HPĐT)- Sáng 26-6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Úc tổ chức hội thảo công bố Báo cáo dự báo kỹ năng ngành cảng tại Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028. Đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; các tổ chức, doanh nghiệp lĩnh vực logistics của Việt Nam và thành phố dự.
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường thông tin nhanh một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: Hải Phòng luôn nằm trong nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, duy trì đà tăng trưởng hai con số ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19. Trong đó hoạt động dịch vụ logistics tại Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng như đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường thông tin thêm: theo Sách trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam, dự báo, đến năm 2025 Hải Phòng sẽ cần khoảng 369 nghìn lao động ngành logistics, trong đó có 252.600 lao động qua đào tạo; con số này sẽ tăng lên 460 nghìn lao động vào năm 2030, trong đó có 368 nghìn lao động qua đào tạo. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics của Hải Phòng mới chỉ đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu thị trường. Thực tế đặt ra yêu cầu cấp bách về sự phối hợp, liên kết, đầu tư đối với công tác đào tạo giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan. Trên cơ sở đó, Hải Phòng chú trọng đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistics; phát triển đội ngũ kỹ sư, các nhà quản trị có khả năng ứng dụng công nghệ và phát triển các dịch vụ hiện đại như: ngân hàng, tài chính, logistics, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phân phối bán lẻ, tư vấn, dịch vụ phát triển kinh doanh... Hiện, thành phố đang tăng cường mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế về đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nhân lực khoa học và công nghệ biển; thực hiện đặt hàng đào tạo nhân lực trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế -kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng cấp độ quốc gia, quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu nghe các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cảng biển tập trung thông tin một số chủ đề quan trọng như: tổng quan xu hướng ngành; nhu cầu lao động; nhu cầu kỹ năng và thách thức đối với lực lượng lao động trong lĩnh vực cảng tại Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028... Qua đódự báo về sự thay đổi của công việc, kỹ năng nghề phục vụ sự phát triển của ngành, tạo cơ hội thúc đẩy kết nối nghề với doanh nghiệp nghề.
Tag:
File đính kèm