(Dangbodanang.vn) - Sáng ngày 08/12/2023, tại Hội trường Thành ủy Đà Nẵng, Hội nghị lần thứ 14 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXII khai mạc. Các đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị thành phố Đà Nẵng; Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố; Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị (phần mở rộng) nghe đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy báo cáo tóm tắt tình hình công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Thành ủy; nghe đồng chí Lê Thị Mỹ Hạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy báo cáo tóm tắt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; nghe đồng chí Hồ Kỳ Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thảo luận, đánh giá kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
14h00 cùng ngày, Hội nghị (nội bộ) nghe và cho ý kiến các nội dung quan trọng theo chương trình công tác về một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030, Chương trình và nội dung liên quan Kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố lần thứ 15, nhiệm kỳ 2021-2026…
1. Tình hình công tác năm 2023
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, tập trung thực hiện quyết liệt Nghị quyết, Chương trình công tác và Chủ đề năm 2023 “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng; bảo đảm tiến độ, chất lượng sơ kết giữa nhiệm kỳ, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên được triển khai khá quyết liệt và có chuyển biến tích cực vào những tháng cuối năm. Thành ủy đề ra một số chủ trương, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương và khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Thành phố đã chủ động báo cáo, làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương để đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu đang được khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhờ đó, một số ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu tăng trưởng khá, nhất là hoạt động dịch vụ, du lịch, xuất khẩu phần mềm. Các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo; đến cuối năm 2023, có 30/38 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, 19/27 dự án khởi công mới theo cam kết, phấn đấu đến ngày 31/01/2024, giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 2,58% so cùng kỳ năm 2022; quy mô nền kinh tế thành phố năm 2023 (giá hiện hành) ước đạt hơn 134.000 tỷ đồng, quy mô tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng so với năm 2022.
Hoạt động đối ngoại được quan tâm, chú trọng, thành phố tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Đà Nẵng. Lũy kế đến nay, thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 48 địa phương của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với 104 thỏa thuận đã được ký kết. Các chương trình, hoạt động hợp tác cụ thể được duy trì và triển khai có hiệu quả, thường xuyên trao đổi thông tin để xúc tiến các chương trình hợp tác mới. Công tác chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả quan trọng; năm thứ tư liên tiếp nhận Giải thưởng cơ quan nhà nước Chuyển đổi số xuất sắc và Giải thưởng Thành phố thông minh; năm thứ 13 liên tiếp đứng đầu về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Các chương trình an sinh xã hội được duy trì thực hiện với nhiều chính sách mang đậm tính nhân văn được dư luận đồng thuận, đánh giá cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, không xảy ra vụ việc phức tạp, nổi cộm; công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn giao thông được tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tham mưu, cụ thể hóa triển khai một số nghị quyết, văn bản, kết luận của Trung ương, Thành ủy, nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023 của một số đơn vị có lúc chưa bảo đảm chất lương, nội dung, tiến độ đề ra. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng chuyển biến chưa đều ở các cấp; việc nắm bắt tình hình ở cơ sở có lúc, có nơi còn chưa tốt. Việc thực hiện Chủ đề năm 2023, nhất là việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực tuy có nhiều cố gắng nhưng do nhiều nội dung vượt thẩm quyền nên kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Kinh tế thành phố tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng chưa đồng đều, tăng trưởng không ổn định và gặp khó khăn, thách thức, GRDP ước chỉ tăng 2,58%; một số ngành kinh tế có xu hướng giảm. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) ước giảm 14,6%; tiến độ triển khai kêu gọi đầu tư thực hiện dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp còn chậm; một số doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 26% so với năm 2022. Tiến độ lập quy hoạch phân khu, một số công trình, dự án trọng điểm còn chậm. Tiến độ công tác bồi thường, giải tỏa, bàn giao mặt bằng để triển khai dự án còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Một số dự án chậm triển khai, chậm bàn giao, dự án treo ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác quản lý trật tự đô thị còn một số bất cập; hạ tầng đô thị, thoát nước thiếu đồng bộ; chưa có giải pháp hiệu quả xử lý tình trạng ngập úng đô thị khi xảy ra mưa lớn kép dài trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, nhất là an ninh mạng, công tác phòng cháy, chữa cháy, các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, tội phạm ma túy, cho vay nặng lãi, tội phạm công nghệ cao.
2. Báo cáo tóm tắt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ; hoàn thành Chương trình kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2023 với 04 đoàn kiểm tra và 05 đoàn giám sát. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, báo cáo một số nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy để xảy ra sai phạm của nhiều đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước và trong việc xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đảng đối với đảng viên không đúng mức với hành vi vi phạm. Chỉ đạo kiểm tra tập trung, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực. Quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra các cấp cũng như chú trọng hơn công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ kiểm tra theo tinh thần Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trong năm 2023, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 636 tổ chức đảng và 4.960 đảng viên (giảm 15% tổ chức đảng và 9% đảng viên so với năm 2022), có 588 đảng viên là cấp ủy viên các cấp; giám sát 409 tổ chức đảng và 721 đảng viên (giảm 18% tổ chức đảng, 16% đảng viên so với năm 2022).
3. Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, đi vào chiều sâu, theo đó, tập trung nâng cao chất lượng và kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, đặc biệt đã sớm ban hành một số định hướng, chủ trương, đề án lớn như: Đề án số 03-ĐA/TU ngày 16/8/2022 về “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và chất lượng đội ngũ đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 08/01/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác quản lý đảng viên và nâng cao chất lượng đảng viên trong tình hình mới; Kế hoạch số 45-KH/TU ngày 28/01/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"…
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được coi trọng thông qua đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, quán triệt, học tập và nâng cao chất lượng công tác tổng kết thực tiễn; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các tác phẩm, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc được thực hiện quyết liệt, nhiều vụ án dư luận quan tâm đã được xét xử kịp thời. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý 11 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, dư luận quan tâm.
Giai đoạn 2019-2023 là giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thế giới nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Thành ủy đã bám sát và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, vận dụng linh hoạt và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với đặc điểm của thành phố với mục tiêu “bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”; kịp thời chỉ đạo việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa có biện pháp “chung sống” an toàn với dịch, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020-2022. Ngay sau khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, Thành ủy đã tập trung thực hiện các giải pháp theo chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” và năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”; tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình khôi phục tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố, qua đó không chỉ định vị Đà Nẵng là điểm đến của các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong việc khôi phục các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Đến cuối năm 2022, một số ngành, lĩnh vực kinh tế thành phố cơ bản được khôi phục như tại thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW, tăng trưởng kinh tế có sự khởi sắc và bứt phá, đạt 13,2% vào cuối năm 2022 trước khi chậm lại trong năm 2023 theo đà suy giảm chung của cả nước và thế giới. Giai đoạn 2019-2023, GRDP thành phố ước tăng bình quân 3,48%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2023 ước tăng bình quân 6,33%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Đây là mức tăng khá trong bối cảnh thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức chưa được tháo gỡ, xử lý triệt để.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực; duy trì thực hiện có hiệu quả Chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được bảo đảm. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được duy trì; hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố năm học 2023-2024 (công lập và ngoài công lập).. Quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; đã xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh cho 07 trung tâm y tế quận, huyện và 56 trạm y tế phường, xã; tích cực triển khai, áp dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế mới, kỹ thuật y tế chuyên sâu góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2022 đạt 97,5%, cao hơn 10,2% so với tỷ lệ chung của cả nước. Chương trình “Không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2022-2025, giúp 3.124 hộ thoát nghèo; đặc biệt, thành phố đã tập trung hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2020-2022 khoảng 1.200 tỷ đồng.
Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển; tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ thành phố, quận, huyện; giao quân hằng năm đạt 100% số lượng, bảo đảm chất lượng. Đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động chống phá chính trị của các thế lực thù địch; tăng cường quản lý địa bàn, quản lý cư trú, nhất là người nước ngoài. Chú trọng và phát huy hoạt động hiệu quả của các lực lượng tuần tra đêm, trấn áp tội phạm (lực lượng 911, 8394), góp phần răn đe các đối tượng, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự từ sớm, từ xa, từ cơ sở; nhiều mô hình hay được triển khai có hiệu quả tại khu dân cư; số vụ phạm tội về trật tự an toàn xã hội liên tục được kéo giảm.
Tiến độ một số dự án lớn, trọng điểm theo Nghị quyết số 43-NQ/TW như Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1), Dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 14B (giai đoạn 2), phối hợp với tỉnh Quảng Nam triển khai khơi thông sông Cổ Cò… đang được triển khai đúng tiến độ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW trong 5 năm qua vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục:
- Việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị có lúc chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Việc thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là nhóm các chỉ tiêu về phát triển kinh tế.
- Việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị phát sinh một số khó khăn cần được tháo gỡ. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số tuy có chuyển biến nhưng chưa đi vào thực chất; một số chỉ số quan trọng về đánh giá môi trường kinh doanh như Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) có sự giảm sút. Khát vọng cống hiến, động lực làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao.
- Quy mô kinh tế không có sự bứt phá, chất lượng tăng trưởng có tăng nhưng chưa đáng kể. Vị trí, lợi thế của thành phố Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại so với một số địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Cơ cấu kinh tế thành phố bộc lộ những điểm chưa phù hợp; khu vực dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng tương đối lớn (hơn 65%); tăng trưởng của ngành công nghiệp còn thấp dẫn đến việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra chưa đạt như yêu cầu; tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách trong hầu hết thời gian thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW.
- Việc giải quyết, khắc phục các các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện kết luận thanh tra, điều tra, bản án đến nay, kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được như mong muốn; nhiều dự án phải tạm dừng, gây lãng phí, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, tâm lý nhà đầu tư.
4. Thảo luận, đánh giá kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024
Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng hợp góp ý dự thảo Báo cáo tình hình công tác năm 2023, nhiệm vụ năm 2024 và tổng hợp các tham luận tại Hội nghị; nghe các địa phương, đơn vị báo cáo tham luận làm rõ hơn kết quả đã đạt được từ đầu năm đến nay cũng như những đề xuất, kiến nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
Hội nghị nghe ý kiến phát biểu của đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, công tác bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn trong năm 2023, những nhiệm vụ cần triển khai thực hiện quyết liệt trong năm 2024…
5. Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị thành phố phát biểu kết luận Hội nghị
Năm 2024 là năm phải tăng tốc thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, dự báo tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, cùng nhiều khó khăn, thách thức trong nội tại sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội của cả nước nói chung và thành phố nói riêng.
Từ tình hình thực tiễn nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã đề xuất và được Hội nghị thống nhất cao chọn Chủ đề năm 2024 là Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đây là chủ đề thể hiện quyết tâm chính trị cao nhưng thách thức là rất lớn.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết năm 2024, nhất là Chủ đề năm, đồng chí Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung rà soát và hoàn thành Chương trình làm việc của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, của cấp ủy cấp mình và 03 nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, địa phương, đơn vị trong năm 2023, nhất là đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu về thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán 2024. Đồng thời, khẩn trương ban hành Chương trình, kế hoạch công tác năm 2024 sát với thực tiễn của các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Thứ hai, về công tác xây dựng Đảng, chính quyền
- Tập trung triển khai công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra.
- Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27/10/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch thực hiện của các cấp ủy, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Chuyên đề năm 2024 của Chỉ thị 05-CT/TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thành phố Đà Nẵng gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” theo đúng kế hoạch đề ra tại Hội nghị quán triệt ngày 06/12/2023.
- Tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030 và chức danh lãnh đạo chủ chốt thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026, 2026 - 2031. Tiếp tục rà soát việc thực hiện Kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ giữa các ngành và quận, huyện. Hoàn thành chỉ tiêu và bảo đảm chất lượng công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên theo Kết luận số 366-KL/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ, kịp thời khen thưởng các tổ chức đảng vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên năm 2023.
- Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức thực hiện có kết quả Chương trình kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2024 và Chương trình, Kế hoạch công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực thi công vụ vì mục đích tư lợi, tham nhũng.
- Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030: Đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy chuẩn bị Phương án cán bộ sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận của nhân dân và chủ động xây dựng phương án sắp xếp trụ sở làm việc. Cụ thể hóa Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố và hoàn thiện Đề án Kiện toàn tổ chức, hoạt động tổ dân phố, thôn.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương tập trung sơ kết 05 năm Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) trong tháng 12/2023 và quý I/2024 theo đúng yêu cầu Kế hoạch số 209 ngày 04/12/2023 của Ban Kinh tế Trung ương; trên cơ sở đó, báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị cho chủ trương về việc xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Thứ tư, Hội nghị thống nhất thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GRDP thành phố năm 2024 là 8-8,5%. Đề nghị Ban cán sự đảng UBND thành phố tập trung rà soát, triển khai kế hoạch phục hồi các ngành kinh tế có đóng góp lớn và là mũi nhọn, thế mạnh của thành phố nhưng sụt giảm trong năm 2023 để có giải pháp phục hồi tăng trưởng trong năm 2024. Khẩn trương triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền khi Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án được cấp có thẩm quyền thông qua. Tiếp tục chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực, kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ năm, tiếp tục triển khai nghiêm túc chủ trương phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung một số nội dung sau:
- Từ nay đến Tết Nguyên đán cần tập trung chăm lo đời sống nhân dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế mới, động lực mới để bứt phá thực hiện Nghị quyết của Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
- Chủ động rà soát, bám sát các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đề xuất dự án phù hợp nhằm tranh thủ nguồn lực triển khai. Xây dựng Đề án phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Hoàn thành quy hoạch tu bổ di tích và xúc tiến kêu gọi đầu tư Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, Di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; hoàn thành cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng, Nghĩa trủng Hòa Vang, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ở Phong Lệ, Công viên 29 tháng 3, Quảng trường trung tâm; khẩn trương triển khai dự án Dòng sông ánh sáng theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy và sớm đề xuất chủ trương xây dựng Tượng Bác Hồ đọc sách tại Thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng, phấn đấu hoàn thành công trình này trong năm 2024.
- Tập trung tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, như: Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2024, Lễ hội du lịch Golf Đà Nẵng, Liên hoan Phim Châu Á…
- Tập trung giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp còn 3,2% vào cuối năm 2024; tỉ lệ có việc làm tăng thêm 4,5-5%. Tiếp tục nâng cao chất lượng Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”. Tiếp tục xây mới, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở y tế gắn với phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; bảo đảm kịp thời thuốc và vật tư y tế.
Thứ sáu, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội để làm cơ sở thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy về quốc phòng - an ninh. Tăng cường nắm bắt, dự báo sát đúng tình hình và có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để phát sinh điểm nóng, các hoạt động khủng bố, biểu tình, gây rối, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục triển khai các chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là tội phạm giết người, cướp tài sản, tội phạm ma túy, công nghệ cao và ngăn chặn tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đầu tư hệ thống giám sát, điều khiển giao thông thông minh gắn với triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông; rà soát, kiểm tra về công tác phòng cháy, chữa cháy ở các chung cư, khu nhà trọ tập trung nhiều người sinh sống.
6. Từ 14h00, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng họp phiên nội bộ để cho ý kiến về một số nội dung công tác trọng tâm, bao gồm: Báo cáo một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030; nghe báo cáo Chương trình và một số tài liệu liên quan Kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố lần thứ 15, nhiệm kỳ 2021 - 2026; nghe báo cáo rà soát, điều chỉnh, bổ sung các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2025; chương trình làm việc của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy năm 2024; Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024 của Ban Thường vụ Thành ủy và một sốnội dung khác theo thẩm quyền...
Trên đây là Thông cáo báo chí Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.