng gió mới” tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn có tính cấp bách. Đây cũng là bước đi cụ thể hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”: Dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cùng với đó, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng luật bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NÐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Việc ban hành Nghị định 73 là bước cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tuy nhiên, so với Kết luận 14, Nghị định 73 có phạm vi hẹp hơn. Kết luận 14 quy định bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung còn Nghị định 73 chỉ đặt vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Ngay sau khi Nghị định 73 được ban hành, các tầng lớp Nhân dân, cán bộ đảng viên bày tỏ sự tin tưởng chủ trương của Ðảng được thể chế hóa từ chủ trương trở thành quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, sẽ tạo ra sự thay đổi về chất đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý nói riêng và nguồn nhân lực của đất nước nói chung.
Có thể nói, Nghị định 73 được ban hành trong bối cảnh, Đảng và Nhà nước ta đã vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Theo đó, rất nhiều cán bộ từ Trung ương đến địa phương đã "tra tay vào còng", trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đang đương chức hoặc đã "hạ cánh".
Tuy nhiên, khi công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở giai đoạn cao trào thì nhiều nơi, nhiều cấp, ngành, nhiều địa phương lộ ra tình trạng một bộ phận cán bộ sợ sai, không dám quyết, không dám làm, đẩy "quả bóng" trách nhiệm sang cho người khác hoặc bộ phận, cơ quan, đơn vị khác. Thậm chí có một bộ phận cán bộ có tư tưởng “3 không”, đó là: Không nói; không tham mưu, đề xuất và không triển khai hoặc triển khai công việc cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng. Điều này dẫn đến sự trì trệ trong quản lý, điều hành, cán bộ làm việc cầm chừng, không dám đổi mới, sáng tạo… làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực trạng này ngoài nguyên nhân chủ quan do năng lực, phẩm chất của cán bộ, còn một phần nguyên nhân quan trọng là do thiếu cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.
Vì vậy, nhiều người kỳ vọng vào những nội dung trong Nghị định sẽ góp phần giải phóng sức sáng tạo của nhiều cán bộ có tâm, có tài nhưng chưa mạnh dạn đóng góp sức mình trong xây dựng phát triển của địa phương, đơn vị. Mặt khác, tinh thần của Nghị định sẽ khắc phục tình trạng ích kỷ cá nhân, cơ hội, lợi ích nhóm, đùn đẩy trách nhiệm; không dám nghĩ, không dám làm, không dám sáng tạo, đổi mới và không dám chịu trách nhiệm khi gặp sai lầm, khuyết điểm… Thậm chí có người nhận định rằng: Nghị định 73 là cẩm nang, khiên sắt, bức tường vững chắc bảo vệ cán bộ, đảng viên khi họ làm những việc có lợi cho dân, cho nước với tinh thần trách nhiệm, khách quan, công tâm, nêu gương.
Trên thực tế, để có đổi mới, thì phải khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo; mà năng động thì phải “đi nhanh”, làm trước; sáng tạo thì phải làm khác, làm mới... Tuy nhiên, năng động, sáng tạo thường đi liền với một tỷ lệ rủi ro nào đó. Do đó, Nghị định 73 quy định rất rõ về nội dung với 3 mức gồm: Khoản 1 Điều 11 quy định nếu cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 thì không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan (hình sự, dân sự, trách nhiệm bồi thường…); Khoản 2 Điều 11 quy định được loại trừ trách nhiệm đó, nghĩa là có trách nhiệm nhưng được loại trừ; Khoản 3 Điều 11 quy định được xem xét miễn hoặc giảm.
Nhiều người cho rằng, những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm như quy định như trên sẽ góp phần gỡ bỏ trong lòng nhiều cán bộ nỗi ám ảnh về việc có thể bị xử lý trách nhiệm rất nặng nếu chẳng may vô tình mắc phải một sai sót nào đó trong quản lý, điều hành. Từ đây, sức sáng tạo, tinh thần năng động trong bộ máy sẽ không chỉ bó hẹp trong một vài người mà nó sẽ lan tỏa rộng rãi trong xã hội, biến tinh thần năng động, sáng tạo trở thành động lực phát triển.
Có thể khẳng định rằng, Kết luận 14, Nghị định 73 đã khẳng định quan điểm bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là điều được rất nhiều người mong đợi. Tuy nhiên, trong thực tế, tại một cơ quan, một số cán bộ cũng có tinh thần trách nhiệm cao, có sức làm việc rất mạnh mẽ, quyết liệt nhưng chưa chắc được bảo vệ đến nơi đến chốn. Điều này tùy thuộc vào vai trò của người đứng đầu, hoặc tập thể đó đoàn kết, biết bảo vệ cái đúng, dám đấu tranh với sai trái, bảo vệ cán bộ của mình.
Do đó, để nghị định đi vào cuộc sống để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thay vì cứ hô hào, nói chung chung, điều quan trọng là phải chuyển hóa Nghị định 73 thành các điều, khoản cụ thể trong quy chế làm việc và quy trình công tác ở mỗi cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện được như thế mới tránh tình trạng lúng túng hoặc tùy tiện, lạm dụng, lợi dụng các quy định để làm những việc không đúng, thậm chí có hại cho Đảng, cho đất nước và cho chính cán bộ…/.