Sign In

Tự hào truyền thống đấu tranh vẻ vang của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM

15:46 14/02/2024

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu tại Khu lịch sử Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (huyện Củ Chi). Ảnh: N. Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, việc xây dựng các căn cứ địa cách mạng có tầm quan trọng đặc biệt. Qua những ghi chép, nghiên cứu lịch sử cho thấy một điều rất thú vị, đó là các căn cứ cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được ra đời rất sớm. Sau khi giặc Pháp phá vỡ vòng vây của quân ta ở Sài Gòn, quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trụ lại xây dựng chiến khu để tổ chức kháng chiến. Vì vậy, ngay trong thời gian Đông - Xuân 1945 - 1946, một loạt căn cứ địa lần lượt ra đời ở An Phú Đông, Vườn Thơm, Rừng Sác…

Khác với các căn cứ kháng chiến được xây dựng tại các vùng giải phóng rộng lớn như U Minh, Đồng Tháp Mười, Chiến khu D, căn cứ Trung ương Cục tại Tây Ninh... căn cứ kháng chiến trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mang những đặc trưng riêng, phù hợp với cuộc đấu tranh tại đô thị. Đó là các căn cứ cắm sâu trong lòng địch; là hậu phương nhưng đồng thời cũng là trận tuyến, nơi các chiến sĩ cách mạng sống và chiến đấu ngay tại trung tâm đầu não, hang ổ của quân thù. Đặc biệt, căn cứ Củ Chi nổi tiếng với hệ thống địa đạo trong lòng đất đã trở thành một trong những công trình đánh giặc sáng tạo, độc đáo của quân và dân ta, là một trong những biểu tượng sáng ngời về ý chí kiên cường, bất khuất và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...

Quá trình xây dựng, củng cố căn cứ trong và ngoài thành phố là quá trình vừa chiến đấu vừa xây dựng, kết hợp chặt chẽ chính trị với quân sự, dựa vào lực lượng vũ trang ba thứ quân và lực lượng toàn dân; đó cũng là quá trình hoàn thiện thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, đồng thời xây dựng chế độ mới ở những vùng do ta làm chủ. Chiến tranh cách mạng và chiến tranh nhân dân là chiến tranh không chiến tuyến; dựa vào lòng dân, dựa vào sức dân, vào các cơ sở cách mạng ban đầu, ta đã phát triển chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch, xây dựng các vùng lõm, các căn cứ bàn đạp, căn cứ du kích ở ven đô, vùng nông thôn trung tuyến... Đó là những cái “chốt” của kháng chiến, của cách mạng, là nơi dừng chân của du kích, của cán bộ hoạt động bí mật trong lòng địch, là nơi ém quân hoặc là cơ sở hậu cần, bảo đảm cho lực lượng đặc công, biệt động và có lúc cả bộ đội chủ lực đánh địch ngay trong hang ổ của chúng. Đó cũng là chỗ dựa để cách mạng lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền, bảo vệ cơ sở kinh tế, văn hóa, các công trình phục vụ công cộng khi đại quân vào giải phóng hoặc tiếp quản thành phố. 

Có thể nói, lịch sử xây dựng hệ thống hàng trăm căn cứ, bàn đạp giao liên là lịch sử của cuộc trường chinh gian khổ, lao động quên mình, chiến đấu hy sinh oanh liệt; mưu trí dũng cảm giữ vững mạch máu giao thông, phục vụ chỉ đạo xuyên suốt, an toàn trên khắp các địa bàn trong những điều kiện muôn vàn khó khăn. Dù tính chất địa hình xa gần đô thị khác nhau, cách sống và sinh hoạt của nhân dân mỗi nơi có sự khác biệt, các hình thức đánh phá, chốt chặn của địch cũng khác nhau nhưng lúc nào các căn cứ cũng thích nghi với mọi hoàn cảnh, làm tốt nhiệm vụ phục vụ cho chiến trường đô thị… Tinh thần đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau đối với những người sống ở căn cứ cách mạng được thể hiện qua công tác chiến đấu, lao động sản xuất, giáo dục rèn luyện tư tưởng tình cảm, đạo đức cách mạng và lối sống tác phong vì đồng đội, vì nhân dân, vì cách mạng, vì con người. Cán bộ gắn bó với căn cứ, đã năng động sáng tạo, gan góc, vận dụng phương châm bí mật - công khai, hợp pháp, nhạy bén giữa hai vùng căn cứ và đô thị, mưu trí vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Ở căn cứ phải có khả năng thích ứng, hòa mình với cách sống, cách sinh hoạt của đồng bào, đồng chí tại chỗ, đảm bảo an ninh cho căn cứ và cơ sở, cùng ăn ở, cùng lao động, cùng chiến đấu chống địch. Các trạm, các căn cứ nhỏ ở khắp nơi, kết nối với căn cứ chính làm thành hệ thống căn cứ cách mạng. Đội ngũ giao liên đã khôn khéo mưu trí tổ chức đưa hàng ngàn lượt khách vào ra an toàn dưới con mắt cú vọ rình mò của công an, mật vụ địch.

Nhờ vào những căn cứ vững chắc như thành đồng mà Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn - Gia Định đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian nguy, hiểm trở, kiên cường kháng chiến liên tiếp giành được chiến công vang dội, góp phần to lớn vào những thắng lợi quan trọng của cách mạng Việt Nam, đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ba mươi năm kháng chiến vẻ vang, Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn - Gia Định đã hoàn thành nhiệm vụ đi trước về sau, các căn cứ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vai trò lịch sử của mình trong suốt kháng chiến trường kỳ. Cùng quân dân cả nước lần lượt đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, vượt lên những khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TPHCM đã luôn phát huy tốt bài học gần dân, hiểu dân, trọng dân, chăm lo cho Nhân dân; bám sát thực tiễn, vận dụng các bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ kháng chiến; chủ động sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; vì sự phát triển của thành phố.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM. Ảnh: N. Nam Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM. Ảnh: N. Nam

Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng mỗi lần ôn lại lịch sử là mỗi lần chúng ta khắc sâu thêm truyền thống đoàn kết, sắt son thủy chung, qua đó giúp cho thế hệ trẻ hôm nay thấu hiểu sâu sắc hơn về lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam là những trang sử được tô thắm bằng máu của các chiến sĩ cách mạng, gắn liền với những năm tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất, hy sinh anh dũng của Nhân dân Việt Nam đánh đuổi quân xâm lược, giành chính quyền, thống nhất đất nước, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn để có được cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Truyền thống vẻ vang của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản vô giá, là sức mạnh tinh thần, là nguồn động lực to lớn để Đảng bộ và Nhân dân TPHCM phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Các thế hệ nhân dân TPHCM hôm nay luôn tự hào và mãi mãi biết ơn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của những người con ưu tú từ mọi miền đất nước đã hy sinh xương máu và để lại một phần thân thể nơi mảnh đất này, trong mỗi chiến công của vùng đất này đều có máu xương, công sức, trí tuệ của chiến sĩ và đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, góp phần viết nên thiên anh hùng ca bất tử của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM.

Phát huy truyền thống vẻ vang ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và xây dựng TPHCM ngày càng phát triển để tiếp tục khẳng định vị trí và vai trò của TPHCM là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị TPHCM đang phát huy thật tốt truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, sự tin tưởng của Nhân dân thành phố; ra sức cố gắng, tiếp tục nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, tìm cách tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo đà cho nền kinh tế thành phố từng bước phát triển bền vững và tự hào xứng danh là Thành phố Anh hùng, thành phố duy nhất được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - thành phố mang trên mình trọng trách của một địa phương lớn, luôn năng động, sáng tạo, luôn hết sức, hết lòng “vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc Nhân dân”.

Hồng Ánh

Tag:

File đính kèm