Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thăm quê hương Thanh Miện, năm 1976. (Ảnh TƯ LIỆU)
Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc
Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2/4/1904 trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Ðông, xã Ðoàn Lâm (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Ngay từ trẻ, Nguyễn Lương Bằng đã phải xa gia đình, lao động cực nhọc để kiếm sống và đã trải qua nhiều nghề: May, phụ bếp, công nhân tàu biển. Với truyền thống của quê hương, của gia đình, nhìn thấy những cảnh khổ của đồng bào mình hằng ngày, người thanh niên Nguyễn Lương Bằng từ bất bình mà sớm nhen nhóm tinh thần đấu tranh cứu dân, cứu nước.
Khi đang làm công nhân trên một tàu buôn của Pháp, năm 1925, Nguyễn Lương Bằng gặp đồng chí Hồ Tùng Mậu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi đó đang ở Quảng Châu (Trung Quốc). Từ đây, Nguyễn Lương Bằng xác định rõ con đường đấu tranh của mình. Tháng 7/1926, sau khi trở thành hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (mang bí danh Sao Ðỏ) tham gia khóa học thứ hai tại lớp huấn luyện cán bộ do Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu.
Là thủy thủ làm việc trên tuyến Hương Cảng-Hải Phòng, Nguyễn Lương Bằng được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức đầu mối liên lạc để chuyển sách báo, tài liệu cách mạng từ bên ngoài về trong nước. Người thủy thủ trẻ mang tên một loài chim biển trong truyền thuyết mạnh mẽ bay cao, bay khỏe, đã không phụ lòng tin của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí. Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đảm nhiệm tốt nhiệm vụ đưa tài liệu về Việt Nam, thiết lập thành công hệ thống giao thông liên lạc trong nước với nước ngoài trong những hoàn cảnh khó khăn, trước sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí đã gây dựng được cơ sở cách mạng trong số thủy thủ người Việt Nam yêu nước trên chín tàu buôn của Pháp chạy trên các tuyến Marseille-Hoành Tân (Yokohama, Nhật Bản) có điểm dừng tại Hải Phòng và tuyến Hải Phòng-Hương Cảng-Thượng Hải. Ðường dây liên lạc do Nguyễn Lương Bằng phụ trách đã bí mật chuyển được nhiều sách báo, tài liệu từ bên ngoài về nước, chuyển báo cáo từ trong nước gửi ra, đưa đón nhiều cán bộ đi qua được mạng lưới kiểm soát gắt gao của mật thám Pháp. Những tờ báo Thanh niên, L’Humanité, cả cuốn Ðường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc... đã theo đường dây bí mật này về tới các cơ sở cách mạng ở Hải Phòng rồi đưa đi nhiều nơi khác: Hà Nội, Nam Ðịnh, Vinh... Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng là một trong những người tiên phong trong công tác vận động công nhân, binh lính Việt Nam yêu nước ở nước ngoài, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Trong những ngày đầu năm 1930, cũng chính những cơ sở cách mạng trên tuyến liên lạc Hải Phòng- Hương Cảng đã đưa đón an toàn các đồng chí Trịnh Ðình Cửu và Nguyễn Ðức Cảnh đi dự Hội nghị hợp nhất, thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1931, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị bắt tại Thượng Hải, bị áp giải về nước rồi bị tòa án thực dân tại Hải Dương kết án phát lưu chung thân. Tháng 12/1932, từ nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), đồng chí vượt ngục thành công và tiếp tục tích cực hoạt động. Cuối năm 1933, đồng chí bị bắt lần thứ hai và tháng 5/1935, bị đày lên nhà ngục Sơn La. Ðồng chí là người tù cộng sản lâu năm nhất ở nhà ngục Sơn La (từ năm 1935 đến 1943) vì chính quyền thực dân coi đồng chí là thành phần nguy hiểm nên không trả tự do khi Mặt trận bình dân lên nắm quyền ở Pháp năm 1936. Trong số năm người tù chính trị bị giam ở đây từ trước năm 1940 chỉ có đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tù cộng sản, số còn lại là đảng viên Việt Nam quốc dân đảng. Ba trong số bốn người này đã được đồng chí giác ngộ và chuyển sang khuynh hướng cộng sản. Khi có thêm một số đồng chí lãnh đạo cốt cán khác bị đưa lên Sơn La như Trần Huy Liệu, Xuân Thủy, Tô Hiệu, Lê Thanh Nghị... đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nhanh chóng tổ chức thành lập chi bộ trong nhà tù để lãnh đạo anh em đấu tranh. Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng là Bí thư chi bộ lâm thời của nhà tù Sơn La năm 1940. Hai lần bị bắt, mang án khổ sai chung thân, hơn 10 năm bị tù đày, phải đương đầu với tra tấn, bệnh tật, sự hiểm nguy của hai lần vượt ngục... tất cả đều không khuất phục được người chiến sĩ trung kiên. Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nêu tấm gương sáng về ý chí kiên cường bất khuất, giữ trọn khí tiết cách mạng và luôn nêu cao tinh thần đấu tranh.
Năm 1943, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng các đồng chí Trần Ðăng Ninh, Nguyễn Văn Trân và Lưu Ðức Hiểu được chi bộ nhà tù tổ chức vượt ngục Sơn La thành công. Ðồng chí nhanh chóng bắt nhịp vào cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc đang dâng cao, được Trung ương Ðảng phân công phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận. Phong trào đang lên nhưng tình hình tài chính của Ðảng rất khó khăn. Quỹ Ðảng khi đó chỉ còn 24 đồng Ðông Dương. Hai tờ báo Cứu quốc (của Mặt trận Việt Minh) và Cờ giải phóng (của Ðảng) có lúc chỉ có một phiến đá để in, giấy, mực đều thiếu... Trong những tháng ngày khó khăn gian khổ thời kỳ tiền khởi nghĩa, là người quản lý quỹ của Ðảng, "Anh cả Sao Ðỏ" luôn đề cao kỷ luật tài chính, mọi chi tiêu đều hết sức tiết kiệm. Ðồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Nguyễn Lương Bằng mỗi lần họp, sau khi bàn những chuyện hệ trọng của phong trào đều có mục công việc là kiểm tra tài chính với nhau. "Một xu tiền đò, một trinh tiền nước cũng ghi vào mảnh giấy vê lại như con sâu kèn giấu trong người. Chi tiêu mọi khoản, thanh toán xong lại kiểm tra tiền mặt còn trong túi..." (1).
Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang (ngày 14-15/8), đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Ðảng. Ðại hội Quốc dân họp ở Tân Trào tiếp ngay sau đó (ngày 16-17/8) đã bầu đồng chí vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, lần lượt giữ các trọng trách: Trưởng ban Kinh tế-Tài chính Trung ương (1947-1951); Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam (1951-1952); Ðại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô (1952-1956); Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956-1960); Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Ðảng (1960-1969); Phó Chủ tịch nước (1969-1979). Ngày 20/7/1979, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ trần sau hơn 50 năm cống hiến hết sức mình cho cách mạng, cho dân tộc.
Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng
Ðược Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giác ngộ, giáo dục, là người gần gũi, thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, suốt đời phấn đấu, học tập và thực hành nêu gương đạo đức cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng là người kế thừa xuất sắc tư tưởng, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nói đi đôi với làm, đặt lợi ích của Ðảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết, luôn gương mẫu thực hành đạo đức "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" và có lối sống cần cù, giản dị, khiêm tốn.
Chính thực tiễn cách mạng đã rèn luyện bản lĩnh kiên cường Nguyễn Lương Bằng và hình thành phương pháp làm việc cũng như lối sống giản dị của đồng chí. Với phẩm chất, tài năng và uy tín của mình, đồng chí là người tiên phong trong tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ của cách mạng mà Ðảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy giao phó. Ðồng chí đã góp phần quan trọng trong những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.
Ðồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. "Tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt"(2).
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Link:https://nhandan.vn/nguoi-chien-si-cach-mang-kien-cuong-tan-tuy-va-liem-khiet-post802689.html
(1) Nguyễn Lương Bằng: Nhờ dân, nhờ Ðảng mà trưởng thành, Hữu Mai ghi - Hồi ký cách mạng - Tuyển chọn - Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995, tr 125, 126.
(2) Trích Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đọc tại lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Lương Bằng, ngày 23/7/1979, Báo Nhân Dân, ngày 24/7/1979.