Cô Nguyễn Thị Ngọc Huệ hướng dẫn các em làm thiệp chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (Thanhuytphcm.vn) - Cô Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền - một giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, mẫu mực; với 20 năm gắn bó với trường, cũng ngần ấy năm cô hết mình với công tác chăm sóc, dạy học sinh khuyết tật.
Năm 2003, tốt nghiệp Trung học Sư phạm Mầm non, cô nhận công tác tại Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền. Đến năm 2007, cô tiếp tục theo học cử nhân ngành Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TPHCM… Cũng ngần ấy năm, cô đã gắn bó với công tác chăm sóc, dạy học sinh khuyết tật.
Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền hiện đang tiếp nhận 104 học sinh ở nhiều lứa tuổi, bị các dạng khuyết tật hội chứng down, rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, bại não… Thấm thía nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ có con bị khuyết tật, cô Huệ đã luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp giáo dục hiệu quả và thiết thực nhất. Nhiều sáng kiến của cô đã giúp học sinh nói và viết tốt hơn, giúp các em rèn luyện kỹ năng tính toán, tiếp thu và nhận biết được nhiều điều.
Cụ thể như, các sáng kiến kinh nghiệm: “Một số biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm phát triển trí tuệ”; “Rèn thói quen vệ sinh cho trẻ có nhu cầu đặc biệt”; “Một số kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ và phòng chống dịch bệnh trong trường học”; “Một số biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên tại Trường chuyên biệt Thảo Điền”; “Quy trình xây dựng kế hoạch bài dạy tiếng Việt 1A theo chương trình khung cho học sinh khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học”; “Xây dựng chương trình chi tiết và quy trình thiết kế bài dạy môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1 theo chương trình khung cho học sinh khuyết tật trí tuệ cấp tiểu học”… đã được các cấp, các ngành công nhận và lan tỏa rộng rãi, phát huy hiệu quả trong thực tế.
Trưởng thành từ vị trí giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn rồi được nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng, cô Huệ đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cập nhật chương trình học phù hợp với các em ở từng độ tuổi, từng trường hợp. Chăm sóc, giáo dục học sinh bình thường vốn đã vất vả, đối với học sinh khuyết tật, nỗi gian nan dường như tăng lên gấp bội, càng đòi hỏi các thầy cô giáo phải thực sự tâm huyết và yêu trẻ mới có thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Không chỉ thành thạo kỹ năng chuyên môn, các thầy cô còn phải kiên nhẫn, dùng chính tình cảm yêu thương của mình để thấu hiểu, cảm hóa hành vi của các em. “Làm giáo viên của trường chuyên biệt, các thầy cô còn phải làm quen với những căng thẳng. Thậm chí, có khi trò xông vào đánh hay cắn, cũng phải chịu đựng và đó cũng là chuyện thường” - cô Huệ tâm sự.
“Sự kiên trì, tình yêu thương sẽ xoa dịu những khiếm khuyết của các em, là điểm tựa để các em vươn lên, hòa nhập cộng đồng” - Đó là tâm niệm và cũng là niềm tin của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Huệ khi nhắc đến những học sinh đặc biệt của mình, những bạn nhỏ không may bị khuyết tật. Và hạnh phúc của người giáo viên dạy trẻ khuyết tật đôi khi chỉ là những câu nói tròn vành rõ chữ của học trò hoặc chỉ đơn giản là tiếng gọi “Cô ơi!”.
Xác định chỉ có yêu thương mới giúp được những học sinh đặc biệt hòa nhập với cuộc sống bình thường, do đó ngay khi nhận học sinh vào học, nhà trường đã giúp đỡ các phụ huynh biết chấp nhận thực tế của con mình, từ đó hỗ trợ, trợ giúp con. Là cán bộ quản lý phụ trách chuyên môn khối Tiểu học và phong trào học sinh trong nhà trường, cô luôn tìm tòi, đổi mới hoạt động, phương thức huấn luyện để các phong trào văn nghệ, hội thao của học sinh đạt kết quả tốt nhất, đem bề dày thành tích đáng nể về cho nhà trường. Tính từ năm học 2014 - 2015 đến nay, nhà trường đã đạt 16 Huy chương vàng, 13 Huy chương bạc, 27 Huy chương đồng ở môn Bocce và nhiều giải cao ở các nội dung: đá bóng, bơi lội, kéo co, diễn văn nghệ…
Đặc biệt, cô Huệ thường xuyên lãnh, chỉ đạo các thầy cô tổ chức nhiều hoạt động vui chơi ngoại khóa, các chương trình sinh nhật tập thể, giao lưu với các hội nhóm… nhằm giúp các em tự tin, hòa nhập với cộng đồng. Song song đó, cô còn chỉ đạo tốt việc xây dựng, thực hiện kế hoạch năm học của các tổ chuyên môn, giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường, cũng như tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn. Từ đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, cô luôn yêu cầu giáo viên cần quan tâm những biểu hiện về hành vi, thái độ, khả năng nhận thức của học sinh để có cách giáo dục và đánh giá kết quả học tập phù hợp.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Huệ (thứ 3 từ phải sang) nhận khen thưởng giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. (Ảnh: Ng. Nam) Với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của cô và tập thể, Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền đã đạt tập thể Lao động xuất sắc 9 năm học liền (từ năm học 2013 - 2014 đến nay), Bằng khen Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2017 - 2018, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm học 2021 - 2022… Cá nhân cô là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục (2018 - 2022); chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền (từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2015 - 2016), vinh dự nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý do các cấp, các ngành trao tặng và gần đây nhất, cô vinh dự là 1 trong 7 bông hoa (thầy, cô giáo) được UBND TPHCM trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.
Cô Hoàng Thị Thu Hường, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền cho biết: Dạy học sinh khuyết tật là một nhiệm vụ khó khăn. Mỗi em có một khuyết tật khác nhau, tâm sinh lý khác nhau cho nên thầy cô rất vất vả. Cô Nguyễn Thị Ngọc Huệ là một giáo viên tâm huyết với nghề, gắn bó với trường từ những ngày đầu mới thành lập. Dù ở cương vị công tác nào, cô cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp quý mến. Cô Huệ đã không ngừng nỗ lực đưa những học trò khuyết tật hòa mình với cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội…”.