(Dangbodanang.vn) - Với chủ đề “Đoàn kết - Gắn kết - Yêu thương”, những ngày này, các địa phương ở vùng nông thôn Hòa Vang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2024). Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hằng năm, huyện Hòa Vang có từ 85 - 90% số hộ được công nhận là “Gia đình văn hóa”…
|
Các thế hệ gia đình bà Nguyễn Thị Hiên (thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến) gắn kết, giữ gìn nghề đan lát truyền thống của quê hương. |
Cụ Nguyễn Viết Công (90 tuổi, thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến) trải lòng, theo quan niệm truyền thống, xây dựng gia đình văn hóa phải dựa trên nền tảng đạo đức bao gồm đạo hiếu, đạo nghĩa như đạo mẫu tử, cha con, chồng vợ, anh, em; cách cư xử với ông bà, cha mẹ, với xóm làng. Để gia đình trên thuận dưới hòa, các thành viên cần tôn trọng nhau, biết nhường nhịn và giữ hòa khí, cùng nhau hoàn thành công việc, không vi phạm pháp luật và trở thành người có ích cho xã hội. Gia đình hạnh phúc luôn là cội nguồn của mọi thành công, là điểm xuất phát và nơi nương tựa để mỗi người vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống… Còn ở thôn Phú Sơn (xã Hòa Khương), vợ chồng ông Trần Đạt (82 tuổi) có 6 người con và 12 cháu nội, ngoại. Gia đình ông là một trong những điển hình của phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Nhờ hòa thuận, đồng cảm và sẻ chia giữa các thành viên nên không khí gia đình ông luôn vui vẻ, đầy ắp tiếng cười. Ông Đạt chia sẻ: “Tính văn hóa trong mỗi gia đình là vấn đề gia phong đạo đức, là bản lề để các thành viên trưởng thành và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội. Tình cảm gia đình vốn tự nhiên mà có nên ông thường căn dặn các con, vợ chồng phải biết lắng nghe, hỗ trợ khi cần thiết, nhất là cha mẹ cần gương mẫu để cho các con học tập, noi theo. Các thành viên trong gia đình cần phải quan tâm, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc”.
Có thể nói, Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng đến lợi ích của từng gia đình gắn với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội. Sự quyết tâm, đồng thuận ấy đã giúp phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang ngày càng gặt hái thêm nhiều thành quả… “Hưởng ứng Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024, địa phương tiếp tục gợi mở mỗi gia đình cần tự ý thức vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội để xây dựng một gia đình mẫu mực, hạnh phúc; đồng thời giáo dục các thành viên trong gia đình về tình yêu đất nước, đức hy sinh, lòng vị tha và nhân ái, có lối sống lành mạnh, ứng xử văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Trong đó, phong trào xây dựng nề nếp gia đình văn hóa là nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ vừa tạo động lực phát triển kinh tế, vừa có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ, giáo dục con cháu “đạo làm người” phải gắn với lợi ích cộng đồng, xã hội để góp phần phát triển quê hương một cách nhân văn và sâu sắc” - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Phong Đinh Ngọc Trinh cho biết thêm.
Hiền Dương
Tag:
File đính kèm