|
Vùng trắng thôn La Châu ngày nào, giờ là một miền quê yên bình, cuộc sống luôn hiện hữu sự ấm no, hạnh phúc. |
Sống trong lòng địch
Cảm nhận sức sống hiện tại, khó ai nghĩ vùng đất thôn 14, xã Hòa Bình năm xưa (nay là thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) cũng chìm trong khói lửa chiến tranh, những tưởng người dân trong thôn sẽ bỏ làng, bỏ xứ ra đi. Nhưng không, họ vẫn một lòng chung thủy với quê hương, trụ bám để làm những cơ sở cách mạng kiên trung và không ít người đã ngã xuống trên mảnh đất đã sinh ra mình. Thời ấy, dân làng chỉ hơn 70 hộ luôn bị địch đóng ở quận lỵ Hiếu Đức sách nhiễu, vì vậy họ phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm, quản thúc. Ở tù thì bị đánh đập, tra tấn đã đành, còn quản thúc cũng có nỗi khổ riêng. Mỗi khi chiều xuống, những người mẹ, người vợ phải bồng bế con nhỏ lặn lội đến các đồn bót quận lỵ trình diện để chịu sự giám sát của các “quan thầy”. Sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy nguỵ quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà chỉ gieo rắc thêm nỗi căm hờn. Đêm bị quản thúc, sáng ra về họ vẫn cần mẫn với công việc ra đồng mưu sinh, trồng thêm rẫy sắn, rẫy khoai ủng hộ lương thực cho các cơ sở cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, những người con của mẹ Phạm Thị Khuê cứ nối tiếp nhau ra đi. Hòa bình lập lại, những người con của mẹ là Thái Bá Giác, Thái Bá Đắc, Thái Bá Niên, Thái Thị Vân vẫn biền biệt không về; vợ chồng ông Nguyễn Nhuận, trong 3 năm 1965-1967 cũng có 6 người con là Nguyễn Phấn, Nguyễn Nha, Nguyễn Thị Kha, Nguyễn Thị Ẩn, Nguyễn Khả, Nguyễn Gia lần lượt hy sinh…
|
Người dân thôn Cẩm Toại Tây đã biến những vùng đất loang lỗ đạn bom thành các cánh đồng lúa năng suất cao. |
Vùng trắng ven sông
Còn ở thôn La Châu, xã Hòa Lương trước đây (nay thuộc xã Hòa Khương) là một vùng trắng nằm phía tả ngạn sông Yên, người dân không chịu tập trung vào khu dồn, kiên quyết sống rải rác dọc sông làm cơ sở cho cách mạng về nắm tình hình, bám địch. Chính vì vậy mà bao lần bọn giặc đánh úp vào các căn cứ cách mạng đều thất bại. Sau khi phát hiện người dân thiết lập nhiều bến đò vừa đánh bắt tôm, cá mưu sinh, vừa đưa đón cán bộ, bộ đội vượt sông; giặc Mỹ điên cuồng dùng các phương tiện hiện đại và bộ binh tăng cường càn quét cũng như bắn phá các điểm nghi cơ sở cách mạng về trú ẩn, đóng quân… Bà Phùng Thị Trung (79 tuổi) nhớ lại, sông Yên không dài, không rộng nhưng lại ghi nhận nhiều chiến công oai hùng của một thời cha ông đánh giặc giữ nước, thế hệ của bà lớn lên đúng vào giai đoạn lịch sử ấy. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông hoặc thoát ly, hoặc ở lại cũng đều tham gia hoạt động cách mạng. Bây giờ, được sống trên mảnh đất từng thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ, hơn ai hết, mỗi người dân trong thôn đều cảm nhận được điều thiêng liêng luôn hiện hữu trên từng tấc đất ở quê mình.
Quả thật, mỗi câu chuyện, mỗi con người trong suốt dặm dài lịch sử đã kết tinh những nghĩa tình son sắt, góp phần tạo nên cội nguồn sức mạnh trong công cuộc giải phóng quê hương. Đất nước thống nhất, 2 thôn Cẩm Toại Tây, La Châu được Đảng và Nhà nước ghi công 76 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 295 liệt sĩ, 41 thương binh. Cùng với đó, những chiến tích vang vọng khí thế hào hùng của một thời đánh giặc giữ nước, như trận tiến công tiêu diệt 1 Đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ chốt giữ trong công sự kiên cố ở cứ điểm Gò Hà (xã Hòa Khương) năm 1965; trận bắt sống cố vấn Mỹ đầu tiên trên cả nước ở Nam Thành (xã Hòa Phong) năm 1965; trận đánh Mỹ Tết Mậu Thân năm 1968 tại thôn Phước Thái (xã Hòa Nhơn)… càng khẳng định thêm rằng, chiến công, thành tích cho dù bé nhỏ nhưng hòa trong dòng chảy lịch sử đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Hòa Vang kiên trung.
49 năm qua, khí thế nổi dậy của quân và dân Hòa Vang trong công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước vẫn còn vang vọng mãi. “Ý Đảng, lòng dân” đã tạo nên một một dấu son hùng tráng vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bài học “sức dân” và “lòng dân” vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hôm nay và ngày càng ngời sáng một chân lý mà Bác Hồ kính yêu đã đúc kết: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Hiền Dương