Quang cảnh hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cho thấy, năm 2023, Chương trình 04-Ctr/TU đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay có 25/33 chỉ tiêu hoàn thành và vượt Kế hoạch năm 2023 gồm: 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới (18/18 huyện, thị xã); 111 xã nông thôn mới nông thôn mới nâng cao, dự kiến đến hết năm 2023 lũy kế có 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (dự kiến hoàn thành vượt 17,3% so với chỉ tiêu của Chương trình đến năm 2025 là 156 xã); Dự kiến hết năm 2023, hoàn thành 48 xã nông thôn mới kiểu mẫu; nâng tổng số xã nông thôn mới kiểu mẫu là 68 xã; có 545 sản phẩm OCOP (Kế hoạch là 400 sản phẩm); công nhận 15 làng nghề, làng có nghề (chỉ tiêu 10 làng); 95% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải (chỉ tiêu 77%).
Các đồng chí lãnh đạo thành phố chủ trì hội nghị
Có 12 chỉ tiêu đạt và trong lộ trình kế hoạch gồm: Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Có 20% huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm: năm 2023 đạt 2,74%; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn: năm 2023 còn 0,06%, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo (kế hoạch đến năm 2025, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo); Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: năm 2023 đạt 90% (kế hoạch năm 2023 đạt 90% và đến năm 2025 đạt 100%)
Tổng kinh phí huy động vốn năm 2023 là 19.151,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố là 6.680,3 tỷ đồng, chiếm 34,9%; Ngân sách huyện: 9.811 tỷ đồng, chiếm 51,2%; Ngân sách xã: 902,5 tỷ đồng, chiếm 4,7%. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 1.757,8 tỷ đồng, chiếm 9,2%.
Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị
Như vậy qua 03 năm thực hiện tổng kinh phí huy động và từ các nguồn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt 84% (60.341/71.830 tỷ đồng) so với cả giai đoạn 05 năm 2021-2025.
Từ năm 2021 đến quý IV-2023, có 10 quận thuộc Thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 810,8 tỷ đồng. Trong đó Quận Tây Hồ đã bố trí hỗ trợ 7 huyện (Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Mỹ Đức) với tổng kinh phí là 270,8 tỷ đồng, quận Long Biên (278,7 tỷ đồng), quận Hoàng Mai (85 tỷ đồng), quận Hoàn Kiếm (65,7 tỷ đồng),...
Với những kết quả đạt và vượt kế hoạch được giao, Chương trình xây dựng nông thôn mới được đề cử bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô trong năm 2023.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các huyện đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các địa phương và những giải pháp cụ thể để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Sớm hoàn thiện tiêu chí về nước sạch nông thôn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai Chương trình số 04-CTr/TU.
“Những kết quả triển khai Chương trình số 04-CTr/TU đã góp phần giúp thành phố hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2023, trong đó 03 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: Giảm số hộ nghèo so với năm trước; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm; An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú trọng; Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới được tiếp tục đẩy mạnh” - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đánh giá.
Chỉ rõ một số hạn chế, nổi bật là việc thực hiện tiêu chí nước sạch nông thôn, vẫn còn hơn 100 xã người dân chưa được sử dụng nước sạch, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đánh giá, để chậm trễ vấn đề này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các sở, ngành liên quan; đồng thời yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc rút kinh nghiệm; có giải pháp, lộ trình triển khai đểhoàn thành sớm tiêu chí này.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ lưu ý, để hiện thực hoá mục tiêu: Năm 2024, thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có thêm ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, cần tập trung triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Về xây dựng nông thôn mới, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ lưỡng các chỉ tiêu và xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 06-12-2023 của HĐND Thành phố thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố; Tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kết luận hội nghị
Đối với các chỉ tiêu thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành thành phố, UBND các huyện, thị xã rà soát tập trung, nghiêm túc, bám sát yêu cầu tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV-2024.
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát đôn đốc các đơn vị, nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án cấp nước đã được UBND thành phố chấp thuận, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cấp nước được giao theo Kế hoạch, đặc biệt là các huyện đang phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao như: Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Oai và các xã phấn đấu nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phải hoàn thành trong năm 2024.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị các quận nội thành tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, chưa đạt chuẩn nông thôn mới.
Song hành với việc tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao đời sống nông dân. Trong đó cần tăng cường các chính sách, giải pháp hỗ trợ khuyến khích các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững, giảm các hình thức hỗ trợ trực tiếp. Cùng với đó, cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm... Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm occop để thànhphố có thêm những sản phẩm chất lượng, được bày bán tại các siêu thị hiện đại.
Liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tổng hợp, báo cáo đầy đủ các kiến nghị, phân loại các nhóm vấn đề, tham mưu giao các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố tập trung giải quyết theo đúng quy định.
Hoàng Lan - Hoàng Mai - Quang Thái