Sign In

Tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai các dự án trọng điểm của Thủ đô

13:44 28/05/2023
Triển khai Quy chế dân chủ trong các loại hình mới, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng đã góp phần quan trọng nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm thời gian, sức người sức của; tạo bước đột phá to lớn trong kiến thiết Thủ đô. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Thành uỷ viên, Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội đã có cuộc trao đổi về kết quả triển khai Quy chế dân chủ trong các loại hình mới và những công việc cần triển khai sau khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1-7-2023. 

- Thời gian qua, việc triển khai Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng của thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua thực tế kiểm tra tại cơ sở, xin đồng chí đánh giá đôi nét về những kết quả này? 

Thành phố Hà Nội luôn quan tâm việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ năm 2005, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đồng loạt triển khai xây dựng quy chế mẫu thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng; năm 2012, triển khai quy chế mẫu thực hiện dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Với những hiệu quả thu được, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tiếp tục nhân rộng việc triển khai Quy chế dân chủ trên nhiều lĩnh vực như: trong công tác thuế hộ kinh doanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn; trong khối chợ; các trường học ngoài công lập; trật tự xây dựng... Thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai ban hành các Quy chế dân chủ trong loại hình mới.

Thành uỷ viên, Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn 

Năm 2023, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố đã thành lập 3 đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại 15 đơn vị; bao gồm 6 quận, huyện, 9 xã. 

Qua kiểm tra có thể nhận thấy, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế dân chủ đối với loại hình mới.  

Trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc công khai để người dân trong diện thu hồi đất được biết, tham gia ý kiến, được giám sát, kiểm tra; đồng thời, quan tâm tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, tiếp dân, giải quyết kiến nghị của người dân trong diện thu hồi đất. Thời gian niêm yết công khai bảo đảm theo quy định. Nội dung, hình thức công khai đa dạng, chi tiết, dễ tiếp cận. 

Trong công tác quản lý trật tự xây dựng, các đơn vị đã thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các văn bản quy định của pháp luật, của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, UBND thành phố về trật tự xây dựng tại trụ sở UBND, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và thông báo trên hệ thống đài truyền thanh. Công tác giám sát, kiểm tra các công trình xây dựng được thực hiện thường xuyên.  

Từ thực tiễn triển khai có thể khẳng định, việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng là giải pháp quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Với sự vào cuộc tích cực của hệ thống dân vận thành phố, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án lớn, đặc biệt là dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã đạt được những kết quả tích cực nhờ triển khai có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này? 

Phải khẳng định rằng, giải phóng mặt bằng là một lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của người dân. Nhận thức sâu sắc thực tế đó, việc công khai dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng luôn được các địa phương quan tâm thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. 

Triển khai các dự án lớn của thành phố, công tác dân vận luôn được coi trọng. Hệ thống dân vậnđã vào cuộc ngay từ đầu và xuyên suốt quá trình triển khai dự án gắn với thực hiện tốt phương châmDân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Nhiều dự án đã được đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm thời gian, sức người sức của; tạo bước đột phá to lớn trong kiến thiết Thủ đô. 

Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên ký kết kế hoạch phối hợp triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Có thể kể đến việc huy động sức mạnh tập thể của toàn bộ hệ thống dân vận trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là một dự án trọng điểm quốc gia, với mục tiêu tạo vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Chỉ trong 8 tháng kể từ khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 13-9-2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các hộ dân liên quan đã chủ động bàn giao mặt bằng 471,77ha trên tổng số 796,76ha diện tích đất cần thu hồi, đạt tỷ lệ 59,43%; di chuyển 5.997trên tổng số 10.921 ngôi mộ, đạt tỷ lệ 54,91%. 

Đây có thể nói là một kết quả tích cực, không chỉ thể hiện sự vào cuộc của hệ thống chính trị toàn thành phố mà còn khẳng định giá trị của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố niềm tin của nhân dân vào những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Thực tế triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở cho thấy, vẫn còn một số tồn tại hạn chế, trong đó có việc một số cấp uỷ, chính quyền vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Do đó, chưa phát huy được phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đồng chí nhận định thế nào về vấn đề này?

 Việc một số cấp uỷ, chính quyền vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một tồn tại cần được khắc phục kịp thời. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị cần nghiêm túc nhìn lại, hiểu sâu, hiểu đúng phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Từ đó, phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong tham gia thảo luận những công việc của địa phương, đất nước. 

Khi bầu không khí dân chủ trong xã hội được mở rộng sẽ tạo ra khí thế phấn khởi, niềm tin trong mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, để Nhân dân thực sự được “thụ hưởng”. 

Bởi vậy, việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ luôn là nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu.

- Từ kết quả kiểm tra thực tế tại cơ sở thời gian qua, xin đồng chí định hướng một số nội dung căn bản mà các địa phương, đơn vị cần triển khai để làm tốt hơn nữa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện có hiệu quả Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2023?

Trước khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực, Ban Dân vận Thành uỷ đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức lớp tập huấn, quán triệt nội dung Luật với nhiều điểm mới, bổ sung so với Pháp lệnh số 34 năm 2007 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định số 04 năm 2015 và Nghị định số 145 năm 2020 của Chính phủ. 

Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ mở rộng phạm vi điều chỉnh so với các văn bản trên mà còn bổ sung một số nội dung về nguyên tắc thực hiện dân chủ; những nội dung, hình thức nhân dân bàn, quyết định và tham gia ý kiến… Vì vậy, để phát huy tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, cần tiếp tục quan tâm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình mới, đặc biệt là những lĩnh vực có nhiều ý kiến dân sinh bức xúc. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện đúng trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Đặc biệt, cần gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, của địa phương, cơ sở. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, tập trung giải quyết các vụ việc kéo dài. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Thành uỷ Hà Nội về giám sát, phản biện và tiếp xúc, đối thoại. 

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hoàng Lan - Hoàng Mai

Tag:

File đính kèm