Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng.
Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có đồng chí Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trường Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố và đại diện lãnh đạo NHCSXH thành phố, các ban, ngành, đơn vị liên quan...
Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố chủ trì tại đầu cầu trực tuyến Hải Phòng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội; không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần “tất cả cùng phát triển” và “không ai bị bỏ lại phía sau”. Những kết quả đạt được sau hơn một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, TDCSXH đã trở thành một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và diện yếu thế trong xã hội.
Đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tham luận, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi, để nâng cao hiệu quả TDCSXH thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng về CSXH, TDCSXH; sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức và hoạt động của NHCSXH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Các bộ, ngành trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững. Các địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội…Đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như đối với hoạt động TDCSXH...
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH; cần thiết phải chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; phân tích các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời đề xuất quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp để đạt hiệu quả hơn. nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS trong tình hình mới… Đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về TDCSXH, NHCSXH trong tình hình mới.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và 3 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, TDCS góp phần giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong đời sống nhằm hỗ trợ hộ nghèo và các diện chính sách khác được vay vốn ưu đãi xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng nhà phòng, chống bão lụt, xây dựng công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh quy mô hộ gia đình, trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên... TDCSXH ngày càng phát huy tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế việc cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cải thiện đời sống, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế. Tính đến 31-7-2024, tổng dư nợ các chương trình TDCS trên cả nước đạt 350.822 tỷ đồng, tăng 221.365 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các diện chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,5%.
Tại Hải Phòng, hiện thành phố đang triển khai thực hiện 15 chương trình TDCS. Tổng doanh số cho vay đến nay đạt 16.754 tỷ đồng, với trên 967.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các diện chính sách khác được vay vốn. Đến 30-6-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.216 tỷ đồng, tăng 3.356 tỷ đồng (tương ứng 180%) so năm 2014…