Sign In

Cần giải pháp hữu hiệu hơn để ổn định kinh tế vĩ mô

15:36 24/10/2023
Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận ở Tổ với phần đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các vấn đề liên quan. Các ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế-xã hội vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận, kinh tế - xã hội năm 2023 là năm rất khó khăn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà cả ở trên thế giới. Tuy nhiên, so với bối cảnh kinh tế thế giới thì Việt Nam vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Trong khi lạm phát thế giới còn cao thì lạm phát của Việt Nam vẫn được kiềm chế trong giới hạn cho phép. Kết quả về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ khoảng 5% so với mục tiêu 6,5% nhưng so với nhiều nước trên thế giới và khu vực thì Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến thảo luận

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong năm 2023, tình trạng đình trệ, chậm tăng trưởng trong khu vực kinh tế, doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần được xem xét. Nguồn vốn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần như bị bão hòa. Nếu không có giải pháp kịp thời thì có thể nền kinh tế của nước ta vấn sẽ phát triển trì trệ vì Việt Nam đang chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới.

Dự báo 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi rõ. Những yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng thuận với các giải pháp của Chính phủ đã đề ra; đồng thời cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, thực hiện ngay giảm thuế VAT 2% bằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết ngay từ kỳ họp thứ 6 này. Ngoài ra, cần thực hiện giảm thuế, giảm tiền thuê đất; kịp thời có chính sách tài khóa đối với tiền tệ, điều hành ngân hàng, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ cao hơn.

Đối với chính sách tài chính, tài khóa, ngân sách, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tiếp tục giữ được ngân sách một cách ổn định. Ngoài ra, đầu tư công cần phải đến lúc thay đổi và cần chính sách mới như đặt hàng cho các tập đoàn kinh tế lớn để đẩy nhanh tốc độ như chính sách đặt hàng công nghiệp đường sắt...

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu ý kiến thảo luận

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để. Hơn 2 năm qua, ngành Y tế tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư để tháo gỡ. Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm có cuộc giám sát sau khi sửa đổi luật, nghị quyết, thông tư; Chính phủ có giải pháp đảm bảo kịp thời cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế để khám, chữa bệnh cho người dân... Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng băn khoăn về việc cải cách sách giáo khoa chưa đạt được yêu cầu. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại những băn khoăn đó có đúng không và đưa ra cách tháo gỡ như thế nào.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại Tổ

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thông qua thay đổi về thể chế, doanh nghiệp có thể thể tiếp cận với nguồn vốn vay một cách thuận lợi hơn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, bày tỏ sự lo lắng về nhiều dự án đầu tư bất động sản, công trình xây dựng còn đang dở dang là sự lãng phí lớn, đại biểu Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội cần có sự chỉ đạo bằng việc ra nghị quyết hay có chủ trương giải quyết kịp thời.

Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu thảo luận tại Tổ

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cảm ơn sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, khẳng định đây là những ý kiến đóng góp thiết thực, quý báu. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những nội dung đóng góp và các đề xuất để chuẩn bị cho phiên họp tại Hội trường lần tới một cách thuyết phục hơn.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến vào việc thực hiện đề tài khoa học, ngân sách dành cho đề tài khoa học công nghệ trọng điểm; vấn đề tự chủ ở các trường đại học; ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông; cải cách chính sách tiền lương; nhà ở cho người thu nhập thấp...

Phan Lâm - Linh Vũ

Tag:

File đính kèm