Sign In

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nhằm củng cố niềm tin của nhân dân, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng

20:31 17/07/2024
Trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, là “tinh hoa của Đảng”, luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ này trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống luôn tạo ra ảnh hưởng chính trị lớn, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại lễ hội Đền Hùng _Ảnh: Tư liệu

Vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

Hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, theo cách hiểu phổ biến, bao gồm lãnh đạo các cơ quan của Đảng và Nhà nước; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, là các chức danh thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đội ngũ này có vị trí, vai trò then chốt, đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, điều hành các công việc chủ chốt, đề ra chủ trương, chính sách lãnh đạo có ảnh hưởng sâu rộng, quyết định đến sự phát triển của đất nước, dân tộc. Do vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược luôn có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác cán bộ, quyết định đến vận mệnh của Đảng và sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, cán bộ là gốc của mọi công việc. Trong đội ngũ cán bộ, cán bộ cấp chiến lược là gốc của cái gốc đó, là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quan trọng nhất trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức chính trị - xã hội. Cán bộ cấp chiến lược là người có đủ phẩm chất và năng lực để tham gia xây dựng và lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, nhiệm vụ ở tầm chiến lược. Do đó, cán bộ cấp chiến lược có vị thế, vai trò quan trọng đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo; duy trì, khẳng định uy tín, thanh danh của Đảng và qua đó, thể hiện một cách sinh động, cụ thể năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội; đồng thời, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Không phải ngẫu nhiên mà Đảng ta lại dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Sự quan tâm, chú trọng đặc biệt của Đảng đến đội ngũ cán bộ cấp chiến lược chính là vì đội ngũ cán bộ này, một mặt, là những người tham gia trực tiếp vào việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước ta; trực tiếp tổ chức ở tầm vĩ mô việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, sự tiên phong, gương mẫu của các cán bộ này trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống là tấm gương sáng, tạo ra ảnh hưởng chính trị lớn, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng, động viên tinh thần sâu rộng trong toàn Đảng, trong bộ máy nhà nước và toàn xã hội; qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Ở chiều ngược lại, nếu chỉ một vài người trong đội ngũ này vi phạm, dù vi phạm ở mức độ nào đi chăng nữa, thì cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, thanh danh của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và gây tác động tiêu cực, tạo ra sự hồ nghi nhất định đối với năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Vai trò của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược còn thể hiện ở chỗ: Cán bộ cấp chiến lược là người có năng lực phát hiện, lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài; lựa chọn, giới thiệu với cấp có thẩm quyền để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình. Cán bộ cấp chiến lược xác lập uy tín bằng hiệu quả công tác thực tiễn, bằng việc thực hiện nghiêm các quy định về thực hành dân chủ ở cơ sở, tiếp dân, đối thoại với nhân dân; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”, nắm bắt và giải quyết thỏa đáng, kịp thời tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nếu cán bộ cấp chiến lược có năng lực nổi bật trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng ở tầm vĩ mô, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, thì sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đồng thời, nếu đội ngũ này có năng lực dự báo tốt, có tầm nhìn xa, tư duy chiến lược và khả năng ứng phó nhạy bén trước các thách thức, diễn biến rất nhanh, khó lường của tình hình trong nước và thế giới, trên cơ sở bám sát và xuất phát từ thực tiễn; có năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng; kiên quyết khắc phục yếu kém, trì trệ, không né tránh trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện... thì sẽ góp phần củng cố, tăng cường năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Không chỉ thế, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược còn có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong tham gia phát triển, nâng tầm lý luận, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận, cung cấp luận cứ khoa học, lý luận nền tảng cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chiến lược phát triển quốc gia trong tầm nhìn dài hạn.

Nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “...[đội ngũ cán bộ cấp chiến lược] là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ. Thực tế cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là vào những thời điểm quyết định hoặc có tính bước ngoặt lịch sử, vận nước đặt tất cả vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”(1).

Để củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững uy tín, thanh danh của Đảng, phấn đấu và xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu cầu đặt ra là rất cao đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đòi hỏi họ có năng lực ở trình độ cao và đặc biệt, như tư duy chiến lược, nắm bắt cục diện chiến lược, tầm nhìn dài hạn và dự báo khoa học, nhạy bén trong nhận diện và nắm bắt thời cơ, có khả năng kiến tạo các giá trị mới và quy tụ, đoàn kết, truyền cảm hứng và tuyên truyền cho mọi người trong Đảng và ngoài xã hội hiểu rõ và thực hiện được các giá trị đó. Đồng thời, họ còn phải thực hiện trách nhiệm nêu gương, thường xuyên có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, “tự soi”, “tự sửa”, có khả năng vượt qua cám dỗ, cạm bẫy, mặt trái, tiêu cực xuất hiện trong điều kiện Đảng ta là một đảng duy nhất cầm quyền, đất nước ta đang đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Thực tế cũng chứng tỏ, khi người cán bộ cấp chiến lược nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, có được uy tín trong Đảng và trong nhân dân, được đồng chí, đồng bào quý trọng, yêu mến, thì đó là niềm hạnh phúc, tự hào rất to lớn của bản thân và của tổ chức đảng. Uy tín đó đến từ sự hết lòng, hết sức vì công việc, luôn luôn đặt lợi ích của tập thể, lợi ích chung lên trên hết, trước hết; không vụ lợi, chỉ thu vén lợi ích cho cá nhân, gia đình, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi riêng; gương mẫu trong mọi việc; luôn luôn đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; thật sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, dám vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực hành động vì lợi ích chung; không quan liêu, xa dân, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi, có hành vi vi phạm pháp luật.

Niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân - cội nguồn sức mạnh, “thước đo” uy tín, thanh danh của Đảng

Nhân dân dành cho Đảng niềm tin yêu, trước hết là bởi Đảng ta trong suốt quá trình đấu tranh, lãnh đạo của mình đã luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập cho dân tộc, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập trước đây, biết bao nhiêu đảng viên của Đảng đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân mà không quản ngại, sẵn sàng xả thân, hy sinh anh dũng trong mưa bom, bão đạn và giữ vững khí phách, niềm tin vào lý tưởng của Đảng, không đầu hàng trước bất kỳ ngón đòn tra tấn cực kỳ dã man, tàn bạo nào của kẻ thù, khiến cho đến kẻ thù hung ác cũng phải nể phục và khiếp sợ. Họ là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo lập nên uy tín và thanh danh của Đảng đối với các tầng lớp nhân dân. Như vậy, ngay từ khi mới ra đời, không phải tự nhiên mà Đảng có được uy tín, thanh danh, niềm tin to lớn của nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là bởi “Đảng ta là đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu”(2). Đồng thời, chính những tấm gương sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân đã có sức lay động, lan tỏa mạnh mẽ, tạo dựng uy tín, phẩm cách, danh dự và thanh danh của Đảng. Và nhờ có được uy tín, thanh danh to lớn ấy mà Đảng ta đã giành trọn sự tin tưởng, niềm tin yêu và đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân ngay trong những thời kỳ đấu tranh cách mạng đầy gian khó, hiểm nguy nhất. Cũng vì lẽ đó mà ngay từ khi mới ra đời, tuy còn non yếu, nhưng vì được nhân dân hết mực tin yêu, ra sức bảo vệ, đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng mà Đảng ta đã vượt qua những thời khắc sinh tử, ngày càng trưởng thành và phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay.

Sở dĩ Đảng ta có được uy tín, thanh danh và niềm tin yêu ấy của nhân dân ngay từ khi mới ra đời, còn là vì hình ảnh của Đảng luôn gắn liền với hình ảnh Bác Hồ - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; đồng thời, cũng bởi Người luôn có uy tín, ảnh hưởng và vai trò cá nhân to lớn đối với phong trào cách mạng trong nước và trên trường quốc tế. Người là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân, đã để lại muôn vàn tình cảm thân yêu cho các tầng lớp nhân dân và đã được nhân dân tin yêu, ngưỡng mộ, gửi gắm trọn vẹn tình cảm của trái tim mình.

Sinh thời, qua kinh nghiệm hoạt động, đấu tranh cách mạng vô cùng phong phú và gian khổ ở trong nước và quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhìn thấy rõ, thấu hiểu và thấu cảm sâu sắc sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, đúc rút các bài học có tính chân lý: “Nước lấy dân làm gốc”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Tư tưởng vì dân, trọng dân, tin dân, thân dân và thương dân ấy là tư tưởng lớn, chủ đạo, xuyên suốt và nhất quán trong toàn bộ cuộc đời, trong tình cảm và hoạt động của Người, kể từ khi bước chân ra đi tìm nước cứu nước cho đến tận những giây phút cuối cùng. Tư tưởng ấy được thể hiện kết tinh trong bản Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Chính niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Bác Hồ, các lãnh tụ tiền bối của Đảng và những đảng viên tiên phong, gương mẫu, đặc biệt là lớp lớp cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược tài giỏi, đức độ, đã tạo nên uy tín, sức mạnh vô cùng lớn lao của Đảng. Niềm tin sắt son ấy là cội nguồn sức mạnh to lớn và trường tồn của Đảng, đem lại những thắng lợi vẻ vang, những chiến công hiển hách trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cho đất nước ta trong thời kỳ đổi mới ngày nay. Chính vì vậy, những hy sinh, phấn đấu của đội ngũ đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam góp phần quan trọng nâng cao uy tín, thanh danh của Đảng trước nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Theo Người, muốn cho dân tin, cán bộ, đảng viên phải thanh khiết, thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đạo đức đó phải được hiện thực hóa bằng việc làm cụ thể, bằng tấm gương sống động. Thông qua những tấm gương đạo đức sống động thì nhân dân mới tin tưởng ở cán bộ, đảng viên; từ đó, nhân dân mới thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng theo Đảng, tạo ra sức mạnh làm nên những thành tựu to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Một khi nhân dân đã tin thì sẽ luôn ủng hộ Đảng, Chính phủ và đến lượt mình, sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân đã giúp cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được hiện thực hóa, tạo ra và khẳng định uy tín, vị thế, tiềm lực mới, sức mạnh mới của dân tộc ta trên trường quốc tế trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Niềm tin của nhân dân không chỉ là cội nguồn sức mạnh, mà còn là “thước đo” uy tín, thanh danh của Đảng trong hơn 94 năm qua. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào có được niềm tin yêu của nhân dân, sự ủng hộ của nhân dân thì Đảng mới thực sự vững mạnh, đất nước trường tồn, phát triển mạnh mẽ; còn khi nào niềm tin ấy suy giảm thì Đảng không thể vững mạnh và đất nước gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Vì vậy, toàn Đảng và mỗi đảng viên của Đảng, nhất là đội ngũ lãnh đạo cấp cao, cấp chiến lược, cần quán triệt thật sâu sắc về vị thế, vai trò, sức mạnh của nhân dân; có ý thức trách nhiệm cao trong công tác, thường xuyên trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, nguyện suốt đời phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân, chăm lo củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân; từ đó, mới tạo ra được sức mạnh nội lực tổng hợp, bền vững để lãnh đạo, phát triển đất nước đạt tới nhiều thành công hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi nhân dân khu vực dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau_Ảnh: TTXVN

Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, giữ gìn hình ảnh tốt đẹp để củng cố niềm tin của nhân dân và uy tín, thanh danh của Đảng

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người, tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên nói chung và của cán bộ lãnh đạo cấp cao nói riêng phải được quán triệt, thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để làm gương cho nhân dân noi theo. Đó là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Cán bộ giữ cương vị, trọng trách càng cao càng phải chăm lo giữ gìn hình ảnh tốt đẹp, thực hiện trách nhiệm nêu gương trong mọi công việc và cả trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, phẩm chất đó không thể tự nhiên mà có, mà phải do chính người cán bộ, đảng viên thường xuyên có ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không mệt mỏi và đầy gian nan, vì phải tự đấu tranh với chính bản thân mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”(4). Mặt khác, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu còn bởi vì, họ chính là những người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vì thế, phải luôn tâm niệm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, hăng hái dẫn dắt quần chúng trong phong trào cách mạng. Cán bộ, đảng viên có vai trò là người dẫn dắt quần chúng và vì thế, muốn quần chúng tin tưởng, làm theo thì bản thân phải là tấm gương sáng, phải “cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”(5).

Quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong Điều lệ Đảng, Đảng ta khẳng định: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”(6). Xuất phát từ vị thế, vai trò của mình, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược càng phải tự ý thức trước Đảng và dân tộc, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng với danh xưng “đảng viên” cao quý đó và có trách nhiệm nêu gương cho đảng viên trong toàn Đảng noi theo. Trước khi trở thành cán bộ cấp chiến lược, giữ những trọng trách, cương vị quan trọng trong Đảng, Nhà nước thì trước hết, họ luôn là đảng viên và phải thấm nhuần, quán triệt nội dung Điều lệ Đảng và hơn thế, càng phải có ý thức cao trong suy nghĩ và hành động, luôn phấn đấu vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng và vì hạnh phúc của nhân dân.

Uy tín, phẩm cách của mỗi đảng viên tạo nên uy tín, thanh danh của Đảng; do vậy, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải luôn trau dồi khả năng “tự phản tư” về trách nhiệm chính trị trước Đảng và nhân dân, thường xuyên có ý thức nâng cao nhận thức, rèn luyện, tu dưỡng để củng cố, giữ gìn hình ảnh của người đảng viên. Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng”(7). Uy tín và hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên phải xuất phát từ sự tận tụy, hết lòng, hết sức vì việc công, “dĩ công vi thượng”, không tơ hào, vun vén cho lợi ích bản thân và gia đình mình, thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, không quan liêu, xa cách và hống hách với dân, luôn khiêm nhường, giản dị trong cuộc sống, luôn tâm niệm “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý” cần gìn giữ suốt cuộc đời.

Thực tế cho thấy, cán bộ cấp chiến lược được giao trọng trách lớn, có chức, có quyền nên luôn bị tấn công bởi những “viên đạn bọc đường”, dễ bị mua chuộc bởi những cám dỗ mà đảng viên thường sẽ hiếm khi bị rơi vào tình trạng này. Sự tấn công, mua chuộc còn đến với cả gia đình, người thân của người cán bộ. Thực trạng này càng đòi hỏi người cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị vững vàng, nếu không rất dễ bị sa ngã, thậm chí vướng vào vòng lao lý, mà những vụ “đại án” vừa qua luôn là những hồi chuông cảnh tỉnh, có tính răn đe rất cao đối với đội ngũ cán bộ này. Những sai phạm không chỉ làm mất uy tín của bản thân người cán bộ cấp chiến lược, tổ chức đảng, mà rộng hơn, còn có thể gây ra hệ lụy khôn lường đối với Đảng và chế độ. Vì vậy, khi nhìn lại lịch sử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất. Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng, mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”(8).

Trong điều kiện hiện nay, cán bộ cấp chiến lược phải có trách nhiệm nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trên các mặt, lĩnh vực chủ yếu sau: 1- Tiên phong, nêu gương về tinh thần yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết; 2- Tiên phong, gương mẫu về giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; 3- Tiên phong về bản lĩnh, phẩm chất chính trị; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung; 4- Gương mẫu về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; 5- Tiên phong, gương mẫu về trình độ, năng lực, phong cách, tác phong công tác, trong quan hệ mật thiết với nhân dân; 6- Tiên phong trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; 7- Đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; 8- Tiên phong trong phát hiện, lựa chọn, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài cho Đảng và Nhà nước; 9- Đặc biệt là, phải tiên phong, gương mẫu trong giữ gìn danh dự, hình ảnh tốt đẹp, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, giữ gìn uy tín, thanh danh của Đảng.

Như vậy, trách nhiệm đặt “lên vai” đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là rất nặng nề; song, vinh quang và đóng góp cũng sẽ rất lớn, bởi lẽ, chỉ khi có được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ đức, đủ tài, Đảng ta mới phát triển vững mạnh và mới có đủ uy tín, năng lực lãnh đạo, cầm quyền, đủ sức đưa dân tộc ta phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng được kỳ vọng, niềm tin lớn lao của nhân dân đối với Đảng. Thông qua đó, Đảng còn nâng cao được năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, góp phần gìn giữ mối quan hệ hữu cơ, mật thiết, không thể tách rời giữa “ý Đảng với lòng Dân” - cội nguồn của sức mạnh Việt Nam trong suốt hơn 94 năm qua./.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử

Link:https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/941702/phat-huy-vai-tro-tien-phong%2C-guong-mau-cua-doi-ngu-can-bo-cap-chien-luoc-nham-cung-co-niem-tin-cua-nhan-dan%2C-giu-gin-uy-tin%2C-thanh-danh-cua-dang-%28ky-1%29.aspx#    

(1) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, số 1.034 (3-2024), tr. 4

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 447

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 284

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 55

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 306

(6) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 7

(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 183 - 184

(8) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”, Tạp chí Cộng sản, Tlđd, tr. 4

Tag:

File đính kèm