Chủ động, tiếp tục đổi mới, sáng tạo trên lĩnh vực công tác Tuyên giáo
6 tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức mới gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo; đại dịch COVID-19 kéo dài để lại hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, lạm phát tăng cao, kinh tế phục hồi chậm; các thách thức đối với an ninh truyền thống, phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, động đất gây hậu quả nghiêm trọng; tình hình Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến mới rất phức tạp.
Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại; những yếu kém, tồn đọng kéo dài đang tích cực xử lý; các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gần đây nhất là vụ việc 02 nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở UBND 02 xã Ea Tiêu, Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk…
Trong bối cảnh đó, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp, toàn ngành Tuyên giáo đã triển khai, hoàn thành một khối lượng lớn công việc nổi bật so với cùng kỳ của năm trước.
Trong những kết quả quan trọng này, nổi bật là toàn Ngành Tuyên giáo đã và đang tích cực xây dựng 26 đề án (bao gồm các đề án sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương và các đề án tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các quy định mới). Trong đó, có 05 Đề án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua và ban hành văn bản mới, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết, thực tiễn đòi hỏi.
Ngoài ra, có rất nhiều đề án, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp ủy, Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã và đang tham mưu để tiến hành sơ kết, tổng kết.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo lớn
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành các Quy định, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức 02 Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các quy định: 85-QĐ/TW, 99-QĐ/TW, 100-QĐ/TW, 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII và xây dựng Kế hoạch Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) khu vực phía Bắc và phía Nam tại Thanh Hóa và Bình Dương.
Các quy định trên là cơ sở chính trị, pháp lý của Đảng để triển khai các lĩnh vực công tác tuyên giáo và nhà nước thể chế hóa, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tổ chức thực hiện bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông. Với số lượng đại biểu tham dự Hội nghị đông, đủ và thành công tốt đẹp. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động, tích cực hoàn thiện các hướng dẫn để tổ chức thực hiện cụ thể các quy định trên.
Cùng với công tác cụ thể hoá, hướng dẫn tổ chức thực hiện kể trên, đáng chú là ngành Tuyên giáo đã tham mưu, tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội nghị được tổ chức tại 4.487 điểm cầu, với hơn 20.000 đại biểu tham dự và thành công tốt đẹp, được các tỉnh, thành ủy ghi nhận, đánh giá có nhiều đổi mới.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, ngành Tuyên giáo đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Hội thảo được tổ chức đúng Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng quy định về chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới trình Bộ Chính trị.
Kịp thời chỉ đạo nắm dư luận xã hội, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Bên cạnh các hội nghị, hội thảo lớn đã kể, sáu tháng đầu năm rất nhiều sự kiện nổi bật cũng diễn ra như: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, tạo ra sức lan tỏa lớn, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII; Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp, ngành Tuyên giáo đã chủ động, kịp thời chỉ đạo, định hướng tuyên truyền rộng rãi tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII và kết quả Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Trước các sự kiện lớn đó, ngành Tuyên giáo đã kịp thời chỉ đạo nắm dư luận xã hội, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; biên soạn tài liệu để cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền, thông tin đối ngoại về những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, phát sinh...
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được triển khai mạnh mẽ, có sự kết hợp hài hòa hơn giữa “xây” và “chống”. Toàn ngành Tuyên giáo đã tham mưu triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hiện, Ban Tuyên giáo Trung ương đang tích cực tham mưu Ban Bí thư xây dựng Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và đang tích cực triển khai Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”.
Trong quá trình nỗ lực, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao, các lĩnh vực công tác tuyên giáo cả nước tiếp tục được đổi mới. Đặc biệt, đã chủ động, kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác lý luận chính trị đúng tiến độ, kế hoạch, bảo đảm nội dung, chất lượng, hiệu quả, theo hướng tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn lý luận với thực tiễn.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã tham mưu triển khai Quy định số 85-QĐ/TW của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet và mạng xã hội; theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo, xử lý các vụ việc nhạy cảm, phức tạp ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Toàn ngành cũng tập trung xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam; tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới giáo dục, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo.
… và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm cũng còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó đáng kể như: Công tác dự báo, phát hiện các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, những vấn đề mới phát sinh có tác động đến công tác tuyên giáo; tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chưa kịp thời, bộc lộ sự lúng túng. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện nghị quyết, kết luận còn chậm, định hướng, giải quyết lĩnh vực khoa giáo ở một số địa phương chất lượng, hiệu quả chưa cao, còn chồng chéo về nhiệm vụ với một số cơ quan chính quyền. Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tuyên giáo còn chậm, chưa đồng bộ.
Theo đánh giá của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương ương, những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, khó dự báo, xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường quyết liệt các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.
Trong bối cảnh đó, tính chủ động, nhạy bén trong nắm tình hình, nhất là những vấn đề phức tạp, đột xuất, phát sinh chưa kịp thời, còn lúng túng; sự phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ở một số nơi chưa thường xuyên, đồng bộ, liên thông, kịp thời. Cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi địa bàn chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị được phân công.
|
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới. (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo). |
Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch và dự báo tình tình, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, trong sáu tháng cuối năm, toàn ngành Tuyên giáo cả nước đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đầu tiên là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiến độ xây dựng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp.
Chuẩn bị tốt các đề án sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, văn kiện của Đảng. Chủ động tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng thiết thực, hiệu quả. Thời gian tới tập trung tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII bài bản, khoa học, kịp thời, sâu rộng, chất lượng, hiệu quả.
Tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các hoạt động của công tác tuyên giáo.
Đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động, kịp thời ngăn chặn, kiên quyết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; quản lý, theo dõi, xử lý các đối tượng vi phạm, nhất là trên Internet, mạng xã hội.
Trên lĩnh vực tuyên truyền, thông tin đối ngoại, định hướng dư luận xã hội: Tổ chức triển khai Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để chủ động dự báo, kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội. Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18/8/2011 của Ban Bí thư khóa XI về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
Về lĩnh vực báo chí, xuất bản: Chủ động định hướng các cơ quan báo chí tăng cường thông tin tích cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.
Trên lĩnh vực hóa - văn nghệ: Tập trung triển khai thực hiện nội dung, tiêu chí hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Xuất bản Cuốn sách của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa Việt Nam.
Về lĩnh vực khoa giáo: Chuẩn bị tốt 04 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo. Trong đó, hoàn thiện Hướng dẫn sắp xếp về tổ chức, bộ máy Ban Tuyên giáo cấp tỉnh. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, trước mắt tập huấn cho cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương theo dõi địa bàn tỉnh, thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương để nâng cao năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…./.